Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ẩm thực Thứ Ba, 09/10/2018, 09:15

Văn hóa ẩm thực của người Hoa ở Đồng Nai

Ba trăm năm có lẻ, kể từ khi đặt chân đến đất Đồng Nai, nhóm người Hoa đầu tiên bắt đầu tạo lập cuộc sống trên vùng đất mới. Sau đó, bao thế hệ người Hoa từ đoàn di dân buổi đầu tiên đến những đợt di cư do nhiều biến cố trong xã hội đã cùng nhau khai khẩn, xây dựng vùng “tị địa” trước xa lạ trở thành “quê hương” thân quen. Hành trang đến với vùng đất phương Nam của nhóm lưu dân người Hoa là ngoài sự cần cù, nhẫn nại, khéo léo trong buôn bán để mưu cầu cuộc sống ấm no, họ còn mang trong tâm thức mình hình ảnh của tổ tiên, thần thánh, tập tục, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa ẩm thực… đó là bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng riêng mà không lẫn vào đâu được trong tiến trình giao lưu và hội nhập.

Trong văn hóa ẩm thực, các món ăn của người Hoa nổi tiếng về sự phong phú, đa dạng, tinh tế và không kém phần ngon miệng. Văn hóa ẩm thực của người Hoa rất đặc sắc và độc đáo. Sự tinh tế trong các món ăn của người Hoa chính là sự hội tụ đầy đủ từ hương, sắc, vị đến cách bày biện, trang trí. Món ăn ngon phải đảm bảo có màu sắc đẹp mắt, có hương thơm ngào ngạt, có vị ngon của đồ ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi, có tên gọi mang ý nghĩa tinh thần hơn ý nghĩa vật chất của món ăn và cách trình bày thật thu hút và ấn tượng mang tính mỹ thuật cao. Từ xưa, người Hoa đã biết đến sự chế biến các loại thực phẩm tùy theo tính âm hay dương, tính hàn hay nhiệt của mỗi loại, khiến cho món ăn dọn ra không những vừa ngon, mà còn phải có tác dụng bổ dưỡng cho sức khỏe con người.

Cách chế biến thức ăn của người Hoa khá phong phú, có đến hơn mười cách chế biến như hâm, nấu, ninh, xào, hấp, rang, luộc, om, nhúng, chiên, quay, tiềm, nướng... Mỗi một cách chế biến đem lại những hương vị và cảm nhận khác nhau khi ăn. Gia vị nấu ăn của người Hoa có nhiều loại như: dầu vừng, dầu lạc, dầu hào, dầu mè, đường các loại, các sản phẩm của đậu tương lên men: hắc xì dầu, tàu vị yểu, lạp chí chương, muối, ớt, các thứ dấm, rượu, nước hầm thịt... Vì vậy, trong tất cả các món ăn phải thể hiện sự đầy đủ. Ví như: món ăn từ cá thường được chế biến nguyên con, gà được chặt miếng rồi xếp đầy đủ lên đĩa... Các món ăn thường ngày của người Hoa là những món được chế biến từ các loại rau cải, xà lách xoong, đậu hũ, khổ qua..., thịt heo, cá, gà hoặc vịt. Buổi sáng, người Hoa thường dùng cháo trắng với củ cải muối hoặc hột vịt muối vì cháo là món ăn nhẹ, dễ tiêu hóa, thích hợp với nhiều lứa tuổi.

Món ăn của người Hoa thường có lượng chất béo khá dồi dào, ngay cả món cải luộc cũng thường tẩm ướp thêm dầu hào, dầu mè cho ngon miệng. Người Hoa cũng chuộng dùng các loại nguyên liệu khô hoặc đã chế biến như nấm khô, cải muối, cá mặn, thịt khô, da cá, hải sâm, trứng muối...

Trong lúc ăn cơm, người Hoa không chan canh vào cơm, mà chỉ dùng nước canh để uống như một thức khai vị đầu bữa ăn. Vì thế, món canh không cần quá đậm đà mà chỉ mang hương vị nhẹ nhàng, chủ yếu lấy chất ngọt tiết ra từ xương thịt hầm làm nước súp.

Vào những ngày đầu năm mới, truyền thống của các gia đình người Hoa là thực đơn ăn chay. Thực đơn này được chế biến từ các loại rau hoặc những thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Đặc biệt thực phẩm từ cá lại được người Hoa coi như một dấu hiệu của sự đoàn kết, luôn giữ liên lạc với nhau và gà biểu trưng cho sự thịnh vượng. Đối với món gà, khi trình bày, người Hoa để nguyên con và được trình bày từ cao xuống thấp (đầu - đuôi - chân) tượng trưng cho sự hoàn hảo, đầy đủ. Những món ăn truyền thống thường ngày được người Hoa ưa chuộng dùng trong các bữa ăn thường ngày không cầu kỳ như bữa ăn trong các dịp lễ tết, chủ yếu là một món mặn, một món xào và một món canh. Người Hoa ưa chuộng là các món rau, đặc biệt rau xào với các loại thịt hoặc các loại hải sản như tôm, cá, mực....

Đậu hũ là món ăn truyền thống được người Hoa chế biến cả món ăn ngọt và mặn gồm: đậu hũ tươi, hầm, xào, nấu canh, kho hoặc nhồi nhân (đậu hũ nhồi thịt) đem hấp chín hoặc làm sốt cà chua đổ lên, đậu hũ chiên sốt cà... Đậu hũ còn có tác dụng chữa bệnh với thành phần từ đậu nành rất tốt cho tim mạch, đặc biệt thường dùng làm món để ăn chay. Thịt heo kho, cá kho là các món mặn dùng với cơm trắng. Món canh thường là canh đậu hũ trắng nấu với lá hẹ, canh cải xanh nấu với thịt heo, xà lách xoong nấu với thịt heo, chân giò hầm với đậu nành hoặc đậu phộng....

Ngoài sự khéo léo trong việc chế biến món ăn, người Hoa còn nổi tiếng trong nghệ thuật muối các loại cải chua, củ kiệu, dưa món, củ cải mặn, trứng, làm đậu tương, chao...

Một trong những nét đặc trưng của bữa cơm người Hoa là món canh hoặc tiềm và luôn được thay đổi qua mỗi bữa ăn. Họ gọi đó là món “canh hàng ngày”. Có loại canh mát được nấu từ rau quả, rau khô, rong biển... để giải nhiệt, cũng có món canh bổ dưỡng được chế biến từ vài vị thuốc bắc, dược thảo, sâm bổ lượng...

Trong các dịp lễ tết, món ăn khoái khẩu đặc trưng của người Hẹ là món “khoai môn kẹp thịt heo quay”. Món ăn được chế biến từ miếng thịt heo quay (thịt ba chỉ) ướp ngũ vị hương, chao đỏ và khoai môn xếp thành từng lớp trong tô sành rồi đem hấp kĩ cho đến khi khoai môn mềm rục. Tiếp đó, Khâu nhục là món ăn truyền thống không thể thiếu trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, mừng thọ... của người Hoa gốc Nùng. Đây là món ăn được chế biến từ thịt heo, rất  cầu kỳ và mất thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Món này thường ăn kèm với bánh mì hoặc xôi. Khổ qua nhồi thịt cũng là món ăn thường làm vào dịp lễ tết và họ cho rằng ăn khổ qua có tác dụng mát gan. Mì chí (hay còn gọi là mì kéo sợi) được làm từ bột mì kéo thành sợi nhỏ nấu với nước luộc gà là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ mừng thọ của nhóm người Hoa bởi người Hoa quan niệm đó là nguồn cội của sự sống trường tồn. Kiểm là món chay, thường được làm vào dịp tết hoặc những dịp cúng chay trong các miếu người Hoa. Món này gồm bí đỏ, bông cải, bắp cải, nấm đông cô, tàu hũ ky cọng, tàu hũ ky lá, bún tàu nấu với nước đường, nước cốt dừa, gia vị là chao trắng, dầu ăn, dầu mè, muối...

Bên cạnh một số món ăn thì người Hoa cũng rất ưa chuộng một số loại bánh sau: Bánh tổ làm bằng bột gạo ngào với nước đường vàng, rồi đem hấp chín, lúc ăn thì cắt miếng mỏng rồi chiên dầu, chiên xong bánh vừa dẻo vừa giòn mặt, ăn rất ngon! Bánh thường dùng dâng cúng tổ tiên vào các dịp lễ tết. Bánh ú Bá Trạng tên gọi là Zong zi cũng là một loại bánh chay. Loại bánh này có nhân chỉ làm từ đậu phụ, nấm, hạt dẻ, hạt sen... Bánh Niên Cao (Nian Gao), là biểu tượng của sự no ấm và ý nghĩa của loại bánh này cũng rất hay bởi: Nian có nghĩa là "dính" nhưng lại đồng âm với từ “năm” và từ Gạo có nghĩa là "bánh” lại đồng âm với từ “cao”. Vì thế người Hoa coi bánh Nian Gao là cầu mong sự no ấm của năm mới hơn hẳn năm cũ nên thường được làm trong những dịp tết; Bánh bao, là một loại bánh làm bằng bột mỳ có nhân và hấp. Nó giống với loại bánh màn thầu truyền thống của người Hoa. Nhân bánh bao được làm bằng thịt hoặc rau. Bánh bao thường được dùng bất cứ bữa ăn nào trong ngày và thường được người Hoa dùng làm món ăn sáng; Bánh bò là loại bánh làm từ bột gạo, được ủ lên men, hấp hoặc nướng. Bánh thường được dùng trong các dịp lễ hội, mừng thọ, chúc mừng...; Bánh bao chỉ làm bằng bột chín cán kĩ, cắt thành thỏi rồi bao nhân bằng đường cát trộn đậu phộng rang; Bánh củ cải chỉ làm vào dịp cúng ngày đông chí. Bánh được làm từ bột nếp nhồi kĩ, hấp nửa chín, cán mỏng rồi cho nhân bằng củ cải bằm nhuyễn với thịt heo, tôm kho, tàu hủ chiên xắt nhỏ gói thành từng chiếc bánh dẹt hình bầu dục, thoa mỡ đều rồi đem hấp chín trong xửng hoặc cho vào nồi nước lèo gà đun sôi cho chín; Bánh dính bần (bánh truyền thống của nhóm người Hẹ-Bửu Long) là một loại bánh làm bằng bột gạo tẻ trộn với một ít gạo nếp đem giã nhỏ, rây kĩ trộn với bột lá mơ, đường cát rồi đem hấp chín; Bánh tét là loại bánh được làm từ nếp gói lá dong, giữa bánh là nhân bằng thịt heo và lá hồng lam tạo màu đỏ tía và có mùi thơm; Bánh tổ làm bằng bột nếp quết với lá gai trộn đường tán, cho vào khay đem hấp. Bánh để lâu không bị hư, hai loại bánh này thường dùng vào những dịp tết; Bánh trái đào là loại bánh được làm từ bột mì nhân đậu xanh, được tạo hình giống như quả đào, tượng trưng cho sự trường thọ. Vì vậy bánh thường được dùng trong các dịp cúng lễ ở miếu hoặc lễ thượng thọ trong các gia đình người Hoa. Cuối cùng là bánh trung thu là loại bánh được làm từ bột mì nhân đậu xanh, khoai môn hay thập cẩm từ thịt, lạp xưởng, mứt bí, hạt dưa, trà… thường được dùng vào dịp Rằm tháng Tám (Tết Trung thu).

Về thức uống truyền thống, thì uống trà là một thói quen của người Hoa trong cuộc sống hàng ngày và trong giao tiếp. Trà trong các hoạt động lễ nghi và giao tiếp từ xưa đến nay chiếm vị trí quan trọng, biểu hiện nổi bật nhất là trong tiếp khách và phong tục hôn nhân. Trà có nhiều loại: hồng trà, trà sữa, trà hột gà… Bên cạnh trà, người Hoa còn chế biến nhiều loại thức uống có tác dụng giải nhiệt rất tốt như nước bông cúc, nước la hán quả, nước sâm, nước đắng...

Cùng với ẩm thực các vùng miền, tuy có sự ảnh hưởng ít nhiều so với văn hóa ẩm thực của người Việt, song các món ăn của người Hoa vẫn mang những nét đặc trưng riêng biệt góp phần tạo nên bức tranh ẩm thực đa sắc của người Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2550 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày