Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Năm, 21/05/2020, 15:45

KỶ NIỆM 145 NĂM NGÀY MẤT THỦ KHOA HUÂN - NHÀ YÊU NƯỚC BA LẦN KHỞI NGHĨA CHỐNG PHÁP

Đất Việt đã sản sinh ra bao nhiêu người con yêu nước từ thời kỳ đầu dựng nước có bà Trưng bà Triệu cho đến thời Lý, Trần, Lê, Đinh… trải dài từ Nam chí Bắc, biết bao anh hùng đã ngã xuống cho bình yên tổ quốc trong đó không thể không kể đến một người con vùng đất Nam bộ thời kỳ chống Pháp mà công lao của ông đã được sử sách khắc ghi và tên ông trở thành tên đường và những ngôi trường nổi tiếng đó là Nguyễn Hữu Huân hay còn gọi là Thủ khoa Huân. Kể từ ngày 17 tháng 2 năm 1859, quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định. Chỉ trong vòng 8 năm, bằng những thủ đoạn chính trị, quân sự, Pháp đã xâm chiếm toàn bộ 6 tỉnh miền Nam. Trước sự nhu nhược, chủ trương cầu hòa với Pháp của triều đình Tự Đức, nhiều sĩ phu yêu nước ở miền Nam đã tập hợp dân chúng khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1859 đến năm 1875, nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã nổ ra. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Hữu Huân…

Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1816 tại làng Mỹ Tịnh An, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường; nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Thuở nhỏ ông thông minh và học giỏi. Tương truyền, năm Nhâm Tý (1852) dưới triều Tự Đức, ông dự thi Hương và đỗ đầu, nên được gọi là Thủ Khoa Huân. Sau đó, ông được bổ nhiệm và dần trải đến chức Giáo thụ phủ Kiến An. Khi quân Pháp xâm lược ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (trong đó có tỉnh Định Tường quê ông), cũng giống như nhiều nhà nho yêu nước khác, ông đã cầm vũ khí đứng lên chống Pháp vào tháng 5-1859, và được cử giữ chức Phó quản đạo. Năm 1861, ông cùng nghĩa quân hoạt động trên địa bàn từ Tân An đến Mỹ Tho. Khoảng tháng 6 năm 1862, Nguyễn Hữu Huân đem nghĩa quân gia nhập lực lượng Trương Định. Ngày 5-2-1863, quân Pháp tấn công vào căn cứ Tân Hòa (Gò Công). Căn cứ thất thủ, Trương Định kéo quân về vùng Lý Nhơn (nay thuộc huyện Duyên Hải, thành phố Hồ Chí Minh). Khi ấy, Nguyễn Hữu Huân về khởi nghĩa ở Bình Cách (Tân An), trực tiếp lãnh đạo lực lượng nghĩa quân ở Định Tường. Quân Pháp tấn công Bình Cách, Nguyễn Hữu Huân phải rút quân về Thuộc Nhiêu (nay thuộc Cai Lậy, Tiền Giang) đây là khởi nghĩa đầu tiên của ông.

Tháng 6-1863, lúc ban đêm Pháp bất ngờ đem quân càn quét căn cứ Thuộc Nhiêu. Đến cuối năm đó, thì ông rút quân đến An Giang gặp Võ Duy Dương (còn gọi là Thiên Hộ Dương). Đầu năm sau (1864), ông cùng thủ lĩnh Dương chiêu mộ nghĩa binh để khởi nghĩa lần thứ hai. Nguyễn Hữu Huân cho chuyển quân về vùng Thất Sơn, An Giang tiếp tục chiến đấu. Bộ chỉ huy quân đội Pháp rất lo ngại nên gửi tối hậu thư, buộc Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thận phải giao nộp Thủ Khoa Huân cho họ làm tội, viện lẽ ông này không tuân theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Giáo sư Nguyễn Văn Hầu ghi lại: Sau khi Đô đốc Nam Kỳ là De la Grandière biết tin Thủ Khoa Huân lẩn trốn ở Thất Sơn, viên sĩ quan Pháp này buộc Tổng đốc An Giang phải bắt ông Huân giao cho họ làm tội. Tổng đốc An Giang không thuận. Tức thời, Doudart de Lagrée được lệnh đem 500 quân cùng đại bác từ Oudong (Campuchia) xuống huy hiếp thành An Giang. Trước áp lực đó, Tổng đốc An Giang đành nhượng bộ.

Nghe tin ông bị bắt, vợ là Lê Thị Lộc đã đến  An Giang đề đưa đơn xin tha cho chồng nhưng không kịp. Bị giải đến Sài Gòn, mặc dù thực dân Pháp đem mọi thứ ra dụ hàng nhưng Thủ Khoa Huân vẫn kiên quyết chối từ. Cuối cùng vào ngày 22 tháng 8 năm 1864, ông bị kết án 10 năm tù khổ sai và bị đày đi Cayenne, là một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. Sau nửa thập kỷ bị giam cầm, ngày 4-2-1869, Pháp cho lệnh ân xá và đưa ông về quản thúc tại nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, đồng thời cử ông làm giáo thọ dạy bảo cho các “sinh đồ” ở Chợ Lớn với hy vọng lôi kéo ông về phía họ.

Vào năm 1872, lợi dụng điều kiện đi dạy học, Nguyễn Hữu Huân liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín Hoa kiều Trường Phát, nhờ mua vũ khí để chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa lần thứ ba. Trong khi cuộc khởi nghĩa đang được chuẩn bị khẩn trương, nhờ do thám nên Pháp bắt được thuyền chở vũ khí. Trước tình hình bất lợi đó, ông ra lệnh giải tán, bí mật trốn khỏi nhà Tổng đốc Phương tìm đường về lại Mỹ Tho họp cùng Âu Dương Lân khởi nghĩa. Lần này dân chúng theo Nguyễn Hữu Huân rất đông, trong số đó có cả một số hương chức, hội tề, địa chủ... Địa bàn kháng chiến của ông kéo dài từ Mỹ Tho đến Mỹ Quý - Cai Lây. Cuối năm 1874, quân Pháp có Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương đánh vào căn cứ ở Bình Cách. Cản ngăn không nổi, nghĩa quân bỏ chạy tán loạn. Nguyễn Hữu Huân thoát được về Chợ Gạo, đến khoảng tháng 3 năm sau, ông trở lại vùng Tân An để tập hợp lại lực lượng, thì bị bắt vì bị chỉ điểm. Nhà cầm quyền Pháp (Tỉnh trưởng Mỹ Tho De Gailland (1873 -1875) ra lệnh bắt giam Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho. Sau khi chiêu hàng không thành, họ kết án tử hình ông. Trước khi thụ hình, ông nhắn vợ con tế sống mình và gửi vải vào cho ông đề thơ và câu liễn (Liễn tuyệt mệnh) để thờ. Ngày 15 tháng Tư năm Ất Hợi (tức 19-5-1875), người Pháp cho tàu chở Nguyên Hữu Huân xuôi theo dòng Bảo Định về Mỹ Tịnh An và hành quyết ông lúc 12 giờ trưa.

Nguyễn Hữu Huân làm thơ không nhiều, và hầu hết sáng tác của ông đều làm trong thời kỳ kháng Pháp. Tuy nhiên, qua bài thơ Tặng vợ (làm lúc bị Pháp bắt lần đầu) bài Tự thuật (làm khi bị đày sang Guyan), và nhiều bài khác như: Bửa củi, Cảm hoài, Thuật hoài, khoan ca, Khi được tha về đều tỏ rõ ý chí bền bỉ tranh đấu vì đất nuớc và nhân dân của ông. Vì vậy, Nguyễn Hữu Huân được ghi nhận là “một hiện tượng đặc sắc của văn học yêu nước thế kỷ 19 của Việt Nam: hiện tượng nhà thơ chiến sĩ.” Nguyễn Hữu Huân là một người có tài về thơ văn. Thơ của ông mang nặng tình quê hương đất nước, nêu cao tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Khi bị lưu đày sang xứ người, ông đã viết một bài thơ, thể hiện ý chí của mình:

“Muôn việc cho hay ở số trời,
Cái thân chìm nổi biết là nơi.
Mấy hồi tên đạn ra tay thử,
Ngàn dặm non sông dạo gót chơi.
Chén rượu Tân-đình nào luận tiệc,
Câu thơ cố quốc chẳng ra lời.
Cương thường bởi biết mang nên nặng,
Hễ đứng làm trai chuốc nợ đời.”

Và khi bị kết án không để cho kẻ thù hành quyết mình, Nguyễn Hữu Huân đã cắn lưỡi tự tử ngay tại pháp trường. Trước khi chết, ông tự làm hai câu thơ tự điếu mình:

“Duy công bất tựu, diệc quyên bất tử báo quân ân
Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị”;

(Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết
Lòng ngay khó tỏ, miệng đời luống để luận trăm năm)

Bản dịch của Phạm Thiều

Nguyễn Hữu Huân hy sinh lúc chưa đầy 60 tuổi. Mộ và đền Thủ Khoa Huân được xây dựng ngay tại quê nhà của ông. Ban đầu mộ được đắp bằng đất, đầu thế kỷ 20, cháu ngoại của ông là Trần Văn Thông xây lại bằng đá xanh. Trong đền thờ có nhiều hoành phi vài câu đối ca ngợi khí tiết của Thủ Khoa Huân. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của người anh hùng - Nguyễn Hữu Huân một lòng phục vụ đất nước và nhân dân, trong gian khó vẫn kiên trì chống giặc Pháp xâm lược đến cùng. Như những thủ lãnh, nghĩa quân chống Pháp ở Nam Kỳ, cuộc đời, sự nghiệp và tên tuổi của Nguyễn Hữu Huân sống mãi cùng non sông đất Việt.

 

Hồng Hạnh

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 680 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày