Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Ba, 17/10/2017, 13:40

VÀI NÉT VỀ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG RƠ MĂM

Người Rơ Măm là một tộc người ở Việt Nam có dân số dưới 500 người, có mặt trên 7 tỉnhthành phố. Người Rơ Măm cư trú tập trung nhiều nhất tại tỉnh Kon Tum, các tỉnh khác có rất ít, chỉ vài người như thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10 người, còn tỉnh Đồng Nai khoảng 3-4 người.

Văn hóa truyền thống Rơ măm, bên cạnh bản sắc riêng còn mang tính chất vùng Trường Sơn – Tây Nguyên , thể hiện rất rõ ở cả ba lĩnh vực: hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần

Đặc điểm về kinh tế: Người Rơ Măm sinh sống bằng nghề làm rẫy theo hình thức tự cung tự cấp, lúa nếp là lương thực chủ yếu. Khi gieo trồng, đàn ông cầm hai gậy nhọn chọc lỗ, đàn bà theo sau bỏ hạt giống và lấp đất. Săn bắt và hái lượm, đánh cá vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, được duy trì thường xuyên để cải thiện cuộc sống. Nghề thủ công hầu như không còn tồn tại. Việc trao đổi hàng hóa vẫn còn hình thức hàng đổi hàng, đổi công bên cạnh hình thức mua bán bằng tiền. Trong số các nghề phụ gia đình, nghề dệt vải phát triển nhất nhưng ngày nay đã suy giảm vì người Rơ Măm đã quen dùng các loại vải công nghiệp bán trên thị trường. Đời sống kinh tế hiện nay còn nhiều khó khăn do điều kiện môi trường có nhiều biến đổi.

Kinh tế nương của người Rơ măm lệ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Toàn bộ quy trình canh tác, từ chọn đất, phát đốt, trồng trỉa, chăm bón và thu hoạch đều gắn với các lễ nghi nông nghiệp, cầu xin các vị Thần (Yàng). Đằng sau các vị thần là sức lao động thủ công của con người. Trong sức lao động thủ công ấy, người Rơ Măm phân công lao động theo giới, theo lứa tuồi phù hợp, tạo hiệu quả trong sản xuất. Đàn ông phát đốt, chọc lỗ tra hạt, đan lát các đồ gia dụng, cúng lễ, tuốt bông lúa đầu tiên. Đàn bà lo chọn đất, chuẩn bị lễ vật, tham gia đốt nương, nấu nướng, chăm sóc gia đình, đi hỏi chồng. Rõ ràng trong xã hội của người Rơ Măm, vai trò của người phụ nữ vẫn chiếm ưu thế, vừa đem lại hiệu quả lao động, vừa tạo sự phát triển, hạnh phúc trong mỗi gia đình.

Trong lĩnh vực văn hóa vật chất, cụ thể là trong ở, ăn và trang phục tộc người, hầu như đã biến đổi hoàn toàn.

Trong ẩm thực, có các món nhuyễn có thể nấu trong ống lồ ô; rượu cần, gỏi cá kiến vàng, đọt mây... là những món riêng, độc đáo của người Rơ Măm. Các loại cây ruốc cá, góp cá trong lễ mở cửa kho thóc, tiếng chim Briêng xe, miếu thờ đá, nhà mồ thay thế người sống, cây nêu, cách uống rượu cặp đôi, lễ vật hỏi chồng, nhận con nuôi, cách cúng Yàng diễn ra với các hình thức khác nhau về nghi trượng, lễ vật, nghi thức hành lễ, cách dựa vào tiếng chim nhạy cảm với thời tiết, cách dựa vào các phản ứng của đồ vật như lưỡi gà để vận hành cuộc sống, cách bảo vệ rừng đầu nguồn, sử dụng các loại thuốc nam chữa cảm cúm, đau đầu... cách bắt cá, lấy trứng kiến, trồng trọt, chế biến ẩm thực, cách sử dụng nhạc cụ theo cặp đôi... Ngoài những món riêng, độc đáo của người Rơ Măm, còn có cơm lam, thịt nướng, tiết dúi... mang dấu ấn văn hóa vùng đậm nét. Các sản phẩm thu hái, săn bắn được trong tự nhiên dù ít hay nhiều đều đem chia sẻ trong cộng đồng khá giống cách ứng xử “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” xưa kia của người Kinh. Tuy nhiên, ở đây biểu hiện rất rõ sự chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau, sự phân chia công bằng, phần nhiều cho người có công săn thú, góp rượu, gạo, thịt khi nhà có việc, cho mượn vật nuôi, cho mượn áo quan... Đó chính là bản tính, là sự nhân văn, chia sẻ, đoàn kết trong cuộc sống của đồng bào Rơ Măm. Đó là những ứng xử, tri thức, tín ngưỡng, bản lĩnh cộng đồng bản sắc văn hóa tộc người, thể hiện quan điểm thiên địa nhân hòa đồng của cư dân phương Đông.

Nhà ở của người Rơ măm đều có hành lang chính giữa, chạy suốt chiều dài sàn, ở trung tâm nhà có một gian rộng là nơi tiếp khách và diễn ra các sinh hoạt văn hóa nói chung của các gia đình. Ngôi nhà sàn dài truyền thống không còn, phổ biến hiện tồn là nhà trệt mới xây dựng, sửa chữa do nhà nước hỗ trợ. Bên cạnh sự biến đổi vật chất bên ngoài, chủ thể gia đình đã chuyển từ đại gia đình, nhiều thế hệ sinh sống sang gia đình nhỏ, chỉ có một đến hai thế hệ cùng ở, chung tài sản, chung kinh tế, quyền lợi vật chất, tinh thần. Ngọn lửa trong ngôi nhà dài không còn là biểu tượng cho sự sống và bình yên

Trang phục nam nữ có những nét riêng. Nam cắt tóc ngắn ở trần, đóng khố. Vạt trước khố dài tới gối, vạt sau dài tới ống chân. Khố thường dùng màu trắng nguyên của vải mộc. Lưng được xăm hoa văn kín, nhất là những người cao tuổi. Trai gái đến tuổi thành niên phải cưa răng ở hàm trên (4 hoặc 6 chiếc). Phụ nữ thường để tóc dài búi sau gáy. Áo là loại cộc tay vai thẳng (không khoét cổ như Brâu), thân thẳng, hình dáng gần vuông giống áo Brâu. Áo màu sáng (màu nguyên của sợi bông) các đường viền cổ và cửa tay cộc màu đỏ. Gấu áo có dải băng trang trí (cao 1/4 thân áo) bằng màu đỏ, hoa văn hình học. Váy là loại váy hở màu trắng nguyên sợi bông. Bốn mép váy và giữa thân váy có các đường viền hoa văn màu đỏ với mô típ hoa văn hình học và sọc ngang. Họ thường đeo hoa tai vòng to, nặng xệ xuống. Người khá giả đeo hoa tai bằng ngà voi, người nghèo đeo hoa tai bằng gỗ. Vòng tay là loại bằng đồng nhiều xoắn. Lý do được chọn của trang phục Rơ Măm chính là màu sắc và phong cách trang trí áo, váy phụ nữ.

Trong văn hóa tinh thần, cư dân Rơ Măm cũng như nhiều dân tộc khác, đó là tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Tất cả các sự vật, hiện tượng đều gắn với thần và ma. Các vị thần gọi chung là Yàng, chưa phân định rõ ràng, thứ bậc nhưng một lòng thờ phụng để cầu xin sự che chở từ đấng siêu nhiên dành cho những con người bé nhỏ. Quản lý xã hội truyền thống tộc người chủ yếu là do già làng (chủ làng), hội đồng già làng, nay có thêm hệ thống quản lý của Nhà nước. Hôn nhân truyền thống đậm nét mẫu hệ, phụ nữ đi hỏi chồng. Nhiều tập tục gia đình vẫn mang tính sơ khai, như người đẻ phải làm lều riêng. Khi cưới vẫn tồn tại hình thức phụ nữ hỏi chồng, cư trú bên vợ, tuy đã bỏ qua tục cưới chung ở nhà rông về nhà riêng tổ chức, nhưng tục đẻ ngồi vẫn còn phổ biến. Nam nữ đến tuổi trưởng thành phải cà răng, căng tai nay đã bỏ hoàn toàn, những đứa trẻ không chôn theo khi mẹ chết, nhưng tục chôn chung vẫn rải rác. Khi ốm đau lâu ngày vẫn phải cúng ma chữa bệnh. Tục chia của, bỏ mả cho người chết phẫn phổ biến để chia tay với người chết. Các lễ nghi nông nghiệp vẫn phổ biến trong các gia đình riêng, với các lễ vật, chi phí tốn kém, nhưng lễ hội cộng đồng thể hiện sự đoàn kết của con người, sự hoà đồng với tự nhiên. Mọi người tham gia lễ hội trong âm vang cồng chiêng và các điệu múa xoang tràn đầy niềm vui hạnh phúc

Bên cạnh các đặc điểm văn hóa chung mang tính chất vùng, người Rơ Măm có những nét văn hóa riêng, thể hiện bản sắc tộc người. Bản sắc riêng được thể hiện cụ thể trong từng lĩnh vực như môi trường riêng, ứng xử với môi trường, thần linh, con người riêng.

Ngày nay, cuộc sống của người Rơ măm đã có nhiều thay đổi, giống như người Kinh, họ cũng làm nhà ở tươm tất, nhà vệ sinh, khoan giếng, mắc điện gia dụng, phát triển chăn nuôi, mua sắm dụng cụ sản xuất, cây giống, phân bón, máy móc,.... bước đầu tiếp cận với cách sản xuất mới; được làm quen với cách trồng cây công nghiệp, làm vườn, làm ruộng nước; được tiếp cận với những dịch vụ mới trong các lĩnh vực y tế, vệ sinh, truyền thanh, truyền hình, thương nghiệp; được tiếp nhận những tiện ích mới trong sinh hoạt và đạt được nhiều tiến bộ trong đời sống. Qua nhiều thế hệ sinh sống trên vùng đất Đồng Nai, tuy người Rơ Măm chỉ có vài người nhưng họ cũng đã có những đóng góp tích cực trong tiến trình khai phá, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất này. Kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam thêm phong phú khi có sự hiện diện của văn hóa dân tộc Rơ Măm với những nét nổi bật về sự giàu có tri thức dân gian và kinh nghiệm canh tác rẫy.

 

Như Quỳnh

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 154 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày