Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 17/03/2021, 09:05

Kỷ niệm 150 năm ngày Công xã Pari (18/3/1871 - 18/3/2021)

Đầu những năm 70 của thế kỷ XIX, là thời kỳ chuyển biến quan trọng trong lịch sử thế giới. Chủ nghĩa tư bản được xác lập ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và bắt đầu chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Ngày 18-3-1871, một sự kiện trọng đại diễn ra trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đó là việc thành lập Công xã Pa-ri - một nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới.

Cuộc chiến tranh Pháp - Phổ từ cuối tháng 6-1870, làm cho đế chế II Napôlêông bước vào cuộc khủng hoảng. Ngày 2- 9-1870. Napôlêông đầu hàng Phổ và bị bắt làm tù binh. Nhân dân Pari căm phẫn nổi dậy tràn vào dinh Buốcbông đòi truất phế hoàng đế, thành lập chế độ Cộng hòa. Đế chế II sụp đổ. Chính phủ vệ quốc được thành lập. Quân Phổ vẫn tiếp tục tiến về Pari. Do đòi hỏi kiên quyết của giai cấp công nhân bấy giờ, chính phủ buộc phải thành lập thêm 200 tiểu đoàn vệ quốc quân, trong đó đa số là công nhân, thợ thủ công và công chức nhỏ. Phong trào kháng chiến của nhân dân Pháp, nhất là ở Pari lên rất mạnh.

Trong khi nhân dân Pháp chuẩn bị kháng chiến rất cực thì giai cấp sản ngày càng đi sâu vào con đường phản bội, bí mật thoả thuận với Bixmác (thủ tướng Phổ) về việc đầu hàng. Chính phủ vệ quốc lộ nguyên hình là chính phủ phản quốc. Quân đội vệ quốc và nhân dân Pari đã chiến đấu kiên cường chống quân Phổ, đẩy chúng ra khỏi Pari sau 62 giờ chiếm đóng.

Để đấu tranh chống hành động phản quốc của chính quyền tư sản, ngày 15-2-1871, tổ chức “Liên minh Quân đội Vệ quốc” được thành lập, đứng đầu là Ủy ban trung ương quân vệ quốc. Trong Ủy ban có đại diện quân đội, những đảng viên xã hội và đại diện Quốc tế I (Cộng sản). Ủy ban là một tổ chức dân chủ có quan hệ với giai cấp công nhân. Ngày 24-2, ủy ban trung ương tổ chức cuộc biểu tình tuần hành lớn trước nhà tù Baxti kỷ niệm nền cộng hòa thứ 2 và ngăn chặn hoạt động của lực lượng phản cách mạng.

Trung tuần tháng 3-1871, Quốc hội hạ lệnh tước khí giới quân vệ quốc và cho quân đội chính phủ tấn công vào Pari ngày 18-3-1871. Nhân dân Pari, đông đảo là công nhân, thợ thủ công, phụ nữ cùng vệ quốc quân đã phản công, đánh bại quân chính phủ, chiếm các cơ quan chính phủ, các trại lính và toà thị chính. Đến 10 giờ đêm, cờ cách mạng đã tung bay trên toà thị chính và khắp các công sở ở Pari.

Đây là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền tư sản bị lật đổ. Ủy ban Trung ương Quân Vệ quốc trở thành chính phủ lâm thời.

Ngày 26-3-1871, nhân dân Pari tiến hành bầu cử Hội đồng Công xã. Hai ngày sau Hội đồng tuyên bố thành lập, gồm 85 đại biểu, trong đó có 25 đại biểu công nhân. Đó là tỷ lệ chưa từng có trong một chính phủ được bầu theo phương thức tuyển cử phổ thông như vậy. Gần 30 đại biểu là Hội viên của Quốc tế I trong Hội đồng Công xã. Ngoài ra trong Hội đồng còn có nhiều lãnh tụ, nhiều nhà tổ chức ưu tú xuất thân từ giai cấp công nhân hay dân nghèo.

Trong tháng 3-1871, do ảnh hưởng cuộc cách mạng Pari, nhiều thành phố lớn ở Pháp nhân dân lao động đã khởi nghĩa giành chính quyền và thành lập Công xã địa phương.

Công xã đã ra một số sắc lệnh bãi bỏ quân đội thường trực, bộ máy cảnh sát, thành lập lực lượng vũ trang nhân dân; thay bộ máy chính quyền của giai cấp tư sản theo kiểu nghị viện bằng cách thành lập chính quyền của giai cấp công nhân dựa trên cơ sở dân chủ vô sản. Tiền lương của cán bộ trong bộ máy Công xã được hạn chế ở mức lương trung bình của người công nhân. Công xã thành lập 10 Ủy ban để thi hành pháp luật. Công xã ra sắc lệnh tách nhà thờ ra khỏi hoạt động Nhà nước, các tăng lữ không được can thiệp vào công việc của chính quyền, tất cả tài sản của giáo hội đều coi là tài sản quốc gia.

Ngoài ra Công xã Pari còn thực hiện nhiều chính sác kinh tế, xã hội tiến bộ như: Giao cho công nhân quản lý tất cả những xí nghiệp và công xưởng mà bọn chủ đã chạy trốn khỏi Pari; sắc lệnh cấm không được dùng hình thức cúp phạt với công nhân; đề ra chế độ ngày làm 8 giờ, lương bổng sắp xếp theo năng lực chuyên môn. Về giáo dục, Công xã quyết định tách trường học khỏi nhà thờ, ban hành chế độ giáo dục bắt buộc và không mất tiền, tăng lương cho giáo viên lên gấp 2,3 lần so với trước đây.

Ngày 21-5-1871, Công xã thủ tiêu kinh doanh nghệ thuật tư nhân, giao các  rạp hát cho Hội nghệ sĩ sân khấu quản lý; thành lập Hội liên hiệp các nghệ sĩ Pari. Nhiều tác phẩm lớn ra đời của nhiều nhà văn đồng thời là chiến sĩ như Ơgien Pôchiê, Luydơ, Misen...Trong đó nổi bật bài thơ Quốc tế của Ơgien Pôchiê được sáng tác ngay trong những ngày đầu khởi nghĩa, sau đựơc phổ nhạc và trở thành bài ca đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản quốc tế. Bài Quốc tế ca hùng tráng thấm đẫm máu đào của các chiến sĩ cách mạng quốc tế bảo vệ Công xã Pa-ri, đã trở thành bài ca chính thức của giai cấp vô sản trên thế giới; là tiếng kèn lệnh chiến đấu kêu gọi mạnh mẽ tinh thần đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước đoàn kết lại, đứng lên lật đổ mọi áp bức bóc lột, bất công, xây dựng một chế độ xã hội mới công bằng, văn minh.

Sinh thời, C.Mác đã tổng kết những bài học kinh nghiệm của Công xã Pa-ri trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”. Ông đánh giá rất cao tinh thần quật cường, ý chí hy sinh anh dũng và ý nghĩa lịch sử to lớn của Công xã Pa-ri. Nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học được C.Mác xác minh, kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển. C.Mác khẳng định: Công xã Pa-ri là một nhà nước kiểu mới của giai cấp công nhân, là hình thức chính trị của sự giải phóng xã hội mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã tạo ra.

Công xã Pari đã cho giai cấp công nhân thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng một chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân; khi giai cấp vô sản nắm chính quyền thì nhất thiết phải đập tan bộ máy chính quyền cũ, xây dựng bộ máy chính quyền mới, tức chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân muốn giữ và củng cố chính quyền cách mạng phải không ngừng tăng cường khối liên minh công nông.

Công xã Pari tồn tại không lâu. Từ ngày 21 đến 28-5- 1871, giai cấp tư sản, địa chủ Pháp, địa chủ Phổ được quân Phổ hỗ trợ đã câu kết với nhau tấn công vào Pari. Các chiến sĩ công xã đã chiến đấu anh dũng, nhưng vì lực lượng chênh lệnh, ngày 28-5-1871, chiến lũy cuối cùng ở Pari lọt vào tay bọn phản động. Công xã Pari thất bại.

Tuy thất bại, nhưng “Pa-ri công nhân, với Công xã của nó sẽ mãi được người đời ngưỡng mộ, coi là tiên khu quang vinh của một xã hội mới. Hình ảnh những thành viên của Công xã sẽ được đời đời in sâu vào trái tim vĩ đại của giai cấp công nhân”.

Lịch sử đã dần lùi xa nhưng giá trị của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới do giai cấp công nhân và lao động thủ đô Pari tiến hành cách đây 150 năm vẫn còn mãi mãi. Công xã Pari năm 1871 để lại cho người đọc những cảm xúc thật đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên giai cấp vô sản trên thế giới đứng lên tiến hành cuộc cách mạng lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản, thành lập Công xã. Một sự kiện trọng đại diễn ra trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Mặc dù chỉ tồn tại có 72 ngày, song những lý tưởng cao đẹp của Công xã Pa-ri vẫn luôn tỏa sáng và hiện hữu ở nhiều quốc gia, dân tộc, để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

 

Mai Mai

 

 

 


Số lượt người xem: 403 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày