Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Ba, 10/12/2019, 10:35

THƯ VIỆN ĐỒNG NAI NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN TRẺ THƠ

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 giúp phát triển về kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số, sử dụng kết nối Internet và trí tuệ thông minh. Tuy nhiên, cũng kéo con người sống trong thế giới ảo bởi các trò chơi giải trí như game, các chương trình thú vị trên máy tính, điện thoại thu hút con người đặc biệt là giới trẻ, nhất là các em thiếu nhi. Vì vậy, lấy đi rất nhiều thời gian của con người, làm cho sức hút của sách giấy đối với con người giảm dần; một cuốn sách thực, một tờ báo, tạp chí thực không hấp dẫn bằng các hình ảnh động hay các trò chơi điện tử trên máy tính hay smartphone, do vậy văn hóa đọc giảm dần đối với con người.

Với trẻ em ở nước ta, nhất là trẻ em thành thị ngày nay, say mê sử dụng các phương tiện nghe nhìn, các phim ảnh trên internet hơn là đọc một tập sách, hay một cuốn báo. Trò chơi điện tử không những lấy đi rất nhiều thời gian của con người mà còn gây ra những hậu quả có hại ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trẻ em là mầm non, là tương lai của gia đình và đất nước, việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Trong giáo dục, sách báo luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước.

Sách – giá trị văn minh song hành cùng thế hệ trẻ

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ đọc sách hoặc được cha mẹ đọc sách cho nghe sẽ có vốn từ vựng nhiều hơn những bé ít tiếp xúc với sách. Bên cạnh đó, việc đọc sách còn giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng đọc, viết và có kiến thức về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Nếu chỉ giao tiếp cơ bản hàng ngày, vốn từ vựng của trẻ sẽ bị giới hạn và lượng từ dễ bị lặp lại. Các cuốn sách sẽ mang đến cơ hội cho trẻ mở rộng vốn từ, học thêm những cấu trúc câu, biết thêm thành ngữ - tục ngữ.

 Một khả năng diệu kỳ của việc đọc sách là giúp các em nhỏ gia tăng khả năng tập trung. Với các thiết bị như ti vi, máy tính bảng, điện thoại sự tập trung của các em mang tính thụ động. Còn với hoạt động đọc sách đòi hỏi trẻ buông lỏng đầu óc để thư giãn, tập trung vào câu chữ. Nhờ đó, bộ não sẽ được kích thích, nâng cao hiệu quả của khả năng tập trung.

Điều thú vị của hoạt động đọc sách là trẻ được thỏa sức thể hiện trí tưởng tượng độc đáo. Mỗi quyển sách là một chân trời thú vị chứa kho tàng kiến thức, chờ trẻ khám phá và học hỏi. Đọc càng nhiều, trẻ sẽ càng biết nhiều hơn về cuộc sống quanh mình và thế giới.

Sách còn giúp cân bằng cuộc sống trước thời đại công nghệ số, giảm các tệ nạn trên thiết bị điện tử, cận thị, loạn thị, xây dựng cho trẻ tâm hồn kiên nhẫn, văn minh.

Do vậy, vấn đề phát triển việc đọc sách cho thiếu nhi là nhiệm vụ hàng đầu nhằm góp phần định hướng và nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho thiếu nhi, góp phần nuôi dưỡng tinh thần cho trẻ. Văn hóa đọc ảnh hưởng sâu rộng trong quá trình nhận biết thế giới và hình thành nhân cách của trẻ. Để xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh cho các em, thì sự phát triển của thư viện là hết sức quan trọng trong việc lôi cuốn độc giả, nhất là sức hút của thư viện đối với thiếu nhi.

Thư viện tỉnh Đồng Nai trong quá trình nuôi dưỡng

Gắn bó với bạn đọc mọi lứa tuổi trong suốt 43 năm, đã trải qua biết bao thăng trầm của xã hội, Thư viện tỉnh Đồng Nai đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, được Nhà nước và Bộ VH,TT & DL tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai và nhiều phần thưởng cao quý khác. Hơn 40 năm hình thành và phát triển, Thư viện Đồng Nai vẫn trăn trở với công cuộc đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển văn hóa đọc nhất là ở độ tuổi thiếu nhi. Thư viện (nơi tôi đang công tác) luôn thực hiện tốt trong việc giáo dục và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi.

Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ bạn đọc là công việc đầu tư cho sự phát triển của Thư viện. Khi mới thành lập (15/11/1976), cả cơ quan chỉ có 7 người với trình độ sơ cấp, hiện nay với 29 nhân sự đủ các trình độ từ thạc sỹ, đại học, trung cấp.

 Để đảm bảo được việc phục vụ bạn đọc là các em thiếu nhi, người làm thư viện luôn là những người bạn đồng hành tận tình và yêu thương, nhất là thấu hiểu được tâm lý các em. Hiện nay phòng phục vụ bạn đọc có 9 viên chức thường trực, trong đó phòng đọc thiếu nhi có 1 thủ thư phụ trách chính. Viên chức của phòng là người trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho các em chọn đúng nhu cầu thông tin và phù hợp với lứa tuổi của các em. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thủ thư của phòng thiếu nhi luôn học hỏi, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng và phương pháp phục vụ các em.

Thư viện Đồng Nai được tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đầy đủ trang thiết bị để tổ chức tốt các hoạt động phục vụ nhu cầu giải trí, hưởng thụ, học tập, nghiên cứu, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân qua sách, báo trên địa bàn tỉnh. Tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, những nhiệm vụ chính trị của địa phương đến với cộng đồng. Mỗi năm để thu hút bạn đọc, ngoài phục vụ tại chỗ thư viện tập trung tổ chức phục vụ lưu động, đẩy mạnh luân chuyển sách đến điểm cơ sở, chú trọng nhất là các trường học để góp phần xây dựng văn hóa đọc cho các em.

Công tác tổ chức phục vụ thiếu nhi

          Cơ sở vật chất

Tích cực đổi mới phòng đọc thiếu nhi, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với đặc thù, tâm sinh lý và lứa tuổi; đầu tư sáng tạo, linh hoạt trong việc tạo không gian, môi trường văn hóa thân thiện, sân chơi bổ ích và lý thú cho thiếu nhi đọc sách phù hợp với thời gian học tập của các em.

Phòng đọc thiếu nhi Thư viện tỉnh Đồng Nai đặt tại tầng một, không gian thực sự thân thiện. Các bức tường được trang trí đẹp mắt và đầy ý nghĩa, có bức tường được khoác cho mình những trang sử vẻ vang của dân tộc với hình ảnh hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, hay cùng những câu chuyện củachú bé người gỗ pinochicco. Nơi đây thực sự là một thế giới dành riêng cho trẻ thơ.

Các kệ sách được sắp xếp theo chủ đề phù hợp với từng lứa tuổi của các em, đa dạng từ các loại sách như truyện tranh, truyện cổ tích,… đến những cuốn sách học bổ trợ kiến thức, có hình thức đẹp, bắt mắt, nội dung phong phú và chất lượng.

Chọn được tên sách ưa thích, các em có thể thoải mái ngồi đọc tại những bộ bàn ghế nhỏ, hình dạng dễ thương, lại bắt mắt về màu sắc. Có khi các em nhỏ có thể nằm, ngồi tùy thích trên những chú ghế lười để thưởng thức các hình ảnh và thông tin trong những tập sách đang cầm trên tay. Hay cả một nhóm các em tuổi mầm non nằm trong diện tích 20m2 thảm say sưa, thích thú tô màu.

Chính sự sắp xếp, trang trí phù hợp với tâm lý trẻ thơ, cùng không gian thân thiện, thoáng mát, phòng lúc nào cũng sạch sẽ, gòn gàng nên có rất nhiều em nhỏ đến đọc sách, nhất là trong dịp hè thu hút được nhiều trường mầm non đưa các bé đến tham quan và cảm thụ sách, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ từ thuở còn thơ.

Công việc cấp thẻ mượn đọc và đầu tư vốn tài liệu

Trong những năm gần đây, mỗi năm thư viện tỉnh tiếp nhận làm hơn 10.000 thẻ cho các em trong và ngoài thư viện, phục vụ trên 250.000 lượt bạn đọc thiếu nhi trong và ngoài thư viện. Tổng số vốn tại liệu có hơn 50.000 bản sách phục vụ tại chỗ cho các em chưa kể tài liệu để luân chuyển đến các điểm thư viện cơ sở trong toàn tỉnh.

Tài liệu trong kho được sắp xếp theo số đăng ký cá biệt. Ngoài phòng tổ chức phục vụ mở, sách được xếp theo chuyên đề rất thuận tiện với nhu cầu hưởng thụ thông tin của mỗi em.

Để phục vụ các em thiếu nhi một cách tốt nhất, công tác xây dựng vốn tài liệu luôn được quan tâm. Tăng đầu sách bổ sung, đa dạng từ các loại sách văn học, tri thức trẻ em, nghiên cứu, đến các loại truyện tranh, truyện cổ tích… Nguồn tài liệu có nội dung giáo dục về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông, lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam; văn hóa giao tiếp, ứng xử trong nhà trường gia đình, xã hội; những câu chuyện về giáo dục tình yêu quê hương đất nước, hành động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; gương người tốt, việc tốt, gương vượt khó, sách kỹ năng sống,... của thiếu niên Việt Nam trong học tập, lao động.

Sách được bổ sung đều có hình thức thẩm mỹ, chất lượng về nội dung phù hợp với lứa tuổi từ mầm non đến trung học phổ thông. Ngoài ra, vốn tài liệu bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức, sách tham khảo học sinh, các loại báo, tạp chí dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng tại phòng phục vụ thiếu nhi, cũng được quan tâm chú trọng bổ sung thường xuyên tạo một nguồn lượng tri thức phong phú, dồi dào, đa chủng loại cho các em lựa chọn.

Tổ chức ngày hội sách và hoạt động hè

Hàng năm kỷ niệm ngày Sách Việt Nam (21/4), Thư viện kết hợp với nhiều nhà sách, nhà xuất bản tổ chức ngày Hội sách, thu hút các em đến thư viện, tích cực tuyên truyền, quảng bá những sách hay để góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa đọc cho trẻ.

Đến hẹn lại lên vào mỗi dịp hè đến, thư viện tỉnh Đồng Nai phát động và tổ chức Hội thi Kể chuyện và vẽ tranh theo sách. Là cơ hội cho các em thiếu nhi thể hiện năng khiếu hội họa, khơi dậy tư duy sáng tạo, trí tưởng tượng qua việc học tập những điều hay lẽ phải, cảm thụ cái đẹp trong sách báo, góp phần hình thành đạo đức, nhân cách và lối sống. Mỗi năm hội thi thu hút sự tham gia của hơn 200 em xuất sắt nhất thuộc khối tiểu học và Trung học cơ sở của 11 đơn vị các huyện, thành phố Biên Hòa, và thành phố Long Khánh.

Hội thi là hoạt động vô cùng bổ ích cho các em, bởi qua đó giáo dục các em tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc; tình cảm đạo đức cao đẹp của ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, tinh thần tương thân tương ái, nêu những gương người tốt, việc tốt, rèn luyện tính tự giác trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, thư viện đẩy mạnh việc phát hành thư mục giới thiệu sách thiếu nhi nhất là trong dịp hè nhằm định hướng cho các em tìm đọc những sách có ích, bổ trợ kiến thức cho học tập, rèn luyện kỹ năng sống. Hàng năm, Biên soạn và phát hành trên 60 bản thư mục giới thiệu sách hè đến Ban chỉ đạo hè tỉnh, thành - thị - Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa thông tin và Thư viện các huyện.

Đồng thời không ngừng mở rộng thêm địa điểm các thư viện trường học trên địa bàn thành phố Biên Hòa để đưa sách vào phục vụ, tăng lượt luân chuyển. Tích cực hướng dẫn thư viện các huyện, thành phố tổ chức tốt công tác phục vụ sách báo, tạo mọi điều kiện cho các em thiếu nhi được tiếp cận với sách báo, chú trọng các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Khó khăn trong phát triển văn hóa đọc ở lứa tuổi niếu niên, nhi đồng

Chúng ta không thể phủ nhận sự thông minh của công nghệ, do vậy sự ảnh hưởng của nó tới xã hội nói chung và các em thiếu nhi nói riêng là lẽ đương nhiên. Thiết bị điện tử có sức hút kỳ diệu đối với trẻ em, đến nỗi chúng có thể mang đến sự yên tĩnh lạ kỳ và nó đang dần điều khiển bộ não thông minh vốn có của trẻ hướng đến một cuộc sống ảo.

Chưa kể tới việc hiện nay thị trường sách thiếu nhi vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, nhưng lại không dễ lựa chọn chút nào. Nhìn qua, khó có thể phân biệt được sách tốt, xấu khi hình thức bên ngoài đều được thiết kế rất đẹp mắt, chất lượng giấy tốt. Trong thực tế, không ít cuốn sách có nội dung trùng lặp, thiếu chọn lọc được bày bán công khai. Nội dung một số cuốn sách “na ná” nhau, thiếu sự sáng tạo; lời thoại ít, chủ yếu là kể lể. Kết quả là trên thị trường xuất hiện nhiều đầu sách thiếu nhi có chất lượng thấp cả về nội dung lẫn hình thức, gây phản cảm cho bạn đọc. Vì thế việc tìm được tên sách chất lượng giữa thị trường quá nhiều đầu sách vẫn luôn là nỗi băn khoăn lo lắng của các bậc phụ huynh. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển văn hóa đọc cho các em.

Hơn nữa do kinh phí còn hạn chế nên việc đầu tư cho tổ chức hoạt động thiếu nhi trong các thư viện chưa được triệt để. Thư viện mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của các em.

Phương hướng trong tương lai

Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho việc mở rộng, hiện đại hóa các dịch vụ thư viện. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện một cách kịp thời đáp ứng nhanh chóng, chính xác nhu cầu thông tin của các em. Chú trọng và đầu tư phòng đọc thiếu nhi phục vụ theo mô hình kho mở, kho tự chọn đồng thời tạo các góc không gian thân thiện cho trẻ đọc sách như góc học tập, góc giải trí…

Các bậc phụ huynh ý thức được việc hướng các em đọc sách là rất tốt nhưng phương pháp đọc và nội dung nguồn tài liệu sao cho phù hợp với từng độ tuổi của trẻ là hết sức quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì vậy ngoài nhà trường, thư viện là nơi đáng tin cậy nhất để các bậc cha mẹ gửi gắm con em mình đến vui chơi giải trí và thỏa sức học tập, sáng tạo.

Kết luận

43 năm chuyển mình theo những thay đổi của xã hội, phòng thiếu nhi của Thư viện tỉnh Đồng Nai là một điểm sáng trong hệ thống phục vụ bạn đọc. Đến nay càng khẳng định được tầm quan trọng của mình trong việc vây dựng và phát triển văn hóa đọc cho các em thiếu nhi – tương lai của đất nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới phòng đọc thiếu nhi và phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của các em. Hãy đến với Thư viện Đồng Nai, các em không chỉ đắm chìm trong tòa lâu đài của những tờ báo, trang sách mang tính giáo dục cao mà còn được trao truyền chìa khóa vạn năng để mở cửa kho báu tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

 

Yên Yên

 


Số lượt người xem: 400 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày