Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 25/02/2022, 19:55

Hoàng Thái Hậu Từ Dụ - Từ người con gái đất Gò Công đến bậc mẫu nghi thiên hạ

Hoàng thái hậu Từ Dụ (tức Nghi Thiên Chương Hoàng hậu) tên thật là Phạm Thị Hằng. Bà sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh ngọ (tức ngày 20/6/1810) tại Gò Công (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Cha là Lễ bộ Thượng thư, Cần Chánh Điện Đại học sĩ, Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, một công thần của triều đình.

Sinh ra và lớn lên trong môi trường gia giáo, dòng dõi trâm anh vùng đất Gò Công. Từ nhỏ bà đã thích đọc sách nên tinh thông kinh sử, nổi tiếng là người hiền thục, hiếu thảo. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung để hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị). Vì thế bà sớm được tiếp thu và rèn luyện những phẩm hạnh tốt đẹp của người phụ nữ khéo biết sắp xếp, quản lý công việc hậu cung, giữ bổn phận người con dâu hiếu thảo, người vợ đoan chính, người mẹ hiền thục, hiểu rõ “đạo vợ chồng là luân thường quan trọng của con người, nên từ kính trọng yêu thương mới tới tình, lễ”.

Những câu chuyện về bà được ghi lại trong sử liệu triều Nguyễn đều phản ánh chân dung một người phụ nữ có những phẩm hạnh cao quý theo chuẩn mực Nho giáo, đặc biệt là sự tận tụy, trung thành và hiếu kính.

Hoàng thái hậu Từ Dụ sinh được ba người con, ngoài hai người con gái, bà chỉ có một người con trai duy nhất, đó là hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sau này là vua Tự Đức. Từ nhỏ, do thể trạng yếu nên ông được mẹ tận tay chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ. Cho nên, sau khi trở thành người kế vị ngai vàng, vai trò người mẹ vẫn vô cùng quan trọng đối với nhà vua. Những lời răn dạy của bà đều được nhà vua ghi chép cẩn thận thành tập sách mang tên Từ huấn lục và luôn mang theo bên mình để ghi nhớ lời mẹ dặn.

Trong hậu cung, bà không chỉ là người trực tiếp hướng dẫn, xếp đặt công việc của tam cung lục viện, mà còn tham gia ý kiến trong những việc trọng đại của hoàng thất như chọn con nuôi cho vua Tự Đức, đặt tên hay tấn phong phi, tần của nhà vua…

Tuy được nhà vua vô cùng tôn kính, giữ lòng thành hết lòng chăm lo chu đáo, nhưng Thái hậu Từ Dụ không vì thế mà chuyên quyền, tiêu xài hoang phí hoặc tìm cách vơ vét của cải. Trái lại, thấm nhuần đạo lý và hiểu rõ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu hậu cung. Luôn nghiêm khắc với bản thân, khoan dung với kẻ dưới, quan tâm chăm lo cho bá tánh. Đặc biệt không thích khoa trương, tiệc tùng linh đình tốn kém. Khi đất nước gian nguy, hậu cung cũng là nguồn an ủi, động viên và tiếp thêm sức mạnh để quân vương giữ vững tinh thần chiến đấu.

Tháng 6 năm 1883, vua Tự Đức băng hà giữa lúc đất nước lâm nguy, nội bộ triều đình rạn nứt trước áp lực của các quyền thần. Những thăng trầm của lịch sử dân tộc đã khiến khói lửa chiến tranh lan cả vào nơi cung cấm, ngai vàng trở thành vị trí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Triều đình Huế bước vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc trước khi trở nên suy tàn và hoàn toàn đánh mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp. Tính từ khi vua Tự Đức băng hà, Thái hậu Từ Dụ đã lần lượt trải qua 6 đời vua là: Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái. Trong suốt thời gian khó khăn ấy, với ngôi vị cao nhất hậu cung, bà vẫn sáng suốt khi tự xác định giới hạn cho mình trong việc can thiệp công việc của nội bộ hoàng tộc. Đồng thời bà cũng làm tốt vai trò là người giữ vững gia đạo, không để hậu cung can thiệp vào những biến cố của chốn triều đình, mà trở thành chỗ dựa tin cậy cho con cháu hoàng thất.

Bà mất ngày 5 tháng 4 năm Tân Sửu (nhằm ngày 22/5/1901), được triều đình Hoàng đế Thành Thái dâng thụy hiệu “Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương Hoàng hậu”. Được an nghỉ trong Lăng mộ có tên gọi Xương Thọ Lăng (lăng Thái hậu Từ Dụ) ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiện nay, các di tích gắn với cuộc đời bà từ khi còn sống cho đến khi qua đời đều được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới như: Cung Diên Thọ (Hoàng thành); lăng Xương Thọ (thuộc khu vực Xương Lăng của vua Thiệu Trị); điện Lương Khiêm (thuộc Khiêm Lăng – lăng vua Tự Đức). Ngoài ra, tên của bà còn được chọn đặt cho bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa của Việt Nam – Bệnh viện Từ Dũ. Và Di tích lăng mộ của dòng họ Phạm Đăng ở Gò Công, Tiền Giang cũng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Có thể thấy rằng, số phận và lịch sử đã chọn Thái hậu Từ Dụ làm nhân chứng lịch sử cho suốt 10 đời vua nhà Nguyễn, và đặt lên vai bà sứ mệnh của một người phụ nữ kiên cường, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù xuất phát từ ý muốn chủ quan hay do hoàn cảnh thúc đẩy, thì bà vẫn đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn ổn định hậu cung, nêu tấm gương mẫu mực của bậc mẫu nghi thiên hạ - thông minh, nghiêm từ, đôn hậu bậc nhất trong lịch sử nước nhà.

 

Trần Thủy

 

Tài liệu tham khảo: Từ huấn lục: Những ghi chép lời dạy của Hoàng Thái Hậu Từ Dụ.

 

 

 

 


Số lượt người xem: 15191 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày