Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sự kiện Thứ Bảy, 19/09/2020, 09:10

Kỷ niệm 75 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2020)

Cách đây 75 năm, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ Việt Nam tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập vừa giành được. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. 

Ngày 2-9-1945, khi nhân dân Sài Gòn - chợ Lớn tổ chức mít tinh mừng ngày Độc lập, quân Pháp trong Nhà thờ Lớn đã xả súng bắn làm 47 người chết, nhiều người bị thương, ngày 6-9-1945, phái bộ Anh gồm 30 sĩ quan do đại tá Cra-xầy cầm đầu đến Sài Gòn, kéo theo là một đại đội thuộc trung đoàn bộ binh số 5 làm nhiệm vụ tiền trạm cho quân Pháp. Chúng không những không tước vũ khí quân đội Nhật mà còn ra lệnh tăng cường quân Nhật ở Sài Gòn lên 7 tiểu đoàn, viện cớ là để giữ trật tự, thực chất là để bảo vệ và giúp thực dân Pháp tiến hành các hoạt động khiêu khích và xâm lược. Chúng còn đòi ta giải tán lực lượng vũ trang. Chúng thả hết tù binh Pháp do Nhật giam giữ sau ngày 9-3-1945, trang bị vũ khí cho số này và cho quân Pháp đóng chiếm bến tàu cùng một số nơi quan trọng trong thành phố.

Ngày 8-9-1945 Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi: Nhân dân Việt Nam rất hoan nghênh quản Đồng Minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới của quân đội Nhật nhưng kiên quyết phản đối Pháp kéo vào Việt Nam vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa. Hỡi quốc, đồng bào! Hiện một số quân đội Pháp đã lọt vào nước đồng bào hãy đợi lệnh chính phủ để chiến đấu”.

Ngày 12-9-1945, quân Anh dùng vũ lực chiếm đóng trụ sở ủy ban Nhân dân Nam Bộ, treo cờ Pháp lên, che chở cho bọn khiêu khích Pháp biểu tình thị uy ở Sài Gòn. Ngày 13-9, hàng vạn nhân dân Sài Gòn - chợ Lớn biểu tình tuần hành thị uy phản đối đế quốc Anh, lên án những hành động ngang ngược của chúng và đòi phái bộ Anh phải rút ngay khỏi trụ sở ủy ban Nhân dân Nam bộ, đòi phải hạ cờ Pháp và treo cờ Việt Nam. Trước làn sóng phẫn nộ của nhân dân, đế quốc Anh buộc phải nhượng bộ. Ngày 14-9, hàng chục vạn đồng bào thủ đô Hà Nội biểu tình lên án những hành động xâm lược của đế quốc Anh.

Đêm 22 rạng 23-9-1945 quân đội Anh chẳng những đã đồng lõa với thực dân Pháp xâm lược mà còn đi trước để mở đường và bảo vệ cho quân đội viễn chính Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Ngày 23-9 quân Anh - Pháp tiến chiếm các công sở, sở 4 Cảnh sát, sở Bưu điện, Khám lớn, v.v... Quân ta kháng cự quyết liệt.

Ngày 23-9-1945 Xứ ủy và ủy ban Nhân dân Nam bộ đã họp cấp tốc ở Cây Mai (Chợ Lớn) để bàn việc thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, lãnh đạo nhân dân đứng lên kháng chiến.

Thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy Nam bộ, nhân dân Nam bộ đã nhất tề đứng lên, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Quân và dân Sài Gòn - chợ Lớn đã anh dũng đánh trả bọn xâm lược bằng mọi hình thức và mọi thứ vũ khí, như triệt nguồn tiếp tế của địch ở trong thành phố, tổng bãi công, bãi thị, bãi khóa, dựng chướng ngại vật và chiến lũy trên đường phố. Một loạt nhà máy kho tàng của địch ở Sài Gòn đánh phá, điện, nước bị cắt. Các chiến sĩ ta đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất phá hủy máy bay, đốt cháy tàu Pháp vừa cập bến Sài Gòn, phá Khám Lớn v.v... Quân Pháp phải sống trong một thành phố bị bao vây, không điện nước, không nguồn tiếp tế và luôn bị quân ta phục kích, tiêu hao, tiêu diệt. Quân và dân Sài Gòn được sự chi viện của các tỉnh Nam bộ đã tiến hành chiến tranh du kích giam chân địch suốt một tháng trời.

Ngày 24/9, Chính phủ ra lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ và coi công cuộc chuẩn bị trường kỳ kháng chiến, chi viện Nam bộ là trọng tâm công tác của Chính phủ và của toàn dân. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào ủng hộ Nam bộ, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến diễn ra sôi nổi khắp nơi trên toàn quốc với nhiều hình thức phong phú. Hàng vạn thanh niên nô nức tòng quân, các đoàn quân Nam tiến được thành lập, gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu chi viện cho Nam bộ. Toàn dân tộc sôi sục căm thù, tỏ rõ ý chí quyết tâm chống Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Ngày 26-9-1945, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho đồng bào Nam bộ, vạch trần tội ác của thực dân Pháp, hiệu triệu đồng bào Nam bộ kháng chiến cứu quốc. Người khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa”.

Để chi viện cho cuộc kháng chiến ở Nam bộ, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam và coi công cuộc chuẩn bị trường kỳ kháng chiến, chi viện miền Nam là trọng tâm công tác của Chính phủ và của toàn dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và chính phủ, đồng bào ở Bắc bộ, Trung bộ đã hăng hái chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhân dân cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, tỏ rõ quyết tâm kháng chiến để bảo vệ nền độc lập và thống nhất Tổ quốc. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào Nam tiến sôi động khắp nơi. Đến tháng 10, chiến tranh lan rộng khắp vùng đồng bằng Nam bộ và mở ra đến các tỉnh Nam Trung bộ. Đến đâu giặc Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân và dân ta.

Nhân dân Nam bộ đi trước về sau, vừa mới được hưởng độc lập tự do chưa đầy một tháng đã phải bước ngay vào cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù về vũ khí, trang bị và kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, với tinh thần sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc, quân và dân Nam bộ đi đầu trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta càng đánh càng thắng, không ngừng trưởng thành về mọi mặt, liên tiếp lập nên những chiến công to lớn, cùng với đồng bào cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi. Ngày 23-9-1945 được ghi nhận trong lịch sử là Ngày mở đầu cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ.

75 năm đã trôi qua! Nam Bộ kháng chiến vẫn là bản hùng ca bất diệt. Tinh thần chiến đấu quật cường, khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết của toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn thách thức của ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và càng làm sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tinh thần kháng chiến dũng cảm, xả thân của cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung, ngày 23  tháng 9 năm 1945 luôn nhắc nhở lương tâm và trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ cách mạng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang cần những người tài, đức, vì dân, vì nước, để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, quê hương hôm nay ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Mai Mai

 

 

 

 


Số lượt người xem: 712 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày