Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Tư, 08/02/2017, 13:50

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ TRƯỜNG CHINH

Đồng chí Trường Chinh là một trong những học trò xuất sắc, người đồng chí gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những Tổng Bí thư lâu năm nhất của Đảng ta. Đồng chí dã dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí là một nhà lãnh đạo chính trị với tài năng xuất sắc, đức độ trong sáng, nhà lý luận tầm cỡ của Đảng, nhà thơ và nhà văn hóa lớn.

 

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sinh ngày 9 – 2 – 1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh).

 

Ngay ở tuổi thanh niên, với bầu nhiệt huyết yêu nước, đồng chí đã là hội viên tích cực của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Là một người có nhiều tài năng trí tuệ, đồng chí đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành qua đấu tranh cách mạng gian khổ, khốc liệt và nhất là ở những bước ngoặt lịch sử quan trọng.

Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa I) do Bác Hồ triệu tập và chủ trì, đồng chí được bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư. Đây là một thời kỳ vô cùng đen tối, dân tộc ta lúc đó bị đặt trong cảnh một cổ hai tròng dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nhân dân bị bóc lột, đàn áp dã man, cơ sở cách mạng bị khủng bố, tan rã hàng loạt, các cán bộ, đảng viên thì bị địch bắt bớ, tù đày, bắn giết. Quán triệt tư tưởng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Trung ương Đảng động viên lực lượng của toàn Đảng khôi phục và phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm gây dựng và mở rộng phong trào quần chúng tập trung vào nhiệm vụ chủ yêu của cách mạng Việt Nam lúc này là cứu nước, đánh đổ ách thống trị của Pháp – Nhật, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Ngay sau đêm Nhật đảo chính hất cẳng Pháp (9 – 3 – 1945) đồng chí đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Với tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học nhạy bén, đồng chí Trường Chinh và Thường vụ Trung ương đã nhận định và phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc, kịp thời chuyển hướng khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh cách mạng, nhanh chóng dấy lên cao trào chống Nhật cứu nước, kịp thời nắm bắt thời cơ tiến tới Tổng khởi nghĩa, dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay, chúng ta lại nhớ đến đồng chí với sự cống hiến xuất sắc của đồng chí trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đồng chí đã nêu lên những nguyên nhân sai lầm và những nhiệm vụ cơ bản của một Đảng cầm quyền là: “Đảng là của dân”. Dân trao quyền lãnh đạo cho Đảng, Đảng không được tiếm quyền dân trao.Chính quyền phải là của dân, do dân và vì dân, phải thực hiện dân chủ và công khai trước dân, để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra.

          Giữa năm 1986, đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí cử làm Tổng Bí thư. Trong thời gian này, Đảng ta đang chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và đất nước ta đang ở trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề do Bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý kinh tế, văn hóa của Đảng, Nhà nước lại quan liêu, cơ chế bao cấp kéo dài, nên đời sống nhân dân thực sự khó khăn. Sau một thời gian suy nghĩ, tìm tòi, cân nhắc trước sau của cả dân tộc và thời đại, đồng chí Trường Chinh với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén và là một người có nhiều kinh nghiệm đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ quen thuộc cũ, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối kinh tế của Đảng. Đồng chí là người đã đề xướng công cuộc đổi mới với nội dung khá toàn diện và trước hết là đổi mới về tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Đồng chí đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày Báo cáo chính trị trước Đại hội toàn quốc lần thứ VI đã được toàn Đảng, toàn dân hân hoan đón nhận. Đây là chính là sự đột phá và sáng tạo, bước ngoặt to lớn này đã từng bước đi vào cuộc sống của toàn dân và đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và phát triển đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng vào cuối năm 1986 đã đi vào lịch sử và là Đại hội đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam với những thành tựu rất to lớn được nhân dân ta và các nước trên thế giới ca ngợi, đánh giá rất cao.

          Đồng chí còn là một nhà lý luận có kiến thức toàn diện, quan tâm đến cả vấn đề kinh tế - văn hóa, coi trọng vấn đề xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất. Đồng chí đã đưa ra Đề cương Văn hóa Việt Nam nổi tiếng với nội dung: dân tộc, khoa học và đại chúng. Đề cương ấy đã có tác dụng lớn đối với sự phát triển của nền văn hóa cách mạng nước ta.

Sau khi đồng chí thôi giữ chức Tổng Bí thư, Bộ Chính trị tin tưởng giao cho đồng chí làm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh, bản Cương lĩnh này đã được Đại hội lần thứ VII của Đảng thông qua. Đồng chí Trường Chinh là một người cộng sản làm việc đến hơi thở cuối cùng. Do đó, việc đồng chí đột ngột ra đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bè bạn quốc tế.

Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng của một người cộng sản mẫu mực, một chiến sĩ cách mạng kiên cương một lòng một da phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, một nhà lãnh đạo mácxít – lêninnít giàu bản lĩnh chính trị vững vàng kết hợp với tính năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Ở đồng chí còn nổi bật phong cách lãnh đạo sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, có tính nguyên tắc, tôn trọng tập thể, tôn trọng tổ chức, dân chủ với cấp dưới, trung thực, chân thành với các đồng chí và đồng đội. Trong suốt cuộc đời mình, đồng chí đã nêu một tấm gương sáng về lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, được đông đảo nhân dân và cán bộ, đảng viên yêu mến, kính phục.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, chúng ta tưởng nhớ một người mà nhân cách, tài năng, đức độ và công lao đã in đậm dấu ấn trong lịch sử Đảng ta, cách mạng nước ta và trong lòng nhân dân ta. Đồng chí là tấm gương để chúng ta luôn noi theo về sự đấu tranh kiên cương, mưu trí, sáng tạo, cách làm việc cẩn trọng của một người lãnh đạo, tấm gương giữ vững nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng của người đảng viên cộng sản, đức tính chung thủy, chân thành, thẳng thắn trong quan hệ với bạn bè, tấm gương giữ gìn nếp sống trong sạch, giản dị của người đảng viên, người lãnh đạo trong thời đại Hồ Chí Minh. Tấm gương của đồng chí sẽ luôn cổ vũ, động viên chúng ta trong cuộc trường chinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2534 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày