Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 20/01/2021, 12:20

Kỷ niệm 55 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Bính (20/1/1966 – 20/1/2021)

Tôi nghĩ, hầu như trong chúng ta, những người sinh ra ở làng quê, chắc cũng không ít thì nhiều nghe qua hay biết về nhà thơ tài hoa nhưng vắn số nàỵ. Điều đó cũng dễ hiểu, vì đọc thơ Nguyễn Bính, ai sinh ra ở làng quê, bỗng thấy thêm yêu mến, tự hào về khung cảnh quê mình, ai xa quê chợt thấy hình ảnh quê hương hiện ra sao gần gũi, thân thương quá đỗi. Những khung cảnh bình dị của thôn quê Việt Nam xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính ngày nay có lẽ cũng không còn nhiều nữa. Thơ Nguyễn Bính trở thành nơi lưu giữ vẻ đẹp yên bình, giản dị xưa của làng quê Việt Nam giúp thế hệ sau có thể hình dung thêm về quá khứ, hiểu thêm về phong cảnh một thời của quê hương.

Nguyễn Bính (1918-1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh ra tại Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Một vùng quê Bắc Bộ vốn nổi tiếng với truyền thống văn chương, khoa bảng. Nơi ấy mang những đặc trưng của làng quê Bắc bộ xưa với những đêm hát giao duyên giữa các anh các chị, những gánh hát chèo giữa các thôn. Những sinh  hoạt văn hóa đó đã ảnh hưởng rất nhiều tới những sáng tác của ông sau này. Bố ông là cụ Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, tính tình hiền lành, điềm đạm. Mẹ ông, cụ bà Bùi Thị Miện, xinh đẹp, là con gái của một gia đình khá giả, có truyền thống yêu nước. Bà sinh được ba người con trai: Nguyễn Mạnh Phát (Trúc Đường), Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính.

Nguyễn Bính làm thơ từ bé. Năm 1931, ở làng Thiện Vịnh, người ta đồn ầm lên về một thần đồng 13 tuổi. Đó là Nguyễn Bính đạt giải nhất trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng (người đạt giải nhì lại là một cụ lão bà 70 tuổi). Khi Trúc Đường thi đỗ thành chung vào loại giỏi ở Hà Nội (năm 1932-1933) vào Hà Đông dạy học ở một trường tư thục, bắt đầu viết văn làm thơ, ông đưa Nguyễn Bính đi theo để dạy thêm tiếng Pháp và văn học Pháp. Tuy vậy, Trúc Đường vẫn đưa Nguyễn Bính về thăm lại các vùng Nam Đinh, Ninh Bình, Phủ Lý, Hoặc đi tới các miền khác như Hà Tây, Hòa Bình, vào cả động Hương Tích. Chính nhờ những chuyến đi chơi ấy, văn học Việt Nam hiện đại có những thi phẩm như Cô hái mơ, Mườn hai bến nước, Lỡ bước sang ngang bên thi đàn. Đặt biệt với tập thơ Tâm hồn tôi,  ông đã giành được giải thưởng của “Tự lực văn đoàn”. Ông đi nhiều hơn: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thanh Hóa. Từ năm 1940, ông bắt đầu nổi tiếng. Cùng năm ấy, khi Trúc Đường chuyển ra Hà Nội viết truyện dài Nhan sắc, Nguyễn Bính xin được ra Huế sáng tác thơ. Vào Huế Nguyễn Bính Gửi thơ ra cho Trúc Đường đọc trước, rồi đăng báo sau. Cuối năm 1941, đầu năm 1942, Trúc Đường nhận được nhiều bài thơ của Nguyễn Bính trong đó có: Xuân tha hươngOan nghiệt. Sau đó Nguyễn Bính lại trở về Hà Nội, rồi lại đi vào Sài Gòn. Ông chia tay Trúc Đường năm 1943. Trong thời gian này Nguyễn Bính đã gặp nhà thơ Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây.

 Ông từng tham gia kháng chiến ở Rạch Giá và sau đó về Đồng Tháp Mười làm việc trong Tiểu ban văn nghệ khu Tám cùng với Bảo Định Giang. Thời kì này ông viết được lời bài hát ca ngợi tiểu đoàn 307, Nguyễn Hữu Trí sáng tác nhạc, được toàn quân và toàn dân Đồng Tháp Mười hết sức hoan nghênh. Năm 1954 theo Hiệp định Genève, Nguyễn Bính cũng như bao cán bộ Việt Minh khác tập kết ra Bắc. Ông về công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, sau đó ra báo Trăm hoa. Năm 1964, Nguyễn Bính về Nam Định làm việc và ở lại quê hương sau 20 năm phiêu bạt. Mùa hè năm 1965, đế quốc Mỹ ném bom ngoại thành Nam Định, Nguyễn Bính cùng cơ quan sơ tán về xã Nhân Nghĩa, huyện Lí Nhân (Hà Nam). Nguyễn Bính qua đời đột ngột vào một ngày giáp Tết Bính Ngọ (ngày 20/01/1966).

48 tuổi đời, trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ... Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Thơ của ông mang đậm hồn dân tộc về nội dung cũng như hình thức. Hầu hết là thơ lục bát, thơ bảy chữ quen thuộc. Đề tài cũng là mảnh tình quê, những cảnh quê. Cả đời ông làm thơ tình, đó là tình yêu đôi lứa, tình bạn, tình quê, tình đời, nói chung là cái tình. Nổi lên trong Phong trào Thơ mới, khác với đa số tác giả ít nhiều chịu ảnh hưởng của phương Tây, Nguyễn Bính vẫn giữ nguyên bản sắc thơ mang nhiều nét thôn quê của mình. Thơ ông viết thường dễ hiểu, dễ đi vào lòng người mang đậm sắc màu ca dao và nhiều bài thơ cũng được các nhạc sỹ phổ nhạc thành bài hát như Chân quê, Trăng sáng vườn chè, Ghen, Hồn trinh nữ, Cô hái mơ, Gái xuân, Mưa xuân... Có lẽ đây cũng là một trong những yếu tố giúp thơ ông chiếm được tình cảm của đông đảo người đọc.

 

Yên Yên

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 363 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày