Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Ba, 21/11/2017, 15:30

KIẾN TRÚC NHÀ DÀI CỦA NGƯỜI MẠ

Người Mạ là cư dân bản địa sinh sống lâu đời ở phía nam Tây Nguyên. Mạ là tộc danh đồng bào tự gọi cùng với tên khác là Châu Mạ, Chò Mạ, Chê Mạ. Nhóm địa phương gồm có Mạ Ngàn, Mạ Xốp, Mạ Krung, Mạ Tố. Tiếng Mạ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khmer. Dân tộc Mạ có khoảng hơn 46.202 người, cư trú tập trung ở tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai.

Nhà dài là kiến trúc cư trú cổ truyền độc đáo của người Mạ nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Thế nhưng, nhà sàn của mỗi dân tộc có những nét riêng. Nhà dài có nhiều thế hệ sinh sống là sự phản ánh tính cố kết gia đình bền chặt của người Mạ trong cuộc sống. Một số tư liệu cho biết vào đầu thế kỷ 20, có những ngôi nhà sàn dài cả 100 mét. Trước khi địa bàn sinh sống người Mạ bị tác động bởi nhiều yếu tố, mỗi buôn của người Mạ có nhiều nhà dài.

Nhà dài được làm từ những vật liệu có sẵn, dễ tìm trên địa bàn người Mạ sinh sống như cây gỗ, tre, mây… Trên bình diện tổng thế, kiến trúc nhà dài theo dạng hình chữ nhật. Nhà dài có hai mái. Sàn nhà cao cách mặt đất từ khoảng 0,5 mét đến 1,0 mét. Hiện nay, đa số nhà dài hiện hữu trong các buôn người Mạ có khoảng cách với mặt đất chưa quá 0,8 mét. Khi làm nhà dài, người Mạ thường chuẩn bị vật liệu trước đó một khoảng thời gian khá dài. Có một số điều kiêng kỵ khi chặt cây gỗ để làm nhà như chọn các loại cây thẳng, không có dây leo, không chọn cây đã chết khô. Khu vực đất làm nhà dài được chọn lựa kỹ càng, không gần khu nghĩa địa, không có thú vật nào chết trên đó.

Khi bắt đầu làm nhà, già làng đào một hố nhỏ để chọn cây cột chính. Trong hồ đào đó có bỏ một số than hồng phía dưới, sau đó trồng cột lên trên. Người Mạ cho rằng, đó là cách làm cho nhà có hơi ấm từ than hồng và cũng là một dạng “chú yếm” không cho các thế lực như ma quỷ đến phá hoại. Cây cột được già làng trồng được xem là cột trung tâm của ngôi nhà sẽ được dựng. Những người làm nhà sẽ từ đó mà bắt đầu mở rộng theo hướng nhà định sẵn. Hướng nhà được người Mạ chọn theo thường theo hướng đông – tây hoặc chếch theo hướng này. Như vậy, với hướng nhà này, mặt trời không đi ngang qua đón đông, nhà sẽ không hứng chịu ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào trong cả ngày. Người Mạ cho rằng, nếu nhà bị ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào thì ảnh hưởng những người sống trong đó dễ bị bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngày dựng nhà cũng được chủ nhà chọn kỹ càng như trong buôn không có người chết, không có phụ nữ sinh đẻ để tránh những điều kém may mắn cho gia chủ.

Nhà dài được làm bằng vật liệu từ các cây gỗ, tre chỉ được gọt đẻo đơn giản và sơ sài. Kỹ thuật liên kết các thành tố kiến trúc cột chủ yếu là làm ngoãm đầu cột đơn giản để các gác nối cây và buộc dây là chủ yếu. Sàn nhà của người Mạ có ba hàng cột chính được xem là khung chịu lực chung cho cả nhà. Hàng cột giữa có ít cột hơn hai hàng cột ngoài cùng. Hầu hết các bộ phận cây gỗ trong kiến trúc gỗ trong nhà dài được buộc chặt bằng bởi dây mây, ít sử dụng kỹ thuật ngoàm hay đục mộng gắn kết.

Sàn nhà dài được cấu kết 5 lớp theo thứ tự từ dưới lên, gồm: 4 lớp gỗ, tre chồng lên nhau, cuối cùng là lớp tấm tre nứa (đập dập) kết thành tấm trải trên cùng. Phần vách được cấu tạo từ tấm phên tre lồ ô được đập bè ra, phơi khô và liên kết theo tấm bởi các nẹp hai bên. Vách nhà dài Mạ được tạo hơi vát nghiêng vừa phải từ sàn lên mái, Phần khung mái nhà được cấu kết bởi các cột dọc từ đòn dông đến hàng cây ngang trên cột vách. Mái được lợp chủ yếu bằng lá mây kết thành tấm. Mỗi tấm mây thường có chiều dài hai mét, nên mỗi bên mái chỉ cần hai lớp tấm mây là che đủ từ trên đòn dông xuống vách nhà.

Sự phân chia trên mặt sàn nhà dài dân tộc Mạ như sau: Một lối đi chung kéo dài qua hai đầu hồi sát phía trong vách trước. Phần diện tích này là lớp tre dọc thứ 5 trên cùng, không lót sàn tre nứa (gọi là N’dâng). Phần còn lại trên mặt sàn được lót các tấm tre nứa kéo dài cho tới sát vách sau cửa nhà. Trên phần lớp tre nứa này, mỗi gia đình nhỏ để chiếc bếp riêng của mình phía trước, thường là giữa khoảng không gian của gia đình nhỏ. Phần còn lại để sinh hoạt, đặc biệt là dành cho nghỉ ngơi. Phía vách sau của phần không gian cửa chính đi vào và bếp khách là khoảng không gian linh thiêng. Đây là nơi đặt bàn thờ của gia đình hay dòng họ (Nao). Tại đây, trước bàn thờ thường là cây nêu. Dọc theo vách sau của nhà là nơi để những ché của gia đình. Ché được xem là tài sản lớn của gia đình. Nếu một dòng họ lớn thì cặp theo vách này là hàng chục, hàng trăm ché được sắp xếp nối tiếp nhau, sát vách. Trong số ché này, có những chiếc quan trọng, được xem là “có linh hồn” vốn được dùng trong những lễ cúng quan trọng qua nhiều thời kỳ.

Nhà dài người Mạ có cách trổ cửa ra vào độc đáo. Đặc biệt, những hình ảnh chụp từ đầu thế kỷ 20 cho thấy có nhà dài hàng trăm mét với ba cửa chính. Có lẽ, khi nhà dài được nối ra có nhiều bếp thì người Mạ trổ thêm phần cửa để tiện việc đi lên hay xuống sau hai cửa chính ban đầu. Cửa chính là nơi dẫn lên phần không gian gần nhất với bếp khách. Cửa chính dành ưu tiên cho khách đến nhà. Còn cửa phụ dành cho các thành viên. Cửa chính có hai cây cột từ dưới đất nối lên trên vách. Trong khi đó, cửa phụ thì không có các cây cột này. Người Mạ cho rằng, cây cột bên trái hướng từ nhà nhìn ra sân là cây tượng trưng cho tổ tiên. Vì vậy, khi có khách đến nhà, gia chủ trình báo với cây này bằng cách lên một thành cây gõ nhiều lần vào với lời trình báo tổ tiên trước khi mời uống rượu cần. Điểm giống nhau ở hai cửa ra vào này là phần mái lợp phía trên. Người Mạ dùng một số thanh tre hoặc cây trúc nâng vòm mái cửa tạo dáng giống hình mu rùa nhô lên. Có ý kiến cho rằng dạng thức cửa ra vào “kết cấu dạng vòm, trông tựa như những lối vào hang động của người nguyên thủy”. Nhà dài của người Mạ cũng có dạng trổ cửa ở đầu hồi phía tây. Cửa thường được trổ lệch về phía mái trước với dạng hình chữ nhật.

Về cấu trúc chung của nhà dài, có thể nhìn nhận ở các phần không gian như sau: từ mặt đất đến sàn nhà và từ sàn nhà đến đòn dông. Phần không gian trong từ trên sàn trở lên là trung tâm chính cho các sinh hoạt của gia đình. Sự phân chia trong không gian sinh hoạt nhà dài được phân định theo ngôi thứ trong gia đình. Đầu hồi phía đông được xem là gốc nhà. Nếu gia đình có nhiều thế hệ sinh sống thì nơi này giành cho người lớn tuổi nhất là ông bà, kế đến là cha mẹ. Cứ thế, mỗi phần không gian được chia cho các gia đình theo vị trí anh chị trở xuống cho các thành viên khác nối tiếp. Mỗi phần không gian như vậy được tính là một gia đình mà đặc trưng để nhận biết là một cái bếp. Khi trong gia đình có thành viên lập gia đình thì nhà dài được nối tiếp ra bởi một bếp nữa. Phần làm nối ra này thường bắt đầu từ nhà hướng tây. Vì vây, có thể xem thiết chế nhà dài là một thiết chế mở, bắt đầu từ nhà sàn bình thường ban đầu được dựng. Nhà dài cứ thế được mở rộng trong cơ cấu cư trú cổ truyền của người Mạ với hạt nhân là gia đình lớn được duy trì.

Độc đáo nhà dài của người Mạ là trong căn nhà mái dài có thể có tới cả chục cái bếp – cả chục gia đình cùng sinh sống. Mỗi gia đình tự chủ về mặt lương thực và là một thành tố độc lập trong nhà dài. Đặc biệt nhất giữa các gia đình trong ngôi nhà dài là không hề có sự ngăn cách về mặt không gian sinh hoạt. Các tiểu gia đình nhóm bếp sát cạnh nhau và có thể với tay đến nhau khi ngủ. Trong những căn nhà của người Mạ đông đúc thời cổ xưa, có vài ba đến năm, bảy gia đình dưới một mái nhà chưa bao giờ xảy ra sự chia rẽ, mất đoàn kết hay những biểu hiện tiêu cực khác về tình cảm gia đình. Một điều đáng nói là trong không gian chung không có ngăn cách, những gia đình Mạ vẫn hàng ngày, hàng đêm hiễn hiện những sinh hoạt đời thường, vẫn âm thầm những sinh hoạt chồng vợ sinh con đẻ cái trong những đêm rừng hồng hoang, phồn sinh và mạnh mẽ. Từ thuở xa xưa nhưng chưa nghe ai phàn nàn về một sự vi phạm đạo đức gia đình nào dù là rất nhỏ. Đây cũng là một điều khá kỳ lạ trong không gian nhà dài.

Ở một phần trong không gian trung tâm nhà dài có một bếp với tính chất đặc biệt là dùng cho khách. Bếp này không dùng trong nấu nước, chỉ dùng để sưởi ấm. Phần không gian này cũng là nơi diễn ra những nghi thức cúng lễ quan trọng, thành viên gia đình tập trung với nhau.

Nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt hàng ngày của gia đình, dòng tộc mà nó còn là không gian thiêng, không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Bởi nó không chỉ là nơi sinh hoạt, hội họp mà còn là nơi tổ chức các nghi lễ thờ cúng thần linh.

Có thể nói, nhà dài của đồng bào dân tộc thiểu số là một sản phẩm vật thể rất độc đáo, không chỉ về mặt kiến trúc, kết cấu phù hợp với cuộc sống, sinh tồn của những tộc người sống trên núi rừng, mà còn ở cách thức khai thác không gian sinh hoạt và hình thức tổ chức xã hội trong một ngôi nhà của một gia đình và của một dòng tộc.

Trong những năm gần đây, trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa cùng với sự giao thoa văn hóa, nhà dài đã bị mai một. Ở Đồng Nai, kiến trúc nhà sàn dài không còn hiệu hữu. Trên địa bàn Lâm Đồng, nhà sàn dài người Mạ ngày càng vắng bóng. Nhiều hộ đồng bào đã phá bỏ những ngôi nhà dài truyền thống để xây dựng những ngôi nhà bằng gạch, bằng bê tông đẹp khang trang phù hợp với xu thế cuộc sống hôm nay là điều tất yếu. Tuy việc tiếp cận “cái mới” là chuyện dĩ nhiên, nhưng cũng cần phải biết chọn lọc “cái cũ” để bảo tồn, gìn giữ cho các thế hệ mai sau trong đó có “nhà dài” - một nét văn hóa không thể thiếu.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 897 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày