Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Tư, 07/10/2020, 09:10

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Nhà thơ Tố Hữu

Người cộng sản kiên trung - Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(04/10/1920 - 04/10/2020)

 

Nếu ai đã từng trải qua thời trung học phổ thông, thì không thể nào quên được những câu thơ chất chứa nỗi lòng của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mong muốn hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc của đất nước…

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

Vâng, đó chính là những vần thơ được chắp bút đầu tiên trong tập thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu. Đây là tập thơ đầu tay và nổi tiếng nhất trong số những tác phẩm đã được đồng chí nung nấu sáng tác trong một khoảng thời gian dài (10 năm), đến tận năm 1946 tập thơ ấy mới được hoàn chỉnh và bí mật truyền miệng trong kháng chiến. Từ ấy là tập thơ mang một sắc thái riêng, tiêu biểu cho phong cách thơ của Tố Hữu, thể hiện niềm vui và mối duyên đầu của người thanh niên trẻ khi đến với cách mạng. Tác phẩm là cột mốc quan trọng mở đầu cho chặng đường đời, chặng đường thơ của Tố Hữu. Đọc thơ Tố Hữu, ta cảm nhận được lý tưởng Đảng trong thơ luôn cháy bỏng và sôi sục, mỗi bước tiến của Đảng, ý thơ trong Tố Hữu lại tiến theo... Bao nhiêu người vì yêu cách mạng mà đến với thơ Tố Hữu và ngược lại cũng từ thời “Từ ấy”…

Về tiểu sử, đồng chí Tố Hữu có tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh Lành, sinh ngày 4/10/1920 tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Năm lên 6  tuổi, đồng chí đã học cha cách làm thơ niêm luật, được mẹ dạy cho học thuộc nhiều bài dân ca...

Khi mới 12 tuổi, đồng chí đã phải mồ côi mẹ. Lớn lên giữa lúc phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đang phát triển mạnh mẽ, trong thời kỳ cách mạng dân chủ, Tố Hữu đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 17 tuổi, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (1937) và sau đó được cử vào Thành ủy Huế phụ trách tuyên truyền và thanh vận. Tháng 4/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và bị kết án 2 năm tù giam ở Huế, sau đó bị đày đi Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, rồi trại tập trung Đắk Lay (Kon Tum), với lý do đấu tranh chống tra tấn.

 Từ đấy trở đi, khi trong nhà lao, khi vượt ngục, khi hoạt động bí mật, lúc nào đồng chí cũng say mê sáng tác thơ, vừa làm nhiều thơ cách mạng, vừa rèn luyện ý chí. Có thể nói, đối với đồng chí hành trình cách mạng song song với hành trình thơ.

Từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, tên tuổi của Tố Hữu đã vang khắp các miền quê. Những câu thơ đồng chí sáng tác trong tù, lọt ra ngoài, được nhanh chóng truyền miệng và chép tay bí mật, rất lạ lẫm và hấp dẫn đối với lớp học trò thời bấy giờ. Cái hay của thơ Tố Hữu không phải ở ngữ nghĩa uyên thâm, sâu xa như các nhà thơ cổ điển nước ta trong các thế kỷ trước, mà thơ của Tố Hữu thể hiện sự háo hức lý tưởng sống, lý tưởng đấu tranh cách mạng, thôi thúc tuổi trẻ hành động, bứt tung xiềng xích nô lệ, phá tan cuộc sống ngột ngạt để tìm đến tự do…

Tháng 3/1942, đồng chí Tố Hữu vượt ngục Đăk Lay về Thanh Hóa tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tham gia Ban Lãnh đạo chiến khu Quang Trung đến năm 1945. Sau đảo chính Nhật - Pháp, Tố Hữu được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban Khởi nghĩa các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và liên lạc với các đồng chí hoạt động cách mạng ở Nam Trung Bộ. Đồng chí là một trong những người tổ chức Xứ ủy Lâm thời Trung Bộ và làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên Huế.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí kiêm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ. Từ năm 1946-1950, đồng chí phụ trách công tác văn hóa và thanh niên Trung ương; làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (1946); phụ trách công tác văn nghệ và làm Trưởng tiểu ban Văn nghệ Trung ương (1947-1950); tham gia BCH Hội Văn nghệ Việt Nam (1948); làm Trưởng ban Văn nghệ quân đội (1949).

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng; Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (cuối 1954); Ủy viên BCH Trung ương Đảng (1955). Năm 1958, đồng chí được cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và làm Phó Trưởng ban Tuyên huấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí được bầu vào BCH Trung ương Đảng và Ban Bí thư; Trưởng ban Tuyên huấn và Trưởng ban Khoa học – Giáo dục Trung ương (1968); kiêm Trưởng ban Thống nhất Trung ương (1972).

Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (1976), đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Từ năm 1980-1981, đồng chí giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (3/1982), đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị; phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa (1986); tham gia tổng kết, nghiên cứu môt số vấn đề về tư tưởng, văn hóa, giáo dục và khoa học (10/1991); Đại biểu Quốc hội khóa VII (6/1991).

Trên 80 năm đường đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, ở mọi cương vị và mọi lĩnh vực công tác, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc, một lòng, một dạ, tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường của người đảng viên cộng sản trong cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc.

Có thể nói, Tố Hữu không những là một nhà cách mạng lão thành, nhà chính trị xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng và Nhân dân mà còn là một nhà thơ cách mạng tiêu biểu của đất nước có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam; những tác phẩm của đồng chí là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực khí thế chiến đấu và giàu tính trữ tình, có sức động viên, lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành lại tự do và xây dựng đất nước.

Những tác phẩm để đời của đồng chí có thể kể như: “Từ ấy” (1937-1946), “Việt Bắc” (1954), “Gió lộng”(1961), “Ra trận” (1972), “Máu và hoa” (1977). Bên cạnh đó, còn nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như: Trăng trối, Con cá chột nưa; Mẹ Tơm, Gió Lộng, Dậy lên thanh niên, Liên hiệp lại,… Mỗi tác phẩm của thi sĩ là một chặng đường lịch sử, là một chiến công của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay không những vẫn còn nguyên giá trị thời đại mà còn kế thừa, truyền đạt đến tận mai sau.

Do công lao và thành tích với cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật và nhiều huân, huy chương khác.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Nhà thơ Tố Hữu, cũng là dịp để thế hệ hôm nay tri ân sâu sắc những cống hiến lớn lao của đồng chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Đồng thời, là lời nhắn nhủ đến thế hệ đảng viên hiện nay cần soi rọi bản thân, nhìn nhận trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc; phấn đấu vì lý tưởng cách mạng, sống có hoài bão, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước; gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị quý báu về truyền thống yêu nước, sự nghiệp văn hóa, văn nghệ mà sinh thời đồng chí đã dày công nghiên cứu, đặt trọn trái tim mình.

Trong bài “Tạm biệt”, nhà thơ đã từng viết:

“Tạm biệt đời, ta yêu quý nhất

Còn mấy dòng thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, thơ bón đất

Sống là cho, chết cũng là cho”.

Thật xúc động và kính phục biết bao, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam, đối với đồng chí, cả cuộc đời mình chỉ “sống là cho, chết cũng là cho”... Đến nay, cố Nhà thơ đã ra đi vào cõi vĩnh hằng (12/2002), nhưng tấm gương về một nhà văn hóa tài năng, một người chiến sĩ cộng sản trung kiên hết lòng vì sự nghiệp cách mạng vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, là tấm gương sáng mãi để chúng ta học tập và noi theo.

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 540 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày