Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Chủ Nhật, 22/08/2021, 18:50

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn), sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.

Từ năm 1925 đến 1926, ông tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); năm 1930, bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh; năm 1936, hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên báo của Đảng như: “Tiếng nói của chúng ta”“Tiến lên”“Tập hợp”“Thời báo”“Tin tức”... Tham gia phong trào Đông Dương đại hội; được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Tháng 6/1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Đầu năm 1941, đồng chí về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng; năm 1942, phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ Nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.

Tháng 12/1944, đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí được cử vào Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc.

Tháng 8/1945, được Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương cử vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 1/1946, đồng chí được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I; tháng 3/1946, là Chủ tịch Quân sự ủy viên Hội, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương; tháng 10/1946, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam (Đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ 10/1946 - 8/1947; 8/1948 - 12/1979).

Tháng 1/1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đồng chí là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, VI của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.

Từ tháng 1/1980, Đồng chí là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).

Đồng chí liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Với những đóng góp cực kỳ to lớn cho cách mạng Việt Nam, Đại tướng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, và nhiều huân chương, phần thưởng cao quý khác.

Là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng Tư lệnh - Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; Một thiên tài quân sự, đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những chiến công hiển hách; Người có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh Nhân dân độc đáo của Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều tác phẩm quân sự có giá trị nghiên cứu cao như: “Khu giải phóng” (1946), “Đội quân giải phóng” (1947), “Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân, ba giai đoạn chiến lược” (1950), “Điện Biên Phủ” (1964), “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng” (1970), “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân” (1972), “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” (1979), “Tư tưởng Hồ Chí Minh và Con đường cách mạng Việt Nam” (2000)…

Những câu nói trường tồn cùng năm tháng của Đại tướng:

“…Giải phóng dân tộc là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước, của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhân dân chúng tôi quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc”. 

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!” 

“Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh” (“Skike to win, Skike Only when Success is Certain, if it is not, then dont' strike” - Câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạp chí TIME; số ra ngày 17/6/1966)

“Nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa anh hùng Cách mạng”.

“Chúng tôi trả lời là từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi vì với chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập tự do, chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ thắng”.

“Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.

“Navarre là một tướng có tài, thua trận không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của những người bắt đầu cuộc chiến”.

“Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.

“Mỹ xâm lược Việt Nam là sai lầm. Mỹ không hiểu Việt Nam". "Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên”.

“...Vũ khí, kỹ thuật Mĩ, dù hiện đại đến đâu, cũng không thể cứu kẻ thù khỏi thất bại. Quyết định thắng lợi là con người Việt Nam yêu nước, dũng cảm, thông minh”.

“Từ lo sợ không có trong tư duy quân sự Việt Nam” - Đây là câu trả lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi phía Mỹ đưa ra câu hỏi: “Những hành động quân sự nào của Mỹ làm tướng Giáp lo sợ nhất và vào những thời điểm nào?”

“Tôi vẫn còn có điều băn khoăn và hơn thế nữa là sự lo lắng, đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng, như là giới trẻ”.

“Chiến thắng đòi hỏi sự táo bạo, nhưng không chấp nhận bất kỳ hành động phiêu lưu nào".

“Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường”

“Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”.

 Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Trong các lĩnh vực khác, như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử…, đồng chí đều có nhiều đóng góp quan trọng.

Tại Thư viện tỉnh Đồng Nai, hiện nay có khoảng hơn 200 tài liệu là những tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những tác phẩm viết về Đại tướng. Vào các ngày kỷ niệm trọng đại của quê hương, đất nước đặc biệt là những ngày kỷ niệm năm sinh và năm mất của Đại tướng, các tài liệu này được trưng bày, triển lãm, tuyên truyền giới thiệu đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh, giúp người đọc càng hiểu sâu hơn về Đại tướng, về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, từ đó càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam.  

Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng thời cũng là hoạt động toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, gắn bó mật thiết với Nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Tài liệu tham khảo:

1. http://mod.gov.vn

2. https://www.quangbinh.gov.vn

3. https://www.hcmcpv.org.vn

4. https://songdep.com.vn

Nguyễn Sen (tổng hợp)

 

 

 

 


Số lượt người xem: 441 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày