Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Con Đường Huyền Thoại Thứ Bảy, 24/09/2016, 08:40

CON ĐƯỜNG MANG TÊN PHAN CHU TRINH - NHÀ CHÍ SĨ CÁCH MẠNG MỘT ĐỜI ''VỊ QUỐC VONG THÂN''

Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ.Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ.

Phan Châu Trinh (còn gọi là Phan Chu Trinh, Phan Tây Hồ) tên chữ là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh năm 1872 (Nhâm Thân, Tự Đức năm thứ 25) ở làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Thân mẫu ông mất sớm vào năm ông lên 6 tuổi. Quê nhà bị quân Pháp đốt cháy trong cuộc trấn áp phong trào Cần Vương nên ông phải theo cha, được cha dạy chữ và dạy võ. Năm ông 16 tuổi thì cha mất, ông trở về quê sống với anh là Phan Văn Cừ và tiếp tục đi học. Ông nổi tiếng học giỏi, năm 27 tuổi ông được tuyển vào trường tỉnh và học chung với Trần Quý Cáp, Huỳnh Khúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang và Phạm Liệu.

Là một học sinh xuất sắc nhưng với chế độ thi cử ngày trước, Phan Châu Trinh sau nhiều lần lều chõng vẫn bị lạc đề, mãi đến năm 1900 (29 tuổi), ông mới đỗ cử nhân thứ ba ở trường Thừa Thiên. Năm 1901 (30 tuổi), triều đình mở ân khoa thì ông đỗ phó bảng, cùng đỗ khoa này với ông có Nguyễn Đình Hiển, Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Bác Hồ). Sau khi đỗ phó bảng (1902) thì ông anh cả Phan Văn Cừ mất, Phan Châu Trinh ở nhà cư tang và dạy học trong làng một thời gian.

Đến năm 1903, ông được bổ làm Thừa biện bộ Lễ. Nhưng sau một năm gần gũi với giới quan trường và triều đình nhà Nguyễn thối nát, ông từ chức Thừa biện bộ Lễ. Và cũng từ đó ông thật sự dấn thân vào cuộc đời hoạt động cách mạng, công khai chống bọn quan lại tay sai Nam triều và chính quyền thực dân.

Đầu năm 1904, nổi bật là phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng, ông đã quy tụ những nhà yêu nước tên tuổi tại quê nhà Quảng Nam như Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, hình thành 3 vị đại khoa đầy nhiệt huyết, phấn đấu cho mục tiêu: “Khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh” với chủ thuyết “Dân quyền” đầy sức sống của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX.

Sau ngày phong trào Duy Tân thành lập, Phan Châu Trinh quyết định con đường “Nam du” và lấy địa bàn Quảng Nam để hoạt động. Ông đã đi vào Nam ra Bắc và đến tìm gặp Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ kháng chiến tại chiến khu Yên Thế, rồi sang Nhật tiếp kiến Phan Bội Châu, cùng vận động phong trào Đông Du và mở rộng hoạt động phong trào Duy Tân, do 2 nhà yêu nước sáng lập. Tháng 11 – 1906, Phan Châu Trinh về nước và gửi thư cho Toàn quyền Beau, nói lên nỗi khổ cực của người dân Việt Nam và quy trách nhiệm cho quan lại triều đình Huế mà chính phủ Pháp phải có biện pháp giải quyết. Từ đó, phong trào Duy Tân ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, Phan Châu Trinh càng tích cực tuyên truyền vận động cho chủ thuyết “Dân quyền” và tổ chức diễn thuyết về đề tài “Dân trí – Dân khí – Dân sinh” ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng trong những năm 1906 – 1907, đã khơi dậy tư tưởng dân quyền trong lòng người dân yêu nước, Phan Châu Trinh càng nhiệt tâm cổ xúy thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) và biểu thị sự đồng tình ủng hộ phong trào kháng thuế ở quê nhà đang lan rộng ra các tỉnh miền Trung đất nước.

Trước những hoạt động của Phan Châu Trinh ngày càng rộng mạnh, kẻ thù không để yên Phan Chu Trinh đã bị bắt giam, kết án tử hình về tội “mưu phản” và đày ra Côn Đảo vào tháng 4 – 1908 và Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa cũng trong thời gian ấy. Trong thời gian này, ông có chân trong hội Nhân quyền và Dân quyền ở Pháp nên hội Nhân quyền can thiệp mạnh với chính phủ Pháp. Nên đến cuối năm 1911, thực dân ở Đông Dương buộc lòng phải trả tự do cho ông. Nhưng trên thực tế khi về đến Sài Gòn, ông bị giam lỏng ở Mỹ Tho, do đó ông viết thư gửi cho Toàn quyền yêu cầu hoặc trả ông về Côn Đảo hoặc để ông tự do sang Pháp. Bọn thực dân chấp thuận cho ông sang Pháp vì chúng thấy đây là một cơ hội tốt để “đày khéo” Phan Châu Trinh nên chúng bằng lòng cho ông xuất ngoại với người con trai đầu lòng là Phan Châu Dật.

Trong thời gian ở Pháp, ông viết một loạt tác phẩm như “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, Đông dương chính trị luận luận” trước là để tự biện hộ, thân oan cho các đồng chí, sau trình nghị viện Pháp để chúng thấy rõ cái tệ trạng của nền hành chánh thuộc địa ở Đông Dương, nhất là cảnh tham quan ô lại của bọn tay sai Nam triều. Cũng trong thời gian ở Pháp, ông còn viết nhiều tác phẩm khác như: Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Cuộc ngoại nhân kim nhật chi Trung Quốc quan, Ký Khải Định hoàng đế thư, Tây Hồ và Santé thi tập, Tỉnh quốc hồn ca II,..

Năm 1914, chiến tranh Pháp – Đức bùng nổ (đại chiến thế giới lần thứ nhất), nhân cơ hội này, nhà cầm quyền Pháp gọi Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường – một luật sự, nhà báo người Việt chống thực dân, đi lính, nhưng hai ông phản đối do không phải là công dân Pháp. Mấy tháng sau, chính quyền khép tội hai ông là gián điệp của Đức để bắt Phan Văn Trường giam ở lao Cherchemidi và Phan Châu Trinh bị giam ở nhà tù Santé gần một năm. Trong thời gian ở trong ngục, ông đã viết Santé thi tập với hơn 200 bài thơ ông sáng tác.

Ra tù, Phan Châu Trinh học nghề rửa ảnh rồi làm thuê cho các hiệu chụp ảnh để kiếm sống.Trong hoàn cảnh chiến tranh, giá sinh hoạt đắt đỏ, cảnh ngộ của hai cha con rất đỗi cơ cực. Chẳng lâu sau, Phan Châu Dật phải bỏ học về nước vì bị lao ruột và qua đời tại Huế và được đem về an táng cạnh một mẹ tại Tây Lộc (Tiền Phước, Quảng Nam).

Năm 1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là “Nguyễn Ái Quốc” và đã gây được tiếng vang.

Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội vua Khải Định 7 điều (Thất Điều Trần hay Thư Thất Điều), khuyên vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể. Cũng trong năm này, ông viết bài Tỉnh quốc hồn ca mới, xuyên suốt tác phẩm này vẫn là một đường lối cải cách dân chủ, vẫn là thực trang tăm tối của xã hội thực dân phong kiến và những thủ đoạn tàn bạo của chính sách thuộc địa ở Việt Nam.

Thấy hoạt động ở Pháp không thu được kết quả gì, đã nhiều lần ông yêu cầu chính phủ Pháp cho ông trở về quê hương nhưng đều không được chấp thuận. Mãi đến năm 1925, khi thấy sức khỏe ông đã suy yếu, nhà cầm quyền Pháp mới cho phép ông về nước.Trong khoảng thời gian này, ông đã viết cuốn Đông Dương chính trị luận.

            Tháng 6 năm 1925, Phan Châu Trinh cùng nhà cách mạng trẻ Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp về Sài Gòn. Sau đó, ông Ninh đưa ông về thẳng khách sạn Chiêu Nam Lầu của cha mình là ông Nguyễn An Khương. Ở đây mấy ngày, ông về ở tại nhà riêng của ông Khương ở Mỹ Hòa để tiện việc tiếp đón bạn bè đến thăm và trao đổi công việc, đồng thời cũng để tiện ông Nguyễn An Cư (Chú của ông Ninh, một lương y nổi tiếng) chăm sóc sức khỏe.

          Tuy bị bệnh nhưng Phan Châu Trinh cố gắng diễn thuyết thêm hai đề tài là Đạo đức và luân lý Đông Tây, Quản trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa.Hai bài này đã tác động không nhỏ đến thế hệ trẻ tại Sài Gòn.

Vào ngày 24/3/1926, Chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh từ trần để lại bao niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân cả nước. Tang lễ của ông được cử hành trọng thể tại Sài Gòn (4/4/1926), quy tụ hàng vạn người đến viếng và tiễn đưa linh cửu nhà Chí sĩ yêu nước về cõi vĩnh hằng, đánh dấu một “Ngày mới” – ngày thức tỉnh tinh thần yêu nước, khơi dậy ý chí đấu tranh của các tầng lớp nhân dân cả nước, nhằm “đạp đổ cường quyền áp chế” mà Phan tiên sinh đã nêu cao tư tưởng “Dân quyền”, nền tảng của phong trào Duy Tân ngày càng tỏa sáng trong sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc, đầu thế kỷ XX, Phan tiên sinh xứng đáng được hậu thế ngày nay thành kính tri ân và tôn vinh “Chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, một Danh nhân văn hóa lớn của dân tộc”.

Khu lăng mộ và lưu niệm của Phan Châu Trinh hiện ở đường Phan Thúc Duyên, Quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Với những giá trị quý báu trên, ngày 12 tháng 12 năm 1994 đã vinh dự được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tại đây, khu lưu niệm luôn được bảo quản, các hoạt động tưởng niệm luôn được diễn ra thường niên một cách trọng thể và đây cũng là một cách thể hiện lòng cảm phục, kính trọng của nhân dân đối với một nhà cách mạng tiên phong, nhà yêu nước lớn.

Để ghi nhớ đến công lao của Chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai đã lấy tên ông đặt tên cho con đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai (một điểm giáp với con đường Phan Đình Phùng, một điểm giáp với con đường Cách mạng tháng 8) và đặt tên Trường TH Phan Chu Trinh ở khu phố 8, phường Tân Phong, Biên Hòa nhằm nêu cao tinh thần yêu nước nồng nàn của ông, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khó và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ và noi theo.

 

 

_ Thanh Vân_

 

 

 


Số lượt người xem: 806 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày