Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Ba, 12/11/2019, 14:50

Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Người Cộng Sản Kiên Trung

Đồng chí Hoàng Văn Thụ, sinh ngày 4-11-1909, trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Từ nhỏ cậu bé Hoàng Văn Thụ đã được cha dạy chữ Nho và chữ quốc ngữ. Vốn thông minh, nhanh nhẹn nên cậu học bài rất nhanh, luôn được thầy yêu, trò mếm. Sau khi rời trường làng, ông theo học trường “Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn” tại thị xã Lạng Sơn. Ở đây ông được học về “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” theo văn hóa của người Pháp. Từ đó, ông suy ngẫm rất nhiều về tương lai độc lập, tự do của dân tộc và mong muốn tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức, bóc lột, nô lệ của thực dân Pháp.

Với truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương và với lòng yêu nước nồng nàn, ông tham gia, vận động nhiều thanh niên yêu nước cùng tham gia phong trào đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang chí sĩ Phan Chu Trinh. Năm 1926, ông cùng Lương Văn Tri thành lập nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn. Cuối năm 1927, ông cùng Lương Văn Tri sang Quảng Tây (Trung Quốc) – Nơi Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đang tổ chức các lớp huấn luyện chính trị. Khi ông vừa đến Quảng Tây, bị đặc vụ vây bắt. Ông chạy thoát về Long Châu, làm rất nhiều công việc để kiếm sống và hoạt động cách mạng.

Năm 1930, ông làm việc tại xưởng cơ khí Nam Hưng – là tổ chức cách mạng do người Việt lập ra, vừa là cơ sở liên lạc, nơi hội họp tổ chức cách mạng, vừa là cơ sở hoạt động kinh tế để lấy kinh phí hoạt động cách mạng. Tại đây, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng gồm ba người: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Vĩnh Tuy và Hoàng Đình Giong được thành lập, đồng chí Giong làm Bí thư. Đồng chí Thụ được cử về Long Châu gây dựng cơ sở ở Lũng Nghìu làm nơi liên lạc với những người cách mạng Việt Nam. Năm 1930, ông đã gây dựng được 3 tổ quần chúng tại các xóm Ma Mèo, Tà Lài; tới năm 1931, mở rộng ra rất nhiều địa phương khác như: Na Sầm, Đồng Đăng, Kỳ Lừa,...; tới năm 1932 mở rộng tới xã Nhân Lý quê hương của ông. Khi vận động được người nào, ông tập hợp mọi người tại hang Áng Cúm để huấn luyện rồi giao nhiệm vụ trở về phát triển tổ chức trong nước.

Năm 1932, sau khi bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong và được học về chủ Nghĩa Mác – Lê Nin, ông làm trợ bút cho tờ báo Châu Giang. Đây là vốn kinh nghiệm quý báu để ông làm chủ biên tờ báo Tranh đấu ở miềm thượng du sau này.

Cuối năm 1934, đồng chí Thụ cùng các đảng viên trong Ban Liên tỉnh ủy lâm thời họp và để cử đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1935, đồng chí được cử về nước hoạt động cách mạng.

Thời kỳ 1936-1939, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, sau một thời gian sang Trung Quốc để in văn kiện Đại hội Đảng gửi về nước, tháng 2-1937, đồng chí Thụ về Cao Bằng lãnh  đạo phong trào bình dân và viết báo Lao động. Sau đó, vì bị người Pháp theo dõi gắt gao, đồng chí trốn sang Hương Cảng, Trung Quốc.

Giữa năm 1938, đồng chí về gặp Xứ ủy Bắc kỳ tại Hà Nội để truyền đạt chủ chương thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít ở Đông Dương. Đồng chí được bầu vào Ban thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, cùng với đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt, Bí thư Liên xứ ủy Bắc – Trung kỳ giai đoạn này là đồng chí Hoàng Văn Nọn. Sau đó, đồng chí được cử ra Hòn Gai, Uông Bí để củng cố cơ sở Đảng.

Đầu năm 1939, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Bị Pháp theo dõi, khủng bố ráo riết, đồng chí cải trang, di chuyển và ở nhờ trong nhiều nhà người tham gia cách mạng. Nhiều người biết đến đồng chí với tên gọi thân thương, trìu mến: anh Lý, đồng chí Bảy,... Ngoài công việc ở Xứ ủy, đồng chí còn được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách Thành ủy Hà Nội. Do bị nội phản, Thành ủy liên tục bị phá. Từ năm 1939 đến 1943, đồng chí đã hơn 10 lần khôi phục lại Thành ủy Hà Nội. Công việc tuy quá gian nan, vất vả nhưng đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao phó.

Được Đảng Tháng 11-1940, tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 7, đồng chí Thụ cùng Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt được bầu là Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh là quyền Tổng bí thư.

Đầu năm 1941, đồng chí được cử sang Tĩnh Tây, dự Đại hội đoàn thể cách mạng Việt Nam để bàn việc thống nhất các lực lượng cách mạng trong và ngoài nước. Đồng chí đã gặp Nguyễn Ái Quốc và nhận trách nhiệm cùng tình uỷ Cao Bằng đón Nguyễn Ái Quốc về nước, nhưng chuyến đi đó chưa đón được. Tháng 4-1941, Nguyễn Ái Quốc từ Vân Nam qua Quảng Tây về Cao Bằng, ở tại hang Pắc Pó.

Tại Pắc Bó, tháng 5 năm 1941, ông cùng đoàn đại biểu Xứ ủy Bác kỳ dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và được cử vào Ban thường vụ Trung ương Đảng. Đại hội thành lập Việt Nam Cách mạng đồng minh (Việt Minh) đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ vào Lâm thời Tổng bộ Việt Minh. Ông được phân công là Thường vụ Trung ương phụ trách Binh vận (vận động binh lính địch và nhân dân tham gia cách mạng).

Ngày 25-8-1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị cảnh sát, mật thám Pháp vây bắt ở khu Tám Mái, phố Kim Mã (nay là khu vực nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội). Biết đồng chí là cán bộ cấp cao, chúng hí hửng những tưởng sẽ moi được nhiều thông tin mật cấp nhà nước. Chúng đưa đồng chí Thụ về giam tại Nhà tù Hỏa Lò và canh gác rất cẩn thận. Nhiều ngày giam cầm, thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn hòng gây áp lực khiến đồng chí Thụ khai ra những bí mật quốc gia, chỉ điểm căn cứ cách mạng. Chúng dụ dỗ ngon ngọt, mua chuộc, hứa hẹn về chức quyền, tiền bạc, hòng làm lung lạc tinh thần của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Nhưng không. Chúng đã nhầm, trăm ngàn đồng bạc và một chức quan lớn không bằng tấm lòng kiên trung với Tổ quốc của đồng chí. Ngàn lời nịnh bợ dối trá không lay chuyển nổi ý chí sắt đá của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Biết ngon ngọt không làm lung lay ý chí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Hoàng Văn Thụ, bọn tay sai đã dùng đòn roi, gông cùm tra tấn hết sức dã man đồng chí. Chúng đánh đồng chí trong xà lim, đánh trên gác, đánh trong hầm đá; chúng đánh ngày, đánh đêm; một hòm điện không đủ, chúng dùng hai hòm điện; chán đòn điện, đòn bộ, chúng lại dùng đòn nước,… nhưng kẻ thù vẫn không moi được ở đồng chí Hoàng Văn Thụ một bí mật nào của cách mạng. Câu trả lời của đồng chí bình tĩnh đến lạ kỳ: “Tôi thoát ly gia đình từ năm 17 tuổi, sang Trung Quốc làm thợ rồi làm cách mạng. Lức trở về làm việc tuyên truyền cách mạng. Không ở nhà ai cả. Chỉ ở một chiếc thuyền, liên lạc với anh em cũng ở thuyền” (Trích trong “Hoàng Văn Thụ: Tiểu sử” của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2015). Tức giận, phẫn nội, thực dân Pháp ghép tội tử hình đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Trong nhà lao thực dân Pháp, đồng chí truyền thụ nhiều lý luận cách mạng và nêu cao tinh thần bất khuất cho các đồng đội trong ngục. Đồng chí  mở cuộc tranh luận với các thủ lĩnh Đảng Đại Việt làm họ thấy chủ trương đúng đắn của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp - Nhật do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Đồng chí tranh thủ cảm hóa các giám ngục, binh lính trông tù và được rất nhiều người tù kính trọng. Ðồng chí đã thực hiện xuất sắc chủ trương của Ðảng “biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản”.

Sáng ngày 24 tháng 5 năm 1944, thực dân Pháp mang đồng chí ra xử bắn. Đồng chí ung dung ra pháp trường Tương Mai. Khi giám thị hỏi đồng chí có cần bịt mắt hay không, đồng chí trả lời: “Không cần”. Quan toà hỏi đồng chí có cần nói lời cuối cùng, đồng chí nói: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử, giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Cha cố hỏi đồng chí có cần rửa tội hay không, đồng chí đáp: “Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước là có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát xít Đức bên nước ông đều là có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không?”. Năm đó người chiến sĩ cộng sản kiên trung Hoàng Văn Thụ mới 38 tuổi xuân sanh.

Trước khi bị địch bắn, Hoàng Văn Thụ đã viết một bài thơ nhắn gửi các đồng chí và nhắn gửi bà Hoàng Ngân – người vợ đã đính ước đang bị giam ở sà lim bên cạnh. Đó là bài thơ “Nhắn bạn”:

Việc nước xưa nay có bại thành

Miễn sao giữ được trọn thanh danh

Phục thù, chí lớn không hề nản

Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm,

Chí còn theo dõi buổi tung hoành.

Hỡi bạn gần xa hăng chiến đấu,

Truớc sau xin giữ tấm lòng thành!

Cả cuộc đời chiến đấu của đồng chí Hoàng Văn Thụ không dài nhưng rất nhiều ý nghĩa. Trên bảng ghi công Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 có tên đồng chí Hoàng Văn Thụ. Các thế hệ Việt Nam luôn ghi nhớ tấm gương hy sinh và cuộc đời chiến đấu của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước những cống hiến lớn lao ấy, đồng chí Hoàng Văn Thụ được truy tặng danh hiệu Anh hùng, liệt sĩ. Phần mộ của đồng chí được xây cất đẹp đẽ tại nghĩa trang Mai Dịch. Người dân xã Nhân Lý, quê hương ông tự hào đổi sang tên là xã Hoàng Văn Thụ để con cháu đời đời tưởng nhớ đến những cống hiến lớn lao của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, giải phóng quê hương đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ (4-11-1909 – 4-11-2019), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu cùng bạn đọc về tiểu sử, sự nghiệp đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng, bất khuất của đồng chí Thụ. Qua đó, phần nào giúp thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên có cơ hội hiểu sâu hơn về những nhân vật lịch sử, các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Chúng ta, những mầm xanh của đất nước, hãy cùng cố gắng học tập, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, hăng say lao động, sản xuất, cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại, có thể xứng tầm với các nước trên thế giới như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu./.

 

Đào Thanh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 693 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày