Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Tư, 30/01/2019, 15:00

Văn hóa đọc và giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay

      I. Sự cần thiết phát triển văn hóa đọc trong tình hình hiện nay.

Văn hóa đọc - một bộ phận của Văn hóa – là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Thông qua Văn hóa đọc, định hướng đọc cho mọi người dân, tuỳ thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình. Văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Văn hóa đọc giữ vai trò chủ chốt trong quá trình học tập, quá trình nhận thức của mỗi người. Chính vì vậy, phát triển Văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực – nhân tố quyết định mọi thành công.

Tuy nhiên, nhưng trong thời đại ngày nay, với nhịp sống công nghiệp hiện đại, con người ngày càng tất bật với những cuộc mưu sinh, thời gian rảnh rỗi của con người ngày càng eo hẹp. Trong khi đó, các phương tiện nghe nhìn tivi, điện thoại thông minh, ipad, internet, báo mạng, báo đài,… phát triển rất mạnh, các hình thức giải trí đa dạng, thường xuyên xuất hiện và đổi mới liên tục, hấp dẫn đã thu hút được ngày càng nhiều sự chú ý và tiếp cận của người dùng, khiến cho con người dần dần ngại đọc sách và càng có chiều hướng xa rời văn hóa đọc. Năm 2013, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa ra một con số đáng buồn: trung bình mỗi người Việt Nam một năm chỉ đọc 0,8 cuốn sách. Con số này chưa có thể thật chính xác hoặc dựa trên một cuộc điều tra chưa toàn diện nhưng có một điều chúng ta phải thừa nhận: số người có thói quen đọc sách ở nước ta ngày càng giảm đi. Đó là một điều đáng tiếc đối với sự phát triển cá nhân và là điều đáng lo đối với sự phát triển văn hóa tinh thần của cả xã hội.

      II. Một số giải pháp phát triển và góp phần nâng cao hiệu quả văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Là đơn vị sự nghiệp văn hóa, có chức năng thông tin tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả vốn tài liệu đang lưu giữ đến toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển văn hóa – xã hội cho toàn tỉnh. Hệ thống Thư viện trong tỉnh Đồng Nai bao gồm 1 thư viện tỉnh, 11 thư viện huyện, thành phố và Công ty Cao su, với nguồn nhân lực có đủ chuyên môn nghiệp vụ cùng kho tài liệu đồ sộ và phong phú lên đến hàng trăm nghìn bản sách, đảm bảo thực hiện chức năng lưu giữ và truyền tải “Văn hóa đọc”, sẵn sàng phục vụ những người yêu sách, yêu văn hóa đọc trong và ngoài tỉnh.

Với phương châm “Thư viện là nhà’, “Sách là nguồn sống”, Thư viện tỉnh Đồng Nai luôn chú trọng đầu tư và tổ chức tốt tất cả các khâu trong một dây chuyền khép kín, từ khâu bổ sung, xử lý nghiệp vụ, bảo quản, thông tin tuyên truyền giới thiệu sách báo cho đến khâu phục vụ tài liệu đến tay bạn đọc. Quá trình xây dựng và phát triển của mình, Thư viện Đồng Nai luôn cố gắng vươn lên vượt qua mọi khó khăn trở ngại đưa ngành thư viện của tỉnh nhà vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, trở thành một trong những thư viện đầu ngành của hệ thống thư viện công cộng trong Liên hiệp Thư viện Miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập khi ngành công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, hệ thống thư viện công cộng cả nước nói chung, Thư viện tỉnh Đồng Nai nói riêng đang đứng trước nguy cơ ngày càng thiếu vắng bạn đọc và phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu hút bạn đọc đến với thư viện. Nhận thấy sự hạn chế trên, trong những năm qua, mặc dù thư viện Đồng Nai cũng đã có nhiều đổi thay trong cải cách thủ tục hành chính và trong hoạt động thư viện nhất là công tác phục vụ bạn đọc như: tăng cường vốn tài liệu có giá trị cao, những tài liệu quý hiếm, tích cực bổ sung tài liệu số để phục vụ trên môi trường mạng, nâng cấp đường truyền internet để thời gian truy cập nhanh hơn, đầu tư thêm máy tính để phục vụ bạn đọc, rút ngắn thời gian cấp thẻ, cho mượn tài liệu với số lượng nhiều hơn và thời gian dài hơn, thay đổi không gian đọc sách tại chỗ trong thư viện nhất là phòng đọc thiếu nhi, tăng cường công tác luân chuyển tài liệu đến từng thư viện cơ sở, trạm sách, công ty, trường học; tích cực thông tin tuyên truyền giới thiệu sách - báo và các hoạt động thư viện trên Website, trên trang mạng xã hội Fcebook, youtube, băng rôn, áp phích, tờ rơi và các hoạt động thông tin tuyên truyền khác,… nhưng những thay đổi đó vẫn chưa thật sự thu hút nhiều bạn đọc đến thư viện.

Vậy phải làm gì để góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả văn hóa đọc trong tình hình hiện nay, đó là trăn trở rất lớn của những người làm công tác thư viện. Để khắc phục viễn cảnh một thư viện khang trang rộng lớn với hàng trăm ngàn bản sách mà hàng ngày không thể không có bạn đọc, Thư viện tỉnh Đồng Nai đã đưa ra một số giải pháp thu hút bạn đọc đến thư viện trong thời gian tới:

1. Tăng cường xây dựng và phát triển vốn tài liệu có chất lượng nhất là tài liệu quý hiếm và tài liệu số. Vốn tài liệu càng phong phú thì khả năng đáp ứng nhu cầu đọc càng lớn và càng có sức thu hút bạn đọc. Tăng cường đầu tư kinh phí để bổ sung các tài liệu kho tra cứu, xuất bản phẩm địa phương, đặc biệt là tài liệu địa chí.

Không ngừng thu thập, bổ sung thêm tài liệu qua nhiều nguồn: mua, trao đổi, biếu tặng, photo, sao chụp giữa các thư viện, cá nhân, đoàn thể. 

2. Thường xuyên biên soạn các thư mục thiếu nhi, thư mục sách mới, thư mục chuyên đề, Tin chọn lọc. Tiếp tục quảng bá nguồn tài liệu có trong thư viện trên Website https://www.thuviendongnai.gov.vn và các trang mạng xã hội khác. Nội dung đăng tải sẽ tiếp tục được cập nhật và đổi mới với các chủ đề phong phú, đa dạng, có tính chọn lọc hơn. Cán bộ Thư viện tập trung chú trọng tạo ra các sản phẩm thông tin thư mục online, lập thư mục toàn văn chuyên đề, tập hợp những bài viết, bài trao đổi, nghiên cứu thuộc nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực có tính khoa học và giá trị cao phản ánh những vấn đề về kinh tế – văn hoá – xã hội… của cả nước, đặc biệt những bài viết về phát triển kinh tế, chính trị xã hội của Đồng Nai đang trong thời kỳ đổi mới.

3. Tiếp tục đào tạo các cán bộ thư viện có đủ trình độ chính trị, trình độ chuyên môn về thư viện, tin học, ngoại ngữ để khai thác tốt nguồn tài nguyên tri thức được lưu trữ dưới dạng các cơ sở dữ liệu toàn văn trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin tích cực cho nhiều đối tượng bạn đọc.

Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý đủ năng lực, trình độ, tâm huyết với nghề, năng động sáng tạo trong công tác, luôn trăn trở với những khó khăn của đơn vị, cống hiến tài và đức vào sự nghiệp xây dựng thư viện ngày một phát triển.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện: Tiếp tục xây dựng các dự án dài hạn, ngắn hạn về số hóa tài liệu. Tăng cường số hoá các tài liệu đang có trong thư viện (cố gắng đạt 100% tài liệu địa chí, và 60% tài liệu quý hiếm của thư viện tỉnh, 100% tài liệu viết bằng ngôn ngữ dân tộc).

Tăng cường đầu tư kinh phí nâng cấp đường truyền internet, nâng cấp hệ thống máy vi tính, đảm bảo việc tra cứu tài liệu được nhanh chóng, chính xác, đầy đủ,

5. Chuẩn hóa các hoạt động nghiệp vụ thư viện theo chuẩn quốc tế nhằm tạo sự liên kết liên thư viện trong khu vực và quốc tế để dễ dàng chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin. Nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn và xã hội hóa hoạt động thư viện cho cán bộ thư viện từ tỉnh tới cơ sở.

Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, chú trọng văn hóa giao tiếp trong thư viện để tạo niềm tin nơi bạn đọc. Đồng thời, tạo mọi điều kiện về vật chất (trang thiết bị máy móc hiện đại), và cả tinh thần (sự thoải mái ấm cúng, sự vui vẻ, nhiệt tình của thủ thư) để bạn đọc có thể xem thư viện như một ngôi nhà thứ hai của mình.

6. Thực hiện đa dạng hóa việc phục vụ tại chỗ, trưng bày, triển lãm, thông tin tuyên truyền giới thiệu sách báo, thực hiện thông tin tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng, khôi phục và duy trì các câu lạc bộ bạn đọc, các buổi giao lưu giữa bạn đọc và tác giả kết hợp giới thiệu tác phẩm, các buổi nói chuyện chuyên đề để bạn đọc thấy được sự bổ ích của việc đọc sách. Lắng nghe, tiếp thu ý kiến bạn đọc, chắt lọc rút kinh nghiệm những gì chưa làm được, tận dụng sự đóng góp của bạn đọc vào công tác thư viện nhằm cải tiến chất lượng phục vụ bạn đọc.

Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình, Hội Nhà báo, Hội văn học nghệ thuật, nhà xuất bản, các nhà sách tại địa phương... tổ chức ngày hội sách với nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá vốn tài liệu, đặc biệt là tài liệu địa chí.

Tổ chức nhiều hội thi giới thiệu về sách, viết cảm nhận về sách, phong trào “khuyến đọc” trong học sinh, sinh viên.

7. Triển khai các dịch vụ thư viện: Liên kết với các ngành trong tỉnh để kết nối các CSDL công cộng đang nằm rải rác tại các cơ quan chuyên môn bằng các phương pháp trao đổi hoặc thu phí dịch vụ hợp lý để người dân có thể tiếp cận được hết các chính sách của Nhà nước thông qua hệ thống Thư viện công cộng. Vd: CSDL địa chính, CSDL Lịch sử Đảng,…

Xây dựng các CSDL dữ kiện chuyên đề nhằm phân tích và khai thác chi tiết các cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ nhu cầu thông tin cụ thể của Bạn đọc. VD: trả lời các câu hỏi về thời gian, địa điểm, sự kiện, nhân vật, biên soạn và cung cấp các thư mục hoặc thông tin chuyên đề phục vụ việc học tập, các hội thi, công tác nghiên cứu,…

Linh động phục vụ các dịch vụ theo yêu cầu của bạn đọc: có thể sao lại tài liệu mà bạn đọc yêu cầu, dịch vụ tra tìm tài liệu theo yêu cầu, cung cấp tài liệu tại nhà kể cả tài liệu quý hiếm nhằm giúp bạn đọc không mất thời gian vào thư viện tìm kiếm tài liệu.

9. Duy trì mạng lưới thư viện cơ sở, tăng cường công tác luân chuyển tài liệu: Cần lưu ý loại hình sách báo luân chuyển, số lượng bản/tên sách hợp lý, nội dung sách luân chuyển phải được bạn đọc quan tâm và phù hợp với từng đối tượng bạn đọc. Nên bám sát các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… của từng địa phương để luân chuyển sách có nội dung phù hợp, đúng đối tượng, đúng mục đích và trình độ dân trí của người dân sống trên địa bàn.

 

Tiếp tục chương trình tặng sách cho những nơi chưa có điều kiện lập tủ sách hoặc đã có mà vốn sách còn ít ỏi, nghèo nàn; thực hiện nhiều hơn nữa những “chuyến xe tri thức” đến các trường học trên địa bàn tỉnh ưu tiên những địa điểm ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Trực tiếp liên hệ đặt trạm sách và hỗ trợ sách mới, nhất là những nơi tập trung đông dân cư và nhà trọ công nhân, người lao động đang sinh sống. Thường xuyên giữ mối liên hệ, thu hồi và luân chuyển sách mới đến các trạm sách cũ. Phát triển và nhân rộng mạng lưới phục vụ bạn đọc đến tận ấp, khu phố, trại giam, trường giáo dưỡng, công an trên địa bàn tỉnh…

Trên đây là một số giải pháp nhằm phát triển văn hóa đọc và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Thư viện trên địa bàn tỉnh giai đoạn hiện nay. Tin tưởng trong tương lai với nhiều dự định, hệ thống Thư viện tỉnh Đồng Nai sẽ đưa “Văn hóa đọc” đến với bạn đọc bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng bằng cả sự quyết tâm và tâm huyết với nghề của tập thể cán bộ thư viện, để con đường đến với văn hóa đọc của bạn đọc được rút ngắn, khả năng tiếp cận với sách được đáp ứng nhanh hơn, dễ dàng hơn. “Chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát triển Văn hóa đọc, góp phần nâng vị thế, vai trò của ngành Thư viện Đồng Nai ngày một phát triển bền vững trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa” chính là ước mong, hoài bão mà tập thể thư viện Đồng Nai luôn hướng tới.

Ông Nguyễn Văn Tám – GĐ. Thư viện tỉnh Đồng Nai (thứ 5 từ phải vào)

nhận giấy chứng nhận Phát triển Văn hóa đọc lần thứ nhất năm 2018

 

Phan Hương – Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 389 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày