Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
gtsachchuyende Thứ Năm, 28/03/2019, 09:10

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI LÀM NÊN LỊCH SỬ - HỒI ỨC ĐIỆN BIÊN PHỦ 1954 -2009

  Video giới thiệu sách

 
"Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng"
Đại thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 65 năm nhưng khi nhắc đến hai câu thơ trên, có lẽ người dân Việt Nam ai cũng nghĩ ngay đến chiến dịch đầy gian khổ, cam go nhưng cũng đầy khí phách hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Viết và nghiên cứu về trận đánh Điện Biên Phủ đã có rất nhiều tác giả và tác phẩm, chẳng hạn như: Điện Biên Phủ - 170 ngày đêm bị vây hãm, Điện Biên Phủ nhớ lại để suy ngẫm, Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, hay Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc vàng lịch sử chân lý và thời đại, v.v... nhưng có lẽ tác phẩm “Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành là cuốn sách mang tính mới lạ hơn cả.
 
 
Mới lạ từ tác giả đến nội dung cách thức thể hiện.
Nhóm tác giả của tập sách gồm năm nhà báo trẻ với sự giúp đỡ chia sẻ, đồng hành của nhà báo lâu năm – Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Cựu chiến binh Việt Nam, ông từng là chiến sĩ liên lạc của Đại đoàn 316 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Những nhà báo này lớn lên khi đất nước đã hòa bình, khi các cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc đã lùi vào dĩ vãng, nhưng họ tự xem mình mắc nợ với đất nước, với dân tộc đã sinh thành nuôi dưỡng họ để họ được ngẩng cao đầu sống trong hòa bình, trong độc lập, tự do. Họ tự nguyện hợp nhau lại quyết tâm làm được một cái gì đó như một sự tri ân, một sự trả nợ những người đã làm nên kỳ tích năm nào.
Hành trình đi tìm tư liệu và phỏng vấn hơn 160 nhân chứng bên cạnh tổng số hàng ngàn người đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trong cả nước, nhóm tác giả đã mang đến cho người đọc không chỉ là những trang sử ghi lại các con số, sự kiện, diễn biến trận đánh một cách xác thực mà còn là những cảm xúc, kỷ niệm qua hồi ức đầy xúc động, bùi ngùi nhưng chứa đầy nhiệt huyết cháy bỏng, ý chí hào hùng của các chiến sĩ cách mạng năm xưa.
167 câu chuyện, kèm theo là 167 bức chân dung tác giả của ngày hôm nay và hàng trăm bức ảnh, tư liệu về những con người ấy cùng đồng đội của họ 60 năm trước, họ có tên tuổi, địa chỉ, quê quán, phiên hiệu đơn vị. Tất cả tạo nên một sức mạnh đáng tin cậy. Họ đã làm nên lịch sử, và lịch sử có tên tuổi rõ ràng, lịch sử không vô nhân xưng. Họ là cán bộ, sĩ quan chỉ huy các cấp, các đơn vị, là những chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến hào, ở các mũi, các hướng tiến công, họ là y tá, thầy thuốc, là nhà văn, nhà báo,...từ các miền hội tụ về Điện Biên phục vụ cho trận đánh vĩ đại này.
Chưa bao giờ người dân Việt Nam đi ra trận nhiều như vậy.
Với 240 trang, bố cục tác phẩm được chia làm 3 phần: Phần 1 - Toàn dân ra trận, Phần 2 - Chuyện những người lính và Phần 3 - Tinh thần Điện Biên Phủ.
Lật mở từng trang sách, những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, những hình ảnh nóng hổi hơi thở chiến trường, khắc sâu vào tâm trí người đọc về những trận đánh khốc liệt của người lính cầm súng, của những chị dân công đêm ngày mở đường, vận chuyển lương thực dưới mưa bom bão đạn, từ những lần kéo pháo ra, kéo pháo vào, cuộc quyết chiến trên đồi A1 đến khi tướng Đờ - cát xin hàng.
Hơn 50.000 người lính đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Có người đã ngã xuống, có người thành anh hùng. Nhưng đông hơn cả là những người bình thường, quay trở về với gia đình, vợ con, quay về với trang sách hay mảnh ruộng, cái cày. Họ cũng là anh hùng nhưng họ lẫn trong đám đông, trong các phiên hiệu đơn vị. Họ là Nguyễn Ngọc Tân tiểu đội trưởng liên lạc của đơn vị đánh chiếm “Ụ thằng người” – một lô cốt khoảng 12m2 nằm lưng chừng đồi A1, là Đào Thị Vinh dân công hỏa tuyến vào chở đạn, ra chở thương binh, đêm đi ngày nghỉ...
Họ còn nhiều lắm, không thể biết chính xác ai còn ai mất, thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ họ vẫn sống, thanh thản vì đã làm xong nghĩa vụ lớn trong cuộc đời. Mỗi người trong số họ kể một câu chuyện riêng của mình, thật nhỏ nhưng thật chính xác về một thời khắc, một quãng thời gian ngắn ngủi kỳ lạ mà họ sống trong chiến dịch Điện Biên.
Tôi còn nhớ câu chuyện của đồng chí Lê Công Thuần, y tá trạm Z20 – người được mệnh danh là “phẫu thuật viên mát tay” kể: “Có một đồng chí trung đội phó bị thương vào tim. Khi hấp hối, anh nhờ đồng chí Thuần nhắn tin về cho vợ và hai con nhỏ ở quê. Ông khóc, ôm chặt anh cho đến khi tim anh ngừng đập. Mọi người đã liên lạc ngay với bên hậu cần để chuyển tin về gia đình. Sau đó mấy tuần, trạm của ông cấp cứu một chị dân công bị thương vào đùi do máy bay Hen-cát bỏ bom. Trước khi mổ nối mạch máu, hỏi thăm thông tin thì chị ấy bảo anh chồng từ mấy tháng nay không có tin gì. Khi chị nói tên và đơn vị của anh thì than ôi, lại đúng là anh trung đội phó đã hy sinh. Thương không tả nổi, nhưng không ai dám cho chị biết sợ bị sốc. Ca mổ thành công và chị ấy đã được cứu sống”.
Vâng ở đây không phải chỉ là những hình ảnh đầy mất mát đau thương do chiến tranh gây ra mà chen vào đó là cả những câu chuyện hài hước cười ra nước mắt của các đồng chí trong chiến dịch, như chuyện của đồng chí Trần Ngọc Duyện – Trưởng đài vô tuyến điện, trung đoàn 209. Ông kể: Mỗi trung đoàn chỉ có 1 đài thông tin vô tuyến điện, mỗi đại đoàn có 3 – 4 đài, phải lo thông tin thật tốt, không để xảy ra sơ sót gì. Mỗi trận có mật mã riêng, nếu bị địch bắt bao vây phải nói “Tôi đau bụng” hay “Tôi đang hát” để địch không hiểu, chứ nói lộ ra mình ở thế yếu, địch nó biết là chết. Ấy vậy mà, khi đánh nhau có anh cuống lên nhầm, thấy xe tăng địch lên lại hô “Cua của địch đang bò”, thế còn gì là bí mật nữa.
Hay câu chuyện của đồng chí Đỗ Ca Sơn cán bộ trung đội – tiểu đoàn 251 kể về việc mình bị kiểm điểm trong giây phút cuối cùng của Điện Biên, suýt tí nữa là bị kỷ luật, cũng chỉ vì mình mừng quá: Chiều hôm 7-5, địch ra hàng. Ông tự bảo “Thôi hết khổ, hết chết rồi”. Địch ra, mặc quần đùi, cởi trần, vì nóng mà. Giao thông hào lúc ấy đầy nước. 3-4 tên cầm cờ trắng lên hàng. Đang ở tuyến đầu nghe anh em bảo “Sơn ơi nó ra hàng kìa!”, ông mừng quá nhảy vọt lên khỏi hầm, vì biết tiếng Pháp nên ra tiếp nhận đầu hàng, chạy về phía nó. Mấy cái thằng đi đầu giơ tay ra, ông lại cũng giơ tay ra bắt. Thế làlúc về ông bị đơn vị kiểm điểm, với 2 lí do: Thứ nhất, chủ quan khinh địch, ngộ nó trá hàng thì sao, lúc đó nó làm cho một băng thì chết hết, thứ hai là mất lập trường, đi bắt tay kẻ thù.
Và còn rất nhiều câu chuyện bi hài khác nhưng phần lớn là những câu chuyện kể về đường lối chủ trương, kế hoạch phục kích của ta vào các cứ điểm của địch, về những chiến công hào hùng của quân ta sau 3 đợt tấn công để rồi giành được thắng lợi rực rỡ sau 56 ngày chiến đấu. 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn, quân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc chiến tranh đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Và giờ đây, khi đất nước đã hòa bình, hơn nửa thế kỷ qua, những người lính Điện Biên của ngày ấy vẫn hướng về vùng đất Tây Bắc. Nơi có những người bạn đang yên nghỉ, nơi có những đồng đội đã dựng nên làng bản thành phố, nơi mang cho họ nguồn cảm hứng để viết những dòng hồi ức. Điện Biên ngày xưa nay đã trở nên tươi xanh, nơi xưa kia sỏi đá giờ đã xanh với màu xanh của đồi chè chen lẫn màu trắng của hoa ban
Gấp trang sách lại mà tôi vẫn như cảm thấy tinh thần Điện Biên Phủ năm nào chảy trong tim mình. Tôi khâm phục những anh hùng, những chiến sĩ đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, vui lây niềm tự hào trong ký ức bất diệt của những chiến sĩ Điện Biên và những người dân đã làm nên chiến công oanh liệt.
 Đọc “Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009chúng ta như đang ở trong thời khắc lịch sử năm nào. Cuốn sách là một pho sử thật sự, thật gần gũi với lớp trẻ và thiết thực với xã hội, làm lay động đến lòng người đọc và góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của cha ông đối với thế hệ trẻ, nhắc nhở lớp lớp con cháu trân trọng những giá trị quý báu và bảo vệ những thành quả mà cha ông ta đã giành được. Chiến thắng Điện Biên Phủ đẹp như một huyền thoại làm rạng rỡ đất nước ta, đưa Tổ quốc lên đỉnh vinh quang chói lọi:
"Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như:
Huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!"
 
 
 
Nguyễn Sen

 

 


Số lượt người xem: 799 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày