Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
gtsachchuyende Thứ Hai, 26/03/2018, 08:15

Thép đã tôi thế đấy - Tác phẩm nổi tiếng dành cho thanh niên

Thép đã tôi thế đấy là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Nga Xô Viết. Suốt tám mươi lăm năm kể từ lần xuất bản đầu tiên (1932) đến nay, dù trải qua nhiều biến cố, nhưng cuốn tiểu thuyết về người thanh niên Pavel Korsaghin với lí tưởng sống cao đẹp và uớc mơ hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, quê hương vẫn được bạn đọc mến mộ và trân quý.

Nội dung tác phẩm Thép đã tôi thế đấy được gói gọn trong 424 trang, được hai hai nhà văn Việt Nam Thép Mới và Huy Vân dịch từ bản tiếng Nga, do Nhà Xuất bản Kim Đồng chịu trách nhiệm phát hành năm 2015.

Có thể nói đây là một tác phẩm đặc biệt được viết bởi một con người đặc biệt, ra đời cũng trong một hoàn cảnh đặc biệt - nhà văn Nikolai A. Ostrovsky – một thương binh bị bệnh nặng, bị hỏng mắt và nằm liệt gường. Không chịu khuất phục số phận, ông đã miệt mài viết những dòng nhiệt huyết của trái tim tuổi trẻ cho đến hơi thở cuối cùng. Nhân vật trung tâm Pavel Korsaghin chính của tác phẩm cũng chính là tác giả - một chiến sĩ của Cách mạng Tháng Mười Nga thời bấy giờ.

Sinh ra trong một gia đình lao động tại tỉnh Volhynia của Ukraine, thời ấu thơ Nikolai Ostrovsky là cậu bé nghịch ngợm nhưng ham đọc sách. Ông thích tiểu thuyết lãng mạn và phiêu lưu. Ông thường đọc to lên những đoạn trích mà ông hứng thú, kể lại cho mẹ nghe những cuốn sách mình vừa đọc nhưng với những tình tiết đã bị thay đổi theo trí tưởng tượng của ông… Cũng vì thích đọc sách mà trong tâm hồn niên thiếu của N. Ostrovsky, bóng dáng những người anh hùng cách mạng như Garibaldi và Gladfy “Ruồi trâu” luôn hiển hiện đẹp đẽ và cao thượng.

Tuổi thiếu niên của N. Ostrovsky là những năm tháng gắn với những sự kiện lớn trong lịch sử nước Nga: Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười và cuộc nội chiến ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, thái độ và nhận thức xã hội của ông.

Ngay từ khi còn ít tuổi, tác giả đã biết bí mật giúp Ủy ban Cách mạng chống lại quân xâm lược và những kẻ xảo trá phản bội mở đường cho quân Đức. Khi thành phố Shepetovka được giải phóng, N. Ostrovsky tích cực tham gia vào công tác chính quyền mới và chiến đấu chống bọn phản cách mạng. Ông là một trong năm đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên ở Shepetovka. Năm 15 tuổi, ông gia nhập sư đoàn kị binh Kotovsky (một vị tướng tài của Liên Xô cũ) và chiến đấu vô cùng dũng cảm, ông bị thương, trở về quê nhà của mình.

Sau đó, N. Ostrovsky tình nguyện trở lại quân đội. Trong cuộc chiến đấu tại Lvov, ông bị thương nặng và bị hỏng mắt phải. Sau khi điều trị, N. Ostrovsky được xuất ngũ và trở về quê hương. Năm 17 tuổi, ông trở thành người đứng đầu một tổ chức Thanh niên Cộng sản địa phương, làm công việc thợ điện tại xưởng đường sắt. Do điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, gian khổ, bệnh tật ông bị tái phát nặng thêm.

Năm 1924, Nikolai Ostrovsky trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Đến thời điểm này sức khỏe của ông xấu đi nghiêm trọng. Để quên nỗi đau thân xác và những ám ảnh bệnh tật, Nikolai A. Ostrovsky nghiên cứu và đọc hàng trăm cuốn sách, ngoài những tác phẩm văn học ông còn đọc sách lí luận và các tác phẩm của Gorky.

Ở tuổi hai mươi ba, ông gần như không thể tự mình bước đi được nữa. Các tin tức buồn phiền về bệnh tật đã khiến ông tuyệt vọng nhưng rồi ông nhận ra tâm trạng bi quan không phù hợp với con người và hoàn cảnh của ông.

Năm 1930, tình yêu và hi vọng đã hồi sinh cho ông. Ông quyết tâm quay trở lại đội ngũ chiến đấu với thứ vũ khí mới là chữ viết. Ông viết bằng kí ức, bằng nỗi nhớ không nguôi về những ngày tháng tuổi trẻ sôi nổi cùng số phận, sự hi sinh quả cảm của những người anh em, đồng chí đoàn viên Thanh niên của ông. Ông luôn tin rằng những người Bolshevik sẽ đưa đất nước của ông tiến lên thịnh vượng và công bằng.

Trên gường bệnh, một mình can đảm đối mặt với cuộc chiến giành sự sống và tiếp tục sáng tác. Ông đã nghĩ ra một bộ dụng cụ bằng bìa cứng cho phép một người mù lòa và khó khăn cử động có thể dùng để viết cuốn sách của mình. N. Ostrovsky bắt đầu cuốn tiểu thuyết đầu tiên như thế. Cuối năm 1930, N. Ostrovsky viết lại bằng trí nhớ những trang bản thảo đã mất, hoàn thiện và đặt tên cho tác phẩm của mình là Thép đã tôi thế đấy

Thép ở đây là Pa-ven, là Xê-ri-ô-gia, là Va-li-a, là Giác-ki, cả một lớp thanh niên lao động, vừa lớn lên thì gặp ngay cách mạng, ý thức giai cấp và tuổi trẻ bừng lên trong bão táp của phong trào. Lò ngàn độ nóng tôi rèn họ là cuộc đấu tranh thật trường kỳ gian khổ, thật là tự lực cánh sinh của Cách mạng Tháng Mười. Người thợ vĩ đại tôi rèn thép ấy là Đảng Cộng sản, ngọn cờ và bộ tham mưu của cách mạng. Đảng lần lượt lãnh đạo chiến tranh, đảm bảo cung cấp, tổ chức vận tải, xây dựng đường sắt, trấn áp tàn dư phản cách mạng, tổ chức lực lượng nhân dân rộng lớn và thiết lập chính quyền cách mạng vững mạnh, lãnh đạo phục hồi sản xuất và kiến thiết, dắt dẫn nhân dân đi vào một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa - chưa từng có bao giờ. Trong đấu tranh vũ trang cũng như công tác xây dựng, Đảng tập dần thói quen cho Pa-ven chiến thắng. Pa-ven từng bước một trưởng thành, trở nên một chiến sĩ cách mạng già dặn. Bệnh tật mười chết một sống là trận thử thách cuối cùng. Pa-ven là thép đã tôi rồi nên đã thắng, toàn thắng.

Trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Thép đã tôi thế đấy là một trong những tác phẩm mà những chiến sĩ Hồng quân mang theo trong hành trang của mình qua các chiến trường khốc liệt.

Ở Việt Nam, tác phẩm Thép đã tôi thế đấy được dịch sang tiếng Việt lần đầu tiên vào 1954. Trong các chiến hào Điện Biên Phủ mù mịt đạn bom, khói lửa, các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã chuyền tay nhau bản dịch tóm lược tác phẩm dưới tên gọi Luyện thành gang thép. Ít năm sau đó, tác phẩm Thép đã tôi thế đấy được hai dịch giả Thép Mới - Huy Vân chuyển ngữ, Thép đã tôi thế đấy đã trở thành tác phẩm gối đầu của nhiều thế hệ tuổi trẻ Việt Nam, những thế hệ như người thương binh Phạm Hồng Sơn, nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm.., và rất nhiều, rất nhiều những thanh niên khác nữa đã dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, quê hương.

Thép đã tôi thế đấy là một ca khúc tươi đẹp của đời sống thực tế. Đọc mỗi chương sách như tiếp thêm máu chảy, nhiệt huyết cách mạng như được sục sôi, thúc giục tinh thần chiến đấu, lao động, học tập trong người đọc... Tác phẩm giải quyết cho chúng ta nhiều vấn đề về nhân sinh quan mới, dạy chúng ta biết yêu, biết ghét một cách chính xác và sâu mnh, khơi lên ở chúng ta những tình cảm lớn, xây dựng cho con người một quan niệm về tình yêu trong sáng. Không những vậy, nó còn là một kho báu kinh nghiệm trong công tác cách mạng để người người có thể nhìn nhận ra ánh sáng của chân lý, tiếp thêm sức mạnh thực hiện thành công công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2018), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm nổi tiếng này. Tin tưởng rằng, từ tác phẩm Thép đã tôi thế đấy, lý tưởng cao đẹp cũng như nghị lực phi thường của người thanh niên Pavel Korchaghin sẽ còn sống mãi trong tâm thức, suy nghĩ, khát vọng và hành động của không chỉ những người trẻ tuổi hôm nay.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1495 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày