Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Tư, 28/03/2018, 12:10

Nghệ thuật múa truyền thống trong lễ hội của tộc người Chơ ro ở Đồng Nai

 

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hơn 40 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống. Trong đó người Chơ ro là cư dân có mặt sớm nhất trên vùng đất Đồng Nai và là tộc người có số dân cư đông thứ tư sau người Hoa, người Tày, người Nùng sống ở Đồng Nai.
Tộc danh của người Chơ ro có nhiều tên gọi khác như: Châu ro, Châuro, Chrau, Chroo, Jro, Ro, To,... Tộc người Chơ ro là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở miền núi Nam Đông Dương. Xưa kia, các thế hệ người Chơ ro đã phải trải qua nhiều biến động lớn. Khu vực cư trú là nơi tranh chấp triền miên của các tộc người láng giềng. Họ buộc phải di cư liên tục, cuộc sống không ổn định, đời sống gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, khi thực dân Pháp lập các đồn điền cao su, người Chơ ro phải di chuyển địa bàn cư trú vào trong rừng sâu, cách biệt môi trường giao lưu văn hóa với các dân tộc khác. Đời sống kinh tế, giao lưu văn hóa xã hội vô cùng khó khăn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thanh niên Chơ ro bị bắt đi lính, đi tải đạn, tải lương thực, địa bàn cư trú bị thu hẹp, dân số càng giảm dần. Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm, tộc người Chơ ro vẫn ra sức giữ gìn văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo của cộng đồng dân tộc mình, góp phần cùng các tộc người anh em khác tạo nên bản sắc văn hóa Đồng Nai hết sức đa dạng, đặc trưng.
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 3.467 hộ người Chơ ro sinh sống, với nhân khẩu là 17.054 người (số liệu Ban Dân tộc tỉnh, tháng 6/2009). Người Chơ ro tập trung chủ yếu ở các huyện, thị: Long Khánh (xã Xuân Vinh, xã Xuân Bình, xã Bàu Trâm, xã Hàng Gòn) ; huyện Xuân Lộc (xã Xuân Trường, xã Xuân Phú, xã Xuân Thọ); huyện Định Quán (xã Túc Trưng); huyện Vĩnh Cửu (xã Phú Lý); huyện Long Thành (xã Phước Bình); huyện Thống Nhất (xã Xuân Lộc, xã Xuân Thiện). Riêng ở thành phố Biên Hòa, hiện nay có một số ít người Chơ ro đến sinh sống, chủ yếu là thanh niên trong độ tuổi đi học hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp.
Người Chơ ro có đời sống văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Trong đó, múa truyền thống trong các lễ hội của tộc người Chơ ro là một trong những đặc sắc văn nghệ dân gian còn được lưu giữ. Và được coi là sản phẩm nghệ thuật sáng tạo của cộng đồng người Chơ ro ở Đồng Nai. Các động tác múa phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, mang sắc thái môi trường sinh sống, thể hiện các mối quan hệ, những tâm tư tình cảm cộng đồng, phong tục, tập quán hay tín ngưỡng của đồng bào.
Tuy vậy, theo tác giả Nguyễn Thành Đức trong cuốn "Múa dân gian dân tộc người Mạ, Chơ ro, Stiêng vùng Đông Nam Bộ" nhận xét múa của tộc người Chơ ro chỉ ở giao đoạn "làm cho phù hợp quy luật vận động của cơ thể và tâm sinh lý tự nhiên của nam nữ tộc người...., chưa thấy thể loại với tư cách là một tổ chức của hệ thống biểu cảm bằng hình tượng nghệ thuật múa, theo một cấu trúc tác phẩm hoàn chỉnh..."
Múa dân gian của đồng bào được thể hiện khi đánh chiêng trong các lễ hội, trong các tín ngưỡng của các thầy cúng, bà bóng,.. với các thao tác đơn giản. Múa của người Chơ ro ở Đồng Nai nói riêng và các tộc người bản địa ở Đông Nam Bộ nói chung có 5 hình thái cơ bản. Đó là: Những thao tác trong quá trình lao động, sản xuất ra của cải vật chất, để tồn tại và phát triển gia đình, dòng tộc và cộng đồng. Mô phỏng những biểu hiện hành vi, trạng thái chim muông, dã thú nhằm khẳng định thành quả săn bắt chúng. Những thao tác múa các loại biểu hiện mối quan hệ giữa thần linh và thế giới trần thế trong tín ngưỡng dân gian do thầy cúng, bà bóng thực hiện. Sự súc động, hưng phấn của người múa trong các lễ hội. Sự giao lưu văn hóa với các tộc người láng giềng.
Người Chơ ro có rất nhiều điệu múa dân gian, được phân loại như sau:
Múa sinh hoạt: là loại hình múa gắn bó với văn hóa cồng chiêng và bắt nguồn từ sinh hoạt diễn tấu cồng chiêng trong những dịp lễ gia đình, cộng đồng. Trong múa sinh hoạt, những điệu múa với lục lạc (vòng tay làm bằng đồng, gắn những quả nhạc có hột phía trong khi rung lắc tạo thành âm thanh) mang tính đặc trưng của người Chơ ro. Trong múa sinh hoạt có các điệu múa như: múa đi hội, múa gặp gỡ, múa dâng bánh, múa đánh cồng A, múa đánh trống, múa chũm chọe, múa chim bay.
Múa lao động: loại hình múa này dựa trên những thao tác trong lao động với các công cụ. Các điệu múa được ước lệ, cách điệu cụ thể như: múa dao, múa chà gạt, múa chọc lỗ tra hạt, múa bắt cá, múa xúc tép, múa nỏ, múa đeo gùi, múa sàng gạo, múa giã gạo.
Múa tín ngưỡng: Là loại hình múa thể hiện trong các sinh hoạt tín ngưỡng, đặc biệt trong các lễ hội cộng đồng. Loại hình múa tín ngưỡng thường do các bà bóng hay thầy cúng thể hiện. Các điệu múa như: mừng lúa mới, múa siêu thoát, múa bóng, múa đội bát, múa cúng thần, múa lễ tạ ơn,...
Trong nghệ thuật múa của người Chơ ro, âm nhạc đóng một vai trò quan trọng. Và nhạc cụ được sử dụng trong các bài múa truyền thống của tộc người Chơ ro vô cùng phong phú và đa dạng. Trong múa tín ngưỡng, người múa sử dụng một số loại trống, đàn tà ló, chũm chọe hay quả lục lạc hòa tấu trong các cách thức thực hiện của thầy cúng, bà bóng. Trong múa sinh hoạt, người múa thường đệm thêm những tiếng hú, hô, hét hòa trong diễn tấu của các loại nhạc cụ cồng, chiêng hay kèn bầu. Dàn cồng của người Chơ ro có hai loại, loại 6 chiếc và loại 7 chiếc, tùy theo điều kiện của từng địa phương, nhưng chủ yếu là 6 chiếc.
Trong các bài múa truyền thống của người Chơ ro không thể không kể đến những bộ trang phục truyền thống đặc trưng. Trong đó, nữ mặc váy (váy quấn), đeo yếm (yếm bốn góc, có 4 dây vải buộc ra sau lưng và cổ), tóc được búi gọn và cài trâm (cây trâm làm bằng xương) có hai dây hạt cường buộc ở búi tóc. Đeo dây truyền bằng hạt cườm ở cổ, với nhiều vòng dài ngắn khác nhau. Váy của nữ được gắn đồng tiền bằng bạc và những quả lục lạc ở gấu váy vầ đeo ở cổ chân, cổ tay. Nam đóng khố bằng vải thổ cẩm với nhiều màu sắc khác nhau.
Nghệ thuật múa của người Chơ ro được kế thừa, phát triển từ những đặc trưng văn hóa, đời sống lao động và những bản sắc tộc người nên rất cần được bảo tồn và lưu giữ. Không chỉ vậy múa truyền thống của người Chơ ro còn mang nhiều giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, giá trị xã hội sâu sắc. Từ cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng ngày, hay những tín ngưỡng văn hóa người Chơ ro đã linh hoạt lồng ghép vào trong các điệu múa làm phong phú hơn trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Góp những mảng màu tươi sáng trong bức tranh về văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Đào Thanh
 
 
 
 

 

 


Số lượt người xem: 714 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày