Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Năm, 06/04/2017, 13:05

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN – Một nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn, chúng ta tưởng nhớ tới một chiến sĩ tiền bối thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng ta, một trong những học trò xuất sắc gần gủi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một nhà chiến lược kiệt xuất, một nhà lý luận, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt nam trong thế kỷ XX.

 

Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, từ rất sớm đồng chí Lê Duẩn đã tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng như: phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu (1952), tham gia Hội Ái hữu ở Đà Nẵng (1926), Tân Việt cách mạng Đảng và sau đó đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hà Nội (1928). Vừa hoạt động, vừa học tập, đồng chí rất say mê đọc Đường cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đọc báo Thanh niên, đọc các tác phẩm của Mác, Awngghen, Lênin, v.v… từng bước bồi đắp cho mình những tri thức mới, nâng cao thêm tinh thần yêu nước và cách mạng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 6 năm 1930, Thành ủy Hà Nội chính thức được thành lập. Được đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ – Bí thư Thành ủy đầu tiên trực tiếp giới thiệu, đồng chí Lê Duẩn trở thành đảng viên cộng sản, sinh hoạt tại Đảng bộ thành phố. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản. Cùng với một số đồng chí tiền bối khác, đồng chí là một trong những người thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Hà Nội ngay từ những ngày Đảng bộ Hà Nội mới được thành lập.

Năm 1931, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó đồng chí bị bắt ở Hải Phòng và bị kết án 20 năm tù cầm cố, lần lượt bị giam tại các nhà tù của chế độ thực dân Pháp như Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Côn Đảo trong những năm từ 1931 đến 1936. Sự tàn bạo của kẻ thù đã không làm đồng chí khuất phục; trái lại càng tôi luyện thêm ý chí, rèn đúc thêm trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, làm cho đồng chí trở thành người lãnh đạo kiên cường, được nhân dân tin yên bạn bè cảm phục.

Vào năm 1936, do cuộc đấu tranh của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận nhân dân ở Pháp, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải trả lại tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Ra khỏi nhà tù, đồng chí ra sức hoạt động cách mạng ở các tỉnh miền Trung, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm động viên, tập hợp quần chúng đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống nguy cơ phát xít và chiến tranh. Năm 1937, đồng chí Lê Duẩn được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và từ đó đến năm 1939, hoạt động tích cực của đồng chí góp phần quan trọng đưa tới cao trào đấu tranh sôi nổi trong cả nước.

Đến năm 1939, đồng chí Lê Duẩn được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và cuối năm đó đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa I), một hội nghị có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược sáng suốt và kịp thời của Trung ương Đảng. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 8 do Bác Hồ chủ trì đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược phù hợp với tình hình mới, mở ra cao trào cách mạng đã dẫn đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân trong cả nước.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, là người lãnh đạo chủ chốt cuộc kháng chiến của “Thành đồng Tổ quốc”, đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ, với Trung ương Cục miền Nam, giải quyết một loạt vấn đề quan trọng như: Thống nhất và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia cấp ruộng đất cho nông dân nghèo, củng cố liên minh công nông, phát huy sức mạnh to lớn của mặt trận dân tộc, động viên mọi tầng lớp nhân dân – cả nông thôn, thành thị đứng lên chống giặc, cứu nước.

Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân, củng cố vững chắc liên minh công nông và thực hiện triệt để chính sách đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đã thực hiện được tính chất toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Chiến trường Nam Bộ đã trở thành một chiến trường chiến tranh du kích điển hình, vừa có đấu tranh quân sự thiên biến vạn hóa lại vừa có phong trào chính trị vững mạnh ở các đô thị, đặc biết nhất là Sài Gòn – Chợ Lớn đã từng bước giành thắng lợi về chính trị và quân sự lúc bấy giờ.

Qua kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí đã trăn trở tìm con đường cho cách mạng. Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí khởi thảo ra đời vào tháng 8 năm 1956 nêu lên: Miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ, Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng, ngoài ra không có con đường nào khác. Đề cương đã góp phần hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tìm phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo.

Trong thời kỳ chống Mỹ, trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Trung ương về phong trào cách mạng miền Nam. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng với tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và hoàn chỉnh từng bước đường lối, chiến lược và phương pháp cách mạng, đường lối kháng chiến và phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng Việt Nam, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Đồng chí đã cùng với Bộ thống soái tối cao của Đảng tìm ra giải pháp tối ưu để đưa cách mạng miền Nam tiến lên một cách vững chắc: Mở đầu chiến tranh một cách có lợi nhất bằng phát động khởi nghĩa từng phần trên quy mô rộng lớn, chuyển cách mạng miền Nam từ thế bảo toàn lực lượng sang thế tiến công, làm thất bại về cơ bản cuộc “chiến tranh đơn phương” của Mỹ - ngụy. Từ đó tiến lên giành quyền điều khiển chiến tranh trên thế chủ động tiến công, lần lượt đánh bại các bước leo thang, các chiến lược chiến tranh của địch, tạo ra những bước ngoặt làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho ta, làm lung lay và đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuối cùng, kịp thời nắm lấy thời cơ lịch sử, mở những trận quyết chiến chiến lược, đánh nhanh thắng gọn, kết thúc chiến tranh theo ý định của ta, giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Trải qua gần ba thập kỷ mà sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, một nước đánh nhỏ đánh thắng hai đế quốc to còn âm vang trên toàn thế giới. Các Đảng Cộng sản, phong trào công nhân và nhân dân tiến bộ trên thế giới hết lời ngợi ca thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, trong đó có vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn luôn gắn bó với Nam Bộ thành đồng. Trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó. Do những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn, Đảng và Nhà nước đã tặng Huận chương Sao Vàng. Các nước anh em Liên Xô, Lào, Campuchia, BaLan, Bungari, Cu Ba, Cộng hòa Dân chủ Đức,… đã tặng đồng chí nhiều huân chương cao quý. Ủy ban Giải thưởng quốc tế Lênin cũng tặng giải thường “Vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc”.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư, chúng ta bày tỏ lòng biến ơn sâu sắc đối với đồng chí, một nhà lãnh đạo đã gắn bó toàn bộ cuộc đời hoạt động, cống hiến tất cả tâm huyết, trí tuệ và tài năng lỗi lạc của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đặt nền móng đầu tiên của chủ nghĩa xã hội trên Tổ quốc Việt Nam anh hùng.

Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu cho người cộng sản Việt Nam kiên cường, bất khuất, người học trò lỗi lạc, gần gũi và trung thành hết mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong sự nghiệp lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, hoàn thành trọn vẹn công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí thực sự là người kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng cao cả “cứu nước, cứu dân” của Bác Hồ vĩ đại. Lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn.

 

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1913 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày