Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 10/06/2022, 21:25

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng (11/6/1912 – 11/6/2022)

Đồng chí Phạm Hùng sinh ngày 11-6-1912 tại Ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình thuộc tầng lớp trung nông lớp dưới. Ông là một trong những nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, của dân, kiên cường, trung hiếu, suốt đời hoạt động đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ tuổi thanh xuân đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, vào Đảng tham gia hoạt động ở nhiều cơ sở, đặc biệt những năm tháng từ năm 1931 trở đi, với bản án tử hình, tù trung thân, đồng chí đã từng trải qua tù đày, giam cầm ở Côn Đảo. Trong gian khổ, đồng chí đã được tôi luyện thử thách, trưởng thành về ý chí và kiến thức cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với ý chí sắt đá, tinh thần lạc quan, tâm hồn trong sáng, cuộc sống giản dị, anh đã vượt qua mọi thăng trầm, chiến đấu không mệt mỏi, đắm say trong công việc. Đồng chí tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh, xứng đáng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 20-10-1930, do những hoạt động yêu nước và cách mạng, đang học năm thứ tư ở Trường trung học Mỹ Tho, đồng chí đã bị Thống đốc Nam Kỳ ra quyết định đuổi học. Năm 1930, ở tuổi 18, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Một năm sau đó, ở tuổi 19, đồng chí đã bị địch bắt và tòa đại hình Pháp kết án tử hình. Do dư luận xã hội và cả dư luận trong chính giới Pháp đối với việc kết tội một học sinh, nhất là cuộc vận động rầm rộ của Đảng Cộng sản Pháp đòi xóa bỏ án tử hình cho tù chính trị phạm ở Đông Dương, đồng chí Phạm Hùng được chuyển từ án tử hình sang án tù chung thân cầm cố và đày ra Côn Đảo cho đến cuối năm 1945 mới được giải thoát trở về Nam Bộ hoạt động. Gần 15 năm bị thực dân Pháp giam cầm đã tôi luyện đồng chí Phạm Hùng trở thành con người sắt thép, khí phách hiên ngang. Từ Côn Đảo trở về đất liền, ở tuổi 33, đồng chí được chỉ định tham gia Xứ ủy và năm 1946 được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Từ Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí thành lập bộ phận công an cách mạng, sau này là Nha Công an Nam Bộ.

Năm 1946, sau khi đồng chí Lê Duẩn từ Hà Nội được Trung ương phân công trở lại trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam, tổ chức Đại hội Đảng bộ Xứ và được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên thường vụ Xứ ủy. Cuối năm 1948, đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu phái đoàn của Nam Bộ ra Việt Bắc báo cáo và chuẩn bị tham dự Đại hội II của Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng họp ở Việt Bắc tháng 2 -1951, đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và là một trong số 19 ủy viên chính thức. Sau Đại hội II, Trung ương thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Ủy viên, sau đó làm Phó Bí thư Trung ương Cục.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau 9 năm trường kỳ gian khổ kết thúc thắng lợi với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ tháng 7-1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng chí được cử làm trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và năm 1955 làm Trưởng phái đoàn liên lạc của quân đội ta với Ủy ban quốc tế tại Sài Gòn.

Tháng 9-1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được Đảng phân công làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương thay đồng chí Lê Đức Thọ. Từ đây cho đến lúc qua đời (ngày 10-3-1988), qua các Đại hội III, Đại hội IV, Đại hội V, Đại hội VI, đồng chí liên tục là Ủy viên Bộ Chính trị, được Đảng phân công giữ nhiều trọng trách khác nhau. Năm 1957, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng và đến tháng 4-1958, được cử làm Phó Thủ tướng chính phủ cho đến cuối năm 1967. Hơn 9 năm trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí hết lòng chăm lo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Bí thư Trung ương Cục miền Nam đột ngột qua đời, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị và Bác Hồ lựa chọn giao ghánh vác trọng trách mới: Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, quân và dân ta đã tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên khắp miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ tại hội nghị Pari.

Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện tinh thần linh hoạt, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường, gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thực hiện trọn vẹn tâm nguyện của Bác Hồ đưa non sông Việt Nam về một mối.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược, giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trên mọi cương vị công tác, đặc biệt trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Hùng đã lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu bạo loạn, lật đổ các thế lực thù địch và phản cách mạng thời hậu chiến, giữ gìn sự bình yên cho đất nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (tháng 6-1987), đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới.

            Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng. Đồng chí khẳng định trước Quốc hội: Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân. Hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng cùng tập thể Hội đồng Bộ trưởng trong thời kỳ đầu đổi mới, đã chèo chống đưa con thuyền cách mạng nước ta vượt qua bao thử thách khó khăn. Bằng trí tuệ và nhiệt tình cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, với nhân dân.

Giữa lúc nhân dân miền Bắc thiếu đói trầm trọng, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã trực tiếp vào miền Nam thu mua lúa gạo và tổ chức vận chuyển ra Bắc thì đột ngột qua đời vào ngày 10-3-1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 76 tuổi.

Vậy là một người con ưu tú của dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo có úy tín lớn của Đảng và Nhà nước, một con người ngay thẳng, trong sáng, thủy chung, người học trò mẫu mực của Bác Hồ vĩ đại đã vĩnh viễn ra đi. Công lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng nước ta là vô cùng to lớn. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng mãi mãi là một tấm gương cao đẹp để cho các thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo.

 

Mai Mai

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3234 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày