Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Con Đường Huyền Thoại Thứ Ba, 06/09/2016, 08:35

Trịnh Hoài Đức - Danh nhân văn hóa đất Đồng Nai

Trịnh Hoài Đức – nhà văn hóa lớn, một danh nhân kiệt xuất của đất Đồng Nai. Sinh thời, ông là bậc tiền nhân sống thanh liêm, trong sạch, cả cuộc đời quên mình vì nước, vì dân. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đáng để người đời noi gương và ngưỡng mộ.

Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765 (Ất Dậu), có tên gọi khác là An, tên tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống khoa bảng, cụ nội tổ của ông là người Hoa, quê quán tại Phúc Kiến, đầu đời nhà Thanh vì không chịu khuất phục trước lệnh cạo đầu giắc bím nên đã bỏ xứ đến định cư ở vùng đất Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay) từ đời chúa Nguyễn Phúc Tần.

Khi cha mất, Trịnh Hoài Đức mới lên 10 tuổi, gặp lúc Tây Sơn nổi loạn, tình hình Đàng Trong rối ren, gia đình Trịnh Hoài Đức đành rời Trấn Biên đến sinh sống tại Phiên Trấn (Phiên An – Gia Định) vào năm 1776. Quá trình học tập của ông bắt đầu khởi sắc khi ông thụ giáo Xử sĩ Võ Trường Toản - tiên sinh là bậc thâm nho nổi tiếng đương thời ở thôn Hòa Hưng, Huyện Bình Dương (Phiên Trấn).

Về hoạt động chính trị: Năm 1788, Ông được bổ làm chức hàn lâm viện cáo chế. Năm sau đổi sang chức Điều thuấn huyện Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) lo trông coi việc khai khẩn đất đai ở Gia Định, lập ra chế độ điền địa để giải quyết vấn đề quân lương, ngoài ra còn tham dự văn án của Bộ Hình.

Tháng 11 năm Quý Sửu (1793) được sung chức Đông Cung Thị Giáng (thầy dạy hoàng tử Cảnh) và phò tá Đông cung Cảnh ra trấn thành Diên Khánh (Khánh Hòa).

Năm Giáp Dần (1794) ông được thăng chức Ký lục Trấn Dinh (Mỹ Tho). Tháng 5, năm Nhâm Tuất (1802) sau khi Gia Long hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, ông được thăng chức Thượng thư bộ Hộ, rồi sung chức Chánh sứ dẫn đầu phái đoàn gồm Binh bộ Tham Tri Ngô Nhân Tịnh, Binh bộ Tham Tri Huỳnh Ngọc Uyển sang đi sứ nhà Thanh.

Tháng 8 năm 1803, phái đoàn đến Nhiệt Hà vào yết kiến vua Thanh Đế để xin sắc phong cho họ Nguyễn. Mùa xuân 1804 cử hành lễ tuyên phong cho vua Gia Long, ông giữ trách nhiệm phiên dịch.

Năm Gia Long thứ tư (1806), Trịnh Hoài Đức được lệnh đổi vào Gia Định với chức Hiệp Tổng trấn. Tháng 7/1812, ông được thăng Lễ Bộ thượng thư kiêm toà khâm thiên giám.

Năm Quý Dậu (1813) đổi sang làm Lại Bộ thượng thư. Năm Bính Tý (1816) giữ chức Hiệp tổng trấn phụ tá cho Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức. Nguyễn Huỳnh Đức mất, ông vẫn trợ tá cho Tổng Trấn Nguyễn Văn Nhân. Tháng 12/1819, Gia Long mất, Nguyễn Văn Nhân phải về kinh chịu tang, ông kiêm Tổng trấn.

Đến tháng 6/1820, Minh Mạng lên ngôi Trịnh Hoài Đức được mời về kinh và giữ chức Lại Bộ thượng thư như trước và sung thêm chức Phó tổng Quốc tử giám. Chẳng bao lâu ông được vua thăng lên Hiệp biện Đại học sĩ rồi lãnh chức Thượng thư Bộ lại kiêm Bộ Binh, mặc dù trước đó ông đã nhiều lần xin vua đừng bổ nhiệm ông vào chức vụ quá lớn lao.

Tháng giêng năm 1822, giữ chức Chánh chủ khảo khoa thi Hội. Tháng 9 năm 1822, ông dâng lên vua 2 bộ sách “Lịch đại kỷ nguyên” và “Khang tế lục” mà ông đã viết khi phò vua đi Bắc tuần vào tháng 9 và 10/1822. Năm Quý Mùi (1823), Trịnh Hoài Đức bị ốm nặng dâng sớ xin được về quê hương nhưng vì luyến tiếc và để thưởng công lao của ông từ trước đến nay, nhà vua ra chỉ dụ cho ông tạm giữ các việc trong hai bộ để có thì giờ tĩnh dưỡng, cho ngự y đến săn sóc thuốc men và ban cho nhiều sâm quý để bổ dưỡng.

Tháng 7/1824, vua ra lệnh sửa bộ “Ngọc Điệp tôn phổ”, ông kiêm chức Tổng tài điều khiển công việc. Tháng 11, bộ Tôn phổ hoàn thành, ông lại phải quyền Lãnh Thượng bác sự vụ (lo việc xuất nhập khẩu). Nhưng chẳng bao lâu bệnh cũ tái phát mỗi ngày thêm trầm trọng, đến tháng 3 năm Ất Dậu (1825) thì ông mất tại Huế, hưởng thọ 61 tuổi.

Không chỉ có tài an dân trị nước, ở ông còn toát lên một nhân cách lớn của bậc sĩ phu. Ông là một con người vẹn toàn tài đức, được vua tin yêu, quần thần ngưỡng vọng, làm quan đến chức cực phẩm mà vẫn sống giản dị, thanh cao.

Đối với đất Biên Hòa, Trịnh Hoài Đức có nhiều gắn bó. Nơi đây, ông nội của ông đã định cư và làm nên sự nghiệp, cha ông được sinh ra, lớn lên rồi cưới người con gái Đồng Nai làm vợ, ông mở mắt chào đời và sống những này đầu thời niên thiếu cũng trên mảnh đất này. Do đó, việc ông xem dinh Trấn Biên (Biên Hòa) là quê hương thứ hai của mình là điều tất nhiên.

Về sự nghiệp văn chương: Ngoài khuôn khổ chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội ra, Trịnh Hoài Đức còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà sử gia có tài, là tác giả tiêu biểu thế kỷ XVIII ở miền Nam. Những tác phẩm của ông để lại đến nay vẫn còn khẳng định giá trị lớn về mặt văn học. Như: “Gia Định thành thông chí”; “Cấn Trai thi tập” Cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh sáng tác Gia Định Tam gia thời bấy giờ. “Tựa và bạt” của Trịnh Hoài Đức và 3 người đồng triều là: Nguyễn Dịch Cát, Ngô Thời Vị và Cao Huy Du. “Thoái thực trung biên tập” “Minh Bột di ngư”, “Quan quang tập'', “Khả dĩ tập”, “Tự truyện”, “Lịch đài kỷ nguyên”, “Khương Tế lục”

Có thể nói, sự nghiệp văn chương của Trịnh Hoài Đức đã đóng góp nhiều tài liệu quý giá trong kho tàng văn học và sử học nước nhà. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sau một thời gian ngót 200 năm các bộ sách trên hoặc bị thất lạc hoặc bị ngọn lửa của chiến tranh thiêu hủy, chỉ còn sót lại bộ Cấn trai thi tập, và bộ Gia Định thành thông chí.

Ghi nhận công lao to lớn và tấm gương thanh khiết của ông, nhân dân bao đời đã tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Tại Biên Hòa, quê hương của ông hiện còn khu mộ Trịnh Hoài Đức và dòng tộc họ Trịnh. Năm 1938 trường Viễn Đông Bác cổ đã công nhận mộ Trịnh Hoài Đức là di tích cần được bảo tồn. Khu mộ này cũng đã được Bộ Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia (Quyết định số 1539-QĐ ngày 27 tháng 12 năm 1990).

Nhắc đến Trịnh Hoài Đức là nhắc đến nhân vật tiêu biểu cho cả vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai. Tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của ông đối với lịch sử nước nhà cũng chính là việc làm cụ thể và thiết thực, nhằm góp phần thể hiện sự biết ơn, lòng tôn kính của hậu thế đối với người xưa. Ngày 6/9/2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định số 2854/QĐ-UBND theo Nghị quyết số 91/2007/NQ-HĐND ngày 25/7/2007 của HĐND tỉnh Đồng Nai về việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại thành phố Biên Hòa, theo đó con đường ven công viên Biên Hùng thuộc phường Trung Dũng, có điểm đầu nối với đường 30 Tháng Tư và điểm cuối nối với đường Phan Đình Phùng (lãnh tụ nghĩa quân kháng chiến cùng thời với Trịnh Hoài Đức) được mang tên nhà danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức. Hiện tại đây cũng là đoạn đường đang hoạt động chợ đêm Biên Hùng. Đoạn đường có chiều dài 800m, rộng 9m, đường đi qua Di tích lịch sử, lăng mộ Trịnh Hoài Đức và dòng tộc họ Trịnh, nơi ông và gia đình đang yên nghỉ.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ ĐƯỜNG TRỊNH HOÀI ĐỨC

 

 

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 7844 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày