Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 03/12/2020, 10:20

Kỷ niệm 370 năm: Năm sinh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-2020)

           Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một vị tướng quốc, một bậc công thần đời chúa Nguyễn Phúc Chu - Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế (1691-1725). Ông tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Cảnh (Kính), Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.

 

Quê hương Quảng Bình là một địa linh đã nung đúc nên nhiều anh tài nhân kiệt cho đất nước Việt Nam. Địa linh ấy, phong cảnh ấy đã tác động mạnh vào trí não Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ lúc mới chào đời. Càng lớn, quê hương Quảng Bình càng gắn chặt vào tâm hồn ông với lòng mến yêu, quyến luyến chân thành.

Nguyễn Hữu Cảnh sinh ra trong tình huống nước nhà đang nạn Trịnh Nguyễn phân tranh, ông lại thuộc dòng dõi danh tướng nhà chúa Nguyễn, nên sớm trở thành người tài giỏi, võ nghệ siêu quần. Từng là sư tổ của môn võ, danh hiệu  “Bạch hổ sơn quân phái” được nhiều người kính phục. Nguyễn Hữu Cảnh có nhiều công lao to lớn trong việc bình định biên cương, ông được thăng lên đến chức Chưởng cơ, trấn thủ Bình Khương (nay là Ninh Hòa, Khánh Hòa)

Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược đất Đồng Nai - Nam Bộ. Thuở ấy ông cho đóng đại bản doanh tại Cù Lao Phố còn gọi là Đông Phố (Đồng Nai). Ngoài mảnh đất này ra chung quanh toàn là rừng núi âm u: Phần đất đai hoang hóa đầy hiểm trở, sông rạch thì chằng chịt, gai góc ngút ngàn, đầy rẫy hang ổ của các loài mãnh thú, ác ngư...Niềm khắc khoải lo âu đã bật thành tiếng than trong ca dao thời đó:

“…Đến đây xứ sở lạ lùng

Tiếng chim kêu cũng sợ! Tiếng cá vùng cũng kinh!”

Và nỗi lo sợ còn nêu rõ tên vùng ác địa:

"...Đồng Nai địa thế hãi hùng
Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um...’’

Với ý chí quả cảm và lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Hữu Cảnh kiên quyết vượt gian nguy, vạch ra kế sách cấp thiết cùng quân dân gấp rút liên tiếp thi hành. Đây là vùng đất đã được những người Việt vào đây khai khẩn từ đầu thế kỷ XVII. Sau đó những người Hoa được phép chúa Nguyễn định cư ở đây cùng với những người Việt đã lập nên thương cảng Cù lao Phố sầm uất bây giờ. Nguyễn Hữu Cảnh đã đóng đại bản doanh ở Cù lao Phố (Biên Hòa). Ông bắt tay vào việc tổ chức hành chính, xác định biên cương, lãnh thổ, quy định các thứ thuế đinh điền và chỉ đạo phát triển kinh tế vùng đất mới. Ông chia xứ Đồng Nai (gồm cả Nam Bộ bấy giờ) thành hai huyện thuộc phủ Gia Định gồm: huyện Phước Long (Biên Hòa) có dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình (Sài Gòn) có dinh Phiên Trấn, ông còn lập ra các làng xã, thôn xóm. Người Hoa cũng được nhập hộ tịch và chia thành hai nhóm: xã Thanh Hà (thuộc Trấn Biên) và xã Minh Hương (thuộc Phiên Trấn). Dân chúng được khuyến khích khai phá ruộng rẫy, phát triển kinh tế. Kể từ đây Đồng Nai trở thành một địa phận hành chính và chính thức có tên trên bản đồ quốc gia Đại Việt.

Tận tâm tận lực trong vòng chưa đầy một năm, Nguyễn Hữu Cảnh đã thành công rực rỡ trước mọi phương án do ông đề ra. Riêng công trình di dân đã được đa số dân chúng miền Phú Xuân Ngũ Quảng hưởng ứng, nhất là nhân dân vùng Bố Chánh Quảng Bình đã sốt sắng đáp lời kêu gọi của bậc lãnh tướng đồng hương mà họ hằng kính yêu, nên đã hăng hái rủ nhau vào Đồng Nai lập nghiệp rất đông, điển hình bằng những câu ca dao thời ấy:

“Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng”

Chốn rừng rậm đầm lầy quanh vùng Đồng Nai Bến Nghé đã nhanh chóng trở thành phủ Gia Định rộng lớn, đầy sinh khí..., mà Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã là vị Thống suất kinh lược có công đầu trong lớp người khai sơn ra phủ Gia Định, là ân nhân mở đường đưa dân chúng đến cuộc sống hạnh phúc ấm no tại vùng đất mới này:

“Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt,
Ơn biển trời lao khó gầy dựng Đồng Nai”

Không những ông là vị tướng khai biên xuất, nhà chính trị tài giỏi mà còn là người giàu đức tính, đầy lòng nhân hậu, và có một tâm hồn thuần phác “Uống nước nhớ nguồn”, với lòng yêu mến quê hương Tổ Quốc thiết tha. Đặc biệt, ông đặt nặng tình lưu luyến chân thành với nơi sinh quán Quảng Bình của ông. Ông đã chắt chiu đem từng tên của hai huyện Phước Long Tân Bình ở tận Quảng Bình vào đặt tên cho vùng đất mới khai hóa này, mà đến nay phần lớn vẫn còn. Trước hết là hai huyện Phước Long (vùng Đồng Nai) và Tân Bình (vùng Sài Gòn Bến Nghé). Rồi còn biết bao thôn xã khóm ấp được mang tên Bình hoặc Tân như: Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Trị, Bình Long, Bình Hòa, Bình Điền, Bình Phước, ...Tân Định, Tân Hưng, Tân Khai, Tân Thuận, Tân Mỹ, Tân Phước, Tân Thạnh... Do công nghiệp ấy, ân đức ấy, ông đã được nhân dân trong vùng kính trọng, họ tỏ lòng tôn kính uy danh ông, không dám gọi tên húy, cả hai tên Kính và Cảnh luôn mà chỉ tôn xưng bằng chức tước của ông là Quan Chưởng Cơ, quan Thống Suất và tôn quý gọi là Lễ Công, Đức Ông.

Cuối năm 1698 công việc kinh lược ở vùng đất phía Nam được cơ bản hoàn thành, Nguyễn Hữu Cảnh trở về bản doanh ở Bình Khương. Đến tháng 7-1699 Nguyễn Hữu cảnh được cử đi dẹp loạn ở vùng biên cương miền Tây Nam bộ. Sau khi công việc hoàn thành ông bị mắc bệnh trọng và qua đời ngày 16-5-1700 tại Rạch Gầm (Tiền Giang).

Trên đường đưa thi hài ông về an táng tại quê hương Quảng Bình, quan quân Triều Đình cho dừng lại vài ngày tại Cù lao Phố nơi ông đặt đại bản doanh trong chuyến kinh lược phương Nam trước đó. Người dân Biên Hòa vô cùng kính trọng, ghi sâu ân đức của ông đã đến tế lễ và lập ngôi huyền mộ vọng tưởng ông, nhân dân còn cải đình Bình Hoành thành đền thờ ông để nối đời cúng tế.

Nguyễn Hữu Cảnh đã được chúa Nguyễn truy tặng là Hiệp tán công thần, Đạc tiến Chưởng dinh, Tráng toàn hầu. Đến đời Nguyễn trung hưng, ông được truy phong lên “Thượng đẳng công thần đặc tấn phụ quốc chưởng cơ” với tước Lễ thành hầu và cho tùng tự tại Thái Miếu

Đối với vùng đất Đồng Nai - Gia Định, Nguyễn Hữu Cảnh có nhiều gắn bó và công lao to lớn. Ông là người khai lập, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, về quốc an dân xứ Đồng Nai. Có thể nói từ ông, cả vùng đất Đồng Nai (Nam Bộ) - phần lãnh thổ giàu có phía Nam đã trở về rỡ ràng, trọn vẹn giữa non sông Đại Việt.

Để tỏ lòng tri ân, biết ơn và tưởng nhớ đến ông! Nhân kỷ niệm 370 năm: Năm sinh của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Tôi xin được ôn lại những đóng góp to lớn của ông đối với nhân Đồng Nai nói riêng và nhiều tỉnh thành phía Nam nói chung, những nơi mà ông đã đi qua, chính quyền địa phương và nhân dân đều lập đền thờ, đặt tên cho trường học hay các công trình giao thông như một sự nhắc nhở đối với thế hệ trẻ mai sau về cội nguồn dân tộc và tri ân đối với những công lao to lớn của ông.

 Ông đi đến đâu đều được nhân dân kính trọng và coi như một bậc tướng quốc có công khai sơn, phá thạch vùng đất phía Nam của Tổ quốc, là vị ân nhân mở đường đưa dân lập ấp, tạo lập cuộc sống ban đầu. Chúng ta nguyện tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bằng những việc làm thiết thực để phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương Đồng Nai kính yêu, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới, quyết tâm xây dựng vùng đất Đồng Nai ngày càng văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

Mai Mai

 

 

 

 


Số lượt người xem: 348 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày