Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Ba, 09/03/2021, 21:05

Áo dài - Trang phục tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam

Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Trải qua từng thời kì phát triển của lịch sử, áo dài luôn không ngừng biến đổi, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng biệt nhưng vẫn đảm bảo tôn được vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của người phụ nữ Việt. Phát triển qua rất nhiều năm tháng áo dài đã trở thành nét đặc trưng của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam

Từ ngàn xưa, áo dài được xem là trang phục truyền thống của người Việt Nam, được đông đảo người Việt ở mọi lứa tuổi ưa chuộng và mặc không những đi học đi làm mà còn được mặc trong những sự kiện đặc biệt. Cũng giống như lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, tà áo dài đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước và có sự thay đổi rất nhiều so với những ngày đầu tiên xuất hiện nhưng vẫn luôn giữ được nét văn hóa rất đẹp, rất Việt Nam.

Áo dài trước thời Nguyễn: Áo dài được cho là xuất hiện đầu tiên vào những năm 38-42 SCN. Trong giai đoạn này, áo dài thường được gắn liền với hình ảnh Hai Bà Trưng mặc ra chiến trường, đánh giặc Hán giành độc lập cho nước nhà.

Áo dài thời Nguyễn, gồm có áo dài tứ thân và áo dài ngũ thân:

Vào thời điểm vua Nguyễn Phúc Khoát đã lên ngôi và cai trị vùng đất phía Nam. Miền Bắc được cai quản bởi chúa Trịnh ở Hà Nội, người dân ở đây mặc áo giao lĩnh, trang phục mang nét tương đồng với người Hán. Có lẽ sự xuất hiện của áo dài bắt nguồn từ áo giao lãnh – là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo giao lãnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.

Nhằm phân biệt giữa Nam và Bắc, vua Nguyễn Phúc Khoát đã yêu cầu tất cả phụ tá của mình vận quần dài bên trong một chiếc áo lụa. Bộ váy này kết hợp giữa trang phục người Hán và Chămpa. Có thể đây là hình ảnh của bộ áo dài đầu tiên.

Đến thời vua Gia Long, chiếc áo dài ngũ thân dần xuất hiện dựa trên áo tứ thân. Thiết kế này bao gồm 2 tà ở sau, 2 tà ở trước và một tà váy ẩn dưới tà trước. Đây cũng là bộ váy đầu tiên có xẻ tà ở eo, một trong những điểm đặc biệt trong áo dài hiện đại. Không giống như những thiết kế sau này, áo ngũ thân ít ôm hơn và cũng ngắn hơn áo dài bây giờ. Loại áo này thường được may thêm một tà nhỏ để tượng trưng cho địa vị của người mặc trong xã hội. Giai cấp quan lại quý tộc thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với các tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội.

Áo dài truyền thống Việt Nam (từ 1970 đến nay): Qua các thời kỳ áo dài Việt Nam có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách (được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân…) Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được.

Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động Tuần lễ Áo dài2021 trên toàn quốc. Theo đó, từ ngày 1-8/3/2021, các địa phương vận động cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nữ công chức, viên chức, phụ nữ mọi lứa tuổi hưởng ứng mặc áo dài khi đến công sở, trường học, tham gia các sự kiện và hoạt động khác phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19, nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài và phụ nữ Việt Nam.

Hưởng ứng phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài trong chuỗi hoạt động Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh quy định 100% cán bộ Hội các cấp mặc áo dài truyền thống Việt Nam trong các ngày làm việc, học tập từ ngày 1 đến hết ngày 8-3. Đồng thời, thông qua trang fanpage Hội Liên hiệp phụ nữ Đồng Nai, Hội cũng tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ và những cá nhân phụ nữ yêu thích áo dài truyền thống mặc áo dài truyền thống trong những ngày làm việc. Để lan tỏa vẻ đẹp áo dài, Hội LHPN tỉnh cũng đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam bằng cách chụp hình dưới dạng tập thể hoặc cá nhân mặc áo dài, đăng lên trang facebook cá nhân có gắn Hashtag: #TuanleaodaiVietNam, #PhuNuDongNai…  Các ảnh đẹp sau khi đăng tải trên Fanpage Hội LHPN tỉnh đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ cũng như những bình luận tích cực của cộng đồng. Qua đó, giới thiệu và tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, mà điểm nhấn là phụ nữ Đồng Nai, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân.

Đối với phụ nữ Thư viện tỉnh Đồng Nai, áo dài là trang phục vừa toát lên vẻ đẹp nền nã dịu hiền vừa có nét hiện đại không kém phần trang trọng. Nó không chỉ thể hiện vẻ đẹp bên ngoài mà còn tô điểm nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ. Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Có một điều thú vị cho dù ở độ tuổi nào, vóc dáng nào, chiếc áo dài đều mang lại sự tự tin và niềm kiêu hãnh, nhất là trong các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế. Sự phong phú về chất liệu cũng như sự tinh tế, sắc sảo của các họa tiết được thể hiện trên áo khiến người mặc có nhiều sự lựa chọn phù hợp cho riêng mình. Thật vui, thật may mắn là nghề nghiệp của chị em chúng tôi hiện nay nhiều lúc cũng gắn với trang phục áo dài, đó là vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm trọng đại của quê hương, đất nước, ngày hội văn hóa đọc, liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách... Đặc biệt trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10 thì áo dài luôn là trang phục đầu tiên mà quý chị em phụ nữ chúng tôi lựa chọn. Với những vẻ đẹp tuyệt vời và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa ấy, áo dài – đã được chọn là quốc phục của đất nước, dân tộc Việt Nam. Đây cũng là chủ đề đã mang lại nhiều cảm hứng cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác văn học, nghệ thuật. Dù thời gian có đổi thay, nhiều loại hình trang phục ra đời, nhưng chắc chắn một điều rằng áo dài luôn là một trong những bộ sưu tập không thể thiếu của hầu hết chị em phụ nữ Việt Nam xưa và nay.

 

Tài liệu tham khảo:

1.      Lịch sử phát triển áo dài Việt Nam qua các thời kỳ. Nguồn http://hoilhpn.org.vn.

2.      Lịch sử áo dài Việt Nam. Nguồn https://toiyeu.com.vn/

 

Nguyễn Sen

 

 

 

 


Số lượt người xem: 24106 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày