Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Ba, 25/08/2015, 08:15

Người Hoa ở Biên Hòa – tín ngưỡng và lễ hội

Biên Hòa là địa bàn có đông dân cư sinh sống với tổng diện tích 263,55 km2, dân số 904.060 người (theo số liệu thống kê 2014). Thành phần dân tộc khá đa dạng với hơn 40 dân tộc cộng cư, trong quá trình sinh sống họ đã xây dựng nên những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khá phong phú với nhiều loại hình, quy mô và kiểu kiến trúc khác nhau... Trong đó, cộng đồng người Hoa (người Tàu, Ba Tàu, Minh Hương, người Hẹ,…) ở Biên Hòa là một trong những cộng đồng đã góp phần làm đa dạng sắc thái tộc người, làm phong phú thêm về văn hóa cho Đồng Nai.

Theo sử sách, người Hoa đến Đồng Nai từ thế kỷ thứ 17, cụ thể được định vị vào năm 1679. Mùa xuân, tháng Giêng, năm 1679 (Kỷ Mùi), Tổng binh trấn thủ các địa phương thủy lục ở Long Môn tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến; cùng Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên) và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng xin chúa Nguyễn cho tỵ nạn trên đất Việt. Đây là nhóm người Hoa trung thành với nhà Minh, không chịu thần phục nhà Thanh nên đã nổi dậy phất cờ “bãi Mãn phục Minh” nhưng bất thành. Thấy họ lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt, chúa Nguyễn cho phép họ nhập cư. Chúa Nguyễn tiếp đãi nhóm người Hoa này và sai các tướng Vân Trình, Văn Chiêu hướng dẫn cho họ vào đất Đông Phố để mở mang, sinh sống. Binh thuyền tướng sĩ của Dương Ngạn Địch theo cửa Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu đến định cư ở Mỹ Tho; binh lính tướng sĩ Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Gìơ đến định cư ở Bàn Lân xứ Đồng Nai (tức Biên Hòa ngày nay).

Từ cuối thế kỷ XVII cho đến những năm cuối thập niên 70, thế kỷ XX, số lượng người Hoa đến Biên Hòa ngày càng tăng qua nhiều đợt di dân. Từ sau năm 1975, có 3.331 hộ gồm 17.647 khẩu. Đến năm 2006 (theo thống kê dân số 2006) thì tổng số người Hoa ở Đồng Nai là 17.576 hộ gồm 111.456 khẩu. Người Hoa có mặt hầu hết các đơn vị phường, xã, thị trấn của các huyện, thành phố thuộc địa bàn Đồng Nai. Riêng thành phố Biên Hòa có 1.354 hộ gồm 7.876 khẩu. Trong số này, nhóm người Hoa đến trước năm 1954 chiếm đa số và có mặt hầu hết tại địa bàn xã, phường và mỗi bang đều có cơ sở tín ngưỡng chung cũng là hội quán của cộng đồng. Nhóm cộng đồng người Hoa đến sau năm 1954 cư trú chủ yếu tại địa bàn phường Tân Phong và Bình Đa.

Từ khi đặt chân đến đất Biên Hòa, nhóm người Hoa đầu tiên bắt đầu tạo lập cuộc sống trên vùng đất mới. Bao thế hệ người Hoa từ đoàn di dân buổi đầu tiên trên đến những đợt di cư do nhiều biến cố xã hội sau này (trong đó có cộng đồng người Hoa trước đây sinh sống tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam, đến Đồng Nai từ cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, thế kỷ XX) đã cùng nhau khẩn khai, xây dựng vùng “tị địa” trước xa lạ trở thành “quê hương” thân quen. Hành trang đến với vùng đất phương Nam của nhóm lưu dân người Hoa ngoài sự cần cù, nhẫn nại, khéo léo trong buôn bán để mưu cầu cuộc sống no ấm, họ còn mang trong tâm thức mình hình ảnh của tổ tiên, thần, thánh, tập tục, tín ngưỡng. Do vậy, khi đã ổn định và thành công trong cuộc sống, người Hoa xây dựng nhiều ngôi chùa, đền miếu để tỏ lòng thành, ghi nhớ công lao với tổ tiên, phúc thần mà chính họ quan niệm rằng, đã giúp đỡ, chở che cho cộng đồng người Hoa trong suốt chặng hành trình đầy hiểm nguy và con đường lập nghiệp nơi vùng đất mới.

Về tín ngưỡng cộng đồng của người Hoa ở Biên Hòa cũng rất phong phú. Tùy theo đặc điểm mỗi bang, hội hay dòng họ mà người Hoa xây dựng những cơ sở thờ tự để cộng đồng thờ bái, cúng viếng. Các đối tượng được thờ cúng trong các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa ở Biên Hòa thường gặp như: Những người đã chết được thờ cúng bằng linh vị; Ông Bổn (Ông Tổ, thần Thổ Địa/Tam bảo Thái giám Trịnh Hòa…); Thổ thần; Quan Đế thánh quân; Quảng Trạch Vương; Trần Thượng Xuyên; Địa Tạng; Án thủ công công; Các vị tổ nghề (tổ nghề đá, tổ nghề Mộc, tổ nghề rèn); Thái Tuế…

Tín ngưỡng thờ Ông/Quan Đế thánh quân - Quan Vân Trường (một con người được tôn thánh của lòng trung nghĩa, tài đức vẹn toàn) được cụ thể hóa bằng các đền, chùa khá phổ biến ở Biên Hòa. Có thể xem sự tồn tại của những ngôi miếu/ chùa thờ Quan Công sẽ nhận diện được vùng này có cộng đồng người Hoa sinh sống. Ở Đồng Nai, tồn tại nhiều ngôi chùa Ông mà điển hình ở Phước Thiền, Bến Gỗ, Cù lao Phố, Bến Cá. Chùa Ông ở Cù Lao Phố là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là cơ sở văn hóa tín ngưỡng được xây dựng sớm và có quy mô lớn của người Hoa. Bên cạnh tín ngưỡng thờ Ông qua đền, chùa, cộng đồng người Hoa còn thờ các vị nhân thần khác có gốc tích từ quê nhà. Di tích Phụng Sơn tự ở Thành phố Biên Hòa là một điển hình của người Hoa bang Phúc Kiến.

Đồng thời với tín ngưỡng thờ Ông, cộng đồng người Hoa còn có tín ngưỡng thờ Bà - mà nhân vật được tôn thờ là Bà Thiên Hậu. Hầu hết các di tích tín ngưỡng của người Hoa ở Đồng Nai đều có miếu thờ Bà ở bên cạnh. Nguyên ủy bà Thiên Hậu là một nhân vật tài năng nhưng chết trẻ và thường hiển linh cứu độ người dân đi biển khi gặp bão dông, tai ương. Có lẽ, cảm ứng trước sự linh ứng, lòng trắc ẩn và cũng có thể quan niệm chính bà Thiên Hậu đã độ trì giúp cho họ trong chuyến vượt biển tìm đến nước Nam mà cộng đồng người Hoa ở vùng đất Biên Hòa đã không quên lập miếu tôn thờ. Ở Đồng Nai miếu thờ bà Thiên Hậu khá phổ biến. Nhưng có lẽ di tích tiêu biểu và quy mô phải kể đến Thiên Hậu Cổ Miếu ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Nơi đây, vốn là một ngôi miếu nhỏ của những người Hoa bang Hẹ làm nghề đá tạo dựng để thờ Tổ sư Ngũ Đăng. Sự linh ứng của bà Thiên Hậu thu hút nhiều người tôn thờ nên người Hẹ đã rước Bà vào phối tự tại di tích. Ngoài ra, còn thờ cúng các bà Thánh, Bà Quan Âm…

Lễ hội của Người Hoa bao gồm các lễ Vía Quan Đế hiển thánh (một năm, Quan Đế có ba ngày lễ vía (theo âm lịch): ngày 13/1, ngày 13/5 và ngày 24/6, lễ vía ngày 24/6 là lễ vía được tổ chức long trọng, kéo dài trong hai ngày; Lễ vía Thiên Hậu có ngày lễ vía ngày sanh Thiên Hậu (23/3 âm lịch), lễ cúng chay Thiên Hậu đáo lệ 3 năm được tổ chức 1 lần, thời gian kéo dài 4 ngày từ ngày 10-13/6 (âm lịch) đây là lễ hội có tính chất đa hợp: vía bà thiên hậu, cúng tổ nghề với mục đích cầu an, cầu siêu; Lễ vía Quan Âm cũng có 3 lễ vía vào các ngày 18 và 19 tháng 2 (âm lịch) là lễ vía ngày sanh Quan Âm, Lễ Quan Âm nhập đạo được thực hiện vào ngày 18, 19 tháng 6 (âm lịch) và ngày 18, 19 tháng 9 (âm lịch); lễ Tả tài phán mục đích của lễ hội là cầu an, cầu siêu tùy theo địa phương nơi xảy ra những sự kiện, biến cố hay dịch bệnh thì tại nơi đó mời thầy về cúng cầu an, cầu siêu giúp cư dân tai qua nạn khỏi, khỏe mạnh, bình an…

Trên cơ sở tín ngưỡng và lễ hội phong phú cộng với sự dung hợp của nhiều quan niệm tín ngưỡng trong các lễ hội đã tạo nên sự đa dạng trong đời sống tinh thần, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc đặc biệt của cộng đồng người Hoa nói riêng đồng thời làm phong phú đa dạng thêm bản sắc văn hóa của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

 

Đinh - Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3049 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày