Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sự kiện Thứ Ba, 26/05/2020, 15:10

Kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc tế Thiếu nhi Việt Nam (01/06/1950 – 01/06/2020)

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan”

Hai câu thơ mở đầu cho bài thơ “Trẻ em như búp trên cành” của Bác Hồ lúc sinh thời, luôn đong đầy cảm xúc về tình yêu thương trẻ em, mà Người đã trăn trở, yêu thương và chắp bút dành tặng các cháu thiếu nhi của chúng ta vào năm 1941. Chính những câu thơ ấy, là lời căn dặn Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm, chăm lo cho các cháu thiếu nhi, thế hệ mầm non tương lai của dân tộc…

Ngày 01/06 năm nay, là ngày mà thiếu nhi Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày Quốc tế Thiếu nhi. Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc hay lịch sử ra đời ngày 1/6, chúng ta hãy ngược dòng lịch sử, trở về khoảng thời gian cách đây gần 80 năm.

Tại Tiệp Khắc, vào rạng sáng ngày 01/06/1942, quân phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ, chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.

Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 01 tháng 06 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Ý tưởng này cũng được Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới theo định hướng xã hội chủ nghĩa chấp nhận trong tháng 1 năm 1950. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên được tổ chức trong cùng năm đó vào ngày 1/6/1950 và sau đó lan rộng ở nhiều quốc gia theo xã hội chủ nghĩa, lúc đó còn gọi là “ngày đấu tranh cho tương lai hạnh phúc và yên bình cho tất cả các trẻ em”.

Theo đó, ngày lễ được cử hành vào ngày 1 tháng 6 hằng năm. Ngày lễ thường được đánh dấu bằng các bài phát biểu về quyền của trẻ em và an sinh, các chương trình truyền hình trẻ em, các buổi tiệc, những hoạt động khác nhau liên quan hoặc dành riêng cho trẻ em, gia đình sinh hoạt ngoài trời... Vào ngày này, nhiều sự kiện quan trọng về trẻ em trên thế giới đã diễn ra: Tuyên bố về quyền trẻ em (1959), Công ước về quyền trẻ em cũng được ký kết vào ngày này (1989), có hơn 191 nước phê chuẩn.

Quay trở về nước ta, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em vào ngày 20/2/1990, đây là văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. 

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, mặc dù đất nước phải đối diện với những khó khăn, ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và thường xuyên gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu.

Trong bản Di chúc của mình, Bác đã hai lần nhắc đến nhi đồng, đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!...”. Đoạn kết thúc, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”. Qua đó, cho thấy tình yêu thương đối với thiếu niên, nhi đồng luôn ngự trị trong trái tim Bác. Ôi! một tấm lòng thật bao la và vĩ đại.

Thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ Hiến pháp, các Bộ luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Đặc biệt, vấn đề về quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 (Điều 14, 15 và hàm chứa trong một số điều khác) và trong tất cả các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (gồm cả lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), Hiến pháp năm 2013 tiếp tục đề cập, quan tâm đến quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này. Trong đó, vấn đề trẻ em được thể hiện tại Điều 37 Hiến pháp như sau: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em…

Đến nay, Nhà nước ta đã có hàng trăm văn bản luật và dưới luật liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã cụ thể hóa nhiều quan điểm tiến bộ, góp phần tăng cường công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trong đó, nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Luật Trẻ em là bảo đảm hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên hiệp quốc và các điều ước quốc tế khác có liên quan. Với sự thống nhất vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Các quyền và môi trường sống của trẻ em được bảo đảm; trẻ em khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm; mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng và có nghĩa vụ và bổn phận đối với Tổ quốc.

Trong thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm về giáo dục, chăm lo đời sống tinh thần, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo đảm điều kiện thuận lợi để trẻ em thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức… Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, do tác động của môi trường xã hội, trẻ em vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến đời sống thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Những số liệu báo cáo gần đây cho thấy những con số này chỉ là những vụ việc được phát hiện, báo cáo, còn nhiều vụ chưa được phát hiện, tố giác. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là những em bé tuổi mầm non, tiểu học… Việc xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí có thể dẫn tới trẻ tử vong hoặc trẻ tự tử… Về tai nạn thương tích ở trẻ, trên địa bàn xã cũng có một vài trường hợp trẻ tử vong do đuối nước dẫn đến tử vong được gia đình phát hiện nhưng không báo cáo lên cơ quan chức năng. Đây thực sự trở thành những vấn đề bức xúc của xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống và phát triển của trẻ em. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em nghiện ma túy, trẻ em vi phạm pháp luật có nguy cơ cao cũng ngày càng có xu hướng gia tăng. Một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ cao phải bỏ học, lang thang kiếm sống, nguy cơ bị xâm hại, buôn bán, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…

Để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương, mỗi cấp bộ đoàn, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên hãy dành sự quan tâm, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và tình yêu thương thiếu niên, nhi đồng thông qua những việc làm thiết thực: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại các đơn vị, địa phương; Từng bước chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” trong tình hình hiện nay.

            Đối với tỉnh Đồng Nai, trong những năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai và phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức các ngành, các cấp và nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác trẻ em các địa phương trong tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và Chương trình để Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQVN tỉnh tổ chức các Đoàn đi thăm, tặng quà cho các cháu thiếu nhi nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6) và Tết Trung thu tại các huyện, thành phố và các cơ sở bảo trợ xã hội. Triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho các em thuộc diện mồ côi, tàn tật,... Thực hiện tốt việc đăng ký khai sinh cho trẻ em và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì; chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông, đào tạo học sinh giỏi tiếp tục được đầu tư. Các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ,.. được các địa phương quan tâm tổ chức, thực hiện, nhất là trong dịp hè và các ngày lễ, tết trong năm.

 

 

Thiết nghĩ, không ai bảo vệ các em tốt hơn là chính gia đình. Vì vậy, để các em có một cuộc sống an bình, phát triển tự nhiên theo sở thích, năng lực, nhu cầu, trước hết các bậc phụ huynh phải là những người am hiểu pháp luật, đặc biệt là Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn đối với trẻ em, phải tự trang bị cho mình những kỹ năng về chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ con cái. Để thế hệ trẻ em - thiếu nhi của chúng ta luôn sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc và bảo vệ của gia đình, nhà trường, xã hội.

  

 

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, xin được nhắc đến trẻ em, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ đối với người lớn, hãy dành cho trẻ những tình cảm yêu thương, sự quan tâm, chăm lo tốt nhất, để trẻ em cảm nhận được tình thương cũng như sự che chở đủ đầy, có thể vững vàng, phát triển và tự lập trong cuộc sống của mình.

Tạm lời, xin chúc cho thiếu nhi Việt Nam nói riêng, thiếu nhi thế giới nói chung luôn hồn nhiên, vui tươi, trong sáng, tự nhiên phát triển mọi mặt, hình thành thế hệ trẻ tương lai của đất nước có tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, phồn vinh, hiện đại và văn minh.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật trẻ em năm 2016 và nghị định hướng dẫn thi hành. - H. : Chính trị Quốc gia , 2017. 188 tr. ; 19 cm.

2. Những điều cần biết về quyền trẻ em – Luật trẻ em và các chương trình hành động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, gia đình trẻ em. - Kim Phượng. - Nhà xuất bản Hồng Đức.

3. Báo điện tử Chính phủ và báo điện tử Đồng Nai

 

Đinh Nhài

 

 

 


Số lượt người xem: 518 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày