Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Con Đường Huyền Thoại Thứ Năm, 17/11/2016, 09:55

Con đường mang tên Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài - Vị Giám đốc Việt Nam đầu tiên của bệnh viện Tâm Thần trung ương II

Bệnh viện Tâm Thần trung ương II - Nơi bác sĩ Nguyễn Văn Hoài đã gắn bó và cống hiến đến hơi thở cuối cùng, được Pháp thành lập từ năm 1915 với tên gọi ban đầu là trú xá của người Biên Hòa. Qua các thời kỳ lịch sử, bệnh viện được đổi thành nhiều tên gọi khác nhau như: Dưỡng trí viện Nam Kỳ (1937), Dưỡng trí đường Biên Hòa (1945), Dưỡng trí đường Trần Phú (1945), Dưỡng trí viện miền Nam Việt Nam tại Biên Hòa (1953), Dưỡng trí viện bác sĩ Nguyễn Văn Hoài (1955), Bệnh viện Tâm trí bác sĩ Nguyễn Văn Hoài (1971), Bệnh viện Tâm trí Biên Hòa (1975), Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (1980) và từ năm 2003 đến nay đổi tên thành Bệnh viện Tâm thần Trung ương II.

Từ khi thành lập đến nay, đã có rất nhiều bác sĩ điều hành bệnh viện như:  bác sĩ C. Pusat (1918 – 1921); bác sĩ Robert (1921 – 1922); bác sĩ Roussy (1922 – 1925); bác sĩ Augagneur (1925 – 1933); bác sĩ Lê Trung Lương (1955 - 1962); bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh (1962 - 1972); bác sĩ Tô Dương Hiệp (1972 - 1973); Phó giáo sư, bác sĩ Lý Anh Tuấn (1987 - 1988); Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ (1999 - 2010); … Nhưng có lẽ, người có đóng góp nhiều nhất cho sự hình thành và phát triển của Viện Dưỡng Trí Biên Hòa là bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, điều hành bệnh viện từ năm 1945 – 1955.

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần Nguyễn Văn Hoài sinh ngày 7-6-1898 tại Long Châu, tỉnh Vĩnh Long. Bác sĩ Hoài tốt nghiệp Cao đẳng Y khoa Hà Nội năm 1919. Bác sĩ đã công tác nhiều nơi như: Tây Ninh, Trảng Bàng, Tam Bình (Vĩnh Long), Long Xuyên và Chẩn y viện Sài Gòn.

Năm 1926, Bác sĩ Hoài sang Pháp học khoa tâm lý và triết lý tại Đại học đường Sorbonne. Năm 1929, bác sĩ về nước và tình nguyện làm việc tại “nhà thương điên” Biên Hòa, lúc đó gọi là Asile d' aliénés (Trú xá người điên) vì ít ai chịu đến làm việc ở nơi có bệnh nhân không bình thường này. Đây là một trong những trung tâm điều trị bệnh nhân tâm trí lớn nhất ở khu vực Đông Dương lúc bấy giờ (Lào và Campuchia chưa có). Chính vì vậy mà bác sĩ Hoài, người giám đốc cơ sở y tế này trong suốt 25 năm cũng đã làm cho người dân địa phương còn nhắc nhớ mãi đến ông.

Với chức vụ là y sĩ thường trú dưới quyền của các bác sĩ người Pháp, bác sĩ Hoài đã luôn tìm cách tiếp cận và nghiên cứu ra những phương pháp để điều trị bệnh nhân đạt hiệu quả bên cạnh thuốc men còn thiếu thốn và trình độ y khoa còn chưa được tiến bộ như hiện nay. Cho đến năm 1941, bác sĩ Hoài đã hợp tác với bác sĩ Dorolle sáng chế ra máy điện kinh (electrochoc) để chạy điện cho bệnh nhân và đưa bệnh viện Tâm thần Biên Hòa trở thành trung tâm thứ tư trên thế giới dùng máy điện kinh sau các nước: Nhật, Ý và Algiéria (An-giê-ri)

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Minh dành lại chính quyền, xây dựng miềm Bắc đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưỡng trí viện cũng không nằm ngoài sự quản lý của Pháp, Nhật, Việt Minh rồi lại Pháp. Năm 1945, để bảo vệ an ninh khu vực, các đồng chí lãnh đạo Biên Hòa đã yêu cầu sơ tán Dưỡng trí viện vào rừng cùng các chiến sĩ cách mạng. Lo lắng trước sự an nguy của các bệnh nhân tâm trí trước những thiếu thốn về thuốc men, điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần trong rừng sâu, đồng thời bác sĩ Hoài cũng sợ những bệnh nhân tâm trí mất tự chủ, đi lang thang trong rừng sẽ ảnh hưởng đến lối đánh du kích, vô tình cung cấp thông tin cho địch sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cách mạng. Nên bác sĩ Hoài đã thuyết phục các đồng chí lãnh đạo Biên Hòa đồng ý không di chuyển Dưỡng trí viện Biên Hòa nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người bệnh và cán bộ y bác sĩ làm việc trong đó.

Đến năm 1946, khi Pháp tái cầm quyền, Dưỡng trí viện gần như bị bỏ quên và người ta đã giảm phần ăn của bệnh nhân từ ba xuống hai bữa. Một lần nữa bác sĩ Hoài đã đấu tranh với “Chính phủ Trần Văn Hữu” một cách thành công với những lời lẽ đầy bác ái : “Họ là những người xấu số nhất, tâm trí đã rối loạn rồi, nay lại làm cho bao tử họ thiếu ăn để cho cơ thể họ suy mòn, ảnh hưởng đến tâm trí họ thì có khác gì giết phứt họ đâu! Xin cấp trên tìm cách tiết kiệm ở những nơi khác”. Bác sĩ Hoài luôn tìm cách để bênh vực cho nhân viên và người bệnh của ông trước những vụ bắt bớ, đòn roi, tra tấn của bọn tay sai bán nước để lấy thông tin về hoạt động cách mạng. Năm 1947, bác sĩ Nguyễn Văn Hoài chính thức được bổ nhiệm làm giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa, nhưng thật ra ông đã đảm nhiệm chức vụ khó khăn này từ tháng 3-1945, sau khi các bác sĩ người Pháp ra đi.

Cho đến năm 1955, sau hơn 25 năm phục vụ ở Dưỡng trí viện, bác sĩ Hoài đã biến nơi đây từ chỗ giam nhốt người điên (thời kỳ đầu) thành bệnh viện có chữa trị. Bác sĩ mở rộng xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo vườn hoa, cây cảnh, suối nước, hồ tắm, sửa sang đường lối đi lại, giữa vườn hoa đều có tượng gốm mỹ nghệ. Bác sĩ chủ trương “biến địa ngục nhốt người điên thành cõi thiên đường cho người đi dưỡng trí”. Quả thật, Dưỡng trí viện thời kỳ này rất khang trang sạch sẽ, đẹp đẽ đến nỗi một du khách ghi trong sổ vàng, trang 177 của bệnh viện như sau: “Cầm một mảnh giấy con, tôi không biết bỏ vào đâu”. Bác sĩ lập các khu nông trại để bệnh nhân nhẹ lao động nhằm tìm lại cám giác quen thuộc, mau hồi phục tâm trí và nhanh chóng tái hòa nhập với xã hội, đồng thời cải thiện đời sống sinh hoạt cho bệnh nhân khi không được chính quyền cai trị quan tâm.

Ngoài lĩnh vực y học, bác sĩ Hoài còn nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác như: văn hóa, xã hội, triết học, siêu hình, thần học, tâm lý học. Bác sĩ Hoài biết và thành thạo nhiều ngôn ngữ như: Hán, Pháp, La-tinh, Hy Lạp, Anh. Bác sĩ nghiên cứu và viết rất nhiều sách như: Lược khảo về vấn đề hòa bình viết năm 1950 ; Điên? Dưỡng Trí Viện? viết năm 1952 ; Từ bệnh tâm trí đến bệnh giết người ; Về sự tổ chức Dưỡng trí viện ; Adolf Hitler xét như một bệnh nhân tâm trí ; … Bác sĩ sống rất thanh bạch, ngay thẳng và giản dị như bài thơ “Phong hóa chữ I” của ông :

Chữ I ngay thẳng,

Chẳng vì ai,

Chẳng tùy ai,

Chẳng khuất ai,

Mãi mãi ta theo ánh sáng.

Vì quá mệt mỏi, năm 1948 bác sĩ Hoài xin từ chức nhưng đơn của ông không được chấp nhận. Theo dữ liệu trong cuốn sách “Biên Hòa - Đồng Nai: 300 năm hình thành và phát triển” của Lâm Hiếu Trung chủ biên viết: “ngày 28-5-1955, bác sĩ Nguyễn Văn Hoài đã qua đời vì bệnh tim, hưởng dương 57 tuổi”. Nhưng trong cuốn sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thế Đám lại viết: “5 giờ, ngày 28-5-1952, ông mất đột ngột vì bệnh tim, hưởng dương 54 tuổi”. Tuy dữ liệu lịch sử ghi chép lại ngày mất của bác sĩ Hoài khác nhau, song không gì có thể thay đổi được những hi sinh, cống hiến lớn lao của bác sĩ cho Dưỡng Trí Viện Biên Hòa. Tang lễ của bác sĩ được tổ chức và an táng tại Dưỡng trí viện Biên Hòa trong niềm tiếc thương khôn cùng của toàn thể nhân viên và bệnh nhân. Để ghi nhớ công lao của bác sĩ, chỉ gần hai tháng sau khi bác sĩ mất, ngày 11-7-1955 chính quyền sở tại đã lấy tên bác sĩ để đặt tên cho Dưỡng trí viện.

Với những cống hiến lớn lao ấy, ngày 15 tháng 7 năm 1952, bác sĩ Nguyễn Văn Hoài được tặng thưởng “Bảo quốc huân chương” vì những sự nghiệp mà ông đã làm.

Năm 1957, tên tuổi bác sĩ Hoài được nhà văn Lê Văn Siêu và họa sĩ Tú Duyên đưa vào bức tranh “Cây Văn hiến Việt Nam” cùng với nhiều danh nhân Việt Nam khác.

Năm 1991, tiểu sử của bác sĩ được giới thiệu trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” do Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thế biên soạn. Ngày 28/05 dương lịch hằng năm, ban giám đốc và nhân viên Dưỡng trí viện đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày Bác sĩ Hoài viên tịch trong vòng thân mật của giới y tế, nhưng đượm lòng nhớ tiếc người xưa.

Với vốn kiến thức bác học uyên thâm và tinh thần nhân đạo hết lòng vì người bệnh của bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, bác sĩ thật xứng đáng được tôn là bậc tài danh của đất Biên Hòa, nơi gia đình bác sĩ đã sống, nơi bác sĩ suốt đời cống hiến và đã đón bác sĩ trở về với lòng đất. Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa tự hào đã được mang tên bác sĩ Nguyễn Văn Hoài.

Trước những cống hiến lớn lao của bác sĩ Nguyễn Văn Hoài với sự nghiệp điều trị những bệnh nhân bị bệnh tâm trí, Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa – Đồng Nai vinh dự lấy tên bác sĩ đặt cho đoạn đường quốc lộ một từ đường Nguyễn Ái Quốc (gần bệnh viện Tâm thần Trung ương II) chạy ôm phía sau của bệnh viện Tâm thần Trung ương II.

Đường Nguyễn Văn Hoài dài 440m, rộng 10.5m, lộ giới 20.5m.

Khi tuyến đường Nguyễn Văn Hoài đi vào sử dụng đã giúp cho người dân phường Trảng Dài đi vào hướng thành phố Biên Hòa thuận tiện hơn, tránh ùn ứ cục bộ tại nút giao thông Ngã tư Tân Phong.

Đào Thanh

 

Tài liệu tham khảo

1. Biên Hòa sử lược toàn biên /  Lương Văn Lựu. - Biên Hòa : [Knxb.] , 1972; 21 cm. Quyển 2 :  Biên Hùng oai dũng. -  1972 -  318 tr. : ảnh, minh họa.

2. Kỷ Yếu Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II, 95 năm hình thành và phát triển ( 1915 – 2010)

3. Biên Hoà - Đồng Nai: 300 năm hình thành và phát triển / Lâm Hiếu Trung chủ biên ; Trần Quang Toại, Trần Toản. - In lần thứ 2, có sửa chữa và bổ sung. - Đồng Nai : Nxb. Đồng Nai , 1998,  531 tr. : 08 ảnh màu ; 23 cm.

4. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam / Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Bá Thế ; Huỳnh Lứa đọc duyệt, hiệu chỉnh. - H. : Khoa học xã hội , 1991, 1094 tr. : 15 tờ ảnh ; 21 cm.

 

Hình ảnh về đường Nguyễn Văn Hoài:

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1974 Bản inQuay lại

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày