Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 07/10/2020, 09:15

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2020)

Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Vì vậy nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Cũng vì thế Hội Nông dân Việt Nam là một trong những tổ chức chính trị - xã hội đầu tiên được thành lập ngay sau khi Đảng ra đời nhằm tập hợp giai cấp nông dân thành lập liên minh công - nông vững chắc xung quanh Đảng, đồng thời đại diện và bảo vệ quyền lợi cho giai cấp nông dân.

Vào đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, thực dân Pháp tiến hành cướp đoạt gần 1 triệu ha ruộng đất của nông dân, địa chủ phong kiến chỉ với 2% dân số cả nước nhưng chiếm 51% ruộng đất canh tác. Nông dân chiếm trên 90% dân số nhưng chỉ có 36% ruộng đất, trong đó gần 60% số hộ  không có ruộng đất.

Để bảo vệ quyền lợi của nông dân. Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đã xuất hiện một số địa phương. Trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), đồng chí Nguyễn Ái Quốc sớm đặt vấn đề nông dân Việt Nam muốn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột thì phải “tổ chức nhau lại”, tức là phải gia nhập Hội Nông dân.

Ngày 14 tháng 10 năm 1930, Nông hội Đỏ - tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam, được chính thức thành lập theo quyết định của Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 1). Từ đó đến nay, qua các thời kỳ cách mạng, tên gọi của hội có nhiều thay đổi:

-  Từ 1930 - 1932: Nông hội Đỏ.

-  Từ 1932 - 1935: Hội Tương tế Ái hữu.

-  Từ 1941: Hội Nông dân Cứu quốc.

-  Ở miền Nam, từ năm 1961 đến 1979: Hội Nông dân Giải phóng Miền Nam.

-  Ở miền Bắc, từ tháng 1 năm 1974 đến 1979: Hội Nông dân Tập thể Việt Nam.

-  Từ tháng 9 năm 1979, Hội Nông dân cả nước được thống nhất lại mang tên Hội Liên hiệp Nông dân Tập thể Việt Nam.

-  Từ tháng 3 năm 1988, Đại hội Nông dân toàn quốc thứ nhất đổi tên là Hội Nông dân Việt Nam. Đại hội cũng quyết định lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930, ngày thành lập Nông hội Đỏ - tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam là Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

            Xuyên suốt lịch sử đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và được Hội tập hợp, tổ chức hành động, giai cấp nông dân Việt Nam bao giờ cũng là lực lượng đông đảo cống hiến lớn lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hội Nông dân luôn là người đại diện chân chính có ý chí và lợi ích của giai cấp mình. Hội trở thành cầu nối giữa Đảng và nông dân, là chỗ dựa tin cậy của chính quyền, là nhân tố quan trọng để củng cố khối liên minh công - nông và trí thức, nền tảng chính trị của chế độ ta.

            Đảng ta và Hồ Chủ tịch luôn đánh giá đúng vai trò của nông dân, nông nghiệp trong công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước. Các nghị quyết của Đảng đặc biệt là Nghị quyết 10 Bộ chính trị (khóa 6), Nghị quyết 5 BCHTW (khóa 7) cùng với các chủ trương chính sách khác của Đảng và Nhà nước đã được nông dân hưởng ứng tích cực, tạo ra bước cải thiện rõ rệt đời sống nông dân, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp nước ta mấy năm qua.

Trong thư gửi Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò và tiềm lực lớn lao của giai cấp nông dân cả nước trong đấu tranh giành chính quyền và sự nghiệp kháng chiến. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân có một tổ chức Hội ở cấp Trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước.

Để tiếp tục đánh giá phong trào nông dân và tổ chức Hội Nông dân. Ban Liên lạc nông dân toàn quốc quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ Hai (tháng 5/1951) tại thôn Quắc, xã Bình Nhân (Chiêm Hoá - Tuyên Quang). Dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho giai cấp nông dân cả nước. Hội nghị đánh giá phong trào nông dân, hoạt động của tổ chức Hội và quán triệt nhiệm vụ Hội Nông dân trước yêu cầu nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới toàn thắng. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới dự và phát biểu trước Hội nghị. Đồng chí Tổng Bí thư dành nhiều thời gian nói về Chính cương của Đảng, quan điểm của Đảng đối với nông dân và chính sách ruộng đất.

Hội Nông dân Việt Nam từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ nhất đến nay đã có những bước đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động, tạo được uy tín trong nông dân. Hội đã vận động, tập hợp đầy đủ hội viên nông dân cùng nhau chăm lo, giải quyết những lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần, bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nông dân, tích cực sản xuất chống thiên tai, tham gia các phong trào hành động cách mạng như phong trào nông dân sản xuất giỏi, làm giàu, tương trợ, giúp đỡ hộ nghèo v.v... tích cực tham gia các hoạt động xã hội và đã có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Giúp nông dân vùng dân tộc miền núi có những chuyển đổi trong tư duy, trong tập quán sản xuất chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, ngày càng có những sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo.

Những chuyển biến tích cực về nhiều mặt của nông thôn, nông nghiệp nước ta trong những năm qua, thể hiện sự cố gắng không ngừng của bà con nông dân và các cấp hội, nhưng cũng cần “phải tiếp tục đổi mới, hướng mọi hoạt động vào việc góp phần tích cực thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, động viên nông dân tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Hội cần không ngừng đổi mới về tổ chức, hoạt động theo nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của nông dân, làm cho hội thật sự là tổ chức rộng rãi của bà con nông dân, làm nòng cốt trong các phong trào hành động cách mạng ở nông thôn, nhằm phát huy mọi tiềm lực vật chất, tinh thần và trí tuệ của giai cấp nông dân, phấn đấu xây dựng nông thôn mới, làm cho dân giàu nước mạnh” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

90 năm đã trôi qua! Dưới sự lãnh đạo của Đảng giai cấp nông dân Việt Nam đã đóng góp to lớn về sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, cùng với ngành nông nghiệp làm nên những kỳ tích nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Mai Linh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 394 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày