Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 29/10/2020, 09:45

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai (1/11/1910 - 1/11/2020)

Nói tới đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là chúng ta nhớ đến một nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường đã hiến dâng cuộc đời mình cho mục tiêu độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 1-11-1910 trong một gia đình công chức nhỏ tại thành phố Vinh, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nữ chiến sĩ cộng sản đã chiến đấu và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sinh tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bố là ông Nguyễn Huy Bình quê ở làng Mọc, Nhân Chính, Hà Nội, làm Thư ký ga xe lửa ở Vinh từ năm 1907. Mẹ là Đậu Thị Thư quê ở Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm nghề buôn bán nhỏ, là một phụ nữ tần tảo yêu chồng thương con. Ông Bà đã sản sinh ra người con Anh hùng có tư tưởng cách mạng làm thay đổi đất nước. Đó chính là chị Năm Bắc (Nguyễn Thị Minh Khai), người phụ nữ anh hùng cách mạng đã hy sinh cả tuổi xuân, quyền làm mẹ và mạng sống của mình cho cách mạng Việt Nam.

Sẵn lòng yêu nước thương dân, năm 1927 đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã dẫn thân vào con đường hoạt động cách mạng, gia nhập tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng (tên mới của Phục Việt). Đồng chí được cử vào Ban chấp hành Đảng bộ Nghệ An, tổ chức Hội Phụ nữ giải phóng ở Vinh. Cũng từ đó đồng chí đổi tên thành Minh Khai. Trong thời gian này đồng chí tích cực tham gia các phong trào đấu tranh tại quê hương, vận động phụ nữ tham gia bãi khóa, biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp vào Đảng, được tổ chức phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy (Nghệ An). Sau đó đồng chí được tổ chức Đảng cử sang Hương Cảng (Trung Quốc). Năm 1931, trong lúc hoạt động Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Anh bắt giao cho chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ. Dù bị tra tấn tàn bạo “thập tử nhất sinh” nhưng người phụ nữ ấy vẫn kiên trung với cách mạng. Khi bị bắt, Nguyễn Thị Minh Khai còn kín đáo chuyển tấm giấy nho nhỏ chó đồng chí Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc): “Dù bị tra tấn cùm kẹp, quyết không khai. Các anh yên tâm”.

Năm 1933, Nguyễn Thị Minh Khai được trả tự do nhờ sự vận động của Quốc tế Cứu tế Đỏ. Khi ra khỏi tù, Nguyễn Thị Minh Khai làm nghề may thuê trên đường phố Thượng Hải để tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Cuối cùng chị cũng liên lạc được với nhóm các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn…để tiếp tục hoạt động cách mạng. Nguyễn Thị Minh Khai được cử hoạt động trong Ban chỉ huy của Đảng ở nước ngoài, bắt mối liên lạc và xây dựng lại các cơ sở cách mạng của Đảng. Cũng trong thời gian đồng cam cộng khổ này, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nảy sinh tình cảm và kết hôn cùng đồng chí Lê Hồng Phong.

Cuối năm 1934, Lê Hồng Phong, Minh Khai và Hoàng Văn Nọn là đại biểu chính thức được cử đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mácxcơva. Năm 1935 đoàn Đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương có Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn và Nguyễn Thị Minh Khai đã tích cực đóng góp cho Đại hội bằng những tham luận sâu sắc rút ra từ thực tiễn máu lửa của cách mạng Đông Dương. Lê Hồng Phong, bí danh Hải An, tham luận về phong trào cách mạng Đông Dương đọc tại phiên họp thứ 9 ngày 29-7-1935; Hoàng Văn Nọn, bí danh Văn Tân tham luận về phong trào cách mạng của các dân tộc miền núi ở Đông Dương tại phiên họp thứ 31 ngày 11-8-1935; Nguyễn Thị Minh Khai, bí danh Phan Lan, tham luận về vai trò phụ nữ trong cách mạng Đông Dương tại phiên họp thứ 40 ngày 16-8-1935.

Năm 1936, Lê Hồng Phong được phái về nước hoạt động, Minh Khai ở lại hoàn thành tốt khóa học. Khi tốt nghiệp Đại học, đồng chí nhận nhiệm vụ về nước hoạt động tại Nam Kỳ. Cuối năm 1937, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn và Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ. Lúc này Minh Khai chỉ đạo trực tiếp nhà máy đóng tàu Ba Son và công ty Hỏa xa Sài Gòn. Ở đây có nhiều cán bộ Đảng được cài vào. Thời gian này đồng chí lấy tên là Năm Bắc. Đồng chí được ông Mười Cúc cùng hoạt động trong Xứ ủy Nam bộ rất cảm phục - một nữ xứ ủy viên với tầm hiểu biết rộng, đúc kết và chỉ đạo vấn đề từ thực tiễn rất nhanh và nói thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Quảng Đông.

Mùa xuân năm 1940, chị hạ sinh con gái đầu lòng trong nhà hộ sinh ở Mắcmahông gần chợ bến thành Sài Gòn. Cuộc “vượt cạn” không có chồng bên cạnh, nhưng chị luôn nghĩ đến anh với một tình yêu lớn lao. Chính điều đó đã tăng thêm nghị lực, giúp chị vượt cạn qua bao nỗi đớn đau. Sinh con ra mà không được nuôi chỉ phải gửi con cho cơ sở nuôi vì cách mạng đang cần chị hơn lúc nào hết. Chị tiếp tục hoạt động trong lưới của vây đế quốc giăng khắp Sài Gòn. Chị lo cho tương lai của con mình với những lời nhắn nhủ: “Cuộc đời con rồi sẽ ra sao? Con có sống được nên người không? Lưới đế quốc vây quanh mẹ, quanh cha và quanh cả con nữa. Sinh ra đời con đã chịu đựng ngay những giông tố và thử thách. Nếu con sống, con nhớ tìm theo con đường của cha mẹ, cô bác” chị vẫn canh cánh vì chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Không biết con cái lớn lên nghĩ gì về chị, nhưng chắc chắn một điều rằng, các chú, các bác, các đồng chí của chị đã dạy con chị niềm tự hào, tự hào vì có một người mẹ anh hùng. Chị đã hy sinh tình cảm thiêng liêng nhất đó là “tình mẫu tử”, cho cách mạng Việt Nam. Nước mắt người mẹ đã cạn sau những ngày thương nhớ. Nước mắt ấy đã hun đúc nên quả gan thép và trái tim sắt để chị kiên trì với con đường mà mình đã đi.

Ngày 30-7-1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị bọn Pháp bắt. Chúng đưa chị về Khám Lớn - Sài Gòn tra tấn hết sức dã man. Không khiếp sợ trước sự tàn bạo của kẻ thù, trong tù chị tiếp tục vận động chị em phụ nữa đấu tranh. Sau những ngày bị tra tấn, đồng chí đã lấy máu mình viết lên vách của phòng giam những câu nêu cao phẩm chất, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản:

“Dù đánh, dù treo, càng kiên quyết,

Dù kìm, dù kẹp, chẳng sai lời.

Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ,

Triệt để thực hành chết mới thôi”.

Tuy bị giam giữ trong nhà tù nhưng với cương vị là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ nên chị vẫn tìm mọi cách để liên lạc với bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ và bị đàn áp, khủng bố. Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, tòa án thực dân đã kết án tử hình chị.

Sáng ngày 28-8-1941, Nguyễn Thị Minh Khai cùng một số lãnh tụ của Đảng đem ra xử bắn tại Hóc Môn. Trước khi ra pháp trường chị đã nhắn nhủ cùng đồng bào, đồng chí:

“Vững chí bền gan ai hỡi ai,

Kiên tâm giữ dạ mới anh tài.

Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ,

Con đường cách mạng vẫn chông gai”.

Cuộc đời và hoạt động cách mạng của người chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai đã cho thế hệ sau thấy được những thăng trầm cũng như chông gai của người cách mạng trong buổi đầu. Chị đã đấu tranh cho công cuộc giải phóng dân tộc và sẵn sàng hy sinh vì dân tộc. Chị đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Ngày nay trở lại Bà Điểm - Hóc Môn, nhắc đến chị Năm Bắc nhiều người vẫn không khỏi bồi bồi xúc động trước hình ảnh một người phụ nữ kiên trung, đứng trước họng súng quân thù vẫn bình tĩnh, gan góc: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì nước Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì”.

Chị Minh Khai ra đi nhưng những gì mà chị để lại cho đời và cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn. Người đảng viên ấy đã trung kiên giữ trọn lời thề sắt son dưới lá cờ vinh quang của Đảng. Chị mất đi là một tổn thất to lớn nhưng hình ảnh chị vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Bà Điểm nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi xin được ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, tuy ngắn ngủi nhưng đầy kiên trung và nhiệt huyết. Cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, tấm gương hy sinh anh dũng của Nguyễn Thị Minh Khai và các chiến sỹ cách mạng luôn sáng ngời để cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Mai Mai

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 431 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày