Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 29/07/2020, 14:30

Những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Đồng Nai

Hoà cùng không khí cách mạng sục sôi của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Đồng Nai nói riêng. Trong những ngày tháng Tám lịch sử, quân và dân Biên Hoà vi lòng yêu nưc nng nàn, truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã nhất tề xông lên giành lấy độc lập, tự do, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám - mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Ngày 20-8-1945 Xứ ủy Nam Kỳ họp hội nghị tại chợ Đệm phổ biến kế hoạch Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ.

Ngày 23-8-1945 tại căn nhà số 2 dãy phố Sáu sử (Quốc lộ 1 -Biên Hòa) đồng chí Hoàng Minh Châu chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Biên Hòa.

Căn cứ vào chủ trương của Xứ ủy, hội nghị quyết định tiến hành khởi nghĩa trước ở trung tâm tỉnh lỵ, thành lập ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Hoàng Minh Châu làm trưởng ban và dự kiến ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh.

Trong ngày 24-8-1945 công nhân đã làm chủ hãng BIF, Nhà ga, Sở Bưu điện. Cờ đỏ sao vàng của Việt Minh và cờ vàng sao đỏ của Thanh niên tiền phong đã xuất hiện nhiều nơi trong thị xã Biên Hòa.

Ở huyện Long Thành, ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Trịnh Văn  Dục lãnh đạo, đã huy động công nhân cao su, nhân dân các xã kéo về quận lỵ giành chính quyền trong ngày 24-8-1945. Thắng lợi này càng cổ vũ cán bộ đảng viên và nhân dân náo nức hành động. Chiều tối ngày 24-8, hàng trăm nhân dân Biên Hòa đã kéo về Sài Gòn tham gia cướp chính quyền.

Sáng ngày 26-8-1945 hàng trăm đồng bào nội ô thị xã Biên Hòa kéo đến bao vây Tòa Bố (dinh tỉnh trưởng). Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu đoàn người tiến thẳng vào dinh tỉnh trưởng buộc tỉnh trưởng phải đầu hàng và truyền lệnh cho thuộc hạ các cấp trao chính quyền cho cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo ở dinh tỉnh trưởng trong tiếng, reo hò vang dậy của nhân dân.

Đến 11 giờ trưa cùng ngày, các đồng chí trong ủy ban khởi nghĩa trực tiếp đến Tòa Bố buộc tỉnh trưởng Nguyễn Văn Quý cùng những viên chức đứng đầu các ty, sở trong tỉnh bàn giao chính quyền cho cách mạng.                                                                          

Ngay chiều 26-8 lực lượng cách mạng đã bắt giữ tên chỉ huy lực lượng cảnh sát Biên Hòa, tịch thu gần 300 súng các loại. Lực lượng cách mạng nhanh chóng tỏa đi tiếp quản các cơ quan, công sở trong thị xã.

Sáng sớm ngày 27-8-1945, tại quảng trường Sông phố gần 1 vạn người từ khắp các quận về dự lễ ra mắt chính quyền cách mạng, ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền đã thuộc về tay nhân dân và công bố danh sách ủy ban nhân dân, cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa do đồng chí Hoàng Minh Châu làm chủ tịch.

Chỉ vài ngày sau, chính quyền ở các quận, xã còn lại Châu Thành, Xuân Lộc cũng nhanh chóng về tay nhân dân

Chỉ trong một thời gian ngắn từ 24-8-1945 đến 28-8-1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Biên Hòa đã tiến hành khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền về tay  nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thể hiện nguyện vọng, mơ ước bao đời của nhân dân trở thành người dân tự do nước Việt Nam độc lập. Vì vậy, chính Cách mạng Tháng Tám là một động lực thúc đẩy nhân dân ta kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc đến thắng lợi hoàn toàn.

Tinh thần Cách mạng Tháng Tám của cả nước Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng đã hoà cùng dòng chảy lịch sử, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, đưa dân tộc ta, đất nước ta từ một dân tộc không có trên bản đồ thế giới trở thành một nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Việt Nam từ một nước nghèo nàn lạc hậu, đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, từng bước hội nhập với quốc tế và tiếp bước trên con đường đổi mới, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Người Việt Nam ta nói chung và nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng dù sống và làm việc trên mọi miền Tổ quốc hoặc ở nơi xa xôi nghìn dặm trên trái đất này đều khắc sâu trong tâm khảm về một “Mùa thu Cách mạng” đáng nhớ. Tự hào về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là niềm tự hào của những trái tim yêu Tổ quốc, yêu hoà bình độc lập, tự do, là tiếng của yêu thương và những ước mơ về ngày mai tươi đẹp.

 

Mai Mai

 

 

 

 


Số lượt người xem: 469 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày