Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Phần II: Bác Hồ ở nước ngoài Thứ Ba, 07/06/2011, 09:10

Những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc trong phong trào nông dân quốc tế

Vấn đề nông dân cũng như vị trí và vai trò của nó đối với tiến trình cách mạng có một tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Bằng tư duy lý luận và phân tích thực tiễn một cách khoa học, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê nin đã tổng kết các cuộc cách mạng tư sản và cách mạng vô sản thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 để rút ra những kết luận có tính nguyên tắc rằng nông dân là một lực lượng hùng hậu “ở chỗ nào người nông dân cũng đều là một nhân tố rất quan trọng đối với dân cư, với sản xuất và với chính quyền”(1), rằng cách mạng tư sản hay cách mạng vô sản muốn thành công và mức độ thành, bại đến đâu là tùy thuộc vào sự ủng hộ của nông dân, rằng trong thời đại cách mạng vô sản liên minh công nông là nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản.

Là đại biểu ưu tú của các dân tộc đi áp bức - nơi mà ở đó như Lê nin để chỉ ra rõ “quần chúng cơ bản là nông dân”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong những năm hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt quan tâm nghiên cứu vấn đề nông dân và có những đóng góp to lớn.

Không phải ngẫu nhiên tại Hội nghị quốc tế nông dân lần thứ nhất (họp từ ngày 10 đến 16-10-1923 tại Mátxcơva), các đại biểu nông dân quốc tế tham dự Hội nghị đã bầu Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất cho nông dân các nước thuộc địa, là 1 trong 11 ủy viên Đoàn chủ tịch Hội đồng nông dân quốc tế - một tổ chức quần chúng trực thuộc quốc tế cộng sản. Sự tín nhiệm và tin cậy của đạo biểu tham dự Hội nghị là sự thừa nhận và đánh giá cao hoạt động của Người đối với phong trào nông dân các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Sinh ra và lớn lên tại một thuộc địa lớn nhất của đế quốc Pháp, nơi mà nông dân chiếm hơn 90% dân số và cũng là nơi mà những nhà khai hóa thực dân thực thi chính sách ngu dân như là một quốc sách, Người tận hiểu nỗi cùng cực của người dân mất nước, nỗi nhục của những người bị tước đoạt mất độc lập và tự do.

Ra đi tìm đường cứu nước, chính Người đã tận mắt mục kích nỗi khổ nhục tương tự của nông dân các nước thuộc địa của thực dân Anh, Mỹ, Hà Lan... ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Bài học dầu tiên Người rút ra là ở đâu người nông dân cũng bị áp bức và bóc lột tàn bạo bởi bốn thế lực là nhà nước bảo hộ, bọn thực dân, nhà thờ và những tên lái buôn.  Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại”(2). Song, sự bóc lột tàn bạo, đau khổ, nghèo đói, sự nhục mạ không làm tê liệt sức sống và tư tưởng đòi giải phóng của người dân bị áp bức. Thực tiễn của các cuộc đấu tranh của nông dân Đông Dương, Ấn Độ, Trung Quốc, Angiêri, Tuyniđi... mà nhiều cuộc đấu tranh có khi bị dìm trong máu đã được Người nhận xét một cách chính xác rằng đằng sau sự phục tùng tiêu cực ẩn giấu một cái gì đang sục sôi động gào thét và “sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”(3).

Cách mạng tháng Mười năm 1917, sự ra đời của Quốc tế cộng sản năm 1919 và bản Luận cuơng về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giúp Người tin Lênin, đứng hẳn về lập trường của Quốc tế cộng sản và định hướng con đường giải phóng dân tộc với tư duy chính trị của thời đại mới trên lập trường của giai cấp vô sân. Tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và trao lại cho các dân tộc thuộc địa đứng lên giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc thực dân là khát vọng, là nhiệm vụ và trách nhiệm mà Người tự đặt ra cho mình trong những năm hoạt động ở ngoài nước.

Tham gia hoạt động trong phong trào cộng sản Pháp, Người nhận thấy: “Mặc dù Quốc tế cộng sản đã đề cập đến tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa như là một trong những vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự của mình, song thực tiễn các phân bộ ở các cường quốc thực dân đến nay vẫn chưa chăm lo đến vấn đề này. Cả đến việc xem xét nó một cách nghiêm túc cũng không... Nguyên nhân là do các đồng chí chúng ta không hiểu tình hình xác thực của các nước bị áp bức bóc lột”(4). Để chống lại những quan điểm phản động của những lãnh tụ cơ hội trong Quốc tế hai, kẻ phủ nhận vai trò cách mạng của quần chúng nhân dân các nước thuộc địa trong khi lại đề cao công lao “khai hóa” của bọn thực dân và để giúp cho giai cấp vô sản ở chính quốc có những thông tin đầy đủ về bức tranh toàn cảnh thực trạng của nông dân thuộc địa, Người tranh thủ mọi diễn đàn quốc tế, mọi phương tiện thông tin đại chúng tố cáo, lên án cho đã thực dân, kẻ đã gây ra những tội ác man rợ nhất ở thuộc địa. Nghiên cứu tình cảnh của nông dân Đông Dương thuộc Pháp, qua báo chí và nghiên cứu thực tế các nước thuộc địa mà Người có dịp đến và hoạt động. Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác dã man của chế độ thực dân ở thuộc địa. Đó là tình trạng cướp ruộng đất một cách phổ biến và trắng trợn, chính sách thuế khóa, phu phen, tạp dịch đã bóc lột tận xương tủy người lao động, quốc sách chia để trị tiến hành song song với chính sách ngu dân, đầu độc bằng thuốc phiện và rượu. Thêm vào đó lụt lội hạn hán, nạn đói và nội chiến nhấn chìm người nông dân vào cảnh cùng cực. Người tố cáo ở thuộc địa, nông dân bao giờ cũng là đối tượng bóc lột chủ yếu để nuôi sống “nước mẹ”, để phục vụ cho cuộc sống phè phỡn của kẻ xâm lược. Cùng với sự có mặt của bọn thực dân, chế độ nô lệ, đã bị lịch sử tiêu diệt, đã sống lại. Thực trạng bi đát của các thuộc địa từ Việt Nam hay Công gô, Máctiních, Tân Đảo hay Triều Tiên, Trung Quốc dù khác nhau về địa lý, màu da và lịch sử nhưng đều giống nhau ở sự cùng khổ.

Có áp bức thì có đấu tranh. Đó là qui luật tất yếu của sự sinh tồn. Cuộc bạo động về gạo của nhân dân Triều Tiên năm 1919, các cuộc nổi dậy của nông dân Đông Dương chống Pháp đầu thế kỷ 20, phong trào nông dân Trung Quốc, cuộc đấu tranh của nhân dân, chủ yếu là nông dân ở châu Phi đã nổ ra liên tiếp. Nhưng nhìn chung các cuộc nổi dậy đều bị đàn áp khốc liệt. Trong bài Mấy ý nghĩ về thuộc địa Người rút ra nhận xét: “Nói chung, quần chúng căn bản là có tinh thần bất khuất, nhưng còn rất dốt nát. Họ muốn giải phóng nhưng họ chưa biết làm cách nào để đạt được mục đích ấy”(5).

Để chỉ cho nông dân con đường đi tới cách mạng và giải phóng, Nguyễn Ái Quốc đã làm hết sức mình như một hiệp sĩ của các dân tộc bị áp bức, đồng thời kiến nghị với Quốc tế cộng sản giúp đỡ họ tổ chức, đào tạo cán bộ lãnh đạo và đấu tranh với sự coi nhẹ hoặc thờ ơ với cách mạng thuộc địa của các đảng cộng sản ở chính quốc.

Người thành lập Hội liên hiệp thuộc địa và tham gia Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng cộng sản Pháp. Thông qua báo Nhân đạo, báo Người cùng khổ và các diễn đàn, Nguyễn Ái Quốc không chỉ tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân mà còn chỉ cho quần chúng nguyên nhân của mọi sự đau khổ và con đường để từ giải phóng. Người còn từng bước đề cập một cách có hệ thống vị trí, vai trò của nông dân, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế của phong trào nông dân khi chưa được tổ chức lại và chưa có lực lượng tiên phong lãnh đạo.

Nếu Mác, Ăng ghen và đặc biệt là Lê-nin là những người thấy rõ mối quan hệ khăng khít và tác động trực tiếp của cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa thì Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên không chỉ nhận thấy giải phóng dân tộc gân liền với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc cũng thực chất là giải phóng nông dân, mang lại các quyền lợi dân chủ cho nông dân mà còn chỉ ra những người nô lệ ở thuộc địa được thức tỉnh, có đảng tiên phong và lý luận tiên phong chỉ đường, cách mạng giải phóng dân tộc có thể thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Năm 1921 trong bài Đông Dương đăng trên Tạp chí cộng sản, Người khẳng định: “Chế độ cộng sản chủ nghĩa có thể áp dụng ở châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng không?  Đó là câu hỏi mà ngày nay chúng ta quan tâm. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó một cách khẳng định”(6) Nguyễn Ái Quốc tiên đoán: “Ngày mà hàng trăm triệu người châu Á bị nô dịch và áp bức sẽ thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một nhóm bọn thực dân tham tàn và chính họ sẽ hình thành được một lực lượng đồ sộ vừa có thể thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản chủ nghĩa đế quốc, vừa giúp đỡ những người anh em phương tây trong sự nghiệp giải phóng”(7).

Người hoàn toàn tin tưởng ở lực lượng đông đảo nông dân bị áp bức bóc lột ở thuộc địa khi họ được thức tỉnh. Người kiến nghị với Quốc tế cộng sản “Cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đã  tới cách mạng và giải phóng”(8) và khẳng định “Quốc tế của các đồng chí (tức Quốc tế nông dân - TG) chỉ trở thành quốc tế khi mà không những nông dân phương Tây mà cả nông dân phương Đông, nhất là nông dân các nước thuộc địa, những người bị áp bức và bóc lột nhau hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí”.(9).

Giữa lúc ở phương Tây nhiều Đảng cộng sản còn thờ ơ, thậm chí coi nhẹ vị trí vai trò và khả năng cách mạng của các dân tộc thuộc địa, có không ít nhà cách mạng và đảng cộng sản ở một số nước thuộc địa và nửa thuộc địa lại quá nhấn mạnh, thậm chí tuyệt đối hóa vai trò và khả năng của nông dân thì Nguyễn Ái Quốc lại có một cách nhìn hoàn toàn khác. Là những người tiểu sở hữu với bản tính tự phát của tiểu nông, bản thân giai cấp nông dân không thể tự tổ chức thành một lực lượng chính trị độc lập, không thể trở thành lãnh tụ chính trị trong cuộc đấu tranh tự giải phóng. Hơn nữa ở các thuộc địa họ bị đơn độc do thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau nên phong trào thường rời rạc, dễ bị bọn thực dân câu kết với giai cấp phong kiến đàn áp. Vì vậy giai cấp nông dân muốn tự giải phóng không có con đường nào khác là vừa đánh đế quốc vừa đánh phong kiến để giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho giai cấp mình. Để thực hiện hai nhiệm vụ trên, giai cấp nông dân phải đi theo ngọn cờ của giai cấp công nhân và chịu sự lãnh đạo của chính đảng của giai cấp công nhân - người đại diện cho sứ mệnh lịch sử của thời đại. Tự bản thân mình, giai cấp nông dân “không bao giờ có thể ngẩng đầu lên được nếu không gắn bó với giai cấp vô sản thế giới”, nếu giai cấp vô sản giác ngộ “không đến cứu họ khỏi nền văn minh quái vật”. Ngay từ diễn đàn của Hội nghị nông dân quốc tế, Người đã kiên quyết lên án những trào lưu cơ hội chủ nghiã coi nông dân là lực lượng chủ yếu, duy nhất, cách mạng nhất dẫn tới “chủ nghĩa phiêu lưu, chủ nghĩa cực đoan, vô chính phủ và đi tới chỗ phản bội chủ nghĩa Lênin”(10).

Là ủy viên Đoàn chủ tịch Hội đồng nông dân quốc tế theo dõi chỉ đạo các thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời uốn nắn những lệch lạc, góp phần quan trọng đẩy phong trào nông dân các nước thuộc địa lên một bước mới, liên kết phong trào vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, liên minh công nhân với nông dân...

Những đóng góp về lý luận và sự lãnh dạo, chỉ dạo phong trào nông dân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc của Người, giúp Đảng cộng sản Việt Nam suốt 60 năm qua luôn quán triệt và vận dụng vào việc đề ra đường lối chiến lược và sách lược nhằm giải quyết vấn đề nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

1. M. Các. Ph. Ăng-ghen. Tuyển tập, tập I. Sự thật, H. 1962, tr. 684.

2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. tập I. Sự thật, H. 1980, tr. 9

3. Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập I. Sự thật, H. 1980, tr.10.

4. Nguyễn Ái Quốc, Đông Dương bài đăng trên Tạp chí Cộng sản số 14 năm 1921 (tài liệu lưu trữ Viện lịch sử Đảng).

5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, tr. 27.

6, 7. Nguyễn Ái Quốc: Đông Dương, Tạp chí cộng sản. Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng.

8. Hồ Chí Minh. Toàn tập đã dẫn, tr. 231

9. Hồ Chí Minh. Sách đã dẫn, tr. 156-157

10. Hồ Chí Minh, Sách đã dẫn. tr. 158.

Nguồn Lịch sử Đảng. -1990. –Số tháng 3. –Tr.17-20.


Số lượt người xem: 1717 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày