Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
gtsachchuyende Thứ Sáu, 06/12/2019, 15:10

Hình ảnh người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong ''Ăn mày dĩ vãng'' của Chu Lai.

Dung Nguyễn

 

Tôi đã dự biết bao nhiêu tiết học lịch sử trong nhà trường, tai đã nghe bao nhiêu con số về sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, mắt đã được đọc bao nhiêu chiến công hiển hách vang dội của người lính cụ Hồ. Thế nhưng phải đến khi đọc cuốn tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của nhà văn Chu Lai thì tất cả những gì khốc liệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, cùng với sự can trường của người chiến sĩ Quân dội nhân dân Việt nam mới hiện lên rõ mồn một, sinh động và in đậm dấu ấn trong đầu tôi đến thế.

Nhắc đến người lính thì thời nào cũng thế, cả trong chiến tranh hay trong thời bình người ta nghĩ ngay tới hình ảnh rắn rỏi mạnh mẽ, luôn trong tâm thế sẵn sàng để bảo vệ nền hòa bình của dân tộc. Đó chỉ là một khía cạnh của người lính thôi, nếu mọi người muốn biết mọi mặt về cuộc sống chiến đấu của nhân dân ta thời đó, thì xin hãy đến thư viện tỉnh Đồng nai để mượn cuốn “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai và tìm hiểu. Tác phẩm này đã khắc họa về người lính một cách rất chân thực, rất đời. Hình ảnh một người lính trước chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh khác nhau như thế nào. Họ cũng như những con người bình thường khác có lý tưởng, có yêu thương giận hờn và có cả hận thù. Chiến tranh đã thay đổi tâm hồn và cuộc sống của họ ra sao đều được tác giả trình bày tỉ mỉ, nhẹ nhàng đôi lúc trần trụi khiến cho người đọc nhiều khi thấy rùng mình giống như mình đang đứng trước một cuộc chiến tranh tàn khốc vậy.

Cuốn tiểu thuyết kể về người cựu binh Hai Hùng, một chiến sĩ quân giải phóng vùng ven đô thành Sài Gòn từ thời Chiến tranh Việt Nam, trở về với cuộc sống đời thường trong hiện tại, nhưng luôn đau đáu về quá khứ nên đã quyết đi tìm lại mộ người yêu cũng là người đồng chí của mình để rồi biết được một sự thật cay đắng là cô chưa hề chết nhưng lại như đã chết vì sống dưới danh phận của một người hoàn toàn xa lạ Tư Lan. Trong quá trình tìm về quá khứ của hai Hùng nhà văn Chu Lai đã khéo léo đan xen những mảnh đời của những người lính sau chiến tranh trở về xây dựng cuộc sống mới.

Trong hòa bình, những người lính can trường trong chiến tranh phần lớn đã "về vườn, ăn theo, núp váy vợ. Đứa thì say xỉn tối ngày nằm trên võng nắng; đứa thì lụi hụi trồng tỉa ngoài bưng, mở mồm là càu cạu; đứa thì thở dài phìn phịt giữa một bên là bầy con nhem nhuốc, một bên là thạp gạo chỉ còn cám mùn đọng quẩn dưới đáy; thằng kia sống trụi thùi lụi một mình, hỏi nhà cửa vợ con đâu chỉ giơ cái chai đế lên cười xệch xẹo". Nhưng cũng có những người như Quân trước là cậu bé giao liên, nay là phó chủ tịch huyện, biết làm giàu cho quê hương và cho bản thân; hoặc như Tuấn, như Tám Tính đã hòa nhập tự nhiên với cuộc sống đời thường và không những thế còn vươn lên làm chủ cuộc sống mới. Tiêu biểu vẫn là nhân vật Hai Hùng như tác giả khắc họa là "không vợ không con, không cắc bạc dính túi nhưng có mảnh quá khứ đập phập phồng trong lồng ngực", với lý tưởng "Cuộc đời một thằng lính còn có gì khác hơn là khôn nguôi hướng về dĩ vãng và cầu mong cho dĩ vãng đó luôn trong lành chân thật". Người lính Hai Hùng dám quay lại quá khứ để đối diện với nó, nhưng Ba Sương cũng đã từng là một người lính rất can trường thế mà nay cô lại chối bỏ quá khứ, chối bỏ tình yêu, thỏa hiệp với cái ác để yên tâm sống một cuộc sống giàu có. Hai kẻ đi ngược chiều nhau, người chốn chạy kẻ thì tìm về, cuối cùng họ cũng gặp được nhau nhưng trong hoàn cảnh đau đớn là phải chứng kiến cái chết thật sự của Ba Sương.

16 chương của cuốn tiểu thuyết luôn làm cho độc giả tò mò, hồi hộp về những diến tiến tiếp theo của cuộc chiến cũng như số phận của người lính. Các bác cựu chiến binh khi đọc tác phẩm này chắc chắn lại thấy những hình bóng quen thuộc trong đó. Những chi tiết như là khi đói quá họ phải ăn trộm hộp sữa trong bồng của đồng đội ăn, hay như cái ông Tám Tính đi vồ con gái người ta để thỏa mãn nhục dục đang lên đến mức cuồng tính, hay để cướp cò B41 làm chết người bạn đồng chí, đồng hương của mình... Họ hết sức bình thường, bình dị giản đơn, những con người chứa đựng cả hai mặt ưu và khuyết điểm. Chỉ những người trong cuộc, từng sống chung và trải qua mới kể lại một cách rành rọt chi tiết, tỉ mỉ và y như thật như thế. Tác giả cho độc giả thấy trong chiến tranh có đầy đủ các kiểu người từ can trường như Hai Hùng đến ông phó bí thư quận ủy Ba Tiến bỏ bạn bè, đồng đội mà chạy chốn khi bị địch đánh úp, hay số phận sóng gió của Hai Hợi, dục vọng bản năng của Tám Tính, cái chết thương tâm của Bảo của Viên bị “mìn Clâymo hất văng vào bụi chuối cách đó ba mét, mình mẩy nát tươm và không còn thở nữa”. Hai Hùng nghĩ trong chua xót “Chiến tranh nó là cái gì nếu không phải ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà vẫn chưa đến lượt mình”. Thế nhưng vượt lên trên tất cả mọi khó khăn gian khổ. Họ những người không hoàn hảo như thiên thần, những con người vì quê hương bán mạng bám lấy từng mảnh rừng, quyết giữ gìn hòa bình tự do cho quê hương cho đất nước, cho những người thân yêu của mình không phải sống trong tủi nhục nữa.

 Họ không huênh hoang chiến công này, chiến tích nọ, họ luôn im lặng để mặc cho năm tháng chiến tranh, năm tháng mà họ phải chiến đấu gian khổ cực nhọc bào mòn đi tuổi trẻ và hạnh phúc của họ, để lại trên thân thể họ những vết thương đau âm ỉ. Mặc kệ luôn cả những thói đời đang từng ngày làm tổn thương họ thêm lần thứ hai, lần này là về mặt tinh thần, những sự thật méo mó, giả dối tràn ngập giữa dòng đời đang chảy dữ dội, gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng dần làm hao mòn đi thể chất của những con người từng vạm vỡ. Nhưng với bản tính can trường đặc trưng của người chiến sĩ quân đội nhân dân họ đã từng ngày sống và phân đấu để cho cuộc sống của mình của gia đình ngày càng hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.

Truyện kết thúc ở một nhận định và một câu hỏi khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi: “Cuộc chiến tranh vừa qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát lại là có thật. Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là một màn kịch cả. Phải vậy không em?”. Những ai chưa từng một lần đau xót khi đứng trước một người lính nay đã mất đi đôi chân hay chiếc tay của mình. Hay đã tỏ ra coi thường một cựu chiến binh sống trong nghèo khổ thì xin hãy tự vấn lương tâm mình, và xin hãy cầm ngay cuốn “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai nên mà đọc để gặm nhấm những nỗi đau mà họ - những người đã dùng cả mạng sống của mình để đổi lấy cuộc sống yên bình cho bạn ngày hôm nay.

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 602 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày