Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Phần I: 1890 - 1911 Thứ Hai, 06/06/2011, 15:25

Người học sinh khác thường

Trường Quốc học là trường trung học dạy Pháp văn và khoa học Tây phương đầu tiên ở Việt Nam do vua Thành Thái mở năm 1896. Cơ sở của trường dựa vào doanh trại thủy sư cũ của Hoàng gia (bỏ trống từ sau ngày Pháp đánh chiếm Huế, 7-1885). Trường gồm có hai dãy nhà tranh nằm song song với đường Jules Ferry chung quanh có tường bao bọc. Ở bốn mặt đều trổ cửa ra vào. Cửa chính nhìn ra sông Hương, bên trên xây lầu, trong lầu treo một cái chuông lớn để điểm giờ học. Trường mở ra theo yêu cầu đào tạo người có hiểu biết để giúp Nam Triều tiếp xúc với Pháp cho nên có mời một số thầy giáo Pháp vào dạy. Phần lớn giáo viên là các nhà Nho yêu nước không muốn làm quan, nhân có trường dạy học, họ xin vào để giấu mình gửi gắm một chút tâm sự cho lớp trẻ. Bọn Pháp thấy Quốc học là một môi trường rất lợi hại, chúng đã tìm mọi cách để thâm nhập vào với hai mối lợi: lợi thứ nhất là chế ngự những người có ý tưởng chống Pháp đã dựa vào cái bóng của vua Thành Thái mà núp trong trường Quốc học; hai là dùng trường Quốc học để đào tạo một bọn tay sai thay thế cho bọn bồi bút bất tài đem từ thuộc địa Nam kỳ ra. Dưới nhãn quan của thực dân, ngôi trường Quốc học là một công cụ của chúng. Nhưng chúng đã không thành công.

Anh Thành bước vào trường Quốc học sau sự kiện vua Thành Thái tốn vị (abdiqué), vua Duy Tân bị áp đặt lên ngôi. Cái mà làm cho lớp trẻ lưu ý nhất là ông vua Duy Tân chưa đầy tám tuổi này đã có những biểu hiện bất khuất trước chính quyền thực dân Pháp. Anh em học trò rỉ tai nhau câu nhận xét của một nhà báo Pháp về ông vua trẻ này: “Un jour de trône a changé complètement le visage d’un enfant à huit ans”. (Một ngày ngồi trên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn khuôn mặt của một cậu bé tám tuổi).

Anh Thành tiếp tục rèn luyện môn Pháp văn trên ghế nhà trường Quốc học. Lúc mới vào trường anh rất buồn. Dần dần anh cũng tìm thấy những niềm vui. Bên dưới cái bộ mặt buồn bã của một ngôi trường trong tay thực dân còn có một trái tim nóng bỏng vì tình dân nghĩa nước. Anh được thầy Hoàng Thông dạy chữ Hán rất thương. Thầy giao cho anh lên viết bài học trên bảng đen và đọc trước cho học trò đọc theo. Nhiều hôm thầy bận việc đến trễ, thầy giao cho anh Thành coi lớp. Sau giờ học, anh hay lại nhà thầy ở trong trường, xin thầy đọc những Tân Thơ, Tân Sách do thầy biên soạn hay thầy đã sao chép được. Sách do thầy viết cuốn Tự Trị Thượng Sách; sách do người Việt Nam soạn có các cuốn: Thiên Hạ Đại Thế Luận, Thời Vụ Sách của Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Hoàn Chí Lược của Phạm Phú Thứ; những sách báo nói về tình hình Trung Quốc mà gần giống với Việt Nam có Ẩm Băng, Tự Do Thư, Trung Quốc Hồn; những sách của Tây Phương do người Trung Quốc dịch lại có Dân Ước của Lư Thoa (J.J. Rousseau), Tiến Hóa Luận của Tư Tân Tắc (Spencer), Dân Quyền Thiên của Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu).

Người thầy thứ hai mà anh cũng hết sức kính trọng là thầy Lê Văn Miến. Thầy Miến là người Diễn Châu, người đồng tỉnh với anh. Thầy Miến có một cung cách đặc biệt, trước kia thầy được cử sang học ở trường hành chánh thuộc địa cùng với Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu. Khi tốt nghiệp, hai ông kia về làm quan to, còn thầy Miến thì xin ở lại học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Pháp (Ecole des Beaux-Arts de Paris). Học xong, thầy về Hà Nội làm cho nhà in Shneide. Tổng đốc An Tịnh là Đào Tấn biết thầy giỏi, đã ra đưa thầy về Vinh rồi đưa vào Huế làm hành tấu ở bộ Công với Đào tiên sinh. Trong một vụ vỡ lở có dính dáng đến việc vẽ các kiểu súng trường cho vua Thành Thái đúc chuẩn bị đánh Pháp, thầy bị đưa ra Vinh mở trường Pháp – Việt, rồi đến năm 1907 thì đưa thầy về dạy vẽ ở trường Quốc học. Bọn Pháp biết thầy Miến có tư tưởng chống Pháp nhưng chúng không dám hãm hại thầy vì lẽ thầy rất có uy tín với dư luận Pháp. Sau những giờ dạy vẽ, thầy Miến thường kể chuyện thầy đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới. Thầy thường kể với học sinh:

- Người Pháp ở chính quốc khác với người Pháp ở đây. Ở thủ đô Ba Lê cũng có rất nhiều người nghèo. Chiều chiều, những người già không có nơi nương tựa phải chống gậy đi học phố moi móc trong các thùng rác xem thử có còn gì ăn được thì lấy ra ăn; đêm đêm ở vườn Luýt-xăm-bua thơ mộng, nhiều cô gái nghèo phải bán thân nuôi miệng. Người dân Pháp, từ người thứ dân cho đến vị Hàn lâm, thấy những người Việt Nam mất tư cách thì họ tỏ ra khinh bỉ, nhưng ngược lại thấy những người có đạo đức, biết tự trọng, có tài, họ rất kính phục, ít có chuyện phân biệt vì chủng tộc nòi giống (race). Đặc biệt, ở Ba Lê có rất nhiều viện bảo tàng, nhiều thư viện tàng trữ những hiện vật xưa, sách cổ quí giá. Sách về yêu nước và cách mạng thế giới có nhiều, ai muốn đọc cũng được, không hạn chế và không ngăn cấm.

Nghe những chuyện ấy, anh Thành rất náo nức, anh càng tự quyết tâm cao hơn để sớm có đủ trình độ Pháp văn tiếp xúc với những thứ quý giá ấy. Một hôm trả Luận văn, thầy Queignec cầm bài luận của anh Thành đưa ra giữa lớp nói lớn:

- Thành a traité le sujet de rédaction en vers, c’est un élève intelligent et vraiement distingué (Trò Thành đã làm đề luận này bằng thơ, đây là một học sinh thông minh và xuất chúng).

Nguồn http://hachovoihue.vilolet.vn


Số lượt người xem: 1744 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày