Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 23/10/2021, 18:55

Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đáp ứng yêu cầu của tình hình cách mạng, kịp thời chi viện người và vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đảng ta đã quyết định mở hai con đường huyết mạch quan trọng. Đó là con đường 559 theo dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau khi Đoàn 559 ra đời và đi vào hoạt động, đồng thời những chiếc thuyền từ Nam Bộ vượt biển ra Bắc an toàn, khiến việc xúc tiến thành lập đoàn vận tải biển tiếp tế vũ khí cho miền Nam càng trở nên khẩn trương. Do đòi hỏi bí mật và tính chất quan trọng của việc mở tuyến vận tải thủy Bắc – Nam trên biển nên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trực tiếp nắm và chỉ đạo việc tổ chức mở đường mà không giao cho cơ quan trung gian nào.

Người được Quân ủy Trung ương giao trực tiếp chỉ đạo công việc là Trung tướng Trần Văn Trà – Phó Tổng Tham mưu trưởng. Giúp việc đồng chí Trần Văn Trà có đồng chí Nguyễn Quan Minh, đồng chí Lưu Đức (Tập đoàn đánh cá sông Gianh), đồng chí Phạm Thái Hòa (Ba Nhâm),… Cùng với số anh em đi bằng đường biển ra miền Bắc, thời gian này còn có một số đồng chí Khu 5, Khu 6 thông thạo nghề biển được lệnh vượt tuyến ra Bắc bằng đường bộ.

Chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của Đoàn tàu Không số trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Ngày 23/10/1961, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái thay mặt Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759. Từ đó, ngày 23 tháng 10 trở thành ngày truyền thống chính thức của Đoàn 759 trước đây và đoàn 125 sau này.

Đoàn được giao nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển. Trung tá Đoàn Hồng Phước được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng. Cơ quan đoàn có Ban tham mưu, Ban chính trị và Ban hậu cần. Ban tham mưu có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tòng, Phạm Thịnh, Trần Văn Lâu, Phan Tấn Mùi, Nguyễn Thanh Cang. Ban chính trị gồm 3 đồng chí: Trương Thế Ất, Nguyễn Hoàng Phát, Nguyễn Hồng Chùm. Ban hậu cần có các đồng chí: Phạm Long, Phạm Thế Chí. Do tính chất, nhiệm vụ đặc biệt nên Đoàn 759 đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của quân ủy Trung ương.

Ngay sau khi thành lập, đoàn đã tổ chức cho những đồng chí ở các đội tàu học tập văn hóa, kỹ thuật, chính trị, huấn luyện về hàng hải nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là năng lực đi biển và những hiểu biết về công tác này. Mặt khác, cán bộ đoàn tập trung soạn thảo đề án công tác. Cuối năm 1961, đề án công tác của đoàn soạn thảo đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thông qua. Những vấn đề chính được dự tính như sau:

Phương tiện vận chuyển: Trước mắt tận dụng những phương tiện thô sơ, nửa hiện đại, tổ chức nghiên cứu để có các đội tàu tương đối hiện đại, trọng tải lớn, có thể hoạt động quanh năm, không phụ thuộc vào thời tiết. Khi có thời cơ sẽ sử dụng những tàu có sức chở từ 200 tấn đến 500 tấn mỗi chiếc.

Phương châm hoạt động: Kết hợp hoạt động bằng phương thức hợp pháp và bất hợp pháp. Lấy hoạt động hợp pháp bằng phương thức chủ yếu. Quá trình vận chuyển phải chủ động, táo bạo, bất ngờ, hết sức lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng đến bến. Đồng thời phải có sẵn phương án thật mưu trí đối phó với địch khi bị lộ, kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần thì có thể nổ tàu để giữ bí mật.

Dự kiến khả năng đối phó quyết liệt của địch, Bộ quốc phòng cho phép đoàn, nếu gặp khó khăn, đưa được 50% số hàng đến nơi cũng là đạt yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi nghiên cứu, xem xét về mọi mặt: khả năng, phương tiện, con người và những kinh nghiệm, bài học rút ra từ những chiếc thuyền từ Nam Bộ ra, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định hướng đột phá của đoàn sẽ là Nam Bộ, sau đó sẽ phát triển ra Khu 6, Khu 5.

Với tên gọi “Đoàn tàu không số”, con đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển 150.000 tấn vũ khí, trang bị và 80.000 lượt cán bộ vượt biển vào Nam chiến đấu. Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường huyết mạch, nối liền hai miền Nam Bắc – đây là con đường của niềm tin tất thắng, con đường tự hào của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam. Qua thực tế vận chuyển của đoàn đã chứng tỏ quyết định đó của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ tích, là sự độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Năm tháng đã qua đi, nhưng kỳ tích về con đường vận chuyển chiến lược trên biển cùng với những chiến công chói lọi đánh Mỹ và thắng giặc Mỹ của dân tộc ta vẫn còn nguyên vẹn mãi mãi về sau.

 

Yên Yên

 

 

 


Số lượt người xem: 279 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày