Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 08/11/2021, 19:20

Hiến pháp năm 1946 - những giá trị còn mãi

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên ngày 03/9/1945, Bác Hồ đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Một trong 6 nhiệm vụ quan trọng đó là xây dựng Hiến pháp. Theo đó, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I vào ngày 02/3/1946, Quốc hội đã bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban. Ngày 09/11/1946, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước ta. Có thể nhận định rằng, Hiến pháp năm 1946 là bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ nhất ở Đông Nam Á thời kỳ này. Bởi vì, về nội dung, Hiến pháp thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về kỹ thuật lập pháp, bản Hiến pháp năm 1946 là một bản hiến văn ngắn gọn, súc tích gồm 7 chương với 70 điều, trong đó có điểu chỉ trọn vẹn có một dòng.

Việc thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta vào thời điểm bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp đang tới gần, đã cho thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng của bản Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 đã củng cố cơ sở pháp lý, tính hợp hiến và hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo thế và lực cho chính quyền trở thành vũ khí cần thiết nhất của Đảng và nhân dân trong việc bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn. Sau khi thông qua Hiến pháp, Quốc hội ra Nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban thường trực Quốc hội cùng với chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp khi có điều kiện thuận lợi.

Hiến pháp năm 1946 đã phản ánh thành quả của Cách mạng Tháng Tám, khẳng định quyền độc lập dân tộc và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một bản Hiến pháp tiến bộ, vì lầu đầu tiên trong lịch sử dân tộc, những nét đặc trưng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do và dân chủ được khẳng định. Đặc biệt, trong đó khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được thể hiện ngay trong Điều 1: “nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Tư tưởng lấy dân làm gốc là nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong bản Hiến pháp, đồng thời thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân. Các chế định này là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của tư tưởng dân chủ và đề cao tính dân tộc của nhà nước. Tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là tư tưởng chỉ đạo bao quát toàn bộ nội dung Hiến pháp, được thể hiện cụ thể trong các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy chính phủ từ Trung ương đến địa phương. Hiến pháp đề cao vai trò của Nghị viện nhân dân (Quốc hội), nhấn mạnh vai trò của Nghị viện trong việc giám sát Chính phủ; đề cao tính độc lập của hệ thống tòa án; phân quyền rõ nét và hợp lý cho chính quyền địa phương…

Hiến pháp 1946 phân tích, làm rõ những giá trị của các quy định về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, các quyền tự do dân chủ của con người được đạo luật cơ bản, đạo luật gốc ghi nhận và bảo đảm. Trong 7 chương của Hiến pháp thì chương về “Nghĩa vụ và quyền lợi của công dân” được xếp thứ hai (chương 2), gồm 18 điều, trong đó 16 điều trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều 6); đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình (Điều 7);… Đây cũng là lần đầu tiên, người dân Việt Nam được xác nhận có tư cách công dân của một nước độc lập, có chủ quyền.

            Với những chế định cụ thể, Hiến pháp năm 1946 đã tạo cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Tinh thần dân chủ của Hiến pháp đã góp phần tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ trong cả nước, tạo chỗ dựa về chính trị và pháp lý cho Nhà nước dân chủ nhân dân trong công cuộc vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Hiến pháp 1946 ra đời là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của Nhà nước Việt Nam. Để có thành quả như vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp nghiên cứu những văn bản tiêu biểu của nền lập pháp quốc tế. Từ những tri thức tích lũy được trong những năm bôn ba ở nước ngoài, trong những năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, Người đã chuẩn bị rất kỹ cho ngày thành lập quốc với bản tuyên ngôn độc lập năm 1945 và sau đó là bản Hiếp pháp năm 1946. Một bản Hiến pháp công nhận, bảo đảm quyền dân chủ thiêng liêng của công dân, phù hợp với tình hình, đặc điểm cách mạng Việt Nam và xu hướng tiến bộ văn minh trên thế giới.

Tại thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, mặc dù bản Hiến pháp năm 1946 chưa được công bố cho toàn dân thực hiện vì lý do chiến tranh, nhưng theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn áp dụng các quy định và tinh thần của Hiến pháp tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Hoạt động của bộ máy nhà nước về cơ bản phải tuân theo các quy định của Hiếp Pháp. Theo đó, bộ máy nhà nước xây dựng trên tinh thần dân chủ mới, bảo đảm quyền lực nhân dân (thực chất là công - nông, người lao động) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Nghị viện nhân dân và Hội đồng nhân dân là cơ sở nền tảng của bộ máy nhà nước. Trong đó, luật cơ bản của nhà nước trong điều kiện đặc thù cách mạng Việt Nam đã thể chế hóa đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời quy định cho Quốc hội những quyền hạn và nhiệm vụ rộng lớn được nêu rõ trong Hiến pháp 1946. Những quyền đó được ghi thành văn bản với các điều kiện bảo đảm thực hiện nền dân chủ theo xu thế tiến bộ của thời đại mới, kế thừa và phát triển truyền thống “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước” trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Chính việc áp dụng linh hoạt, một cách vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn này đã góp phần tạo nên những thành công của giai đoạn đầu tiên trong việc xây dựng và gìn giữ độc lập cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là tiền đề cho việc xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này.

Được thông qua ở giai đoạn đất nước vừa giành được độc lập nhưng chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, Hiến pháp 1946 có nhiều giá trị nhân văn và dân chủ chung của nhân loại mà các Hiến pháp sau này mỗi khi được xây dựng sửa đổi đều nghiên cứu, kế thừa. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có Hiến pháp 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản Hiến pháp được ban hành, về thực chất là sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm lập hiến cũng như những giá trị, pháp lý của Hiến pháp năm 1946.

                                                                                                                       

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 255 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày