Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Phần II: Bác Hồ ở nước ngoài Thứ Ba, 07/06/2011, 10:50

Về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan và Lào

Trước khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và trở thành vị Chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Hồ Chí Minh đã có một thời gian dài bôn ba tìm đường cứu nước ở khắp năm châu, bốn biển. Những địa danh Người đến đã trở thành “địa chỉ đỏ” để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu về hành trình tìm đường cứu nước của Người. Trong những năm 1928 - 1929 Người đã đến Thái Lan, chủ yếu hoạt động ở hai tỉnh Nakhon Phanom, Uđon Thani và đã tìm đường về Việt Nam qua biên giới Lào - Việt nhưng không thành công. Trong bản Báo cáo gửi quốc tế Cộng sản (ngày 18-2-1930) có câu “Đã hai lần tôi cố gắng đi về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân Đảng”1

Năm 1927, sau khi đã hoàn thành việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tổ chức một số lớp học nhằm huấn luyện cho những thanh niên Việt Nam yêu nước về con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã nghĩ đến việc rời Quảng Châu - Trung Quốc để trở về Thái Lan- nơi có nhiều Việt kiều sinh sống để truyền bá cách mạng. Giữa năm 1928, nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản điều động về nhận công tác ở Đông Dương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm (Thái Lan) vào tháng 7 với thẻ nhập cảnh mang tên Nguyễn Lai. Người đi trên tàu biển chở khách và cập cảng tại Băng Cốc (thủ đô Thái Lan). Ở Thái Lan Người mang các tên Thầu Chín, Ông Thọ, Nam Sơn, đã đến Bản Đông huyện Phi Chít (miền Trung Thái Lan).

Sau một thời gian ngắn ở Phi Chít (mười lăm ngày), Người đã cùng với một vài người giúp việc đi bộ suốt hơn nửa tháng trời để đến tỉnh Uđon Thani, một tỉnh lớn của Thái Lan, cách Băng Cốc khoảng 600 km. Lấy tên là Thầu Chín, Người đến ga Noỏng Bùa, nơi có vài chục hộ gia đình Việt kiều sinh sống bằng nghề làm vườn. Người trồng ở đây một số cây dừa, cây xoài nên sau này bà con Việt kiều gọi đó là “Vườn xoài Bác Hồ”. Cách trung tâm thị xã Uđon Thani khoảng 12 km có làng Noỏng Ổn (huyện Mương), lúc đó rất hẻo lánh nên chỉ có 8 gia đình Việt kiều, không có người Thái. Cụ Đặng Thúc Hứa đã lập ra Trại Cưa, thu hút những thanh niên trai tráng nghèo (không nhà không ruộng, không tiền) tụ hợp lại sinh sống bằng nghề chặt, xẻ gỗ rừng. Trại Cưa cũng là nơi đón những thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang. Ở Noỏng Bùa một thời gian ngắn, Người chuyển vào ở trong Trại Cưa. Ngôi nhà chính của Trại Cưa làm nơi nghỉ ngơi hội họp, còn nhiều lán trại ở ngay trong rừng để tiện cho việc đốn cây, xẻ gỗ ở Trại Cưa, cụ Hứa đã chú ý đào tạo, nâng cao trình độ chính trị cho họ, nhưng phải đến lúc Người tới thì việc ăn ở, học tập mới trở thành nền nếp2.

Sau đó Người đến Bản Mạy (làng mới) thuộc tỉnh Nakhon Phanom ở vùng Đông Bắc Thái Lan, cách thủ đô Băng Cốc hơn 700 km. Bản Mạy vốn là bản do những người gốc Việt đến Thái Lan làm ăn, sinh sống lập nên vào đầu thế kỷ XX. Họ chủ yếu là người gốc miền Trung Việt Nam, có học thức, chịu ảnh hưởng tư tưởng của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nên khi dựng làng họ đã có ý thức xây dựng một cộng đồng Việt kiều có tinh thần dân tộc như xây dựng đền thờ Đức thánh Trần, lập Hội trại Cày, Hội Thân ái... Từ đó, bản Máy đã trở thành trạm liên lạc đón nhiều người Việt Nam sang Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc ở Bản Mạy với bí danh Thầu Chín. Đến đây, ông Chín đã khuyên nhân dân xây dựng nhà Hợp tác để mọi người có thể sinh hoạt, tụ họp. Khu nhà Hợp tác được xây dựng khá khang trang, sạch sẽ, sân bếp, vườn cây... Nhờ đó, nơi đây đã trở thành điểm tụ họp thường xuyên của rất nhiều người Thái gốc Việt.

Trong thời gian ở đây, Người đã rất tích cực học tiếng Thái, động viên mọi người cùng học tiếng Thái để có thể hiểu được truyền thống, phong tục tập quán của người Thái, tiện cho việc giao tiếp, sinh hoạt. Ngoài ra, Người cần tổ chức các lớp học tiếng Việt cho trẻ em để các em không quên nguồn gốc của cha ông. Trong thời gian này Người cũng tham gia các buổi cúng tế của người Việt ở đền Đức thánh Trần và luôn nhắc nhở mọi người về tinh thần yêu nước, ý thức chống giặc ngoại xâm để bảo vệ dân tộc. Nhờ đó, tuy sống trên đất Thái nhưng những người gốc Việt nơi đây luôn đoàn kết, gắn bó khiến Bản Mạy trở thành một cộng đồng dân cư bền chặt ấm cúng.

Một hoạt động tích cực của Người trong thời gian ở đây là khuyên mọi người phải biết tôn trọng phong tục, tập quán của người bản địa, đoàn kết và luôn nêu cao tinh thần tương trợ giúp đỡ những người nơi đây. Bởi vậy, về sau có nhiều người Thái đến Bản Mạy sinh sống khiến nơi đây trở thành cộng đồng dân cư chung của hai nước Việt Nam và Thái Lan.

Ngoài hai địa điểm chính đã nêu ở trên trong 16 tháng ở Thái Lan, Thầu Chín đã cùng một vài cán bộ cốt cán đi khắp các tỉnh có Việt kiều sinh sống ở Đông Bắc Thái Lan để tuyên truyền cách mạng.

Dựa vào các nguồn tư liệu lịch sử, khoa học và kết quả khảo sát thực tế, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đưa ra những cơ sở khoa học và thực tiễn về việc Nguyễn Ái Quốc đã từng đến Lào, cụ thể là hai địa điểm: thị xã Savẳnnakhệt và bản Xiêng Vang của tỉnh Khăm Muộn... Mục đích của Người là khảo sát tại chỗ tình hình Lào và tìm đường về Việt Nam. Thời gian tới Lào có lẽ là cuối năm 1928 và năm 1929 vì tháng 7-1928 Người mới tới Xiêm, cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, gặp gỡ kiều bào và cán bộ trước khi sang Lào.

Qua Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18 - 2 - 1930 (đoạn đã trích ở trên) cho thấy Người đã vượt qua biên giới Xiêm - Lào, vào đất Lào, tới biên giới Lào - Việt Nam, nhưng không qua được biên giới Lào - Việt Nam, nên phải quay trở lại. Địa bàn hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đông Bắc của Xiêm, song song với các tỉnh, thành phố của Lào là Viêng Chăn, Khăm Muộn và Savẳnnakhệt. Vào thời điểm đó, biên giới Lào - Xiêm còn lơi lỏng, vì nhân dân tả và hữu ngạn sông Mêkông vốn cùng một quốc gia, dân tộc, phần lớn đều là họ hàng thân thuộc của nhau, chỉ vì hiệp ước Pháp - Xiêm mà họ bị ly tán, phân cách, nên việc đi lại thăm thú nhau diễn ra hằng ngày, rất dễ dàng, ít khi cảnh sát hỏi đến giấy tờ tùy thân. Nguyễn Ái Quốc chọn Thái Lan không chỉ là nhiệm vụ “tuyên truyền cách mạng về trong nước từ phía Tây” mà còn là để làm “bàn đạp” trở về Việt Nam qua đường Lào, bởi nơi đây có hậu thuẫn của hơn một vạn Việt kiều đang làm ăn, sinh sống, đa phần họ là những người Việt Nam yêu nước, đang tạm thời phải lưu lạc bởi sự truy đuổi gắt gao của thực dân Pháp.

Thông qua các tư liệu lịch sử, lời kể nhân chứng khảo sát thực địa... các nhà khoa học Việt Nam và Lào đã thống nhất kết luận việc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từ Xiêm tới Lào để khảo sát, nghiên cứu tình hình, gặp gỡ cơ sở yêu nước Lào - Việt. Cuốn Lịch sử Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đã khẳng định “Khoảng cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cải trang là thợ mộc từ Xiêm đi vào đất Lào, qua thị xã Pác Xê đi lên Savẳnnakhệt tới Xiêng Vang để nắm tình hình và đời sống của nhân dân và sau đó quay trở lại đất Xiêm...”3.

Và như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã từng đến Lào ít nhất hai lần. Nơi Người đến là thị xã Savẳnnakhệt và bản Xiêng Vang thuộc tỉnh Khăm muộn4. Gần đây nhất, theo Công văn số 196, ngày 29-2-2009, của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào gửi Bảo tàng Hồ Chí Minh, chuyển nội dung Công văn số 446/BQ ngày 24-4-2009 của Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản về việc Xây dựng khu tưởng niệm Bác Hồ tại Lào. Đây cũng là một trong những việc làm thiết thực để khẳng định Lào là một trong địa bàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến góp phần làm rõ hơn vấn đề Hồ Chí Minh có đến Lào những năm 1928 - 1929 mà lâu nay giới nghiên cứu vẫn quan tâm.

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã đi nhiều nơi, đến nhiều quốc gia, tuy nhiên tại mỗi nơi Người đến đều để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm, để lại tình cảm tốt đẹp trong long nhân dân nước bạn. Mỗi khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng lên đều thể hiện tấm lòng kính yêu của người dân nước bạn đối với Người và từ đó củng cố thêm tình đoàn kết hữu nghị của Việt Nam với bạn bè quốc tế và đặc biệt là với các nước láng giềng.

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H, 1995, T.3 tr.12

2. Năm 2003, bà con Việt kiều đã đóng góp tiền của, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, Khu di tích đã được tiến hành khôi phục. Trên nền nhà cũ của Trại Cưa, ngôi nhà chính, nhà chứa thóc, cùng những đồ dừng mộc mạc (giường ngủ bàn ghế, chum vại đựng nước...), chuồng trại chăn nuôi gia cầm… được dựng lại bằng gỗ, tre, nứa giống như thời gian Bác hoạt động tại đây.

Đặc biệt, phía sau khu nhà được trồng rất nhiều tre, tre xanh tốt um tùm, khiến ai nhìn vào cũng cảm thấy như đất Việt thân yêu và hình bóng Bác đang hiện hữu. Bên cạnh khu nhà chính, bà con Việt kiều đã dựng thêm một ngôi nhà Hội trường đa năng để đặt bàn thờ Người và trưng bày tóm tắt hoạt động của Người, trong đó đặt trang trọng tấm ảnh Bác với đôi mắt sáng và chòm râu bạc.

3. Lịch sử Đảng nhân dân Cách mạng Lào, CTQG, H, 2005 , tr. 17 - 18

4. Xem Hồ Chí Minh Tiểu sử, CTQG, H, 2008, tr. 72.

Nguồn Lịch sử Đảng. -2009. –Số 6. –Tr.20-22, 28.


Số lượt người xem: 4465 Bản inQuay lại

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày