Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 07/07/2020, 15:25

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh, cố Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam (15/07/1910 – 15/07/2020)

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, người học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm đã công hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

 

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/7/1910 tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Xuất thân từ một gia đình nông dân, được sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng; năm 17 tuổi đã tham gia phong trào đấu tranh chống ách thống trị của đế quốc và phong kiến, ngay cả trong thời kỳ thực dân Pháp khủng bố đẫm máu phong trào cách mạng nước ta.

Năm 1928, đồng chí tham gia Đảng Tân Việt và hoạt động tại Sài Gòn, bị thực dân Pháp bắt và kết án 18 tháng tù.

Năm 1930, đồng chí tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, đến cuối năm bị bắt và bị kết án 13 năm tù khổ sai, đày đi Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Kon Tum.

Tháng 5/1945 ra tù, đồng chí tham gia vận động khởi nghĩa ở Vinh và ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được cử làm ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch ủy ban Hành chính Trung Bộ, Bí thư Khu ủy Liên khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ.

Suốt thời gian lăn lộn với phong trào cũng như trong thời gian 15 năm bị bắt, bị tra tấn, tù đày tại các nhà lao của đế quốc, đồng chí luôn tỏ ra là một cán bộ vững vàng, kiên định với ý chí quyết tâm cách mạng, đã chiến đấu và hoạt động với tất cả nhiệt tình và trí tuệ của mình để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Năm 1955, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1956, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được phân công giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Đến năm 1958 được phân công làm Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ủy viên Hội đồng quốc phòng, năm 1962 kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Năm 1965 được phân công giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Sau khi đất nước thống nhất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đề nghị Bộ Chính trị mở rộng quan hệ láng giềng với các nước trong khu vực. Tháng 12/1976, Đại hội Đảng lần thứ IV tiếp tục bầu ông Nguyễn Duy Trinh vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bầu vào Bộ Chính trị, vào Ban Bí thư Trung ương, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến năm 1980.

Năm 1982, tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công Thường trực Ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ.

Đồng chí là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ khóa I đến khóa V và tiếp đó là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, khóa VII.

Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, đồng chí đã thể hiện quyết tâm của quân dân ta trong đấu tranh và thử thách. Xử trí linh hoạt trong mọi điều kiện và tình huống ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến:, kiên trì “một tấc không đi, một ly không rời”. Trong đấu tranh và tiếp xúc ngoại giao, ông thường điềm đạm lắng nghe rồi mới bình tĩnh, thận trọng trả lời. Ông có trí nhớ tuyệt vời, phát biểu đúng từng câu chữ trong lập trường chính thống. (trong nhà tù thực dân Pháp ông đã vận dụng trí nhớ tốt của mình để học tiếng Pháp bằng từ điển. Phía Mỹ luôn theo dõi sát từng câu, từng chữ, cố tìm điều mới mẻ trong những tuyên bố mạnh mẽ) trong những tuyên bố lập trường kiên định của ông qua từng giai đoạn đấu tranh ngoại giao.

Sau khi Mỹ thất bại nặng nề phải xuống thang chiến tranh, ta đồng ý họp Hội nghị Paris. Khi Hiệp định Paris về Việt Nam đã được ký tắt, đồng chí sang Paris để ký chính thức và dự Hội nghị quốc tế về Định ước chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam và thay mặt Chính phủ ta ký vào Định ước này. Những năm sau đó, đồng chí dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đi dự các khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội nghị Không liên kết, mở đầu cho việc phát triển ngoại giao đa phương.

Trong nhiệm kỳ 1965-1980, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã tỏ rõ là một nhà ngoại giao xuất sắc của Nhà nước Việt Nam hiện đại, góp phần cùng các nhà ngoại giao xuất sắc khác xây dựng nên tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã nêu cao tính nguyên tắc, tinh thần kiên trì, nhẫn nại trong công tác ngoại giao, bình tĩnh, thận trọng trong phát ngôn và hành động. Dấu ấn đồng chí để lại là nhân tố động viên các thế hệ cán bộ và các nhà ngoại giao Việt Nam hiện nay và sau này mà còn là tấm gương sáng làm tròn nhiệm vụ, một lòng vì Đảng vì dân, cho mọi đảng viên.

Hơn 30 năm đấu tranh ngoại giao vì độc lập, tự do của Tổ quốc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội; gần ba mươi năm trên cương vị là một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã đem hết tâm lực và trí tuệ của mình cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Với công lao và phẩm chất cách mạng của mình, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ Cứu nước hạng Nhất; huy hiệu 50 tuổi năm Đảng.

 

 

Tấm gương về tinh thần chiến đấu và phẩm chất cách mạng, đức tính khiêm tốn và tình thương yêu đồng chí chân thành của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã để lại cho đồng chí, đồng bào và thế hệ trẻ hôm nay một tình cảm tốt đẹp và tình thương yêu vô hạn.

Với 76 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng, dù được giao ở bất kỳ vị trí công tác nào đồng chí Nguyễn Duy Trinh vẫn giữ đức tính cần, kiệm, giản dị, yêu mến đồng chí, gần gũi nhân dân... Nguyễn Duy Trinh thuộc lớp cán bộ tiền bối cách mạng, đồng chí đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, ở thành phố nơi quê hương đồng chí sinh ra và cả thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, nhiều ngôi trường, con đường vinh dự và tự hào mang tên Nguyễn Duy Trinh – nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, xin được ôn lại tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp cống hiến hết sức lớn lao của đồng chí, nhằm tri ân, biết ơn và tưởng nhớ đến đồng chí. Chúng ta, nhất là những thế hệ đảng viên trẻ quyết tâm phấn đấu học tập theo những đức tính cao đẹp của đồng chí, nguyện đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc như đồng chí hằng mong ước và phấn đấu trong suốt cuộc đời mình.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chân dung năm cố bộ trưởng ngoại giao / Nguyễn Việt Hưng (ch.b), Nguyễn Bá Bảo, Hoàng Phong. - H. : Chính trị Quốc gia , 2005. -638 tr.

2. Mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975) / Nguyễn Duy Trinh. - H. : Sự thật , 1979. -318 tr.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 678 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày