Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 07/05/2022, 20:05

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng - Người thầy thuốc mẫu mực của nhân dân Việt Nam (10/5/1912 – 10/5/2022)

Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng sinh ngày 10-5-1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở quê nội, Thành phố Huế (Bình Trị Thiên), là một trí thức tài năng, một nhà khoa học lỗi lạc, một con người đã gắn bó cả cuộc đời mình với cách mạng, với nhân dân và có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Ông xuất thân từ một gia đình có dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, có nhiều điều kiện chọn lựa con đường đi cho bản thân mình. Nhưng từ rất sớm, lòng yêu thương con người và ý thức dân tộc, ý thức được “tự do” không phụ thuộc vào đám quan lại hay chính quyền thực dân đã khiến ông lựa chọn nghề y, một nghề rất vất vả, lắm chông gai, lại bị thực dân Pháp chèn ép, kìm hãm. Ngay từ khi còn là sinh viên Trường Y cho đến khi là bác sĩ ngoại trú, rồi bác sĩ nội trú, Tôn Thất Tùng đã luôn thể hiện sự say mê nghiên cứu khoa học, óc quan sát, tinh thần làm việc rất nghiêm túc khiến cho bao người cảm phục và kính trọng ông.

Năm 1931, ông ra Hà Nội theo học tại trường Trung học Bảo Hộ (Trường Bưởi – trường Chu Văn An ngày nay). Năm 1935, ông học tại trường y khoa Hà Nội – viện Đại học Đông Dương. Trong suốt thời gian từ 1935 đến 1939, chỉ bằng một con dao nạo thô sơ, ông đã phẫu thuật trên 200 lá gan của thử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẻ lại thành các sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa (1939) với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Pari (Trường Đại học Y – Dược Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận). Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Tôn Thất Tùng được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian đó ông đã viết cuốn sách “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật”. Đây là cuốn sách khoa học về ngành Y được xuất bản lần đầu tiên tại nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Ánh sáng và đôi mắt của Bác Hồ đã tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của ông, làm cho Tôn Thất Tùng chuyển biến theo con đường cách mạng, cả cuộc đời ông đã cống hiến cho khoa học, cho nghành y và cho việc xây dựng một nền y học Việt Nam vững mạnh. Trong những năm tháng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào của cuộc kháng chiến ông vẫn luôn giữ tâm hồn lạc quan của một người bác sĩ luôn hành nghề trong sự vô tư và thân thiết như lời thề Hipôrát, luôn tin tưởng và dành trọn cuộc đời mình cho niềm tin, cho lý tưởng mà ông đã lựa chọn. Óc quan sát tỉ mĩ, tinh thần làm việc nghiêm túc, sáng tạo, luôn tư duy, tìm tòi những vấn đề còn chưa được giải đáp, đặt vấn đề để tìm câu trả lời với tinh thần tự học hỏi, say mê, nghiên cứu là những phẩm chất quý giá để Giáo sư Tôn Thất Tùng hoàn thành các công trình khoa học xuất sắc, đóng góp vào việc xây dựng nền y học của nước Việt Nam độc lập.

Một thời gian sau, ông được cử làm giám đốc bệnh viện Phủ Doãn và cùng với giáo sư Hồ Đắc Di, ông đã bắt tay xây dựng Trường Đại học Y của nước Việt Nam độc lập. Sau khi thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược Đông Dương, ông tham gia tổ chức cứu chữa thương bệnh binh, xây dựng các tuyến mổ xẻ như ở mặt trận Tây Nam Hà Nội cùng các Bác Sĩ Nguyễn Hữu Trí, Hoàng Đình Cầu…Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ông vẫn tham gia tổ chức điều trị, phát triển ngành y tế, đồng thời với nghiên cứu khoa học, với đào tạo sinh viên, xây dựng nền tảng trường y khoa Việt Nam, dù phải di chuyển nhiều lần, ở nhiều địa bàn như Vân Đình, Hà Đông (1946), Lăng Quán, Tuyên Quang (1947), Phù Ninh, Phú Thọ (1949), Chiêm Hóa, Tuyên Quang (1950)…Ông còn được cử làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y cho Bộ Quốc Phòng. Cũng trong thời gian này, cùng với giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông đã nghiên cứu, góp phần sản xuất penicillin phục vụ thương bệnh binh trong điều kiện dã chiến.

Năm 1947, Giáo sư Tôn Thất Tùng được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế và giữ chức vụ này cho đến năm 1961. Từ năm 1954, Ông là Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Đại học Y Dược Hà Nội. Ông đề cao việc tiếp thụ y học phương Tây để xây dựng và phát triển nền y học của nước nhà, nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người Việt Nam, đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoạt khoa Việt Nam. Ông là người đầu tiên mổ tim ở Việt Nam (1958). Trong những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, thường được gọi là “phương pháp mổ gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng”. Ông cũng là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học điôxin đến con người và môi trường tại Việt Nam, phương pháp điều trị các vết thương do bom bi, phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và 123 công trình khoa học khác.

Là một bác sĩ hàng đầu, nhà khoa học lớn, với cương vị là Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng bác sĩ Tôn Thất Tùng luôn giản dị, gần gũi và chăm sóc bệnh nhân bằng một tình cảm đặc biệt như đối với người thân của mình. Với học trò, ông luôn ân cần, chỉ bảo tận tình, đào tạo nên lớp lớp các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại. Giáo sư Tôn Thất Tùng là một trong những người đầu tiên xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội của nước Việt Nam độc lập, ông đã gắn bó cuộc đời mình với công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học đến phục vụ con người.

Là một nhà khoa học lớn thường xuyên làm việc với bệnh nhân, với phẫu thuật, tiếp xúc với nỗi đau của con người nhưng Giáo sư Tôn Thất Tùng có một trái tim nhạy cảm và một tâm hồn thi sĩ. Trái tim ông luôn rung động trước những nỗi đau của con người, luôn yêu thương con người và luôn lạc quan dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Niềm tin tưởng, lạc quan đó ở ông luôn có sức lan tỏa, cảm hóa lớn đối với những người xung quanh, với bạn bè, đồng nghiệp, học trò và cả những bệnh nhân và người nhà của họ.

Vào ngày 7-5-1982, sau một cơn đau tim Giáo sư Tôn Thất Tùng đã trút hơi thở cuối cùng  tại Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi và an táng tại nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội.

Với những công lao, đóng góp to lớn của ông đối với nền y học Việt Nam, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, nhiều huân chương, huy chương cao quý, nhưng trên tất cả đối với ông đó là được đem sức của mình để phục phụ nhân dân, được đóng góp công sức vào sự phát triển của khoa học Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng nhắc lại những kỷ niệm về ông, ôn lại những bài học mà ông đã dạy, tìm hiểu thêm về những chặng đường đến với khoa học, với cách mạng Việt Nam để chúng ta thêm cảm phục tài năng, trí tuệ, đức độ của một nhà khoa học chân chính, một tài năng lớn mà quá đỗi bình dị, gần gũi, thân quen. Ông luôn là tấm gương sáng ngời để lớp lớp các thế hệ học trò Trường Y, các cán bộ đảng viên, bác sĩ phấn đấu học tập và noi theo./.

 

Mai Mai

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3045 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày