Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sự kiện 2022 Chủ Nhật, 27/11/2022, 21:05

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng ''Điện Biên Phủ trên không'' (12/1972 - 12/2022) Những tấm gương hy sinh anh dũng trong trận ''Điện Biên Phủ trên không''

Sau thắng lợi vang dội của quân và dân miền Bắc đánh bại đế quốc Mỹ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, cụm từ “Hà Nội - thủ đô của phẩm giá con người” được in đậm trên trang nhất của nhiều tờ báo từ Châu Âu tới Bắc Mỹ, từ Đông Á đến Nam Á đều dành sự ngưỡng mộ và khâm phục đối với Hà Nội. Đó không chỉ là những lời khen ngợi đơn thuần mà ẩn chứa trong đó là xương máu của biết bao đồng bào, đồng chí đã đổ xuống dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù; là ý chí quật cường của một dân tộc “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trong 12 ngày đêm kiên cường, anh dũng chống lại các pháo đài bay B52, và máy bay chiến thuật của địch, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã bị thương vong. Chỉ tính riêng tại khu phố Khâm Thiên đã có 287 người chết, hơn 290 người bị thương, nhà cửa bị san phẳng không còn viên gạch dính đôi. Tại bệnh viện Bạch Mai, có gần 100 bác sĩ, y tá và hàng trăm bệnh nhân bị trôn vùi dưới đống đổ nát. Tại xã Uy Nỗ (Đông Anh) có hơn 200 người chết và bị thương. Máy bay B52 cũng phá hỏng trạm phát sóng Mễ Trì kiến nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh và khiến gần 100 đồng bào chết và bị thương.

Bộ đội phòng không, không quân cũng chịu nhiều tổn thất. Trong đó có năm lần các tiểu đoàn tên lửa bị địch đánh hỏng khí tài; 15 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 21 người bị thương. Bộ đội không quân có 9 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và nhiều đồng chí bị thương. Bộ đội cao xạ cũng có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và hành chục đồng chí bị thương, nhiều pháo cao xạ bị đánh hỏng. Trong đó có rất nhiều tấm gương anh dũng hy sinh để bảo vệ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Trắc thủ quang học Nghiêm Xuân Danh, sinh viên năm 2 vừa nhập ngũ, gan dạ, dũng cảm, bám trắc vị trí chiến đấu, thông báo chính xác mục tiêu, giúp kíp chiến đấu bắn hạ máy bay địch. Pháo thủ bệ Nguyễn Văn Quang thuộc tiểu đoàn 57 đóng trên trận địa Đại Đồng (Thuận Thành, Bắc Ninh), trong 9 đêm liền cùng đồng đội tra nạp hơn 30 quả đạn tên lửa, góp phần cùng tiểu đoàn diệt 4 B52. Đồng chí Cao Ngọc Hoàng, chính trị viên Đại đội cao xạ 71 (đoàn Tháng Tám), hiên ngang đứng trên gò đất cao kêu gọi cán bộ, chiến sĩ “Bám trụ trận địa đến cùng! Còn một người, một pháo, còn chiến đấu!”

Bên cạnh các đồng chí cán bộ, chiến sĩ, ở trên các trận địa pháo luôn có bóng dáng các anh chị em dân quân tự vệ, nhân dân các xã trong vùng và cả các bà mẹ Việt Nam, mặc cho bom rơi, đạn bắn vẫn xông pha ra trận địa giúp bộ đội băng bó vết thương cho chiến sĩ, sửa sang trận địa, ngụy trang bệ phóng… góp phần to lớn cùng bộ đội đánh thắng pháo đài bay B52 của địch.

Lực lượng công an nhân dân cũng thường xuyên có mặt trên các vị trí xung yếu, giữ gìn và bảo vệ an toàn tuyệt đối tài sản của người dân.

Không thể kể hết những tấm gương anh dũng của người Hà Nội trong 12 ngày đêm rực lửa. Dù bom đạn địch liên tục trút xuống, tàn phá Thủ đô, nhưng người Hà Nội vẫn hiên ngang, kiêu hãnh không run sợ trước quân thù. Sau những trận mưa bom, những cành đào Nhật Tân vẫn tươi sắc; các loài hoa dơn, hoa cúc, hoa hồng vẫn nở rộ bên xác máy bay địch; điện Hà Nội vẫn sáng, và Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn âm vang bài hát hào hùng của nhạc sĩ Vũ Thanh: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử…”

Trong 12 ngày chiến đấu kiên cường, quân dân Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc đã bắn hạ 81 máy bay Mỹ; trong đó có 34 máy bay B52, 5 F111 và 42 máy bay chiến thuật khác; bắt sống 43 phi công, trong đó có 32 phi công điều khiển B52.

Ðể ghi lại tội ác dã man của đế quốc Mỹ. Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đã ra Văn bản số 47 UB/QÐ ngày 25-5-1973, quyết định xây dựng một khu di tích tại khu phố Khâm Thiên. Khu di tích có diện tích 8.200 m2, trên một khu đất bị bom Mỹ tàn phá. Khu tượng đài được dựng với một bức tượng bằng xi măng cao hơn hai mét, với hình ảnh của người mẹ đang đứng, trên tay bế một đứa con nằm ngửa vừa bị bom Mỹ sát hại, nét mặt đau khổ đanh lại, thể hiện sự căm thù đến tột độ. Chung quanh tượng là cảnh đổ nát, gạch ngói ngổn ngang. Năm 1997, tượng đài được đúc bằng đồng theo nguyên mẫu tượng xi măng, đặt lên vị trí tượng cũ và đổi tên là: “Đài tưởng niệm Khâm Thiên”. Tượng xi măng được cất giữ nguyên vẹn vào phòng lưu niệm ngay trên nền của 3 ngôi nhà cùng trưng bày với các ảnh về Khâm Thiên. Đài tưởng niệm bằng đồng hiện nay vẫn đặt trước cột bia căm thù đã thay thế chỗ đặt bức tượng xi măng. Bốn góc chung quanh có trồng 4 cây đại và 2 cây ngâu. Di tích này đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa vào năm 1975.

50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về 12 ngày đêm rực lửa, 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, bảo vệ từng tấc đất, vùng trời thiêng liêng của tổ quốc của bộ đội phòng không không quân Việt Nam và nhân dân thủ đô Hà Hội, Hải Phòng… mãi in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam như một Bạch Đằng – Chi Lăng của thế kỷ XX.

Ngày nay, ở Khâm Thiên, Uy Nỗ, Mễ Trì, Nhân Chính, An Dương, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều nơi ở Hà Nội vẫn còn lưu giữ những tấm bia ghi lại tội ác của Nixon và đồng bọn. Những tấm bia này không chỉ là bằng chứng tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ đối với đồng bào ta, mà thông qua đó giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc đến mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về một trang sử vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc.

 

Trần Thủy

 

Tài liệu tham khảo: Điện Biên Phủ trên không – Bản hùng ca bất diệt

                    Cuộc đấu trí đọ sức cuối cùng trên bầu trời Hà Nội

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 7696 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày