Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 31/03/2020, 09:55

Đồng chí Đỗ Văn Thi - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân quê hương Biên Hòa - Đồng Nai

Đồng chí Đỗ Văn Thi hay còn gọi là út Một, Một Thi, sinh năm 1921, trong một gia đình gia giáo ở xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Bố là Đỗ Văn Nhượng, là Hương cả trong làng và nổi tiếng thương người nghèo và tích cực ủng hộ Việt Minh như: góp gạo, tiền, trâu, bò,… cho cách mạng. Mẹ là Nguyễn Thị Giàu, làm ruộng và nuôi dạy 12 người con, đồng chí út Thi là người con thứ 11 trong gia đình. Các anh chị của út Thi rất chăm chỉ làm ăn. Đồng chí út Thi vốn thông minh, học chữ quốc ngữ rất giỏi nên được ba mẹ cho sang Bình Trước để học trường Ecole Primaire (nay là trường Tiểu học Nguyễn Du) – là trường duy nhất ở Biên Hòa lúc bấy giờ. Sau này, út Thi tập hợp nam nữ thanh niên trong làng để dạy chữ quốc ngữ và truyền bá lối sống mới lành mạnh. Không những giỏi về chữ quốc ngữ, út Thi rất giỏi bơi lội và dành được nhiều giải bơi lội của tỉnh. Ngay từ khi còn trẻ, út Thi đã sớm tỏ ra là bậc đàn anh, thủ lĩnh đối với đám trai trẻ trong làng.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân Biên Hòa đứng lên giành chính quyền, được sự dìu dắt của các đồng chí Ba Ký (Nguyễn Văn Ký), Ba Thu (Phạm Văn Thuận), Đỗ Văn Thi tham gia vào lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc. Nhờ có uy tín của một đàn anh thủ lĩnh, tổ chức Quốc gia tự vệ cuộc do Một Thi lãnh đạo đã thu hút đông đảo thanh niên hăng hái tham gia. Đồng chí Đỗ Văn Thi nhanh chóng trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở xã Hiệp Hòa rồi lan nhanh ra khắp quận Châu Thành (lúc đó gồm một phần Biên Hòa, Tân Uyên, Dĩ An ngày nay). Đội bảo vệ do đồng chí út Thi chỉ huy đã nhiều lần mưu trí, dũng cảm đánh nhiều trận và diệt nhiều sinh lực của địch, làm cho bọn ác ôn không dám nghênh ngang bóc lột dân lành.

Sau khi Pháp tái chiếm Biên Hòa, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, các lực lượng cách mạng của tỉnh tạm thời rút dần ra chiến khu Bình Đa và Tân Uyên. Riêng các lực lượng cách mạng của quận Châu Thành vẫn đứng chân tại Hiệp Hòa. Quận ủy và ủy ban cách mạng lâm thời quận Châu Thành họp bàn và giao đồng chí Thi đứng ra tổ chức đội tự vệ để làm nhiệm vụ bảo vệ các đoàn thể kháng chiến đồng thời diệt ác trừ gian, ngăn cản kế hoạch lập tề của giặc.

Thế là ngay trên đất Cù lao Phố, nơi giặc Pháp vừa tái chiếm xong thị xã Biên Hòa và đang mở rộng việc chiếm đóng các vùng phụ cận, một tiểu đội tự vệ gồm những thanh niên dũng cảm, sục sôi lòng yêu nước ra đời, thực hiện mệnh lệnh của Trung ương ta là gây rối địch, kìm chân chúng, để đồng bào miền Bắc, miền Trung có đủ thời gian chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến.

Đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2/1/1946, tiểu đội tự vệ của út Thi phối hợp cùng lực lượng quốc vệ đoàn bí mật lội qua sông Đồng Nai tràn lên thị xã Biên Hòa đồng loạt nổ súng vào các chốt lính, tháp canh,... đặc biệt bắn cháy trạm thông tin ở chợ Biên Hòa. Đây là trận đầu tiên đánh Pháp ở Nam Bộ sau khi chúng tái chiếm Việt Nam tuy không gây cho bọn xâm lược thương vong đáng kể nhưng đã làm nức lòng đồng bào cả nước. Tên “Đội tự vệ ông Một” nổi lên như tấm gương sáng về lòng gan dạ, dũng cảm. Và Đội được vinh dự chọn bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội của chế độ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên được tổ chức tại vùng giải phóng tỉnh Biên Hòa, ngày 6/1/1946. Còn những tên tay sai của giặc Pháp luôn khiếp sợ “Đội tự vệ ông Một” sẽ bất ngờ xuất hiện, nên chúng có phần co cụm hoạt động.

Tháng 4/1946, đồng chí Đỗ Văn Thi được giao nhiệm vụ thành lập đại đội Quốc vệ đội, là đội công an võ trang nhân dân. Đội “Quốc vệ đội” của đồng chí Thi quy tụ được 30 thanh niên dũng cảm, nhưng chỉ có 4 súng mút và một ít lựu đạn, còn lại là gậy gộc, dây thừng... Đơn vị được đưa về đóng quân ở ngọn sông Buông trong chiến khu Bình Đa. Thế nhưng, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ các đoàn thể kháng chiến, bảo vệ chiến khu... đồng chí Thi còn chỉ huy “Quốc vệ đội” đi diệt ác trừ gian bằng những hành động xuất quỷ nhập thần, làm cho địch không còn dám ra vùng tự do. Đồng chí Một Thi đã vận động được một thân binh Pháp ở bót Tân Vạn đem khẩu trung liên FM đầu bạc ra hàng.

Cuối năm 1946, trong một lần đi về Cù Lao phố, đồng chí Thi bị bọn lính bắt được. Chúng vui mừng đưa đồng chí ra bờ sông Đồng Nai định bắn chết rồi thả trôi sông. Không ngờ, đồng chí nhảy xuống sông trốn thoát.

Tiếp đó, bằng mưu trí hết sức độc đáo của mình, đồng chí Thi đã phối hợp với Chi đội 16 biến 2 hàng binh người Đức giả làm 2 sĩ quan Pháp (vừa bị Việt Minh bắt được) đem giao cho sếp bót Đờ La ở Tam An (huyện Long Thành), rồi bất ngờ khống chế bắt sống cả 12 tên giặc trong bót, tịch thu 13 khẩu súng trang bị thêm cho Quốc vệ đội đoàn.

Giữa năm 1947, đồng chí Thi cho Quốc vệ đội phục kích tại ngã ba Tắc Mậu để trừng trị bọn thân binh Cao Đài (ở đồn Bến Gỗ), thường giả dân chài để đi cướp bóc. Lọt vào ổ phục kích của Quốc vệ đội, bọn chúng phải nhảy xuống sông trốn. Quốc vệ đội lại thu được 12 khẩu súng, trong đó có 3 tiểu liên Militel. Bổ sung đáng kể vào kho vũ khí địa phương.

Có thêm vũ khí, quân số Quốc vệ đội nhanh chóng tăng lên đến 50 người, nên phải chia thành 2 trung đội. Trung đội 1 do đồng chí Thi chỉ huy lại nhận thêm nhiệm vụ nặng nề hơn là phối hợp với bộ đội Lam Sơn và bộ đội Chi Lăng đánh địch trên địa bàn trải rộng: Biên Hòa, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc. Lính “ông Một” đánh đâu thắng đó. Giặc Pháp thua đau, giận dữ tung bọn mật thám, truy lùng Đỗ Văn Thi ráo riết, chúng còn tăng cường khủng bố gia đình đồng chí. Chúng bắt người anh thứ tám của đồng chí là Tám Ní (tên thật là Đô Văn Phú - vốn cũng là công an mật nằm vùng) để tra khảo tung tích Một Thi. Người chiến sĩ công an này không một lời khai báo, nên bị bọn giặc giận dữ đem nhốt trong bót miếu Thành Hưng rồi nửa đêm 8/12/1947 giết anh, quăng xác xuống sông Đồng Nai.

Thêm nỗi thù nhà, đồng chí Thi càng đánh hăng. Quốc vệ đội của anh hết phá đồn Bến Gỗ, lại đánh bót Tân Ba, diệt cả tên Trung úy sếp bót người Pháp và 4 tên thân binh người Miên nổi tiếng hung ác.

Đêm 30 Tết năm 1948, tên Nhái - người Pháp lai sếp bót Hiệp Hòa đóng ở cạnh cầu Rạch Cát dẫn lính tuần tra đến nhà mẹ đồng chí Thi gây sự và bắt anh thứ mười là Đỗ Văn Danh chỉ ở nhà làm nông nuôi cha mẹ già. Chúng tra tấn và giết anh Danh rồi thả xác xuống sông Đồng Nai. Quá lo sợ, mẹ đồng chí Thi liền tìm cách cho đứa cháu nội trai duy nhất là Đồ Văn Tiền (con trai ông Đỗ Văn Phú) trốn vào chiến khu.

Tháng 3/1952, được cơ sở giúp đỡ, đồng chí Thi cùng Lê Văn Cơ chỉ huy đơn vị, dùng bộc phá làm nổ tung kho xăng hơn 1 triệu lít, gây thiệt hại nặng cho địch.

Vào đầu những năm 50, giặc Pháp được tăng viện phản kích ác liệt. Một số cán bộ lãnh đạo của thị xã Biên Hòa dao động tinh thần ra hàng giặc, chỉ điểm cho giặc bắt và giết rất nhiều chiến sĩ cách mạng của ta. Pháp treo thưởng rất cao cho ai bắt hoặc giết được đồng chí Một Thi.

Tháng 10/1952, Đỗ Văn Thi đã bị bọn chỉ điểm và biệt kích bắn chết trong khi anh đang làm nhiệm vụ tại cơ sở, nay thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Khi đó, đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Công an thị xã Biên Hòa.

Với 31 năm tuổi đời, đồng chí Đỗ Văn Thi đã sống, chiến đấu hết mình cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc, cho cuộc đời được đơm bông hạnh phúc, kết trái tự do. Đồng chí mãi là tấm gương sáng ngời để thế hệ trẻ noi gương. Ngày 30/8/1995, tri ân đến những cống hiến lớn lao của đồng chí Đỗ Văn Thi, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 587/KT-CTN. Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng luôn tưởng nhớ đến người anh hùng út Thi, lấy tên đồng chí đặt tên cho con đường lớn Đỗ Văn Thi ở xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai.

 

Đào Thanh

 

 

 


Số lượt người xem: 453 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày