Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 03/04/2020, 09:35

TÔN ĐỨC THẮNG - NGƯỜI LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM

       Nhắc đến phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 không thể không nhắc đến Tôn Đức Thắng cùng những đóng góp quan trọng vào phong trào công nhân Sài Gòn. Đặc biệt, sự ra đời và hoạt động của tổ chức Công hội bí mật cùng với những hoạt động tích cực của người đứng đầu tổ chức là Tôn Đức Thắng đã là mảnh đất vô cùng thuận lợi cho hoạt động truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản ở Sài Gòn những năm đầu tiên.

       Sơ lược tiểu sử:

       Ông tên là Tôn Đức Thắng. Sinh ngày 20-8-1888.Quê quán: làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).Ngày mất 30-3-1980 tại Hà Nội.Thuở nhỏ học ở trường quê nhà. Năm 1907 học nghề ở Trường Bá nghệ (tức TrườngKỹ nghệ) Sài Gòn; làm công nhân trong xưởng máy của thực dân Pháp ở Sài Gòn.Thân sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Tôn Văn Đề, thân mẫu là Nguyễn Thị Dị, đều là nông dân hiền lành, cần cù, chịu khó, chất phác, sống có nghĩa, có tình và giàu lòng yêu nước. Hai cụ sinh thành được4 người con: hai trai, hai gái. Tôn Đức Thắng là con trai đầu lòng (ở quê hương quen gọi là Hai Thắng).

 

       Chín mươi hai tuổi đời, gần bảy mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.Sinh ra và lớn lên trên miền đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, tràn đầy tình yêu thương, nhân ái của gia đình, quê hương, đất nước, Tôn Đức Thắng đã sớm có lòng yêu nước thương dân. Ngay sau khi rời ghế nhà trường, đồng chí đã hòa mình vào cuộc sống và đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, đồng chí là một trong những chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, đã có những cống hiến to lớn.

       Tôn Đức Thắng - người lãnh đạo xuất sắc người con ưu tú và niềm tự hào của công nhân Sài Gòn và giai cấp công nhân cả nước.

       Sự ra đời của Công hội tại Sài Gòn gắn liền với vai trò tổ chức và lãnh đạo của Tôn Đức Thắng là cột mốc quan trọng trong lịch sử phong trào công nhân Việt Nam vào những năm đầu tiên truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản ở Sài Gòn. Nếu Công hội bí mật do Tôn Đức Thắng sáng lập là một sáng tạo lịch sử trong phong trào công nhân, thì ngược lại, chính phong trào công nhân là cơ sở, là nền tảng để tạo nên tầm vóc một lãnh tụ Tôn Đức Thắng, đồng chí vừa là kiến trúc sư lỗi lạc vừa là niềm tự hào của phong trào công nhân Sài Gòn nói riêng và giai cấp công nhân cả nước nói chung.

  

       Rời quê hương An Giang lên Sài Gòn năm 1907, Tôn Đức Thắng đã quyết tâm chọn con đường làm thợ. Như vậy, ngay từ đầu, Người đã tiếp xúc với môi trường thợ thuyền và giai cấp công nhân. Môi trường đó tác động trực tiếp đến người thanh niên Tôn Đức Thắng, là môi trường tranh đấu nuôi dưỡng và rèn luyện bao lớp người cộng sản mà Tôn Đức Thắng là một trong những người tiên phong. Liên tục có mặt trong các cuộc đấu tranh tại Sài Gòn để vận động anh em học sinh bỏ học và thủy thủ chống bắt lính (1909) đấutranh chống đánh đập, cúp phạt, đòi tănglương cho công nhân và tổ chức các hội Ái hữu, Cứu tế (1910) cùng một số anh em tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ (1912)... từ chỗ là thành viên tham gia, Tôn Đức Thắng dần dần trở thành người lãnh đạo và tổ chức phong trào. Như vậy, chính phong trào công nhân đã khơi dậy và phát huy năng lực, phẩm chất tiềm tàng của Tôn Đức Thắng. Ngược lại, vừa là sản phẩm, là thành viên tích cực của phong trào, Tôn Đức Thắng đã vươn lên gánh vác trọng trách nặng nề của người lãnh đạo và đã xứng đáng với niềm tin yêu, sự chở che đùm bọc của phong trào để trở thành niềm tự hào, thành biểu tượng của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, của giai cấp công nhân Việt Nam.

       Thực tiễn cách mạng trong ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã chứng minh rằng: đội ngũ công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn là một bộ phận năng động, tích cực mang đậm những nét tiêu biểu của giai cấp công nhân Việt Nam. Đội ngũ đó đã góp phần khơi dậy và tạo nên phong trào đấu tranh sôi nổi, rộng lớn trên phạm vi toàn quốc, tác động trực tiếp đến quá trình chuyển biến nhận thức và hành động cách mạng của giai cấp công nhân cả nước. Là một thành viên ưu tú của đội ngũ côngnhân Sài Gòn, ở mọi thời điểm, trong mọi hành động của Tôn Đức Thắng đều thấy rõ những đặc điểm tiêu biểu của giai cấp công nhân. Tôn Đức Thắng đã chủ động hòa mình vào giai cấp để học tập và rèn luyện tính chăm chỉ, kiên nhẫn và tính kỷ luật của người công nhân, đứng vững trên lập trường cách mạng kiên định, triệt để của giai cấp công nhân. Tôn Đức Thắng cũng đã sớm phát hiện, nắm bắt những nhu cầu, nguyện vọng và cả những hạn chế, bất cập củacông nhân về phương thức đấu tranh để hướng dẫn và lãnh đạo hành động đúng hướng, đạt hiệu quả cao nhất. Mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng được thể hiện thật gắn bó, hài hòa để đúc kết nên một tầm vóc, một nhân cách Tôn Đức Thắng: người công nhân bình dị, thành viên tích cực của phong trào công nhân, đồng thời là niềm tự hào chính đáng, là tượng đài của giai cấp công nhân Việt Nam.

       Tôn Đức Thắng có gần 20 năm gắn bó với phong trào công nhân Sài Gòn, với nhân dân Sài Gòn (từ năm 1907 lần đầu tiên đặt chân lên thành phố - cho đến những năm 1929 - 1930, khi tổ chức cộng sản ra đời). Tiếp đó, Tôn Đức Thắng trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cách mạng,của công nhân Việt Nam, và của toàn dân tộc. Nhất là từ sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tôn Đức Thắng đã lần lượt đảm nhận những trọng trách cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội: Trưởng ban vận động thi đua ái quốc Trung ương (1948), ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1951), Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt (1951), Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969) và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976). Ngoài ra,Người còn là Chủ tịch danh dự ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam và là ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới.

       Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Thông cáo đặc biệt ngày 30-3-1980 khi Tôn Đức Thắng qua đời có đoạn viết: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là nhà yêu nước vĩ đại, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc nước ta, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”.

       Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí luôn nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành sự tận tụy, mẫu mực, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị, phấn đấu quên mình để hoànthành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với những đổi thay to lớn nhanh chóng sáng ngời chân lý của dân tộc và thời đại. Với công lao và cống hiến to lớn cho Đảng cho nhân dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là niềm tự hào của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam.

 

Hồng Hạnh

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 565 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày