Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 15/10/2020, 08:35

Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam Nguyễn Minh Châu (20/10/1930 – 20/10/2020)

Nguyễn Minh Châu là nhà văn có những đóng góp và có vị trí đặc biệt đối với sự nghiệp văn học nước nhà, là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học sử thi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1930 trong một gia đình nông dân khá giả ở làng Thơi thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Là con út trong một gia đình có sáu anh chị em. Sinh ra ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, gắn bó với sự nghiệp cầm bút của một người lính. Ông đã cùng đồng đội trải qua những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở con người ông nổi bật niềm đam mê sáng tạo, sự dũng cảm đáng quý của một nhân cách nhà văn có tình yêu sâu nặng đối với cuộc sống, con người, quê hương đất nước.

Năm 1945, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành Chung. Tháng 1 năm 1950, ông học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Nghệ Tĩnh và sau đó gia nhập quân đội, học ở trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, ông công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Từ năm 1956 đến 1958, Nguyễn Minh Châu là trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1961, ông theo học trường Văn hóa Lạng Sơn. Năm 1962, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1972.

Hành trình văn học của Nguyễn Minh Châu khởi đầu bằng truyện ngắn Sau một buổi tập (1960) và khép lại với truyện vừa Phiên chợ Giát (1989). Ba thập kỷ – một hành trình không phải là dài so với những đồng nghiệp, đồng lứa như: Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Hồ Phương… , song với mười ba tập văn xuôi, một tập tiểu luận phê bình, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã để lại một sự nghiệp văn chương đủ sức vượt qua thời gian. Trong đó, đặc biệt phải kể đến các tác phẩm chính của ông như:  Cửa sông (tiểu thuyết, 1966); Những vùng trời khác nhau (truyện ngắn, 1970);  Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972); Miền cháy (tiểu thuyết, 1977); Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977); Những người đi từ trong rừng ra (tiểu thuyết, 1982); Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983); Bến quê (truyện ngắn, 1985); Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987); Cỏ lau (truyện vứa, 1989);…

Trong các tác phẩm trên không thể không nhắc đến “Cửa sông” với nhịp sống vừa bình thản, vừa quả cảm của một làng nhỏ ven sông bước vào cuộc chiến đầy quyết liệt với cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo của đế quốc Mỹ và cũng không thể không nói tới “Dấu chân người lính” với cả không khí hào hùng xẻ dọc trường sơn đi cứu nước của một dân tộc. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu đã dành trọn vẹn nửa đời văn của mình đi sâu, khám phá, phản ảnh những “đề tài sinh tử” trong mảng thực hiện chiến tranh và người lính cách mạng. Trong đó “Miền cháy”là tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình của Nguyễn Minh Châu từ chủ nghĩa thực hiện lãng mạn cách mạng và cảm hứng sử thi bước sang chủ nghĩa hiện thực. Bằng sự thôi thúc của lương tâm và trách nhiệm Nguyễn Minh Châu lại cùng dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới “cuộc chiến đấu cho quyền sống của con người”. Ông đã góp phần phát hiện ra những quy luật vận động sâu kín của đời sống nhân sinh thế sự và đạt tới một chiều sâu văn bản mới. Sự nghiệp văn chương của ông không chỉ ghi dấu ở phần sáng tác, mà ngay trong địa hạt phê bình, người ta cũng nhớ đến ông ở tư cách là người đầu tiên khuấy động sự tĩnh lặng qua bao nhiêu năm của một nền văn học thời chiến bằng bài tiểu luận viết về chiến tranh đã làm xôn xao dư luận một thời.

Tiếp đến là tiểu thuyết “Lửa từ những ngôi nhà” được Nguyễn Minh Châu viết trong những năm cuối chiến tranh. Qua câu chuyện một chuyến về phép của người lính từ chiến trường về thành phố, hình ảnh của hậu phương hiện ra không êm ả như nhiều sách hồi đầu chiến tranh thường mô tả, mà tiềm ẩn không ít vấn đề. Nhưng vượt lên tất cả mọi thiếu thốn, khó khăn vẫn là một hậu phương vững chắc với những con người tất cả dành cho tiền tuyến, và mỗi người lính đều được truyền ngọn lửa từ mỗi ngôi nhà, mỗi tấm lòng của người hậu phương, Nguyễn Minh Châu cũng nhìn họ ở một cự li gần, thấy cả những thiếu hụt ở nơi họ và điều đó như một dự báo về trở ngại đối với người lính khi họ trở về sau chiến tranh.

Và tiểu thuyết cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Minh Châu đó là “Mảnh đất tình yêu”. Ông viết về quê hương, về mảnh đất đã sinh ra, đã nuôi dưỡng, chở che cho những người lao động và những chiến sĩ cách mạng, về tình yêu và sự đóng góp của họ đối với mảnh đất đó. Ông miêu tả cuộc sống và số phận từng con người, từng gia đình gắn kết với làng xóm quê hương, với vận mệnh của đất nước, với thiên nhiên thân thiết, gần gũi, nhưng cũng rất dữ dằn và đầy bí ẩn. Nổi bật trong thế giới nhân vật của cuốn tiểu thuyết là ông ngoại và mẹ của Quy, rồi ông lão Bờ - những con người bằng nghị lực phi thường và sự bền bỉ, nhẫn lại vượt lên mọi tai hoạ, hiểm nguy và thách thức để duy trì sự sống và niềm tin vào các giá trị nhân bản trên đời. Chính tình yêu thương đã gắn kết mọi con người, mọi số phận nhiều bất hạnh của họ, để bảo tồn sự sống trước mọi cơn bão táp huỷ diệt đến từ thiên nhiên và xã hội, để mảnh đất đầy sóng gió ấy vẫn là mảnh đất tình yêu. Đó cũng là niềm tin của Nguyễn Minh Châu vào sức sống và các giá trị bền vững của nhân dân.

Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, dù có là tiểu thuyết hay truyện ngắn, cốt truyện thường không đóng một vai trò nào đáng kể. Ông tập trung chú ý vào thân phận con người, tính cách nhân vật và đã huy động vào đấy tâm hồn đa cảm dồi dào ấn tượng tươi mới và xúc động về cuộc sống, bút pháp chân thực và một giọng văn trữ tình trầm lắng ấm áp.

Nguyễn Minh Châu đã từng phát biểu: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đoạ đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” 

Tư tưởng ấy được thể hiện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” như một minh chứng cho tấm lòng hướng về con người, khả năng giải mã những mặt phức tạp của cuộc đời. Bức thông điệp trong tác phẩm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống là nhận thức thấm thía : “cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.(Lê Ngọc Chương - Chiếc thuyền ngoài xa, một ẩn dụ nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu).

Cuộc sống vốn vậy, vẫn đẹp tươi, vẫn êm ả, nhưng nếu không có tấm lòng để nhận ra những uẩn khúc số phận thì những vẻ đẹp như màu hồng của ánh sương mai kia cũng trở nên vô nghĩa. Truyện của Nguyễn Minh Châu luôn có những ý nghĩa triết lí sâu xa như thế. Ý nghĩa của cuộc sống. Con người sống cả trăm năm, dường như chỉ để đi tìm câu trả lời “mình sống để làm gì?”. Chao ôi, nhiều, nhiều điều lắm. Sống để mà yêu thương, sống để chia sẻ, cảm thông, để biết đau trước nỗi đau của muôn người, biết khóc với những cảnh đời nghiệt ngã, biết màu hồng nhất của hạnh phúc, màu tím nhất của sầu muộn. Nguyễn Minh Châu, phải chăng người đã viết nên những cuốn tiểu thuyết về cuộc sống? Hay chính cuộc sống đã cho người một giọt triết lý, để nó thấm qua trái tim, đi vào từng câu chữ, từng trang sách, từng số phận con người, để rồi lại hằn sâu vào tâm khảm người đọc, một vệt sâu vô tận!

Ông chuyên viết về cuộc sống thường nhật của con người và gửi đến nhiều thông điệp giàu ý nghĩa, cốt truyện và nhân vật hết sức đặc biệt đã khiến tên tuổi của ông luôn nhận được quan tâm hàng đầu từ độc giả, thông qua những sáng tác văn chương, người đọc sẽ không quên nhắc đến một nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Với một trái tim chỉ biết trăn trở cho những kiếp người cùng khổ, ông đã để lại nhiều quan niệm xác đáng qua nghiên cứu và là bài học dành cho những thế hệ mai sau. Ông ra đi vào năm 1989 tại Thủ đô Hà Nội nhưng cho đến hôm nay nhà văn Nguyễn Minh Châu vẫn luôn sống mãi trong trái tim người đọc vì tài năng tuyệt vời và những cống hiến to lớn của ông.

Mai Linh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 713 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày