Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 11/12/2019, 10:10

Kỷ niệm 55 năm chiến dịch Bình Giã (1964-2019) Trận đánh mở màn của quân và dân miền Đông Nam bộ (từ 2/12/1964 đến 3/1/1965)

Chiến dịch Bình Giã được biết đến như một mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Nếu như phong trào “Đồng Khởi” (1959-1960) là sự kiện khởi đầu cho thời kỳ chuyển lên đấu tranh vũ trang thì chiến thắng Bình Giã là cột mốc đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ bằng quân sự, đẩy Mỹ - ngụy vào thế bị động, lúng túng, sa lầy trên chiến trựờng miền Nam, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam nói chung và của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.

Giữa năm 1964, lực lượng vũ trang giải phóng ở miền Nam đã phát triển lên 120.000 quân, trong đó có 42.000 quân chủ lực, vũ khí, quân trang, quân dụng được tăng cường, nhưng chưa thể so sánh được với lực lượng của kẻ thù. Thực tiễn chiến trường lúc này đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có những bước chuyển biến nhảy vọt về lực lượng vũ trang, nhất là tăng cường lực lượng, trang bị, nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực Miền, chuyển từ tác chiến du kích sang đánh vận động một cách phổ biến, đánh gục chủ lực ngụy, chỗ dựa chủ yếu của Mỹ-ngụy trong chiến lược chiến tranh đặc biệt.

Thực hiện Nghị quyết 9 - 1964 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền đã chủ trương mở chiến dịch Đông Xuân 1964-1965 nhằm đẩy mạnh tác chiến, tích cực tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực ngụy, đánh bại những cố gắng cuối cùng của Mỹ, ngụy trong khuôn khổ “chiến tranh đặc biệt” của chúng.

Trận Bình Giã là trận đánh chính nằm trong Chiến dịch Bình Giã diễn ra từ đầu tháng 12 năm 1964 đến đầu tháng 1/1965 tại địa bàn làng Bình Giã, tỉnh Phước Tuy, cách Sài Gòn 67 km. Đây là trận đánh mở màn và được chia thành 2 bước: đó là giành thắng lợi cơ bản và phát huy thắng lợi của chiến dịch nhằm củng cố và xây dựng lực lượng của ta. Trận đánh diễn ra giữa quân giải phóng miền Nam và quân lực Việt Nam Cộng hòa với cố vấn Mỹ chỉ huy. Lúc xảy ra trận đánh, Bình Giã có độ khoảng 6.000 dân, phần lớn là người theo đạo Thiên Chúa di cư từ miền Bắc Việt Nam sau năm 1954. Đây là trận đánh quan trọng trong chiến dịch Bình Giã do quân giải phóng miền Nam Việt Nam phát động.

Bước vào đợt I của chiến dịch, đại đội 440 được bố trí là lực lượng dự bị. Đại đội 445 được bổ sung con số 140 người, trang bị khá mạnh hai khẩu cối 60, 2 khẩu ĐK 35, 2 đại liên, 14 trung liên, còn lại là tômsơn, garăng, cácbin, lựu đạn, chính trị viên trực tiếp chỉ đạo mũi xung kích của trung đội trưởng trung đội I Ba Lòng, Chính trị viên phó Tô Dũng đi với mũi thứ hai cùng Trung đội trưởng trung đội II.

3 giờ sáng, ngày 2/12/1964, chiến dịch mở màn, Bộ chỉ huy chiến dịch của ta chỉ huy hai mũi xung kích của đại đội 445 đã đánh vào cổng chính ấp 2, cùng lúc pháo binh Miền nã đạn vào chi khu Đức Thạnh, mở màn chiến dịch. Một bộ phận bộ đội 445 đưa một tiểu đoàn của trung đoàn 1 chủ lực Miền đánh vào ấp 1. Bị đánh ba trận liên tiếp trong vòng 10 ngày, địch đã tăng cường lực lượng và bố phòng cẩn mật.

Sau tiếng bộc phá nổ xé trời, hai chiến sĩ của ta nổi cặp kèn đồng phát hiệu lệnh xung phong. Cả hai cánh quân 445 nhất loạt xông lên. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ, quân ta làm chủ trận địa. Bộ đội 445 diệt 60 tên địch, triển khai đội hình, đào công sự, chuẩn bị đánh phản kích.

Sáng 2/12/1964, địch dùng trực thăng đổ tiểu đoàn biệt động số 38 xuống tây nam Đức Thạnh, tổ chức phản kích chiếm lại Bình Giã từ hướng tây và hướng Tây nam, kết hợp với bọn tàn quân từ ấp đánh ra. Đại đội 445 đã chiến đấu rất kiên cường, đánh lùi nhiều đợt phản kích của địch.

Đại đội 440 do Năm Đành làm đại đội trưởng, Nguyễn Minh Ninh làm chính trị viên, được lệnh cơ động cùng đoàn 761 đánh vào chi khu Đất Đỏ và vùng phụ cận, tạo điều kiện cho Trung đoàn 762 diệt gọn một chi đoàn bọc thép 14 chiếc, diệt 100 địch, 9 cố vấn Mỹ, từ lộ 2 xuống chi viện cho Đất Đỏ.

Ngày 28/12/1964, đại đội 445 lại vinh dự nhận nhiệm vụ làm người lính tiên phong, nổ súng tiến công ấp chiến lược Bình Giã, mở màn cho đợt 2 chiến dịch. Bộ đội 445 đã góp phần đắc lực cùng với trung đoàn 671 và trung đoàn 672, đánh rã tiêu diệt đoàn biệt động số 33 và tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 4 thuộc lực lượng trù bị của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là người mở màn chiến dịch. Trận thắng Bình Giã đã thể hiện tinh thần quả cảm và bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội 445 tỉnh Bà Rịa, đơn vị này sau được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 29/12/1964, Tiểu đoàn 38 biệt động quân được trực thăng vận xuống phía nam làng và tổ chức đánh trả. Trận chiến kéo dài cả ngày nhưng lực lượng Biệt Động Quân không tái chiếm được làng Bình Giã.

Sáng ngày 30, tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến được gởi đến tăng cường thế nhưng quân giải phóng miền Nam đã rút lui ra khỏi làng.

Ngày 31/12/1964 Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến nhận lệnh đi tìm chiếc trực thăng và phi hành đoàn bị bắn rơi trước đó trong đồn điền cao su cách Bình Giã 4 km. Đại đội 2 tiểu đoàn 4 của địch lọt vào ổ phục kích của quân ta, phần còn lại của địch đến cứu viện cũng bị thiệt hại nặng và phải lui về Bình Giã.

Ngày 1/1/1965, hai tiểu đoàn Nhảy Dù của Binh chủng Nhảy dù, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 3 được trực thăng vận đến phía đông làng để tăng viện nhưng lực lượng quân giải phóng đã rút lui.

Đến ngày 3/1/1965, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh kết thúc chiến dịch tiến công Bình Giã.

Chỉ trong vòng 30 ngày (từ 2/12/1964-3/1/1965) chiến đấu, ta đã giành được những thắng lợi to lớn, mục tiêu cơ bản của chiến dịch đề ra đã đạt được, diệt gọn 2 tiểu đoàn sừng sỏ trong lực lượng tổng trù bị của ngụy quân, diệt gọn chi đoàn thiết giáp số 3 cùng hai đoàn cơ giới trong đó có cả xe bọc thép, đánh thiệt hại nặng các tiểu đoàn biệt động quân số 30 và 38, tiểu đoàn bộ binh thuộc trung đoàn 47 ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 7 đại đội bảo an cùng phần lớn dân vệ dọc lộ 2, tổng cộng diệt và làm bị thương 1.700 tên trong đó có 60 cố vấn Mỹ, 50 sĩ quan ngụy, bắt sống 293 tên, trong đó có 3 cố vấn Mỹ, phá hủy 45 xe quân sự, bắn rơi và bắn bị thương 56 máy bay, thu hơn 1.000 súng và 100 máy thông tin các loại.

Trải qua thời gian chiến đấu liên tục, với những khó khăn chồng chất, nhưng quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã phi hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, góp phần quan trọng vào Chiến thắng Bình Giã, hình thành nên một cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp, đưa cách mạng miền Nam phát triển lên đến đỉnh cao, mở ra một bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam, làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và tay sai, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, thúc đẩy tiến trình cách mạng đưa đến thắng lợi cuối cùng.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền, quân và dân miền Đông Nam bộ đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Bình Giã. Đây là bước thắng lợi đầu tiên rất cơ bản trong quá trình đấu tranh lâu dài của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, trên cơ sở 3 mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận, diệt ác phá kềm, nhanh chóng tạo ra thế mới cho cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam.

 Chiến thắng Bình Giã là một mốc son lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là những trang sử đáng tự hào mà quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã góp phần cùng với toàn miền, làm nên chiến thắng. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, thử thách và gian khổ chỉ là ngọn lửa hồng tôi luyện thêm ý chí và nghị lực của con người Việt Nam một cách rõ nét và đẹp đẽ hơn, và chiến thắng Bình Giã lại một lần nữa khẳng định điều đó là sự thật.

Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Bình Giã là dịp chúng ta ôn lại những thắng lợi vẻ vang của quân và dân miền Nam nói riêng, cả dân tộc nói chung trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai, nhằm tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ Chiến dịch Bình Giã, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt nhất là thế hệ trẻ ngày nay

Đinh Nhài

 

 

 


Số lượt người xem: 640 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày