Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Tư, 28/10/2015, 08:25

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY TRÒ CHƠI DÂN GIAN CHO TRẺ EM VÙNG NÔNG THÔN, DÂN TỘC THIỂU SỐ

Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam và gia đình Việt có vô vàn trò chơi độc đáo, hữu ích dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với trẻ em. Trẻ em có hai nhu cầu cơ bản thường đi đôi với nhau là họcchơi. Đặc điểm lứa tuổi khiến cho chơi là hoạt động rất tự nhiên trong cuộc sống của trẻ trở thành một hoạt động tích cực nhất, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em các dân tộc thiểu số ngày nay phải hiểu được ở cả ba khu vực nhà trường, cộng đồng và gia đình. Vui chơi giải trí gắn liền với việc giáo dục nhận thức, nâng cao thẩm mỹ, rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng tình cảm, giáo dục thể chất cho trẻ em. Quan niệm học mà chơi, chơi mà học, lao động gắn kiền với giải trí, trong sinh hoạt gia đình cộng đồng càng không thể thiếu các trò chơi dân gian. Hiện nay, các trò chơi dân gian của các dân tộc ít được chú trọng trong sinh hoạt đời sống của trẻ em nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ rơi vào quên lãng ở một số vùng địa phương miền núi.

Chính vì vậy, ngoài việc tổ chức các trò chơi, thể thao hiện đại cần thiết phải khôi phục, bảo tồn, phát triển các hình thức trò chơi dân gian của trẻ em các dân tộc thiểu số. Trò chơi thể thao giải trí truyền thống dành cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi rất phong phú và đa dạng, dễ phù hợp rất bổ ích và lý thú. Tùy theo hoàn cảnh, đặc điểm địa phương, dân tộc, lứa tuổi mà có thể tổ chức các trò chơi khác nhau. Đối với vùng dân tộc thiểu số ngoài các trò chơi thuần chất thể thao như: Vật, đẩy gậy, bắn nỏ, bắn cung, nhảy qua suối, vật tay, bơi lặn còn có một số trò chơi thể thao gắn liền với các tiết mục văn hóa, nghệ thuật như: nhảy sạp (dân tộc Thái), múa rồng, múa lân, múa sư tử (dân tộc Tày, Nùng, Hoa), múa khèn (dân tộc Mông). Nhu cầu vui chơi ở trẻ em nói chung và trẻ em vùng dân tộc thiểu số nói riêng rất lớn và rất cần thiết trong việc phát huy trí lực, tình cảm, đạo đức trẻ em như: Trẻ em dân tộc Thái chơi trò “bắn trái bưởi”. Trò chơi này giúp các em trai luyện tập phản ứng nhanh nhẹn và rèn sức khỏe. Trẻ em Sán Dìu cũng thường chơi trò “bắn vẹt gỗ”. Trò chơi này rèn luyện cặp mắt tinh tường và óc phán đoán chính xác, đôi bàn tay khéo léo cho người chơi. Các em thiếu nhi dân tộc Tày chơi trò “đố lá” giúp trẻ rèn sự nhanh trí, kích thích óc phán đoán và nhận biết cây cối và công dụng của cây cối. Đối với dân tộc Khowme trẻ em ở đây thường chơi trò gánh lúa qua cầu nhằm đề cao tình yêu lao động và tạo ra sự vui tươi thoải mái… Hệ thống các trò chơi dân gian của các dân tộc rất phong phú và đa dạng (bao gồm trò chơi giữa hai người, giữa các tốp với nhau) như: Ném còn, đánh quay, ném pao, đánh mảnh, chơi đu, bịt mắt bắt dê, kéo co, cướp cờ…

Có thể nói rằng: Trò chơi dân gian không không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ mà còn góp phần hình thành nhân cách cho trẻ. Đưa trò chơi dân gian vào trong các hoạt động vui chơi để khai thác hết vai trò giáo dục của trò chơi trong việc giáo dục trẻ. Làm thỏa mãn và phát triển nhu cầu vận động, năng lực sáng tạo của trẻ; thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, nhu cầu giao tiếp giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Đồng thời giúp các em ý thức tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, giáo dục chuẩn mực xã hội và các quy định trong mối quan hệ tập thể cộng đồng với cá thể thông qua mối quan hệ giữa các “vai đóng” trong trò chơi. Trò chơi dân gian rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật trong khi chơi thông qua các việc tuân thủ các luật lệ chơi. Vui chơi giải trí gắn kết với cá thể với gia đình, cộng đồng, nhà trường, xã hội, kích thích sự hứng thú tạo đà cho việc học tập, rèn luyện và tham gia lao động của trẻ em. Chính vì thế vai trò của người sưu tầm, tổ chức, hướng dẫn, luyện tập, trọng tài, giám sát, khuyến khích động viên các em vui chơi là rất quan trọng, đóng vai trò chủ đạo. Ở gia đình ngoài tổ chức góc học tập còn cần thiết phải tổ chức góc vui chơi giải trí cho trẻ em. Ngày nay, nhiều gia đình ở miền núi đã có nơi vui chơi giải trí cho gia đình, cộng đồng tại nhà để xem ti vi, nghe đài, đọc sách báo, nghe nhạc dân gian, giân ca… Ngoài việc hướng trẻ tham gia các trò chơi giải trí trong gia đình cũng cần dành cho các em góc giải trí riêng, góc giải trí có thể trang trí những hình ảnh vật dụng mà các em yêu thích. Có thể gắn liền góc học tập với góc vui chơi cho trẻ em. Người lớn trong gia đình cần dành thời gian vui chơi với các em, tham gia làm các dụng cụ đồ chơi dân gian truyền thống cho trẻ em làm phong phú thêm góc vui chơi giải trí trong gia đình. Những việc làm này vừa mang tính giáo dục trẻ, vừa góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân gian của trò chơi truyền thống trong gia đình.

Ở khu vực cộng đồng, hiện nay các làng, hiện nay các làng bản buôn đã có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Những tụ điểm này thường là nơi làm việc hội họp của chính quyền, đoàn thể, và sinh hoạt của đội văn nghệ, người lớn tham gia là chủ yếu. Chính vì vậy rất cần thiết phải dành quỹ đất ở làng bản buôn làm sân chơi cho trẻ em sinh hoạt giải trí. Ở các tụ điểm sinh hoạt cộng đồng của trẻ cần có những dụng cụ luyện tập thể thao, vui chơi giải trí để có đủ điều kiện tổ chức cho từ một đến nhiều nhóm chơi cho các em. Các trò chơi dân gian thường ít tốn kém kinh phí và dễ có điều kiện tổ chức hơn vì vật dụng có thể khai thác huy động sẵn có tại chỗ. Trò chơi thường rất phù hợp với tâm lý trẻ em, phù hợp địa hình khí hậu ở địa phương và có mức hấp dẫn lôi cuốn trong cộng đồng dân cư tham gia cổ vũ. Ngành giáo dục đào tạo, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức giao lưu, hội thi cho các em lồng ghép nội dung trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc. Cần có công trình nghiên cứu khoa học về trò chơi dân gian miền núi dân tộc thiểu số. Các nhà sản xuất cũng cần có sự nghiên cứu các dụng cụ thể thao vui chơi giải trí phù hợp cho trẻ em trong từng vùng. Cần thiết cần có những cuốn sách hướng dẫn tổ chức các trò chơi truyền thống để phổ cập rộng rãi tới trẻ em ở khu vực gia đình, nhà trường và cộng đồng. Trong xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em bị bó hẹp ở khu vực gia đình và một phân rất nhỏ ở khu vực cộng đồng dân cư chòm bản.

Trong xã hội mới, vai trò của nhà trường và đoàn đội được đề cao thì vai trò của gia đình và cộng đồng do không được khuyến khích nên đã sao nhãng, thưa vắng. Dưới thời bao cấp đã có sân kho hợp tác xã làm tụ điểm cho trẻ em vui chơi. Khi bước vào khoán mới, đất ruộng, đất rừng giao khoán, sân kho không còn nên tụ điểm vui chơi của trẻ em ở bản làng cũng bị co hẹp.  Hoạt động sinh hoạt văn hóa thể thao , vui chơi giải trí truyền thống lành mạnh ở gia đình bị mai một, lãng quên. Ngày nay trẻ em vùng nông thôn, dân tộc thiểu số ít được nghe ông bà, cha mẹ kể truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười dân gian, hướng dẫn các trò chơi dân gian… Đó là những nguy cơ không nhỏ dẫn đến việc mai nhạt dần bản sắc văn hóa dân tộc trong trẻ em dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, cần tích cực tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí cho các em vùng dân tộc. Hỗ trợ văn hóa nhận thức cho trẻ em miền núi, dân tộc thiểu số bằng cách xây dựng điểm về tủ sách thiếu nhi, nhóm bạn xem truyền hình, nghe đài, nhóm bạn đọc sách ở các bản thôn. Phát động phong trào quyên góp, phiếu tặng sách báo, sản phẩm văn hóa phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức các tụ điểm vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian phù hợp với từng vùng; tổ chức tốt các sinh hoạt văn hóa thể thao cộng đồng ở nhà trường, đoàn đội, làng bản vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời khơi dậy tiềm năng văn hóa gia đình để nâng cao đời sống tinh thần cho trẻ em vùng nông thôn, dân tộc thiểu số. Để các em có điều kiện đóng góp phấn đấu bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc mình, đồng thời giao lưu hội nhập với các dân tộc anh em xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phát triển ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số.

Yên Yên

 

 


Số lượt người xem: 1519 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày