Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Ba, 17/10/2017, 13:30

TÌM HIỂU TRANG PHỤC CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở ĐỒNG NAI

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống hòa bình, trải khắp từ Bắc đến Nam tạo thành một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Điện Biên ở phía Bắc là nơi hội tụ sinh sống của 21 dân tộc anh em, Quảng Nam ở miền Trung có 4 tộc người thiểu số cư trú từ lâu đời và riêng ở Đồng Nai có gần 40 dân tộc cùng chung sống từ khi khai hoang mở cõi.

Do đặc điểm lịch sử và những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu... Đồng Nai là vùng đất được cộng đồng các dân tộc từ mọi miền đất nước về lập nghiệp sinh sống đã khẳng định được khả năng và sức sống của mình, tạo nên những sắc thái văn hóa rõ nét. Sự đan xen, hòa hợp, giao lưu văn hóa trong từng dân tộc gắn liền với diễn trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Đồng Nai, theo dòng thời gian đã đúc kết nên những sắc thái văn hóa đặc trưng cho vùng đất Đồng Nai, con người Đồng Nai.

Để tìm hiểu văn hóa đặc sắc của các dân tộc hiện cư trú trên địa bàn Đồng Nai, ta có thể tìm hiểu khái quát vể trang phục của một số dân tộc ít người tồn tại lâu đời trên vùng đất này.

Người Chơro (Châu ro) là cư dân có mặt sớm trên vùng Đồng Nai. Theo các nguồn sử liệu, trước khi lưu dân Việt đến Đồng Nai khẩn hoang lập nghiệp vào thế kỷ XVI, thì người Chơro, Mạ, Kơ Ho, XTiêng đã từng cư trú và sinh sống. Chính vì vậy, người Chơro và những nhóm cư dân trên được xem là cư dân bản địa hoặc cư dân gốc, cư dân tại chỗ của vùng Đồng Nai. Người Chơro sống tập trung chủ yếu ở huyện Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất. Trang phục cổ truyền của người Chơro là đàn ông đóng khố, người phụ nữ mặc váy, phần bụng trở lên để trần. Để giữ thân vào mùa lạnh, người Chơro thường khoác lên một tấm chăn có lỗ chui đầu. Một bộ phận người Chơro trên địa bàn Đồng Nai không có trang phục cổ truyền, họ sử dụng thổ cẩm người Châu Mạ. Một số khác sử dụng những sản phẩm thổ cẩm được bán trên thị trường không rõ xuất xứ hay có sự pha trộn nhiều yếu tố không thuần nhất. Hiện nay đại đa số người Chơro sử dụng loại quần áo với các loại vải giống như người Việt. Đồ trang sức cổ truyền của người của người Chơro chủ yếu là dây đeo cổ được kết nối bằng những hột chuỗi nhiều màu sắc; lục lạc, vòng đồng đeo chân, đeo cổ và ngà voi đeo tai. Những loại trang sức này hiện vẫn còn lưu giữ trong cộng đồng nhưng chỉ có các sợi dây và lục lạc là còn phổ biến.

Người Mạ trên địa bàn tỉnh hiện tập trung đông nhất tại thị trấn Định Quán, xã Tà Lài và một số xã của huyện Tân Phú. Cũng giống như người Chơ ro, Ngưởi Mạ là tộc người cư trú lâu đời trên địa bàn Đồng Nai, có đời sống văn hóa phong phú với sắc thái riêng đậm nét; trong đó nghề dệt thồ cầm được xem là một trong những biểu hiện đặc sắc của văn hóa người Mạ.

Bàn tay tài hoa của người phụ nữ Mạ kết hợp với một số bí quyết tích lũy tự bao đời đã tạo ra những cuộn chỉ dệt chất lượng cao, màu không lây sang quần áo khác cùng giặt, trải qua đôi mươi mùa rẫy mà thổ cẩm vẫn giữ được sắc màu nguyên thủy. Kiểu áo truyền thông đến nay vẫn còn giữ được là áo chui đầu, được cấu tạo từ một tâm thổ cẩm, không ông tay, không có ve cổ, màu chủ đạo là trắng, thường ngắn đến thắt lưng. Áo nam cổ tròn, hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước; áo nữ cổ thuyền, kín tà, vạt sau và vạt trước bằng nhau. Nam thường mặc áo đóng khố, nữ thì áo đi chung với váy, màu chủ đạo của khố, váy thường là màu đen và đen chàm. Ở váy của nữ và khố của nam đôi khi được kết các vòng lục lạc vừa để làm đẹp, vừa tạo thêm âm sắc khi di chuyển và đặc biệt là lúc nhảy múa, ca hát cùng các hoạt động sinh hoạt văn hóa khác. Người Mạ thường dùng dây vải nhỏ quân quanh đầu được cột gút phía sau vừa thể hiện tính trang trọng nhưng đồng thời cũng làm tăng sự uyển chuyển, hài hòa của trang phục người mặc. Một chi tiết không thể bỏ qua là tấm khăn choàng nhỏ (thường là màu đỏ chủ đạo, bố trí nhiều họa tiết hoa văn hình học) rất được đàn ông Mạ ưa chuộng dùng choàng chéo từ vai xuống ngực. Ở một số người, nhất là phụ nữ, thường đeo thêm ở cổ tay, cổ chân mình các vòng lục lạc để tham gia vào các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Người Xtiêng: tập trung đông nhất ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú) và huyện Xuân Lộc. Họ Điểu là họ phổ biến khắp vùng Xtiêng. Trang phục của người Xtiêng gồm những hoa văn, màu sắc, kiểu dáng trên khố váy, những chiếc gùi của người Xtiêng nhuộm bằng vỏ cây rừng. Ngoài ra, còn có những hoa văn trang trí trên những vật dụng đan lát, những hình vẽ trang trí trên cồng chiêng, trên cây nêu... chứng tỏ khả năng tạo hình đặc sắc của mình. Trang phục của người Xtiêng khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Mùa đông người ta choàng một tấm vải để chống rét. Người Xtiêng để tóc dài búi sau gáy, dái tai xâu lỗ để đeo hoa tai bằng gỗ hay ngà voi và xăm mặt, xăm mình với những hoa văn giản đơn. Mọi người nam, nữ, già, trẻ đều thích đeo các loại vòng. Trẻ em còn nhỏ đeo lục lạc ở hai cổ chân. Người Xtiêng nổi tiếng với nghề thợ rèn đạt trình độ khá cao, nhiều công cụ, vật dụng tinh xảo.

Người K’ho: Người K’Ho sống  chủ yếu dưa vào sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn có săn bắt  hái lượm lâm thổ sản và một số nghề thủ công như rèn, đan lát, dệt. Trang phục của đàn ông là đóng khố bằng vải bản rộng, dài khoảng 1,5 – 2 m, có hoa văn theo dải dọc. Phụ nữ thường dùng váy bằng một tấm vải quấn quanh người rồi giắt cạp. Váy nền đen, có điềm hoa văn trắng. Nếu thời tiết lạnh, họ khoác thêm chăn (ùi) ra ngoài. Phụ nữ dùng vòng cổ, vòng tay, cườm và khuyên căng tai làm đồ trang sức.

Người Chăm: Họ sống tập trung chủ yếu ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Hiện nay người Chăm ở Đồng Nai có khoảng gần 4.000 người. Mỗi dân tộc đều có trang phục riêng thể hiện bản sắc dân tộc. Người Chăm ở Đồng Nai cũng vậy. Lễ phục của cả nam và nữ thường thiên vể màu trắng. Nam thường vận trang phục quấn xà rông, đội mũ đạo hổi có thêu, áo cánh ngắn cài khuy phía trước, nữ quấn váy, mặc áo dài chui đầu có thắt lưng và thường có dải khăn quàng chéo trước ngực hoặc vắt qua vai. Phụ nữ Chăm thường đội khăn, hoặc phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đẩu; quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đẩu rổi phủ kín vai. Áo khoét cổ và can thân và nách từ một miếng vải khổ hẹp (hoặc can với áo dài) thẳng ở giữa làm trung tâm áo cho cả áo ngắn và áo dài. Người Chăm có truyền thống trồng lúa nước và trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nghề dệt vải, làm gốm cổ truyền nổi tiếng.

Người Hoa: Năm 1679 một số cư dân người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đến lập nghiệp ở Cù lao Phố. Hiện nay, tổng số người Hoa ở Đồng Nai đứng vị trí thứ hai sau cộng đồng người Kinh. Trong đó, các huyện đông người Hoa nhất là huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, …Trang phục nữ của người Hoa thường mặc áo cổ viền cao, cài khuy một bên, xẻ tà, thường có màu hồng hoặc đỏ. Nam mặc áo màu đen hay xanh đậm, cài khuy vải một bên, xẻ tà hoặc kiểu áo tứ thân, quần áo thường có túi. Người Hoa sinh sống chủ yếu bằng hoạt động sản xuất kinh doanh, thường cư trú tập trung thành làng xóm, tạo thành khu vực đông đúc và gắn bó với nhau.

Người kinh là dân tộc chính và chiếm dân số cao nhất ở tỉnh Đồng Nai. Hiện nay dân tộc Kinh sống phân bố rộng khắp 11 huyện thị thành phố. Trang phục người Kinh: Vào các lễ hội đặc biệt thì nam thường mặc áo dài rộng rãi, đội khăn đống, màu áo đơn giản, nữ thường mặc áo dài. Nói đến văn hóa Việt Nam ta không thể nào không nghĩ đến tà áo dài tha thướt với đủ màu sắc và chiếc áo dài luôn là hình tượng của người phụ nữ Việt Nam. Người Kinh làm đủ ngành nghề để sinh sống nhưng nền kinh tế mạnh nhất là nghề trồng lúa nước và hiện nay người Kinh góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành công nhiệp.

Ngoài ra, ở Đồng Nai còn có một số dân tộc khác như: Tày, Nùng, khơ me, Gia rai, Mường, Dao, Mông, …nhưng số lượng người sinh sống ở đây rất ít, có nơi rải rác có vài người. Do đó, văn hóa của họ dần dần dần có nhiều nét tương đồng qua quá trình giao tiếp lâu ngày. Ngôn ngữ chung là tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ chỉ dùng trong nội bộ tộc người, một bộ phận lớp trẻ đến nay cũng không nói được tiếng của dân tộc mình nữa.

Mỗi dân tộc ít người đều có kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc riêng. Một điểm nổi bật trong hơn 300 năm qua là truyền thống đoàn kết thuận hòa giữa các dân tộc anh em cùng chung sống trên đất Đồng Nai, chưa từng nổ ra cuộc xung đột sắc tộc nào. Họ cùng sinh sống và gắn bó keo sơn, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, quân và dân Đồng Nai đã nêu cao tinh thần bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mảnh đất thiêng liêng mà những người con của các dân tộc anh hùng phải đổ bao xương máu mới giành lại được, đem đến cho Đồng Nai màu xanh áo mới, những công trường, nhà máy, …thi nhau mọc lên, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.

 

Như Quỳnh

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 196 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày