Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 11/10/2021, 17:45

Kỷ niệm 225 năm Ngày sinh Cụ Phan Thanh Giản (12/10/1796 - 12/10/2021)

Phan Thanh Giản - vị quan thanh liêm, tài đức

 

Nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài đức, cụ Phan Thanh Giản đã có nhiều đóng góp to lớn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị và ngoại giao.

Về tiểu sử, Phan Thanh Giản tự là Đạm Bá, Đạm Như, hiệu là Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, sinh ngày 12/10/1796 tại làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ mất sớm, việc học tập của cụ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với vốn thông minh, hiếu học, năm 30 tuổi Phan Thanh Giản thi Hương, đậu cử nhân tại trường thi Gia Định (năm 1825). Sau đó 1 năm, tại kỳ thi Hội ở kinh đô Huế, cụ đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ và cũng là vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ. Trong cuộc đời của mình, cụ đã làm quan trải qua 3 triều: Minh Mạng, Triệu Trị và Tự Đức.

Dưới triều Minh Mạng, cụ lần lượt giữ các chức Hàn lâm viện biên tu, rồi cải bổ Lang trung bộ Hình (1827), Tham hiệp tỉnh Quảng Bình (1828), quyền nhiếp Tham hiệp tỉnh Nghệ An (1829), Lễ bộ tả thị lang và tham gia Nội các (1830), Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam (1831), Hàn lâm kiểm thảo Nội các hành tẩu, Hộ bộ viên ngoại lang (1832), Đại lý tự khang sung Cơ mật viện đại thần (1834), Kinh lượt trấn Tây (1835), Tuần vũ Quảng Nam (1836), Thống chánh sứ và Phó sứ rồi Hộ thị lang (1839).

Với tài đức của mình, Phan Thanh Giản được triều đình trọng dụng, nhưng cuộc đời làm quan của cụ cũng không ít long đong. Dưới triều Minh Mạng, cụ đã 3 lần bị giáng chức, có lần phải làm “lục phẩm thuộc viên” giữ việc quét dọn, sắp đặt bàn ghế ở công đường (1836)… Khi Minh Mạng mất, cụ Phan được Thiệu Trị tiếp tục trọng dụng, làm Phó chủ thảo Trường thi Thừa Thiên (1840), Phó đô ngự sử Đô sát viện (1847).

Đến triều Tự Đức, cụ được giao phụ trách giảng dạy và điều khiển Trường Kinh Diên, rồi làm Tổng tài coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1848), được bổ chức Thượng thư bộ Lại, sung Cơ mật viện đại thần (1849). Năm 1850, ông được cử vào trấn nhậm miền Tây Nam kỳ cùng với Nguyễn Tri Phương. Sau đó, lại được phong làm Phó kinh lược sứ Nam kỳ. Đầu năm 1862, sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, các tỉnh Biên Hòa, Định Tường bị chiếm, cụ Phan được Tự Đức cử làm Chánh sứ toàn quyền đại thần cùng với Lâm Duy Hiệp vào Nam thương thuyết với yêu cầu tùy nghi chuộc lại các tỉnh đã mất. Nhưng đến ngày 5/6/1862 (năm Nhâm Tuất), cụ đã ký với Bonard (Thiếu tướng hải quân Pháp) và Guttierez (Đại tá, chỉ huy trưởng quân viễn chinh Tây Ban Nha ở Nam kỳ) một hòa ước gồm 12 điều khoản, trong đó có việc cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp và bồi thường 4 triệu đô la tương đương với 2.880.000 lạng bạc, trả trong 10 năm… Việc làm này của cụ đã bị Tự Đức quở trách. Dù vậy, năm 1836, cụ lại được Tự Đức cử làm Chánh sứ cùng với Phó sứ Phạm Phú Thứ, Bồi sứ Ngụy Khắc Đản sang Pháp đàm phán xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông nhưng không thành.

Tháng 1/1866, trước khi có ý đồ lăm le chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây của Pháp, Tự Đức lại cử cụ Phan vào làm Kinh lược sứ trấn giữ Vĩnh Long. Ngày 20/6/1867, Pháp chiếm tỉnh thành Vĩnh Long (lần thứ hai). Phan Thanh Giản đã tuyệt thực rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4/8/1867.

Triều đình Tự Đức ghép ông vào tội “trảm quyết” nhưng vì đã chết nên tạm miễn, “lột hết chức tước và đục tên trên bia khắc tên các tiến sĩ”. 19 năm sau (1886), đến đời vua Đồng Khánh cụ mới được khôi phục hàm cũ Hiệp biện đại học sĩ…

Các giai thoại về cuộc đời, sự nghiệp của cụ thì luôn được người đời nhắc đến. Từ lúc cụ làm Kinh lược phó sứ ở các tỉnh Tây Nam bộ (1848) hay khi về Kinh làm Lễ bộ Thượng thư, cụ vẫn luôn quan tâm chăm lo nhân dân, như việc khai khẩn đất hoang, phát triển sản xuất, mở mang nhà thương, trường học, bênh vực những người bị oan khuất, cứu giúp kẻ nghèo khó. Trước một triều đại phong kiến đang từng bước xuống dốc, dân tình đói khổ, xã hội rối ren, vua quan ăn chơi xa xỉ, vị quan đã dám đem lời can ngăn. Trong một trường hợp khác, trước một án tử hình không đúng, với tư cách là Thị lang bộ Hộ, cụ Phan đã không ký vào bản án để phản đối… Cuối cùng, triều đình đã hủy bỏ bản án và cho đốt vở tuồng nhằm hạn chế sự ăn chơi, hát xướng của vua quan trong khi dân còn đang cực khổ... Ở cụ Phan luôn toát lên một tư tưởng yêu dân, thương dân, sớm có xu hướng canh tân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Điều này có thể nhắc tới trong sớ dâng lên vua Thiệu Trị, cụ Phan đã đề xuất yêu cầu cải cách chốn quan trường, bằng cách dựa vào dân, lấy ý dân để sửa đổi chính pháp, hay là việc khuyên vua giao thiệp với các nước bạn, cho dân xuất dương du học, giao thương với nước ngoài… tư tưởng ấy của cụ đã được các vị hậu bối sau này kế thừa và phát huy trong quá trình tìm đường giải phóng dân tộc.

Về sự nghiệp văn chương, cụ Phan Thanh Giản còn biết đến là một nhà văn lớn với nhiều tác phẩm giá trị như: Minh Mạng chính yếu, Lương Khê thi thảo gồm 454 bài thơ và Lương Khê văn tập (1876) do các con tập hợp in sau khi cụ mất. Đặc biệt là trong thời gian làm Tổng tài Quốc sử quán, chỉ trong hơn 3 năm cụ Phan đã cùng các cộng sự hoàn thành bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, được in vào năm 1884, hiện vẫn lưu lại đến ngày nay và được coi như một di sản văn hoá có giá trị của dân tộc. Ngoài ra, cụ còn có các tập thơ, nhật ký như Sứ Thanh thi tập, Tây phủ nhật ký, Ước Phu thi tập, Tích Ung canh ca hội tập được ghi chép trong chuyến đi Pháp. Bên cạnh sự nghiệp văn chương của mình, cụ còn có công trong việc xây Văn Thánh Miếu và lập Văn Xương Các ở Vĩnh Long…

Nhận định về con người và sự nghiệp của vị đại thần Phan Thanh Giản, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng: Phan Thanh Giản sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh đất nước phức tạp, đầy biến động và thử thách của lịch sử dân tộc Việt Nam... Ngày 24/01/2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài đã có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, công văn nêu rõ về việc các nhà sử học đánh giá cao công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực, chính trị, ngoại giao và văn hóa. Cụ được biết đến là người thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực văn hóa, sử học… Viện sử học kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau”.

Hiện nay, đền thờ cụ Phan Thanh Giản tọa lạc tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri (đây là nơi cụ sống đến cuối đời). Đền thờ được xây dựng khang trang với bức tượng đồng toàn thân của cụ Phan Thanh Giản đã có từ trước 1975 được phục chế nguyên trạng. Bên cạnh đó, đã từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vẫn coi cụ Phan là một vị thần Thành hoàng. Ngoài ra, cụ còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. 

Nhân kỷ niệm 225 năm Ngày sinh cụ Phan Thanh Giản, bài viết như một sự tri ân của thế hệ trẻ đối với sự cống hiến của vị tiền nhân đi trước. Đồng thời, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm, ra sức phấn đấu học tập và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp./.

 

Đinh Nhài

 

 

 


Số lượt người xem: 364 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày