Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Sáu, 30/03/2018, 12:10

Nghệ thuật tạo hình, trang trí của dân tộc Chơ ro ở Đồng Nai

 

Đồng bào Chơ ro là một trong những dân tộc cư trú đầu tiên tại vùng đất Đồng Nai. Qua nhiều biến động của lịch sử, người Chơ ro phải di cư đi nhiều nơi trong rừng sâu. Đến ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương, người Chơ ro cùng nhiều dân tộc anh em khác đã chuyển sang lối sống định cư, có điều kiện vật chất và tinh thần tốt hơn rất nhiều.
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 3.467 hộ người Chơ ro sinh sống, với nhân khẩu là 17.054 người (số liệu Ban Dân tộc tỉnh, tháng 6/2009). Người Chơ ro tập trung chủ yếu ở các huyện, thị: Long Khánh (xã Xuân Vinh, xã Xuân Bình, xã Bàu Trâm, xã Hàng Gòn) ; huyện Xuân Lộc (xã Xuân Trường, xã Xuân Phú, xã Xuân Thọ); huyện Định Quán (xã Túc Trưng); huyện Vĩnh Cửu (xã Phú Lý); huyện Long Thành (xã Phước Bình); huyện Thống Nhất (xã Xuân Lộc, xã Xuân Thiện). Riêng ở thành phố Biên Hòa, hiện nay có một số ít người Chơ ro đến sinh sống, chủ yếu là thanh niên trong độ tuổi đi học hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp.
Từ xa xưa, người Chơ ro đã rất khéo léo trong nghệ thuật tạo hình, trang trí cho các đồ dùng và vật dụng trong gia đình như nhà ở, bàn thờ Yang, cây Nêu trong lễ cúng thần lúa, các đồ dùng sinh hoạt: gùi, thổ cẩm,..
Nghệ thuật tạo hình, trang trí cho kiến trúc nhà ở của đồng bào Chơ ro: Nhà ở của người Chơ ro hiện nay khá đa dạng bởi nhiều loại kiểu nhà với cấu kết kiến trúc khác nhau. Do điều kiện lịch sử và những biến động xã hội, nhà ở hiện nay của người Chơ ro ảnh hưởng nhiều bởi lối kiến trúc của người Kinh trong quá trình chung sống. Qua một số ảnh còn lưu giữ chụp đầu thế kỷ XX, cho thấy, nhà ở truyền thống của người Chơ ro là nhà sàn.
Hiện nay, ngôi nhà của già làng người Chơ ro ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai được dựng sau năm 1975 được xem là “mẫu hình” nhà sàn truyền thống của người Chơ ro. Mặc dù, nhà sàn này có sử dụng một số nguyên vật liệu hiện đại như ngói lợp. Nhưng nhìn chung, cấu kết kiến trúc nhà sàn này được làm bằng gỗ. Bình diện của nhà sàn theo lối hình chữ nhật. Khác với nhà sàn của người Mạ vói vách đứng thì nhà sàn của người Chơ ro có vách hơi vát nghiêng tạo nên một không gian rộng hơn trong phạm vi bên trong. Nhìn từ hướng đầu nhà tính từ sàn trở lên thì nhà sàn người Chơ ro có dạng hình thoi hộp với phần cạnh là hai mái so với vách không đều nhau. Cửa chính vào nhà sàn Chơ ro được làm từ đầu hồi phía Tây chứ không trổ cửa từ vách như các nhà sàn của người Mạ. Cửa hình chữ nhật, vách trái đầu hồi nhà. Cách bài trí trong nhà sàn Chơ ro khá đơn giản. Điểm đáng chú ý trong trang trí trên cửa vào nhà sàn là một tổ ong. Dạng thức trang trí này thể hiện tín ngưỡng của người Chơ ro để xua đuổi tà ma.
Nghệ thuật tạo hình, trang trí trên bàn thờ Yang
Phần trang trí quan trọng nhất trong nhà sàn của người Chơ ro là bàn thờ Yang. Đây là khu vực quan trọng mỗi khi gia đình của người Chơ ro tổ chức cúng lễ và được trang trí khá độc đáo. Bàn thờ được làm từ cây vàng nghệ và tre. Chiều cao của bàn thờ khoảng l,5m và rộng 1m. Bàn thờ gồm 3 phần và được gắn vào vách nhà chính, về hướng mặt trời mọc. Có hai tầng cách nhau khoảng 20cm. Các tầng lớp được đan bằng phên tre. Còn những cây trụ chính và nối ngang thì làm bằng cây vàng nghệ. Tất cả được chuốc kỹ càng và kết nối theo cách đục lỗ, khoét ngoàm hay buộc lại với nhau. Đầu các cây ngang và cột thẳng chính được tạo hình đầu trâu hay sừng dê cách điệu.
Trên mỗi tầng nấc của bàn thờ được bài trí những vật dụng để cúng và vật cúng. Phía trên của hai cây cột chính gắn hai đèn sáp ong. Trên hai ngăn của bàn Nhang dùng đế bày các lễ vật như: bánh dày, một ít đồ lòng của con vật hiến tế được xâu chuỗi bằng nan tre, chén vỏ cây xông hương và cây Nhang chưa có bôi huyết của con vật hiến tế. Phần dưới cùng là phần trống của nhà sàn dưới hai ngăn trên, trong phạm vi được giới hạn bởi hai cây cột chính của bàn thờ. Đây là nơi để ché rượu cần, ché gạo và những vật cúng (nửa đầu heo, nửa con gà). Trước bàn thờ khoảng 1 mét đặt ché rượu cần. Phía vách đối diện bàn thờ là bộ chiêng được người Chơ ro dùng dây mây treo lên một cây ngang buộc theo một đà cây mái nhà. Những cái chiêng được treo vừa tầm đối với người ngồi đánh.
Phần trần nhà trên bàn thờ là nơi người Chơ ro lưu giữ những vật lễ của mùa cúng thần năm trước như bó lúa, cây mía, cây nhang... Sau lễ cúng thần linh, phần trang trí trước bàn thờ được dọn dẹp, phần bàn thờ và trên trần nhà của bàn thờ được bổ sung những lễ vật, công cụ... của lần cúng thần linh mới nhất.
Nghệ thuật tạo hình, trang trí trên cây Nêu
Có thể nói, tạo hình, trang trí thể hiện tính độc đáo và đa dạng của người Chơ ro thể hiện trên cây Nêu trong lễ cúng thần Lúa. Người Chơ ro tại xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu khi cúng thần Lúa làm cây Nêu khá lớn. Cây Nêu có ba tầng nấc chính. Trên cao là chùm lúa nhiều hạt vươn lên với vai trò chủ thể cúng của người Chơ ro. Hai tầng nấc cây Nêu nhỏ trên thân cây Nêu chính tượng trưng cho thần linh và tổ tiên. Cây Nêu được dựng lên như một nghi thức có tính chất trình báo về lễ cúng mà người Chơ ro quan niệm đến các thần linh, tổ tiên. Cây Nêu là biếu hiện sự giao cảm, giao hoà giữa con người Chơ ro với thần linh, với tổ tiên.
Người Chơ ro ở xã Phước Bình, phía nam huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, làm cây Nêu có những chi tiết khá độc đáo. Thân cây Nêu làm từ cây tre nhưng tạo dáng bông rọ tròn một phía đầu. Ngọn tre được chẻ ra và liên kết bởi các lạt tre hoặc mây mỏng. Từ bông rọ này có hai tia tre dài cân đối nhau, tỏa ra hai phía và thỏng xuống dưới. Trên các mắt tre ở hai tia tạo dáng trang trí bằng các dăm tre được dát vuốt mỏng đối xứng. Vì vậy, khi tia tre thỏng xuống thì các dăm tre bồng lên tạo hình bông hoa đang nở. Bông rọ trên cây nêu được chưng các lễ vật cúng của trong lễ hội như bánh dày, xôi hấp, thịt gà.. phía dưới gốc Nêu được cắm vào sóp đựng lúa. Cây Nêu được để trong ngay tại bàn thờ chính trên nhà sàn trong suốt thời gian người Chơ ro thực hiện các nghi lễ cúng mừng thần lúa. Riêng tại sân sinh hoạt cộng đồng, người Chơ ro làm một cây Nêu lớn. Cây Nêu cao với phần đầu buộc toả ra hình chiếc bông lúa. Phía dưới gần kề buộc một nhóm lá cây rừng toả ra bốn bên. Phía dưới gốc để những ché rượu cần. Xung quanh cây nêu sẽ diễn ra những trò chơi sinh hoạt thể thao hoặc tấu những nhạc cụ của cộng đồng người Chơ ro.
Người Chơ ro địa bàn xã Túc Trưng, huyện Định Quán làm cây Nêu khá đơn giản. Thân Nêu làm từ cây tre và được chẻ cân đối những thẻ ở hai đầu. Từ những thẻ tre này được nông thành vành lớn dần ra phía ngoài. Những thẻ tre tạo vòng tròn được nối buộc bởi những lạt dây mây tạo thế liên kết, hình thành như cái loa rọ. Người Chơ ro xem đó là cách thể hiện hình thức tượng trưng sinh sôi, nảy nở của những bông lúa nhiều hạt. Cây Nêu được sử dụng nhiều trong các hoạt động của hệ thống nghi thức trong lễ cúng.
Cây Nêu được già làng đem trình cúng trước bàn thờ chính trên nhà sàn. Sau đó, khi đi rước các lễ vật cúng, người già làng dẫn đầu đọàn rước với cây nêu trên tay đến nơi các gia chủ dâng lễ vật như rượu cần, bánh hay thịt vật tế... để rước về nơi bàn thờ chính. Mỗi lần đi rước lễ vật thì một người cầm cây Nêu đi trước, tiếp theo sau là đoàn người dùng nhạc khí cụ và cộng đồng. Khi đoàn rước lễ vật cúng thì những người Chơ ro sử dụng nhạc khí cụ tấu lên những bài cồng chiêng dùng trong lễ hội. Cây Nêu được để ngay bên bàn thờ chính trong suốt quá trình cúng trên nhà sàn chính. Sau buổi cùng, cây Nêu được đem đến phần sân người Chơ ro cùng tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Nghệ thuật tạo hình, trang trí trên thổ cẩm, vật dụng: Qua khảo sát cho thấy, người Chơ ro có dùng thổ cẩm nhưng hiện nay không thấy người Chơ ro dệt thổ cẩm như xưa nữa. Nhiều người Chơ ro cho biết, họ chỉ mua của người Mạ nhưng thổ cẩm đặt mua có đặc trưng của người Chơ ro yêu cầu. Trang phục thổ cẩm của người Chơ ro gồm các loại thường sử dụng là váy và áo. Váy, áo và khố của người Chơ ro thường dệt trang trí hoa văn chà gạc, đường viền, hoa văn móng tay,... Mép váy khâu viền dải hoa văn khung quay sợi,... Chăn của đồng bào thường trang trí hoa văn cổ chim cu, mắt cú mèo và một vài hoa văn bắt chước từ người Mạ. Trên những sản phẩm thổ cẩm của người mạ thường được trang trí bằng đường viền nhỏ hình thoi, trên nền nâu xám điểm xuyến những sợi màu trắng.
Ngoài trang trí trên thổ cẩm, một cách trang trí khá thông dụng của người Chơ ro thể hiện trên vật dụng là chiếc gùi. Màu sắc trên gùi của người Chơ ro là đen và trắng. Phần các nan tre màu trắng và khung gùi thường được bôi màu đen. Trên thân gùi được điểm xuyến những sợi mây bền chắc với màu đen xám. Khung gùi và những sợi mấy vừa có tính chất làm đẹp và làm độ bền. Đặc biệt, một số gùi, người đàn ông Chơ ro sử dụng được trang trí bằng những loại lông chim rừng đẹp. Điều này vừa thể hiện thẩm mỹ cũng như khẳng định tính cách, tài săn bắt của người sử dụng.
Qua tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình, trang trí của người Chơ ro ta thấy đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của đồng bào. Thật tiếc là nhiều nghệ thuật tạo hình, trang trí đã bị mai một. Hy vọng, trong tương lai, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, của đồng bào dân tộc nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào được bảo tồn, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau này.
Đào Thanh


Số lượt người xem: 632 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày