Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Bảy, 27/08/2016, 08:05

HÀ HUY TẬP – NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã sản sinh ra bao lớp anh hùng hào kiệt làm rạng danh đất  nước. Bước sang thế kỷ XX, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ngả dần theo ngọn cờ chủ nghĩa Mác – Lênin, đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng kiểu mới, lớp này ngã, lớp sau tiến, trong đó Nghệ Tĩnh – mảnh đất “địa linh nhân kiệt” – đã sản sinh cho đất nước bao người con ưu tú mà tên tuổi mãi mãi được lưu danh  trên bảng vàng dân tộc: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, v.v… Trong những tên tuổi bất diệt đó, Hà Huy Tập nổi lên như một chiến sĩ thuộc lớp tiên phong trong thời kỳ xây dựng Đảng.

Đồng chí Hà Huy Tập là một chiến sĩ cộng sản tiền bối có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của Hà Huy Tập là một tấm gương hết lòng vì dân, vì nước. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hà Huy Tập đã thể hiện tư chất thông minh và bản lĩnh của một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Cũng như nhiều trí thức yêu nước đương thời, đồng chí đã sớm dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng đầy gian lao, thử thách để cứu nước, cứu dân.

Là người thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên, tuy không trực tiếp tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, song Hà Huy Tập đã có những đóng góp quan trọng trên phương diện tổ chức, hoạt động trong thời kỳ dựng Đảng và những năm về sau. Với cương vị là Trưởng Ban lãnh đạo hải ngoại (Ban chỉ huy ở ngoài) rồi Tổng Bí thư của Đảng trong một giai đoạn lịch sử đầy bão tố và biến động, Hà Huy Tập là người có năng lực dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ, tranh thủ điều kiện thuận lợi đề ra những chủ trương, biện pháp phù hợp với bối cảnh lịch sử, biến thời cơ thành hiện thực, khôi phục tổ chức đảng và phong trào quần chúng, tham gia lãnh đạo cuộc vận động dân chủ, tạo tiền đề đưa phong trào cách mạng bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Không chỉ là nhà tổ chức xuất sắc, Hà Huy Tập còn là một trong những nhà tư tưởng, nhà lý luận mácxít – lêninnít xuất sắc của Đảng ta. Với tư duy sắc sảo và tính chiến đấu cao, những bài viết, tác phẩm của đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản kiên cường trước sự tấn công, xuyên tạc của kẻ thù. Với các bút danh Hồng Thế Công, HongQuiVit, Thanh Hương, Xinhitrơkin,... Hà Huy Tập đã viết nhiều tác phẩm có nội dung sâu sắc về tư tưởng, lý luận, về việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Những tác phẩm của đồng chí đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực chống tờrốtsxkít, một trào lưu cơ hội chủ nghĩa, “kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ”. Đánh giá công lao của Hà Huy Tập và các chiến sĩ cách mạng tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.

Các tác phẩm, bài viết của đồng chí Hà Huy Tập tuy cách đây đã hơn nửa thế kỷ, nhưng đến nay, khi đọc những văn kiện này vẫn thấy rạo rực không khí cách mạng, toát lên tinh thần đấu tranh cương quyết, mạnh mẽ, tầm hiểu biết rộng lớn trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị...; nhưng trên hết là ý thức trách nhiệm cao của một lãnh tụ Đảng đầy bản lĩnh.

Đặc biệt vào tháng 2 – 1932, với bút danh Hồng Thế Công trong bài “Thư gửi Ban Biên tập Tạp chí Bônsơvích” của Đảng Cộng sản Pháp (Cahiers du Bolchévisme), Hà Huy Tập đã giới thiệu hai năm đấu tranh quyết liệt của Đảng Cộng sản Đông Dương trẻ tuổi chống sự khủng bố của thực dân Pháp, chống chủ nghĩa cơ hội trong nội bộ, tự phê bình về những nhược điểm và sai lầm, phê phán những nhận định sai trái về Đảng Cộng sản Đông Dương, vạch rõ những nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho phong trào cách mạng Đông Dương. Đây có thể được cọi là một luận văn xuất sắc của Hà Huy Tập, thể hiện trình độ lý luận vững vàng và tính chiến đấu mạnh mẽ trên lĩnh vực tư tưởng – lý luận.

Bằng ngòi bút đầy tính chiến đấu dưới nhiều bút danh khác nhau, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã viết nhiều bài báo vạch trần bộ mặt thật, phê phán quan điểm phản động của các phần tử tờrốtsxkít; tuyên truyền, kiên định bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Các tác phẩm “Vì một Mặt trận nhân dân Đông Dương”, “Vì sao cần sự ủng hộ Mặt trận bình dân bên Pháp”... của ông là những tác phẩm lý luận chính trị của Đảng có giá trị, góp phần chỉ đạo cách mạng trong thời kỳ vận động dân chủ. Tư duy và sự nhạy bén chính trị của ông còn thể hiện ở quan điểm dân tộc, giai cấp, coi đây là một điều kiện cơ bản dẫn tới mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nói đến cống hiến của Hà Huy Tập vào công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương” với bút danh Hồng Thế Công xuất bản năm 1933 bằng tiếng Pháp, tổng kết chặng đường đấu tranh oanh liệt của Đảng Cộng sản Đông Dương, ca ngợi phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh… Tác phẩm này vừa có tính lý luận, vừa có tính chiến đấu, đập lại luận điệu phản tuyên truyền chỉ trích Đảng Cộng sản Đông Dương của những phần tử có mưu toan chống lại sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Các bài báo và cuốn sách của Hà Huy Tập đã góp một phần rất quan trọng vào cuộc tranh luận nhằm đập tan các luận điệu xằng bậy của bọn cách mạng đầu lưỡi, bọn giả danh cách mạng, đưa tư tưởng và lý luận chân chính của Đảng đến với quần chúng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương. Trong các cuộc bút chiến đó, đồng chí Hà Huy Tập đã thể hiện là một cây bút lý luận giàu tính chiến đấu.

Đang say sưa, nhiệt tình hoạt động cách mạng thì trong một lần đi thị sát cuộc đấu tranh của nhân dân do Đảng tổ chức tại Sài Gòn, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1 – 5 – 1938, Hà Huy Tập bị địch bắt và đưa về giam ở Khám Lớn – Sài Gòn. Kẻ thù đã dùng những thủ đoạn dã man nhất tra tấn đồng chí, nhưng cuối cùng chúng phải khuất phục trước tinh thần gang thép của người Cộng sản. Trước tòa án của thực dân Pháp, đồng chí đã khảng khái nói: “Tôi chả có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi tiếp tục hoạt động”, ý chí và nghị lực của đồng chí Hà Huy Tập – Tổng Bí thư thứ ba của Đảng đã nêu tấm gương sáng, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản và các tầng lớp nhân dân.

Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn Hà Huy Tập. Đồng chí ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Trước khi Hà Huy Tập bị xử bắn, đồng chí đã hô lớn khẩu hiệu “Cách mạng muôn năm” - Đó chính là khí phách hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, thể hiện niềm tin son sắt vào thắng lợi tất yêu của cách mạng.

Đã hơn hai phần ba thế kỷ qua đi, kể từ khi người cộng sản kiên trung - Tổng Bí thư Hà Huy Tập hy sinh trước mũi súng quân thù, tìm hiểu về cuộc đời và tác phẩm của một lãnh tụ Đảng thuộc thế hệ đầu tiên, chúng ta càng khâm phục tinh thần yêu nước nồng nàn, chí khí kiên cường bất khuất và tài năng của một lãnh tụ cách mạng.

Các tác phẩm, văn kiện mà Tổng Bí thư Hà Huy Tập để lại vừa mang dấu ấn của một lãnh tụ hết lòng vì dân tộc, vì đất nước, đồng thời phản ánh những vấn đề lý luận về đường lối, chính sách của Đảng trong quá trình phát triển ở một thời kỳ lịch sử, đó là những bài học kinh nghiệm quý báu. Với nhiều ý nghĩa, các tác phẩm của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một di sản văn hóa của Đảng, của dân tộc ta, chẳng những góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử lúc bấy giờ, mà còn là nguồn tư liệu vô cùng quý báu phục vụ cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 862 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày