Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 27/02/2020, 15:05

NGƯỜI CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG – THẦY THUỐC ANH HÙNG

Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh mà Quân đội và nhân dân Việt Nam đã anh dũng đương đầu vượt qua để có được ngày độc lập thống nhất hôm nay, và trên mọi mặt trận của hai cuộc chiến đó không thể thiếu bất cứ lĩnh vực nào nhất là tuyến hậu phương quân y, cần lắm những người lính “áo trắng” đã không ngại khó khăn gian khổ cứu chữa kịp thời cho biết bao người lính Cụ Hồ thời chiến và cả nhân dân trong thời bình để giải quyết, khắc phục những hậu quả do chiến tranh gây ra. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/1955 – 27/2/2020 xin được nhắc đến một trong những người lính áo trắng đó là Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, Đại tá Nguyễn Thiện Thành. Giáo sư đã cùng với quân và dân Nam Bộ nói chung, Phân Liên khu miền Tây nói riêng xây dựng được mạng lưới quân y, đào tạo bác sĩ, y sĩ, y tá, cứu thương phục vụ rất kịp thời và hiệu quả cho chiến trường, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Tóm tắt tiểu sử

Thân phụ của Giáo sư, cụ Nguyễn Văn Thọ, là một thầy giáo tiểu học trường tỉnh. Cụ cũng là ông bầu Hội banh tròn (bóng đá) đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Không chỉ tích cực trong việc vận động thanh niên hăng hái rèn luyện thể lực, cụ Nguyễn Văn Thọ còn tích cực tham gia các phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, hưởng ứng cuộc vận động dân chủ của Đảng vào những năm 1936-1938. Trong kháng chiến chống Mỹ, gia đình cụ là cơ sở J22 (Cục Tham mưu Miền, B2). Thân mẫu của Giáo sư là cụ Nguyễn Thị Thàng, một phụ nữ nông dân đảm đang, tảo tần, chăm lo cho 7 người con ăn học nên người.

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 30-9-1919, tại xã An Trường, Huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

-  Năm 1939: Học khoa Y, Đại học Đông Dương Hà Nội.

-  Tháng 8-1945: Ủy viên Ủy ban Cách mạng lâm thời Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.

-  Tháng 10-1945: Chiến sĩ Vệ quốc đoàn, Chi đội Vì Dân.

-   Năm 1949: Trưởng phòng Quân y vụ Khu 9 (Nam Bộ) kiêm Hiệu trưởng Trường hộ sinh Trưng Trắc (Nam Bộ).

 

-  Năm 1950: Bị bắt giam tại khám Chí Hòa, Sài Gòn.

-  Năm 1950: Được phóng thích trong đợt trao trả tù binh giữa Quân đội Việt Nam và Quân đội viễn chinh Pháp. Trưởng phòng Quân y phân Liên khu miền Tây Nam Bộ.

-  Năm 1953: Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

-  Năm 1955-1960: Nghiên cứu sinh tại Viện Thần kinh cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ y khoa.

-  Năm 1962: Trung tá, Viện phó Viện Nghiên cứu y học Quân sự (sau này là Học viện Quân y).

-  Năm 1964: Trở về miền Nam chiến đấu. Phó Chủ nhiệm Phòng Quân y Miền.

-  Năm 1968-1973: Phó phòng Quân y Miền (B2), kiêm Viện trưởng Viện K71.

 

-  Năm 1974: Được phong quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

        -       Năm 1975: Chủ tịch Hội đồng bảo vệ sức khỏe Trung ương kiêm Viện trưởng Bệnh viện Thống Nhất. Đại biểu Quốc hội khóa VI, Phó Chủ nhiệm úy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội.

        -      Năm 1980: Được Nhà nước phong học hàm Giáo sư. Đại biểu Quốc hội khóa VII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật của Quốc hội.

        -       Năm 1985: Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

        -       Năm 1989: Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

        -       Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá Nguyễn Thiện Thành mất ngày 8-10-2013.

THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo Nguyễn Thiện Thành có bí danh là Dương Thiện Vĩnh, Nguyễn An Trường và trong kháng chiến chống Mỹ có bí danh là Ba Nhân, Nguyễn Minh Nhân và Nguyễn Thiện Nhân

Gia nhập quân đội

Những ngày tháng 10-1945, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành tận mắt chứng kiến hành vi vô lối của bọn Việt gian phản động, núp dưới danh nghĩa Đảng Việt quốc, Việt cách. Ông viết đơn xin gia nhập vào đơn vị Nam tiến. Ngày 12-10-1945, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn, trong chi đội Nam tiến có phiên hiệu là Vi Dân. Khi rời Chi đội Vi Dân, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành về cơ quan quân y Phân cục Trung Bộ ở Mang Cá, thành phố Huế.

Tháng 10/1949 Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành chính thức được Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Sở Y tế Quân dân y Nam bộ giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Quân y Khu 9, Hiệu trưởng Trường hộ sinh Trưng Trắc, kiêm kiểm soát viên Dân y miền Tây Nam Bộ.

Tháng 1/1950 ông bị địch bắt khi vừa tiến hành xong ca mổ ròng rã suốt đêm để cứu chữa cho đồng bào và cán bộ bị thương, ông bị giam ở nhà tù Virgile, trong thời gian này nhờ vào những bài báo và tài liệu y khoa mà người lính canh viễn chinh mua tìm giúp. Ông tình cờ đọc được bài báo của H.Vachon đề cập đến hiệu quả của phương pháp Filatov nên từ đó, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành để tâm nghiên cứu rất kỹ phương pháp Filatov, chờ cơ hội thể nghiệm trong thực tế.

Thực hiện thành công phương pháp Filatov

Lúc này, Bộ Tư lệnh Nam Bộ đã phân chia Nam Bộ thành hai phân liên khu: miền Đông và miền Tây. Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quân y Phân Liên khu miền Tây. Lúc này, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành bắt đầu nghiên cứu ứng dụng phương pháp Filatov vào thực tế khó khăn của chiến trường. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ và Sở Y tế Nam Bộ về máy móc và các phương tiện cùng sự hỗ trợ, động viên của tập thể đơn vị, qua một thời gian nghiên cứu và bào chế từ tháng 4 đến 11-1951, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã tìm ra phương pháp sử dụng nhau bà đẻ và đã đem lại kết quả giống như nghiên cứu của H.Vachon nêu trong bài báo mà ông đã đọc và nghiên cứu tại nhà tù Virgile, Ngày 27/11/1951, ca cấy nhau đầu tiên theo phương pháp Filatov  đã được thực hiện ở một bệnh binh suy kiệt do bị sốt rét kéo dài đã thành công.

Cũng từ thành công này, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã được ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ khen thưởng, được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc (1952), được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba (1953). Cuốn Lịch sử Quân y Quân đội nhâu dân Việt Nam, tập I (1945 - 1954) đã viết: “Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định Phòng Quân y Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ nơi nghiên cứu thành công đầu tiên và áp dụng kinh nghiệm điều trị bằng “tổ chức liệu pháp Filatov”. Vào hoàn cảnh của chiến trường Nam Bộ còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, về trang bị, kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu, thực hành. Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành là người có công rất lớn trong cả quá trình nghiên cứu và ứng dụng thành công liệu pháp Filatov…”

Tiếp theo “sự kiện Filatov”, trong những năm từ 1952-1953, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã dựa vào các tài liệu của Bogomoletz, bào chế huyết thanh Bogomoletz trong điều trị cho thương bệnh binh tại các viện quân y. Ông còn nghiên cứu phổ biến rộng rãi nội dung cơ bản và cơ sở lý luận của học thuyết Filatov trong điều trị bệnh bằng giấc ngủ.

Ngày 5-2-1953, lễ kết nạp Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành vào Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Chi bộ Phòng Quân y Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ.

THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ

Những ngày trước khi đi tập kết, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành và các cán bộ quân y rất bận rộn. Là Trưởng phòng Quân y Phân Liên khu miền Tây, ông không chỉ lo chỉ đạo các cơ sở quân y chú ý chuẩn bị thuốc men, dụng cụ y tế, tổ chức điều trị và phục vụ cho những thương bệnh binh nặng nhanh chóng hồi phục sức khỏe, mà còn phải chuẩn bị kế hoạch bảo đảm quân y cho đơn vị của Phân Liên khu miền Tây đi tập kết. Công việc chuẩn bị cho việc đưa hàng nghìn thương bệnh binh và hàng vạn bộ đội ra Bắc tập kết khiến ông và các cán bộ quân y chủ chốt ở chiến trường miền Tây Nam Bộ không còn thời gian lo việc gia đình, chia tay đồng nghiệp, đồng đội và bà con cô bác - những người dân hiền lành, chất phác, giàu lòng yêu nước, đã không quản mọi hiểm nguy để chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ ông trong những năm tháng khó khăn, gian khổ, thiếu thôn ở chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Là một người lính “blouse trắng”, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành có mặt trong những giai đoạn khốc liệt nhất của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Ông là một trong những cán bộ chủ chốt được chọn vào lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam trên một chuyến “tàu không số” năm 1964, theo con đường huyền thoại “Hồ Chí Minh trên biển”.

Sau khi Liên Xô về, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành tiếp tục công tác Cục Quân y. Một thời gian ngắn sau, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Sinh lý học Trường Sĩ quan Quân y, kiêm Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh Viện Quân y 103.

 

Khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, với bản lĩnh và nghị lực của người lính đã được tôi luyện qua nhiều chiến trường ác liệt, cùng với nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản, chuyên sâu, trên cương vị Giám đốc, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã dốc hết nghị lực và tâm huyết để xây dựng Bệnh viện Thống Nhất ngày càng phát triển. Ông không những là người đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển chuyên ngành Lão khoa, là người quản lý, năng động, có tầm nhìn xa, trông rộng, có tâm huyết với nghề nghiệp mà còn là một nhà giáo mẫu mực hết lòng vì học trò, một nhà khoa học nghiêm túc với nhiều công trình được ứng dụng thiết thực và hiệu quả trong công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân.

Cuộc đời Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là một khám phá ngỡ ngàng với những ai muốn tìm hiểu về ông. Cuộc đời ông là một cuốn sách chứa đựng một tầm nhìn xa, một cái tâm lớn. Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá Nguyễn Thiện Thành đã để lại cho nhiều thế hệ cán bộ quân, dân y tấm gương sáng về y đức, để lại cho đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè nhiều tình cảm sâu nặng. Ông truyền cho học trò ngọn lửa cống hiến và lòng say mê nghề nghiệp, ý chí vượt khó, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, ông là một trong số ít cán bộ của thế hệ “vàng”, là rường cột của ngành y tế quân đội và ngành y tế Việt Nam. Việc làm của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục và kế thừa truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với một bậc thầy trong lĩnh vực y tế nước nhà. Các thế hệ hậu bối hôm nay và mai sau có quyền tự hào về một người cán bộ xuất sắc của ngành y.

 

Hồng Hạnh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 501 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày