Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Phần III: Bác Hồ với phong trào GPDT Thứ Ba, 07/06/2011, 14:45

Những ngày đầu Bác Hồ chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Trước ngày 19-12-1946, khi tình hình Hà Nội đã trở nên căng thẳng, Bác Hồ đến ở tại thôn Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Đồng chí Trần Đăng Ninh, phụ trách bảo vệ Bác đã yêu cầu đồng chí Nguyễn Tấn Phúc, người làng Vạn Phúc tìm địa điểm cho cấp trên về ở. Vốn quen biết đồng chí Trần Đăng Ninh trong nhà tù Sơn La, được giao nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc đã đến liên hệ với ông Cả Dương, người thôn Vạn Phúc và được ông vui vẻ nhận lời.

Bác về Vạn Phúc vào một đêm đông, trên chiếc xe Xi-trô-oen màu đen, mặc áo dạ, do đồng chí Trần Đăng Ninh dẫn đường, gặp đồng chí Nguyễn Tấn Phúc ở đầu làng. Đến nhà ông Cả Dương, Bác ở trong một căn buồng nhỏ trên gác hai, bên ngoài là ba gian rộng rãi hơn. Ở đây, Bác thường gặp gỡ, trao đổi công việc với các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương Đảng, như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp... và viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, 6 giờ 45 phút tối ngày 19-12-1946, sau khi đã họp với Ban thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh rời làng Vạn Phúc chuyển về thôn Vân Xá, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây).

Thôn Vân Xá, còn có tên gọi Xuyên Dương, cách Hà Nội chừng 30km, nằm ven bờ con sông Đáy (thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng gọi là sông Hát), có một cây đa rất to, 7 rễ phụ tỏa xuống đê sông Đáy, trông rất hùng vĩ. Dân trong vùng quen gọi là "Cây đa bảy rễ". Chính ô tô chở Bác, khi về đến "Cây đa bảy rễ" thì dừng lại, ẩn tại đó để Bác về ở nhà anh Nguyễn Huy Chúc, một gia đình khá giả, có lòng yêu nước. Đồ đạc Bác mang theo gồm chăn màn có từ lúc ở Hà Nội, một chiếc ba lô vuông đựng áo quần. Đặc biệt là cái máy chữ Hermes Baby, có từ ngày Bác ở Trung Quốc về nước (năm 1941), cũng được Bác mang theo, Bác ở nhà Chúc từ đêm 19-12-1946 đến ngày 13-1-1947. Tại ngôi nhà này. Bác đã viết Lời kêu gọi gửi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp, nhân dân các nước đồng minh chống phát xít để tố cáo thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, viết tài liệu "Câu hỏi và trả lời" nhằm hướng dẫn cán bộ khi vận động quần chúng: kháng chiến bao giờ thắng lợi? Toàn dân kháng chiến nghĩa là thế nào?.... viết Thư gửi kiều dân và tù binh Pháp nhân lễ Nô-en: đồng thời gửi đồng bào công giáo kêu gọi lương, giáo đoàn kết để kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, viết Lời kêu gọi đồng bào cả nước nhân ngày đầu năm dương lịch 1947, viết "Một vài ý kiến về các ủy ban kiến thiết, động viên dân chúng tăng gia sản xuất". Viết Thư nhắc tổ chức các ủy ban tản cư, viết Thư gửi Chinh phủ Pháp, tướng Lơ Cléc yêu cầu chấm dứt chiến tranh, viết Thư gửi Mu-tê, người đã cùng Bác ký Tạm ước ngày 14 - 9-1946" đề nghị gặp gỡ để giải quyết cuộc chiến tranh, viết Thư khen các chiến sĩ bị thương trên các mặt trận đánh quân Pháp, viết Thư gửi bác sĩ Nguyên Đình Tụng, Giám đốc Sở y tế Bắc Bộ, thăm hỏi về việc con trai bác sĩ đã hy sinh trong chiến đấu với quân pháp, viết Thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp tuyên bố lập trường 7 điểm của Chính phủ ta về chấm dứt chiến tranh, viết Thư gửi lãnh tụ và nhân dân các nước Trung Hoa Ấn Độ, Mi-an-ma và toàn thể các nước Á Đông, viết Thư kêu gọi nhân dân cả nước nhân ngày Tết Đinh Hợi, viết Thư cho đồng chí Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói về âm mưu mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp... Cũng tại đây, Bác đã lập kế hoạch tổ chức cuộc họp Hội đồng Chính phủ mở rộng tại một địa điểm trong tỉnh Hà Đông bàn những việc trọng đại để đưa cả nước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Tối ngày 13-1-1947, Bác cho mời vợ chồng anh Chúc vào gặp. Bác bế đứa con gái đầu lòng của anh chị mới sinh, hỏi thăm sức khỏe chị Chúc, dặn chị uống đều đặn chai rượu canh-ki-na Bác tặng. Anh chị Chúc xin Bác đặt tên cho con là Minh. Bác đồng ý và cho thêm chữ Kim để đệm. Kim là tên đồng chí giúp việc cho Bác lúc đó. Bác nói lời tạm biệt với anh chị Chúc. Đồng chí Trần Đăng Ninh đưa Bác ra xe, đi về thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất.

Đoàn của Bác lúc đó có 9 người (có hai đồng chí nữ), được cải trang là toán người từ Hà Nội tản cư, về đến thôn Phú Đa khoảng 10 giờ đêm 13-1-1947. Ngôi nhà Bác ở là một nhà tranh tre đang làm dở, chưa dùng, có 9 gian, tường đắp đất ba phía, còn một để trống. Bác được bố trí ở gian đầu hồi bên trái, có giường lót dạ. Gia chủ chỉ biết người lớn tuổi nhất, trông như một lão nông là Cụ Cả. Bác ít ra ngoài, hàng ngày vẫn làm việc theo giờ giấc khẩn trương, ăn cơm cùng với cả đoàn.

Những ngày ở Phú Đa, Bác đã viết Thư gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam, nhắc nhở việc tiếp tế cho anh em ta trong vùng địch, nhắc nhở viết văn bản phải ngắn gọn, không dùng chữ Tây, viết Thư kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến" ký sắc lệnh thành lập Nha thể dục trung ương, sắc lệnh cử đồng chí Nguyễn Sơn làm Cục trưởng Cục Quân huấn, sắc lệnh sửa đổi thời hạn giam cứu, viết Thư gửi các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô...

Bác ở đây đúng vào dịp nhân dân ta đón Tết Đinh Hợi năm 1947. Những ngày Tết, tâm trạng Bác vui vẻ. Đêm giao thừa, Bác lên xe đi đến đài Tiếng nói Việt Nam, đặt trong hang núi Chùa Trầm, đọc thơ chúc mừng năm mới, cùng đón năm mới với cán bộ, nhân viên của đài. Sáng mồng một Tết, Bác đi chúc Tết các gia đình trong thôn Phú Đa. Tối đến, Bác tiếp các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh... đến chúc Tết.

Ngày 2-2-1947, sau 19 ngày ở thôn Phú Đa, Bác lại tạm biệt nhân dân ở đây lên đường tiếp tục đi chỉ đạo toàn dân, toàn quân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày toàn thắng.

Nguồn Sự kiện & nhân chứng. – 2004. – Số 129 (tháng 9). – Tr. 3, 15


Số lượt người xem: 4472 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày