Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Chào Mừng Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20-10 Thứ Tư, 14/10/2015, 13:50

Nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định

Việt Nam là dân tộc đã trải qua hơn 4.000 năm lịch sử hào hùng. Trong suốt chặng đường dài ấy, dù ở bất cứ thời điểm nào, phụ nữ Việt Nam luôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Không chỉ "giỏi việc nước", phụ nữ Việt Nam còn có truyền thống "đảm việc nhà”, là tấm gương bao dung, nhân hậu, hết lòng vì gia đình; chăm lo, gìn giữ những giá trị của người Việt được trao truyền qua nhiều thế hệ; bảo vệ và nuôi dưỡng cái nôi văn hóa của dân tộc Việt Nam. Qua nhiều thế kỷ đấu tranh bền bỉ không ngừng, cả trong thời chiến lẫn thời bình, vị thế trong xã hội của người phụ nữ ngày càng được nâng cao và ghi nhận. Một trong những tấm gương tiêu biểu và sáng ngời ấy là nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định.

 

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15 tháng 3 năm 1920, xuất thân trong một gia đình nông dân tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà còn được gọi là Ba Định, (bí danh Bích Vân, Ba Tấn, Ba NhấtBa Hận. Năm 1936, được sự dìu dắt của người anh ruột là Nguyễn Văn Chẩn, bà tham gia phong trào Đông Dương đại hội như đi liên lạc, rải truyền đơn, vận động bà con chống sự áp bức ở địa phương. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, chồng bà bị đối phương bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh ở đó. Vào thời điểm mở ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bà bị thực dân Pháp đày ở nhà lao Bà Rá. Sau đó do bị bệnh nên bà được trở về quê và chịu sự quản thúc của chính quyền địa phương. Năm 1944, bà bắt liên lạc được với tổ chức cách mạng rồi tiếp tục hoạt động. Năm 1946, bà là người phụ nữ Nam bộ có mặt trong đoàn đại biểu miền Nam ra gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy còn ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên bà được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện, Bà là người phụ nữ đầu tiên chở chuyến vũ khí từ Trung ương chi viện vào Nam theo đường biển. Từ đó tên tuổi của bà đỏ thắm “đường Hồ Chí Minh trên biển”.

 Cách nay đúng 55 năm, ngày 17-1-1960, phong trào Đồng Khởi đấu tranh bất
khuất của nhân dân miền Nam bắt đầu từ Bến Tre. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ và tay sai đã đàn áp, đánh phá khốc liệt phong trào cách mạng trong tỉnh. Có thể nói trên chiến trường miền Nam, đây là giai đoạn đã đổ nhiều máu và nước mắt. Trên địa bàn Bến Tre, chúng xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh, quận, tổng, hội đồng xã, ấp, đến ngũ gia liên bảo; quản lý nhân dân ta bằng phân loại từng gia đình theo “quốc gia”, lừng chừng, theo “Việt cộng”. Chúng hình thành các tổ chức đảng phái như Đảng cần lao, Nhân vị; phong trào cách mạng quốc gia; thanh niên cộng hòa, phụ nữ cộng hòa và xây dựng 4 khu trù mật, trên 300 đồn bót ở khắp các địa bàn. Đồng thời, liên tục đánh phá cơ sở cách mạng, đàn áp, bắn giết những người kháng chiến và đồng bào ta vô cùng dã man, tàn ác, không trừ một thủ đoạn thâm độc nào. Đêm trước Đồng khởi nổ ra, trên 3 dãy cù lao xứ dừa là một cảnh tượng điêu tàn, đổ nát, nhân dân Bến Tre sống trong cảnh tang tóc, đau thương không sao kể siết. Lòng căm thù giặc sôi trào, dồn nén trong lòng mọi người.

Phong trào Đồng khởi bắt đầu bùng nổ ngày 17/1/1960 tại 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sau đó phong trào đã lan rộng ra 47 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Bến Tre. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Bến Tre, lực lượng phụ nữ đã giành quyền kiểm soát 22 xã, phá Ấp chiến lược, giành quyền làm chủ cho 22 xã khác. Trong cuộc nổi dậy này, Nguyễn Thị Định trở thành một nhà lãnh đạo tài năng và là biểu tượng của Đội quân tóc dài trên khắp các mặt trận đấu tranh chính trị, phong trào du kích chiến tranh, lúc này Bà là Phó Tư lệnh các lực lượng võ trang miền Nam. Phong trào Đồng Khởi thắng lợi đã giáng một đòn mạnh vào chính sách thực dân mới của Mỹ, làm thất bại hoàn toàn chiến tranh đơn phương của Mỹ, Diệm và đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Với tài năng và đức độ, năm 1966, Nguyễn Thị Định vinh dự được Hồ Chủ tịch gọi là nữ tướng anh hùng.

 

 

Với 72 tuổi đời và 56 năm hoạt động cách mạng kiên cường không biết mệt mỏi, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, với đức tính khiêm tốn, nhân hậu, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, đồng chí là một trong những phụ nữ tiêu biểu, là người lãnh đạo có uy tín được nhân dân, chiến sĩ và phụ nữ cả nước cũng như bạn bè trên thế giới kính trọng. Những đóng góp to lớn ấy đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý và nhiều huân chương cùng giải thưởng hòa bình do các tổ chức quốc tế trao tặng.

Cuộc khởi nghĩa Đồng Khởi đã qua đi 55 năm, những người trong cuộc, những nhân chứng lịch sử, thế hệ hôm nay và cả mai sau luôn nhớ về thời khắc lịch sử "Đồng Khởi - Bến Tre" mà nhân vật tiêu biểu là nữ tướng Nguyễn Thị Định. Tên tuổi và hình ảnh của bà gắn với một giai đoạn lịch sử đau thương mà anh dũng của miền Nam, của phụ nữ Việt Nam “Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đảng”. Hướng đến kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, chúng ta lại có dịp thêm một lần nữa ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc mà trong đó có một phần vai trò không nhỏ của phụ nữ, đây cũng chính là dịp thể hiện tình cảm yêu thương, trân trọng, là lời tri ân của tất cả chúng ta gửi tới anh linh Bà trong dịp kỷ niệm 55 năm phong trào Đồng Khởi, Bến Tre và 95 năm ngày sinh của vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định.

Như Quỳnh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1293 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày